Trung Quốc điều máy bay và tàu theo dõi máy bay tuần tra Mỹ
Mỹ điều máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon bay qua eo biển Đài Loan, khiến Trung Quốc điều máy bay, tàu theo dõi và lên tiếng phản ứng.
Một máy bay P-8A Poseidon tiến đến máy bay tiếp liệu KC-135 trên Thái Bình Dương. ẢNH: KHÔNG QUÂN MỸ
Quân đội Trung Quốc ngày 26.11 cho biết đã điều lực lượng trên biển và trên không theo dõi, cảnh báo một máy bay tuần tra của Hải quân Mỹ bay qua eo biển Đài Loan, đồng thời cáo buộc Washington tìm cách khiến cộng đồng quốc tế “hiểu lầm”.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết một máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon đã bay qua eo biển trên “trong không phận quốc tế”, đồng thời nói thêm rằng chuyến bay này chứng minh cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
“Bằng cách hoạt động trong eo biển Đài Loan theo luật pháp quốc tế, Mỹ bảo vệ quyền và tự do hàng hải của tất cả các quốc gia”, theo Reuters dẫn thông cáo của Hạm đội 7.
3 tàu sân bay Mỹ đến châu Á lúc ông Trump chuẩn bị nhậm chức
Quân đội Trung Quốc chỉ trích chuyến bay là “thổi phồng dư luận”, đồng thời nói thêm rằng họ đã theo dõi máy bay Mỹ trong suốt quá trình bay qua eo biển và đã phản ứng “hiệu quả” với tình hình đó.
“Những phát biểu có liên quan của Mỹ bóp méo các nguyên tắc pháp lý, gây nhầm lẫn cho dư luận và gây hiểu lầm các nhận thức quốc tế, Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ ngừng bóp méo và thổi phồng, cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc cho biết trong một thông cáo.
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho hay chiếc máy bay P-8A bay qua eo biển Đài Loan theo hướng bắc và cơ quan này đã theo dõi, nhận thấy “tình hình vẫn bình thường”.
Hồi tháng 4, quân đội Trung Quốc cho biết đã điều các tiêm kích theo dõi và cảnh báo một máy bay tuần tra của Hải quân Mỹ ở eo biển Đài Loan, diễn ra chỉ vài giờ sau một cuộc điện đàm giữa các quan chức quốc phòng Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc tăng cường sức mạnh tác chiến tàu sân bay
Không chỉ theo đuổi kế hoạch bổ sung số lượng tàu, quân đội Trung Quốc cũng đang ra sức tăng cường năng lực tác chiến tàu sân bay.
Hôm (24.11), tờ South China Morning Post dẫn báo cáo cho rằng Trung Quốc đã xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nguyên mẫu cho tàu sân bay tiếp theo.
Tăng cường số lượng
Theo đó, nỗ lực trên nhằm thúc đẩy tham vọng dài hạn là triển khai sức mạnh hải quân xa bờ biển của Bắc Kinh. Một số thông tin liên quan kế hoạch phát triển dài hạn của Trung Quốc cho thấy nước này đặt ra mục tiêu có 6 tàu sân bay vào năm 2035.
Cuối tháng 10, Trung Quốc lần đầu triển khai 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông tập trận cùng ở Biển Đông. ẢNH: CHINAMIL
Hiện nay, Trung Quốc đã có 3 tàu sân bay là Liêu Ninh, Sơn Đông và Phúc Kiến. Trong đó, tàu Liêu Ninh và tàu Sơn Đông đã vận hành nhưng hệ thống phóng máy bay vẫn còn phụ thuộc vào thiết kế mũi chếch lên. Còn tàu Phúc Kiến thì hiện đại hơn với bộ phóng máy bay bằng điện từ. Tuy nhiên, cả 3 chiếc tàu này đều sử dụng nhiên liệu thông thường.
Trong khi đó, các tàu sân bay chạy bằng lò phản ứng hạt nhân không cần tiếp nhiên liệu thường xuyên, nên có tầm hoạt động lớn hơn nhiều và cũng cho phép chúng mang theo nhiều nhiên liệu và vũ khí hơn cho máy bay trên tàu. Thậm chí, với động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu sân bay có thể di chuyển vòng quanh thế giới mà không cần tiếp nhiên liệu.
Nâng cao chất lượng
Song hành việc bổ sung thêm tàu sân bay, Trung Quốc được cho là sắp triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-35 để vận hành trên tàu sân bay. Tờ South China Morning Post vừa qua dẫn lời một kỹ sư cấp cao của Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ khổng lồ Trung Quốc (AVIC), tiết lộ "cả máy bay J-15 và J-35 sẽ được triển khai trên tàu sân bay".
Thời gian qua, Trung Quốc đã triển khai J-15 cho tàu sân bay. Tuy nhiên, dòng máy bay này khá nặng, có trọng lượng cất cánh lớn so với nhiều loạt chiến đấu cơ dùng cho tàu sân bay khác như F/A-18 (Mỹ), Mig-29 (Ấn Độ)... Điều này đồng nghĩa với việc J-15 không thể mang nhiều vũ khí khi xuất kích từ tàu sân bay, dẫn đến năng lực tác chiến giảm đi. Chính vì thế, nếu được trang bị J-35 thì năng lực tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc có thể được tăng cường.
Mới đây, hồi cuối tháng 10, Trung Quốc lần đầu tiên triển khai cùng lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông tập trận ở Biển Đông. Nhận xét về diễn biến này khi trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: "Trung Quốc muốn chứng minh vị thế áp đảo trong khu vực thông qua ưu thế tuyệt đối về hải quân. Họ hy vọng rằng thông qua màn phô diễn tài sản hải quân thì có thể ngăn cản các lực lượng bên ngoài tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông".
Cũng trả lời Thanh Niên, một cựu đại tá hải quân Mỹ, từng nắm giữ vai trò quan trọng ở Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, đánh giá việc điều 2 tàu sân bay tập trận cùng lúc nhằm tăng cường năng lực tác chiến. Cụ thể, vị đại tá nêu: "Việc vận hành cùng lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay gần nhau sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc vận hành 1 nhóm tác chiến tàu sân bay".
Đó là vì mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay đều bao gồm nhiều tàu chiến, bao gồm cả việc hộ tống cho tàu sân bay. Hai nhóm tàu phải giữ khoảng cách đủ gần để kịp thời hỗ trợ nhau nhưng điều này sẽ đặt ra một số vấn đề cần giải quyết như: tránh các hệ thống cảm biến và vũ khí gây nhiễu lẫn nhau trong nhóm hoặc có nguy cơ "tự gây nhiễu" hoặc tệ hơn nếu xảy ra giao tranh là sẽ tấn công nhầm lẫn nhau. Điều này cũng đòi hỏi tăng cường năng lực hậu cần gần như gấp đôi.
Vì thế, vị chuyên gia trên đánh giá cuộc tập trận với sự tham gia cùng lúc 2 tàu sân bay là nỗ lực của Trung Quốc nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến đến mức thành thạo trước khi chính thức hoạt động tàu Phúc Kiến dự kiến vào năm 2026. Khi đó, Bắc Kinh không chỉ gia tăng số lượng tàu mà còn thực sự nâng cao năng lực tác chiến tàu sân bay.
Phát triển súng AK-47 cho máy bay không người lái
Cùng ngày 24.11, tờ South China Morning Post đưa tin giới khoa học Trung Quốc đang phát triển một khẩu súng trường tự động dựa trên nền tảng khẩu AK-47. Loại súng này cũng sử dụng đạn cỡ nòng 7,62 mm, tốc độ viên đạn đạt 740 - 900 m/giây. Tuy nhiên, ưu điểm nổi bật hơn cả là súng không có hiện tượng bị giật khi bắn nên sẽ được dùng để trang bị cho máy bay không người lái.
Nga bán được tiêm kích "bóng ma bầu trời" Su-57 đầu tiên cho nước ngoài Nga thông báo đã tìm được khách hàng nước ngoài đầu tiên mua tiêm kích hiện đại nhất của nước này, Su-57, nhưng không tiết lộ cụ thể bên mua. Một máy bay chiến đấu Su-57 của Nga (Ảnh: Sputnik). Máy bay tàng hình Su-57 Felon của Nga đã tìm được khách hàng nước ngoài đầu tiên, theo nhà xuất khẩu vũ khí...