Trung Quốc điều tra thêm người nhà Lệnh Kế Hoạch
Thêm một người nhà của cựu chánh văn phòng trung ương đảng Trung Quốc, Lệnh Kế Hoạch, bị đem đi thẩm vấn, trong khi chiến dịch điều tra tham nhũng đang ngày càng tập trung vào cựu phụ tá thân cận của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
La Phương Hoa (trái) em dâu Lệnh Kế Hoạch (phải). Ảnh: Shanghai Daily/ Reuters
La Phương Hoa, một nhà sản xuất 46 tuổi tại đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, bị bắt giữ vào cuối tháng trước, ThePaper.cn trích dẫn một số người tại nơi làm việc của bà, cho biết.
Bà La là vợ của Cốc Nguyên Húc, em trai Cốc Lệ Bình, vợ ông Lệnh Kế Hoạch, cựu chánh văn phòng trung ương đảng dưới thời ông Hồ Cẩm Đào.
Hiện chưa rõ lý do bà La bị bắt giữ, nhưng vụ việc này xảy ra sau khi ông Lệnh bị điều tra vì “nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”, cơ quan chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc tháng trước công bố. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã tham khảo ý kiến và nhận được sự ủng hộ từ cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào trước khi tiến hành điều tra ông Lệnh.
Bà La và chồng đều làm việc cho cùng một chương trình truyền hình tại CCTV vào những năm 1990. Năm 2000, bà chuyển sang kênh kinh doanh của đài và nhanh chóng được thăng chức.
“Mọi người đều biết bà ấy có quan hệ với gia đình ông Lệnh, vì vậy họ để bà ấy làm điều mình thích”, ThePaper.cn trích dẫn một cựu đồng nghiệp giấu tên, nói.
Video đang HOT
Cốc Nguyên Húc sau đó được thăng chức lên Phó cảnh sát trưởng Hắc Long Giang năm 2010. Lần cuối ông xuất hiện trước công chúng là tại một cuộc họp ở Thẩm Dương, Liêu Ninh về hợp tác cảnh sát ở các tỉnh đông bắc ngày 5/12. Tờ Caixin hôm 29/12 đưa tin ông này bị dẫn đi thẩm vấn vì cáo buộc tham nhũng.
Cốc Nguyên Húc, em vợ Lệnh Kế Hoạch. Ảnh: Caixin
Ông Lệnh đã thăng tiến nhanh chóng vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cho đến năm 2012, khi con trai ông thiệt mạng trong một vụ tai nạn siêu xe ở Bắc Kinh. Ông Lệnh được cho là cố gắng che đậy vụ tai nạn này và sau đó bị giáng chức. Sự nghiệp của bà La do đó cũng bị ảnh hưởng. Bà không còn tham gia vào công tác kinh doanh cốt lõi của kênh, thay vào đó bà được giao phụ trách dựng chương trình.
Kể từ năm ngoái, ít nhất 8 người làm việc cho kênh kinh doanh của CCTV đã bị bắt giữ, trong đó có hai cựu cấp trên của bà La và người dẫn chương trình nổi tiếng Nhuế Thành Cương. Truyền thông hôm 16/1 tiết lộ hai cán bộ khác có liên quan đến ông Lệnh cũng bị điều tra, trong đó có quan chức tình báo hàng đầu – Mã Kiến.
Giới chức Trung Quốc đang tăng cường điều tra tham nhũng với gia đình ông Lệnh Kế Hoạch. Hồi tháng 8, các nhà điều tra bắt giữ ông Lệnh Chính Sách, người anh cả của ông Lệnh Kế Hoạch. Ông này bị cách chức Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Tây. Sau đó, ông Vương Kiện Khang, anh rể của ông Lệnh Kế Hoạch và là phó Chủ tịch thành phố Vận Thành ở tỉnh Sơn Tây, cũng bị bắt giữ.
South China Morning Post ngày 3/12 cho biết ông Lệnh Hoàn Thành, em trai út trong số 5 người anh em của ông Lệnh Kế Hoạch cũng đang bị điều tra trong một vụ việc có liên quan đến người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ nhà đầu tư tại Cơ quan Giám sát Chứng khoán Trung Quốc (CSRC).
Phương Vũ
Theo VNE
Quan tham sụp đổ và chuẩn mực mới nền chính trị Trung Quốc
Sự sụp đổ của Lệnh Kế Hoạch - người từng là trợ lý thân cận của cựu Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào - cho thấy một chuẩn mực mới trong nền chính trị TQ: Đó là không ai có thể an toàn.
Phân tích của giáo sư Bo Zhiyue, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chính trị TQ.
Lệnh Kế Hoạch - người từng là trợ lý thân cận của cựu Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào - đang bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng (ảnh: dailymailnews)
Chỉ 7 ngày trước khi bị điều tra tham nhũng, vào ngày 15/12, Lệnh Kế Hoạch với vị trí Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân (Chính hiệp) và Trưởng ban công tác mặt trận của Ủy ban TƯ đảng Cộng sản TQ, còn viết bài đăng trên báo đảng Cầu Thị, khẳng định sự trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong bài viết khoảng 4.231 từ, Lệnh đề cập tới tên ông Tập 19 lần. Theo chuẩn mực cũ của chính trường TQ, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, Lệnh - trợ tá của ông Hồ Cẩm Đào trong 13 năm - đã chuyển hướng và sẵn sàng "bãi đáp yên ả" bất chấp nhiều bê bối tham nhũng liên quan tới các thành viên gia đình mình.
Và tới ngày 22/12, cơ quan điều tra TQ tuyên bố điều tra Lệnh với cáo buộc nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Chuẩn mực cũ trong chính trường TQ đó là: một chính khách sẽ được coi là an toàn nếu người này xuất hiện trong một cuộc họp chính trị, xuất bản bài viết trên một tờ báo chính thống lớn hoặc hiện diện cùng với lãnh đạo tối cao. Tuy nhiên, chuẩn mực này không còn tồn tại dưới thời ông Tập Cận Bình.
Từ Tài Hậu - cựu phó chủ tịch quân ủy TQ và là thành viên Bộ Chính trị đã từng xuất hiện cùng với ông Tập Cận Bình trong một cuộc họp chính trị ngày 20/1/2014. Nhưng chưa đầy hai tháng sau đó, ngày 15/3, Từ đã bị điều tra vì các cáo buộc tham nhũng. Ba tháng sau đó, ngày 30/6, ông này bị khai trừ khỏi đảng và bị chuyển cho cơ quan tư pháp.
Chu Vĩnh Khang - cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Công an phụ trách bộ máy an ninh và các tổ chức thực thi luật pháp tại TQ, đã thăm trường trung học Tô Châu ngày 29/4/2013 và Đại học Dầu khí TQ ngày 1/10 cùng năm. Chưa đầy hai tháng sau, ông bị điều tra. Giờ đây, Lệnh Kế Hoạch cũng trong cảnh ngộ tương tự.
Chuẩn mực mới trong nền chính trị TQ không theo nguyên tắc nào, bất luận người nào đến từ đâu, hay cá nhân muốn "chuyển hướng" ra sao. Chuẩn mực mới ấy là không ai miễn trừ khỏi hình phạt.
Chuẩn mực mới này là điều tốt cho ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn - người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của TQ - với danh tiếng là những người đấu tranh không khoan nhượng với vấn nạn. Nhưng nó cũng có thể gây phản ứng ngược, khi trong một môi trường chính trị không có ai được an toàn.
Tác giả: giáo sư Bo Zhiyue, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chính trị TQ, người sẽ được bổ nhiệm (tháng 1/2015) làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu TQ tại New Zealand và giáo Khoa học Chính trị Đại học Victoria của Wellington.
Theo Thái An (theo Diplomat)
Vietnamnet
Phó Chủ tịch Trung Quốc có thể là mục tiêu chống tham nhũng kế tiếp Cùng với việc Thị trưởng Nam Kinh Lý Kiến Nghiệp và Bí thư Thị ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch lần lượt bị "ngã ngựa", "bang Giang Tô" (các quan chức đi lên từ tỉnh Giang Tô) đang là chủ đề được nhắc đến rộng rãi ở Trung Quốc. Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều. (Ảnh: AFP) Trên blog của Tân...