Trung Quốc dọa đáp trả nếu Mỹ đưa tên lửa tầm trung tới Nhật
Trung Quốc tuyên bố sẽ “không ngồi yên” nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ Nhật và các đồng minh ở châu Á.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó sẽ là hành động khiêu khích ngay trước cửa Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ngô Quân nói tại họp báo hôm qua ở Bắc Kinh. “Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên và sẽ thực hiện mọi biện pháp đáp trả cần thiết”.
Tuyên bố được ông Ngô đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Mỹ đang xem xét triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) hồi tháng 8 năm ngoái. Hiệp ước này được ký giữa Nga và Mỹ, cấm hai nước phát triển, triển khai các tên lửa có tầm bắn 500-5.500 km, vốn được coi là vũ khí rất nguy hiểm vì thời gian bay ngắn, dẫn đến khó bị phát hiện và ứng phó, cũng như khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân..
Chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi INF và đàm phán một hiệp ước mới bao gồm Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tham gia. Hồi tháng 8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố ông “mong muốn” triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á. Hai tuần sau, Mỹ phóng thử tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 500 km ở California.
“Trung Quốc hy vọng Nhật Bản và các nước khác có thể cân nhắc đến hòa bình và ổn định khu vực, hành động thận trọng và nói không với Mỹ, nước muốn triển khai các tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của họ, để họ không trở thành nạn nhân mưu đồ địa chính trị của Mỹ trong khu vực”, Ngô Quân nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hối thúc Nhật duy trì chính sách chỉ thiên về phòng thủ như quy định trong hiến pháp của nước này.
Video đang HOT
“Vì các yếu tố lịch sử, xu hướng an ninh quân sự của Nhật luôn nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng châu Á của họ. Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản nghiêm túc rút ra bài học lịch sử”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói, thêm rằng Tokyo nên “tiếp tục đi theo con đường phát triển hòa bình với các hành động cụ thể”.
Mỹ thử nghiệm tên lửa tầm trung trên đảo San Nicolas, bang California tháng 8/2019. Ảnh: AFP.
Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh bất đồng trên nhiều mặt trận, gồm thương mại, công nghệ và quân sự. Quan chức cấp cao Mỹ – Trung đã gặp nhau ở Hawaii tuần trước nhưng không đạt đồng thuận nào.
Lian Degui, chuyên gia các vấn đề Nhật Bản tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết Bắc Kinh sẽ không chấp nhận việc các vũ khí như tên lửa tầm trung xuất hiện gần lãnh thổ của mình.
“Điều này rõ ràng nhắm vào Trung Quốc và có thể được coi là động thái Mỹ chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự trong tương lai. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ sụp đổ nếu những tên lửa như vậy được triển khai trên đất Nhật”, ông nói.
Bên cạnh việc bố trí lá chắn tên lửa đối phó, Trung Quốc cũng có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nhật Bản. Năm 2017, Trung Quốc áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc và tẩy chay tất cả các chuyến du lịch tới nước láng giềng sau khi Seoul đồng ý để Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ.
Trung Quốc tăng đầu đạn hạt nhân
Trung Quốc trang bị thêm 30 đầu đạn hạt nhân các loại, là một trong 6 quốc gia mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong năm 2019.
Ngoài Trung Quốc, 5 quốc gia tăng cường kho vũ khí hạt nhân trong năm ngoái là Ấn Độ, Anh, Pakistan, Israel và Triều Tiên, với số đầu đạn hạt nhân mới dưới 20, theo báo cáo công bố ngày 15/6 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI).
"Trung Quốc đang trong tiến trình hiện đại hóa và mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình. Ấn Độ và Pakistan được cho là đang tăng quy mô kho vũ khí hạt nhân của họ", báo cáo của SIPRI cho biết.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 trong duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc, tháng 10/2019. Ảnh: Reuters.
Mặc dù 6 quốc gia trên tăng số lượng đầu đạn hạt nhân, tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới đang tiếp tục giảm. Nguyên nhân là Mỹ và Nga, hai quốc gia sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới, giảm số lượng chủ yếu thông qua tháo dỡ đầu đạn hết niên hạn.
"Cả Mỹ và Nga đều đang triển khai các chương trình lớn và đắt đỏ để thay thế hoặc hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân, tên lửa, hệ thống máy bay chuyên chở cùng cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân của họ", theo báo cáo của SIPRI.
Mỹ đang sở hữu 1.750 đầu đạn hạt nhân được đặt trên tên lửa hay tại các căn cứ có lực lượng vận hành và 4.050 đầu đạn được niêm cất hoặc chờ tháo dỡ. Nga triển khai 1.570 đầu đạn, niêm cất hoặc chờ tháo dỡ 4.805 đầu đạn khác.
SIPRI cho biết 9 quốc gia gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên đang sở hữu khoảng 13.400 đơn vị vũ khí hạt nhân, trong đó 3.720 được triển khai với lực lượng vận hành, khoảng 1.800 đơn vị khác được đặt trong tình trạng báo động cao.
Báo cáo cũng cho biết ngoài vũ khí hạt nhân, các mối đe dọa mới như vũ khí hóa học và sinh học tiếp tục tăng, khiến thế giới trở nên bất ổn hơn trước. SIPRI cũng cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ trang trong không gian.
Mỹ từ năm 2017 nhiều lần tuyên bố không gian vũ trụ sẽ là khu vực tác chiến hoặc vùng tấn công và phòng thủ trong các chiến dịch quân sự. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định thành lập quân chủng vũ trụ, trong khi Pháp, Ấn Độ và Nhật cũng thành lập các đơn vị có chức năng tương tự.
Tiết lộ năng lực vũ khí hạt nhân Trung Quốc năm 2020 Các cường quốc trên thế giới tiếp tục hiện đại hóa vũ khí, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Ấn Độ đều mở rộng kho vũ khí hạt nhân, theo báo cáo mới nhất công bố ngày 15.6. Trung Quốc hiện có 320 đầu đạn hạt nhân, theo thống kê của SIPRI năm 2020. Trong thống kê năm 2020, Viện Nghiên...