Trung Quốc điều chiến đấu cơ ra Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam
Bấp chấp mọi sự phản đối và lo ngại sâu sắc, Trung Quốc lại có thêm bước leo thang nguy hiểm khi điều phi đội 16 chiếc máy bay chiến đấu hiện đại J-11 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Việc điều 16 máy bay tiêm kích hiện đại J-11 tới đảo Phú Lâm – thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là bước leo thang quân sự hóa đặc biệt nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông
Chỉ một ngày sau khi hãng Fox News đưa tin Trung Quốc điều 2 máy bay chiến đấu Thẩm Dương (Shenyang) J-11 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13-4 chỉ rõ: Có tổng cộng 16 chiếc máy bay chiến đấu loại này đã bay ra hòn đảo Phú Lâm đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép này. Đây được xem là đợt triển khai máy bay chiến đấu lớn nhất, rầm rộ nhất từ trước đến nay của Trung Quốc đến đảo Phú Lâm.
Sau khi chiếm đóng trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng phi pháp đường băng quân sự trên hòn đảo những năm 1990. Đến năm 2014, Trung Quốc âm thầm mở rộng đường băng này để có thể tiếp nhận nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau với số lượng lớn.
Video đang HOT
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã hai lần triển khai máy bay tiêm kích Thẩm Dương J-11, loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư do nước này tự chế tạo từ nguyên mẫu nổi tiếng Sukhoi 27 của Nga, vào các tháng 11-2015 và tháng 2-2016. Song nếu trong hai đợt trước, Trung Quốc chỉ điều mỗi đợt 2 máy bay chiến đấu thì đợt mới nhất này có tới 16 máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Bắc Kinh đã rầm rộ triển khai tới đảo Phú Lâm.
Bởi thế, việc Trung Quốc đồng loạt triển khai 16 chiếc máy bay chiến đấu Shenyang J-11 được xem là chưa từng thấy và “chưa từng có tiền lệ”. Hành động quân sự bất thường này chứng tỏ Trung Quốc đang ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự trên đảo Phú Lâm nói riêng cũng như trên các đảo mà nước này xâm chiếm bằng vũ lực ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nói chung.
Các quốc gia khu vực và trên thế giới đã bóc trần và phản ứng gay gắt trước toan tính quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc khi liên tiếp có những hành động leo thang căng thẳng, từ bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo đến triển khai tên lửa phòng không, radar phòng không… Một quan chức Mỹ cho rằng, việc Bắc Kinh triển khai ồ ạt máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm hoàn toàn đi ngược lại với cam kết “không quân sự hóa Biển Đông” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Mỹ tháng 9-2015.
Việc Trung Quốc “nói một đằng, làm một nẻo” để thực hiện bằng được toan tính quân sự hóa Biển Đông nhằm lấy đó bàn đạp sức mạnh độc chiếm Biển Đông đã khiến các nước khu vực cũng như cường quốc thế giới có lợi ích gắn liền với vùng biển chiến lược trọng yếu này không thể ngồi yên.
Trong khi Mỹ tiến hành tuần tra trên Biển Đông, ký thỏa thuận với Philippines về việc triển khai quân tới 5 căn cứ quân sự tại nước này, các quốc gia khu vực cũng đều đã tăng cường đầu tư và củng cố năng lực quốc phòng, mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại.
Hòa bình, an ninh và ổn định khu vực sẽ ra sao nếu Trung Quốc cứ liên tiếp châm ngòi cho hết căng thẳng này tới chạy đua khác trên Biển Đông? Rõ ràng, tham vọng chủ quyền, lãnh thổ trên Biển Đông của Bắc Kinh đang gây ra những hiểm nguy khôn lường cho cả khu vực và thế giới.
Theo_An ninh thủ đô
Bóc trần cam kết "không quân sự hóa Biển Đông" của ông Tập Cận Bình
Cam kết "không quân sự hoá Biển Đông" do ông Tập Cận Bình đưa ra không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không triển khai quân đội hay khí tài tại đây, chuyên gia Greg Austin nhận định.
Tờ "The Diplomat" ngày 23.3 đăng bài viết của Greg Austin, chuyên gia tại Viện Đông Tây ở New York (Mỹ), cho rằng cần phải hiểu đúng về cam kết không quân sự hoá Biển Đông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
The tạp chí đối ngoại này, trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 9.2015, ông Tập Cận Bình đã công khai cam kết Trung Quốc sẽ bảo vệ an ninh hàng hải qua Biển Đông và không quân sự hoá quần đảo Trường Sa. Tác giả Greg Austin cho rằng, ông Tập Cận Bình rõ ràng đã nói không quân sự hóa quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), chứ không phải là quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam ) và không phải là toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ sau đó cho biết họ thấy ý đồ quân sự trong việc Trung Quốc xây đường băng, lập radar tại đây.
Việc Trung Quốc triển khai máy bay và tên lửa phòng không tại đảo Phú Lâm của Việt Nam đã khiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và nhiều quan chức khác bày tỏ quan ngại về việc giữ lời hứa của ông Tập Cận Bình. Do đó, theo tác giả Greg Austin, cần nghiên cứu rõ quan điểm của Tập Cận Bình về việc này.
Trung Quốc đã xây trái phép đường băng trên đá Chữ Thập của Việt Nam.
Theo ông Greg Austin, trong tiếng Anh, định nghĩa của từ "quân sự hoá - militarize" bao gồm các hành động triển khai lực lượng (kể cả chỉ ở quy mô nhỏ) để phục vụ chiến tranh hoặc xung đột quân sự. Hiểu theo định nghĩa này thì quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị quân sự hoá từ lâu bởi các bên liên quan cũng như không liên quan. Năm 1939, Nhật Bản đã sử dụng đảo Trường Sa như một căn cứ hậu cần hải quân. Năm 1946, Đài Loan đã đưa tàu chiến tới giành lại quyền kiểm soát các đảo này. Từ năm 1971, Philippines vẫn thường xuyên đưa lực lượng vũ trang tới các đảo đang chiếm giữ. Năm 1988, Trung Quốc dùng quân đội tấn công quân đội Việt Nam đang đồn trú ở đây.
Và như vậy, cam kết không quân sự hoá Biển Đông do ông Tập Cận Bình đưa ra không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không triển khai quân đội hay khí tài tại đây. Có thể theo ý của ông Tập, lời hứa này chỉ có nghĩa là Trung Quốc sẽ kiềm chế, không sử dụng vũ lực chống lại các bên liên quan, trừ khi bị khiêu khích. Với cách hiểu như vậy, lời cam kết của ông Tập thực ra chỉ càng khiến cho tình hình tại Biển Đông thêm phức tạp.
Và điều này, rõ ràng Mỹ đã nhìn thấu. Nhiều quan chức cấp cao của Washington từng cho rằng, yêu sách đường 9 đoạn mà Bắc Kinh đưa ra là không có cơ sở, thậm chí phi lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Washington nhìn thấy rõ Bắc Kinh từng bước quân sự hóa trên Biển Đông với tốc độ ngày càng nghiêm trọng, nên ra sức kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay những hành động làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải trên vùng biển này. Mới đây nhất hồi tháng 2 vừa qua, Mỹ tiếp tục kêu gọi ông Tập Cận Bình mở rộng lời cam kết không quân sự hoá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, ra toàn bộ Biển Đông.
Ông Dan Kritenbrink, cố vấn hàng đầu về châu Á của Tổng thống Barack Obama cho rằng nếu ông Tập Cận Bình mở rộng lời cam kết phi quân sự hoá ra toàn bộ Biển Đông thì đó sẽ là một điều tốt. Ông Dan Kritenbrink cũng nói: "Chúng tôi sẽ hối thúc Trung Quốc và các nước khác trong khu vực kiềm chế những bước đi làm gia tăng căng thẳng".
Theo Danviet
'Biển Đông không dễ xảy ra xung đột quân sự nhưng tiềm tàng nguy cơ' Đó là nhận định của ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội trước câu hỏi của PV về "nguy cơ xung đột quân sự ở Biển Đông nào trong thời gian tới?". Trước câu hỏi của PV đề cập câu hỏi "nguy cơ xung đột quân sự ở Biển Đông lớn tới mức nào...