Trung Quốc điều động xe tăng khi căng thẳng liên Triều gia tăng
Hành động đưa lực lượng quân sự tới khu vực biên giới với Triều Tiên được coi là thông điệp Bắc Kinh muốn gửi tới Bình Nhưỡng khi căng thẳng liên Triều gia tăng.
Xe diệt tăng PTZ-89 xuất hiện trên đường phố Diên Cát. Ảnh:Weibo.com/chaoxinanzuren
Từ hôm thứ bảy tuần trước, trên mạng xã hội Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện những bức ảnh chụp các đoàn xe tăng và xe quân sự di chuyển trên các tuyến phố ở thành phố Diên Cát, thủ phủ khu tự trị Diên Biên thuộc tỉnh Cát Lâm giáp biên giới với Triều Tiên.
Trong khi Hàn Quốc và Triều Tiên bước vào vòng đàm phán căng thẳng để đạt thỏa thuận hạ nhiệt tình thế nguy hiểm giữa hai nước vào hôm qua, Trung Quốc cũng đã có những động thái quân sự rõ rệt nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trên bán đảo Triều Tiên, tờ Diplomat có trụ sở ở Nhật Bản ngày 26/8 cho hay.
Theo NK News, trang chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, đây là một “đơn vị xe cơ giới quân sự có quy mô ít nhất tương đương với một lữ đoàn”, bao gồm những chiếc xe diệt tăng PTZ-89 (Type 89), pháo phòng không tự hành PGZ-95 (Type 95 SPAAA) và pháo tự hành 155 mm.
Chuyên gia Kim Min-seok, thuộc Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, cho hay đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc điều động các đơn vị quân sự có quy mô lớn như thế này áp sát biên giới Triều Tiên.
“Trong vụ Triều Tiên pháo kích vào đảo tiền tiêu Yeopyeong của Hàn Quốc vào năm 2010 và sau vụ thanh trừng ông Jang Song-thaek vào năm 2013, Trung Quốc đều nhanh chóng đưa các đơn vị quân đội tới khu vực này để ngăn chặn bất cứ sự cố bất ngờ nào từ phía biên giới với Triều Tiên”, ông Kim Min-seok nói.
Cũng theo chuyên gia về an ninh quốc phòng này, các đơn vị xe cơ giới quân sự được sử dụng vào một mục đích, đó là “nhanh chóng giải quyết tình huống căng thẳng bằng cách hành quân về phía Triều Tiên nếu cần thiết”.
Pháo tự hành 155 mm được chở bằng tàu hỏa tới thành phố Diên Cát. Ảnh: Weibo
Video đang HOT
Ông Kim cho rằng những phương tiện quân sự trong các đơn vị cơ giới trên có khả năng cơ động cao, hỏa lực lớn và trọng lượng nhẹ hơn so với các đơn vị cơ giới quân sự phổ biến trên thế giới. Xe diệt tăng PTZ-89 không được coi là một loại xe tăng hạng nặng, xét theo phương diện trang bị quân sự. Với lớp giáp mỏng để tăng khả năng cơ động, chúng chỉ được xếp ngang hàng với các xe tăng hạng nhẹ, nhưng lại được trang bị hỏa lực mạnh tương đương với xe tăng hạng nặng.
Chuyên gia này cho rằng thông điệp của Trung Quốc phát đi trong động thái điều quân trên rất đơn giản: Những đơn vị cơ giới này sẽ tập trung vào việc tiến vào Triều Tiên càng nhanh càng tốt để áp đảo mọi đối thủ bằng hỏa lực tối đa mà những chiếc xe tăng và pháo tự hành này được trang bị. “Ngoài ra, những xe cơ giới hạng nhẹ này sẽ phù hợp với điều kiện đường sá tồi ở Triều Tiên”, ông Kim nói.
Ông Kim cho hay quân đội Trung Quốc đã nhiều lần diễn tập vượt sông Áp Lục nằm trên biên giới hai nước, đồng nghĩa với việc các binh sĩ Trung Quốc sẽ không gặp quá nhiều khó khăn khi vượt sông tiến vào Triều Tiên nếu hành động này là cần thiết.
Trong khi đó, ông Cha Du-hyeon, cựu thư ký về thông tin khủng hoảng của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thì cho rằng hành động trên của Trung Quốc là một lời đáp trả đối với thông điệp mà Triều Tiên đã phát đi trước đó.
“Hôm thứ sáu tuần trước, Triều Tiên công khai tuyên bố rằng không nước nào trên thế giới có thể ngăn chặn Triều Tiên leo thang tình hình, và thông điệp này được cho là hướng trực tiếp đến Trung Quốc để ngăn chặn khả năng Bắc Kinh có động thái can thiệp”, Cha nhận định.
Ông Cha cho rằng việc điều quân trên chỉ là một động thái phô diễn sức mạnh. “Động thái này không hề nhằm tăng cường khả năng phòng thủ biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, bởi việc phòng thủ biên giới hiện nay do cảnh sát vũ trang đảm nhiệm, trong khi những đơn vị trên không hề có chức năng bảo vệ biên giới, cũng không thuộc cảnh sát vũ trang”.
Theo ông Cha, Trung Quốc sẽ không đưa các đơn vị này tiến vào lãnh thổ Triều Tiên ngay cả khi tình hình leo thang, bởi hành động này chỉ càng làm gia tăng căng thẳng trên thế giới. “Mỹ và Trung Quốc đều không muốn thấy Triều Tiên trở thành tâm điểm của một biến cố thế giới. Bởi vậy thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới Triều Tiên lần này là: &’Chúng tôi có thể ngăn chặn các anh, nếu cần thiết’”.
Mối quan hệ Trung – Hàn
Hình ảnh được cho là chụp một khẩu pháo phòng không tự hành PGZ-95 tại Diên Cát. Ảnh: Weibo
Tờ Diplomat chỉ ra một điểm đáng chú ý là những bức ảnh về đoàn xe cơ giới Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội vào sáng thứ bảy tuần trước, ngay trước khi Triều Tiên và Hàn Quốc bước vào cuộc đàm phán cấp cao nhằm tháo gỡ khủng hoảng. Dường như Bắc Kinh muốn dồn xe tăng, pháo tự hành áp sát biên giới Triều Tiên để tạo thêm động lực cho cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi.
Theo bình luận viên Shannon Tiezzi , nếu Trung Quốc thực sự đưa quân tới biên giới để ép Triều Tiên phải tham gia đàm phán nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng, Hàn Quốc sẽ hài lòng. Mới đây, Hàn Quốc tuyên bố Tổng thống Park Geun-hye sẽ tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á vào này 3/9 tới đây, bất chấp những tin đồn rằng Mỹ đã gây sức ép buộc bà Park phải từ chối lời mời của Bắc Kinh.
Truyền thông Hàn Quốc nhận định rằng Tổng thống Park đưa ra quyết định trên với hy vọng Bắc Kinh sẽ có động thái can thiệp nhằm thúc đẩy Triều Tiên hạ nhiệt căng thẳng. Tuyên bố về việc bà Park tham dự lễ duyệt binh được đưa ra vào hôm thứ năm tuần trước, ngay sau khi Hàn-Triều đấu pháo qua biên giới.
Đến ngày 21/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lần đầu tiên lên tiếng về những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên khi tuyên bố Bắc Kinh “phản đối bất kỳ hành động leo thang căng thẳng nào”, đồng thời hối thúc “các bên giữ bình tĩnh và kiềm chế”.
Nhưng cũng trong ngày hôm đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân đội nước này “sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất”. Đáp lại, Hàn Quốc cũng đặt trong quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, và lực lượng Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc cũng được đặt trong “trạng thái tăng cường”. Diplomat cho rằng việc các xe tăng, pháo tự hành Trung Quốc xuất hiện ở khu vực biên giới Triều Tiên chỉ một ngày sau đó là một “lời đáp” đối với mệnh lệnh của ông Kim.
Sớm qua, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận quan trọng, khi Bình Nhưỡng bày tỏ sự “hối tiếc” về vụ nổ mìn khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương, trong khi Seoul cũng đồng ý ngừng chương trình phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên ở khu vực biên giới. Chính phủ Trung Quốc đã hoan nghênh thỏa thuận này.
Trí Dũng
Theo VNE
Tương quan lực lượng quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc
Tuy có quân số hùng hậu hơn, vũ khí của Triều Tiên lại lạc hậu hơn nhiều so với thiết bị tân tiến của Hàn Quốc. Vì vậy, Bình Nhưỡng tập trung phát triển vũ khí hạt nhân để xóa đi khoảng cách công nghệ này.
Tương quan lực lượng hai miền bán đảo Triều Tiên, theo số liệu từ Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS). Đồ họa: Telegraph
Lực lượng vũ trang của Triều Tiên có quân số và số lượng pháo vượt xa Hàn Quốc. Ở các phương diện này, về mặt lý thuyết, Bình Nhưỡng có lợi thế gấp đôi Seoul.
Tuy nhiên, quân số hùng hậu mang vũ khí hạng nhẹ không đồng nghĩa với việc Triều Tiên có ưu thế chiến đấu hơn Hàn Quốc. Lực lượng vũ trang của Triều Tiên có thể đồ sộ, nhưng vũ khí và trang thiết bị của họ lại phần lớn cũ kỹ.
Trên giấy tờ, không quân Triều Tiên sở hữu 563 máy bay có khả năng chiến đấu. Trong thực tế, những chiếc máy bay này từng phải ngừng hoạt động trong một thời gian vào năm 2014, do vấn đề trong việc bảo trì và sửa chữa. "Triều Tiên vẫn còn phụ thuộc vào những thiết bị lỗi thời", Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, có trụ sở tại Anh, đánh giá.
Trong vài thập kỷ qua, đã có giả thuyết rằng một cuộc chiến giữa hai miền rồi sẽ nổ ra bởi một cuộc tấn công phủ đầu của Bình Nhưỡng. Triều Tiên sẽ sử dụng kho tên lửa lớn của mình, đặc biệt là biến thể tên lửa Scud của Liên Xô để tấn công các thành phố của Hàn Quốc. Quân đội Triều Tiên có 21.000 khẩu pháo, phần nhiều trong số đó được cho là nhắm vào thủ đô Hàn Quốc, Seoul.
Ngược lại, lực lượng vũ trang tuy có quy mô nhỏ hơn của Hàn Quốc lại có những vũ khí tối tân do Mỹ cung cấp, trong đó có hơn 2.000 xe tăng, hàng trăm chiến đấu cơ F5, F15, F16 và máy bay ném bom. Ngoài ra còn một nhân tố đặc biệt: Hàn Quốc là nhà của 28.500 lính Mỹ đồn trú.
Sự mất cân bằng này giải thích lý do vì sao Triều Tiên lại nỗ lực xây dựng một kho vũ khí hạt nhân lớn. Nước này cho rằng chỉ bằng cách sở hữu vũ khí uy lực nhất thì Triều Tiên mới có lợi thế so với Hàn Quốc.
Trong thập kỷ qua, Triều Tiên đã phát triển từ việc triển khai một số ít bom nguyên tử thô cho đến sở hữu một kho vũ khí dồi dào, ước đoán đến 20 đầu đạn hạt nhân có thể được nạp vào tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Đô đốc Bill Gortney thuộc Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) cho rằng Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, có khả năng đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa KN-08. Hạn chế của KN-08 là chúng chỉ có thể nhắm mục tiêu vào các thành phố lớn và di chuyển trên đường nhựa. Ngoài ra, hệ thống này cần khoảng một đến hai giờ để tiếp nhiên liệu trước khi bắn.
Triều Tiên đang cố gắng làm chủ khả năng phóng tên lửa hạt nhân từ tàu ngầm. Nếu được giấu trên tàu ngầm tàu, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng sẽ tránh bị tấn công phủ đầu.
Triều Tiên vừa tuyên bố sẵn sàng chiến tranh toàn diện với Hàn Quốc và Seoul cũng khẳng định sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Bình Nhưỡng tấn công. Tuy nhiên, một số nhà phân tích, trong đó có Daniel Pinkston, thuộc công ty tư vấn về khủng hoảng quốc tế, cho rằng sự hiện diện lớn của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, đặc biệt là trong dịp hai nước này đang tiến hành tập trận trung, có thể giảm nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột tại bán đảo Triều Tiên.
Phương Vũ
Theo Telegraph
Quan chức Triều Tiên: Hàn Quốc cần chấm dứt 'dựng chuyện' về Triều Tiên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so cho rằng cuộc khủng hoảng quân sự vừa kết thúc trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn đã dạy cho Hàn Quốc một bài học quan trọng rằng đừng tạo ra những câu chuyện vô căn cứ về Triều Tiên, theo Yonhap. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều...