Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ
Trung Quốc đang thúc đẩy chiến dịch tham vọng nhằm tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho 160 triệu trẻ em nước này vào cuối năm nay, trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu.
Đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng độ bao phủ vaccine, sớm tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Trẻ em được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo dữ liệu mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, 84 triệu trẻ em từ 3-11 tuổi, tương đương 50% số trẻ em trong độ tuổi được phép tiêm chủng, đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trong vòng 2 tuần kể từ khi chiến dịch bắt đầu vào cuối tháng 10. Những cơ sở tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Trung Quốc được trang trí bắt mắt với những hình dán hoa màu đỏ, bóng bay và đồ chơi, nhằm khích lệ trẻ em tham gia tiêm chủng.
Giới chức Trung Quốc đang nhân đôi nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm phòng này khi chỉ chưa đầy 3 tháng nữa sẽ diễn ra Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Khi đã tiêm phòng đầy đủ cho 1,1 tỷ người trưởng thành trên tổng số khoảng 1,4 tỷ dân thì việc tiêm phòng cho trẻ em được coi là một phần quan trọng của chiến lược tiêm chủng nhằm đạt miễn dịch cộng đồng tại nước này.
Video đang HOT
Nhận định về mục tiêu trên, bác sĩ Huang Yanzhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall ở New Jersey, Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang hy vọng việc gia tăng tỷ lệ tiêm phòng sẽ giúp quốc gia này thêm tự tin để tiếp tục mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ông Huang cũng thận trọng lưu ý mục tiêu miễn dịch cộng đồng của Bắc Kinh có thể sẽ gặp trở ngại, một phần do hiệu quả của vaccine phát triển trong nước chưa cao.
Trung Quốc đã phê duyệt sử dụng 2 loại vaccine bất hoạt của Sinopharm và Sinovac cho nhóm trẻ từ 3-11 tuổi. Nhiều nước trên thế giới như Campuchia, Chile, Argentina, El Salvador, hay Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm cho trẻ dưới 12 tuổi, sau kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được công bố trên tạp chí The Lancet chứng minh vaccine này an toàn đối với trẻ em tham gia thử nghiệm từ 3-17 tuổi.
Miễn dịch cộng đồng là mục tiêu mà Trung Quốc đang tiếp tục kiên trì theo đuổi bất chấp những thách thức từ sự xuất hiện của nhiều biến thể virus SARS-CoV-2 mới nguy hiểm hơn và có độ lây lan nhanh hơn như Delta và mới đây nhất là Omicron. Hiện Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan vượt ngưỡng 2 triệu ca
Số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan kể từ đầu dịch đến nay đã vượt ngưỡng 2 triệu ca, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này sắp đạt được mục tiêu tiêm 100 triệu liều vaccine trước kế hoạch đề ra.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Thái Lan sáng 12/11 cho biết nước này ghi nhận thêm 7.305 ca mắc mới và 51 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay lên 2.004.274 ca, trong đó có 1.888.536 người đã hoàn toàn bình phục và 19.934 người không qua khỏi.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Thanakorn Wangboonkongchana cho biết Thái Lan sẽ đạt mục tiêu tiêm 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 11, sớm hơn một tháng so với kế hoạch. Một số tỉnh, bao gồm cả thủ đô Bangkok, đã tiêm chủng cho hơn 80% cư dân.
Tính đến ngày 11/11, Thái Lan đã tiêm được 82.217.981 liều vaccine, trong đó có 44.777.147 liều là mũi đầu tiên và 35.758.836 liều là mũi thứ hai. Ngoài ra, 2.678.171 liều vaccine được dùng để tiêm mũi thứ ba và 3.827 liều cho mũi thứ tư. Hơn 86% trong số 3.866.840 học sinh đăng ký tiêm vaccine đã được tiêm mũi đầu tiên, trong khi khoảng 11% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Dự kiến, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) trong ngày 12/11 sẽ đề xuất nới lỏng những hạn chế như thay thế xét nghiệm RT-PCR bằng các phương pháp sàng lọc khác đối với khách du lịch đã được tiêm chủng theo chương trình "Xét nghiệm và Lên đường" (Test & Go), đồng thời nới lỏng các quy tắc tiếp xúc gần có nguy cơ cao (HRC) buộc những hành khách trên máy bay đã ngồi gần bệnh nhân COVID-19 phải trải qua cách ly.
Ngoài ra, CCSA cũng sẽ thảo luận về đề xuất do Bộ Lao động đệ trình nhằm thu hút thêm lao động nhập cư để giảm bớt tình trạng thiếu lao động của đất nước trong bối cảnh khu vực tư nhân đang kêu gọi chính phủ đẩy nhanh việc cho phép lao động nhập cư đã được tiêm chủng đầy đủ nhập cảnh theo Bản ghi nhớ (MoU) sẽ ký với các nước láng giềng.
Một nghiên cứu do Cục Việc làm thực hiện vào tháng 5 cho thấy các doanh nghiệp Thái Lan cần 256.029 lao động từ Myanmar, 130.138 lao động từ Campuchia và 38.536 lao động từ Lào. Hầu hết các công việc cần lao động nhập cư là trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, khách sạn và may mặc.
* Ngày 12/11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 98 ca COVID-19 mới, trong đó 79 ca lây nhiễm cộng đồng, trong ngày 11/11. Trong số các ca lây nhiễm cộng đồng, tỉnh Liêu Ninh chiếm nhiều nhất với 52 ca, Hà Nam - 12 ca, Bắc Kinh - 6 ca, Hắc Long Giang - 5 ca, Hà Bắc - 2 ca, các tỉnh Giang Tây và Vân Nam mỗi nơi có 1 ca. Không có ca tử vong vì COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong 24 giờ qua. Tính đến hết ngày 11/11, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 98.099 ca nhiễm, trong đó 4.636 ca tử vong.
Do ổ dịch tại thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh ngày càng lan rộng (với toàn bộ 52 ca nhiễm cộng đồng mới nói trên là ở Đại Liên), thành phố cảng miền Đông Bắc Trung Quốc này đã phải hạn chế hoạt động đi nước ngoài, tạm ngừng học trực tiếp tại các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học, đóng cửa một số địa điểm văn hóa, đồng thời tiến hành xét nghiệm quy mô lớn toàn thành phố lần thứ 2. Cuối tuần trước, thành phố Đại Liên đã kêu gọi người dân không ra khỏi nhà trừ khi có việc thực sự cần thiết.
* Cùng ngày 12/11, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) Hàn Quốc cho biết nước này có thêm 2.368 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 390.719 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc tăng ở mức trên 2.300 ca. Theo KDCA, Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 3.051 ca. Tỷ lệ tử vong hiện ở mức 0,78%.
Bên cạnh việc số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tiếp tục gia tăng, giới chức y tế nước này còn quan ngại về số ca nguy kịch cũng tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. KDCA cho biết số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch ghi nhận ngày 12/11 đã tăng lên 475 ca.
Tính đến ngày 12/11, Hàn Quốc đã tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 cho 41,82 triệu người, tương đương 81,4 % dân số nước này, trong đó 39,84 triệu người (77,6%) đã tiêm đủ 2 liều. Hàn Quốc dự kiến sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số vào giữa tháng 12 tới.
Trung Quốc thử nghiệm vaccine mRNA để tiêm trộn liều thứ ba Bộ Khoa học và Công Nghệ Trung Quốc ngày 12/11 phê duyệt kế hoạch thử nghiệm vaccine công nghệ mRNA sản xuất nội địa để tiêm liều ba cho người đã tiêm hai mũi vaccine công nghệ khác. Vaccine tên là ARCoVax, do Học viện Khoa học Quân y, Công ty Suzhou Abogen và Viện Công nghệ Sinh học Walvax phát triển. Các...