Trung Quốc ‘đau đầu’ hồi hương công dân
Tuần trước, 47 công dân Trung Quốc bị bắt khi cố tiếp cận văn phòng Thủ tướng Nepal để nhờ hỗ trợ hồi hương trong cơn tuyệt vọng.
Phát ngôn viên cảnh sát Nepal cho biết 4 người thuộc nhóm công dân Trung Quốc bị buộc tội cư xử thiếu văn minh. Do số chuyến bay đến Trung Quốc sụt giảm mạnh, nhiều công dân nước này bị mắc kẹt khắp thế giới. Họ không có cách nào để về nhà, hoặc phải tranh giành số vé máy bay ít ỏi với chính các đồng hương.
Sự bất lực thúc đẩy nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài tới tấp gọi điện đến đường dây nóng của đại sứ quán, đăng những thông điệp phẫn nộ lên mạng xã hội và tổ chức các cuộc biểu tình ở nước sở tại, với hy vọng Bắc Kinh sẽ can thiệp để giải quyết tình huống.
Cảnh sát Nepal bắt một công dân Trung Quốc khi cô biểu tình đòi hỗ trợ hồi hương gần văn phòng Thủ tướng ở Kathmandu hôm 8/5. Ảnh: Reuters.
Vài năm gần đây, khả năng bảo vệ công dân ở nước ngoài của Trung Quốc trở thành đề tài cho những sản phẩm giải trí, như hai bộ phim bom tấn “Chiến lang 2″ và “Điệp vụ Biển Đỏ”, với kịch bản liên quan đến việc quân đội Trung Quốc giải cứu công dân khỏi tình huống nguy hiểm ở nước ngoài.
“Đời không giống như phim”, Jack Li, sinh viên Trung Quốc đang học tại Los Angeles, Mỹ, cho hay. Anh đã trả 10.000 USD cho một người phe vé để nhờ mua hộ vé máy bay về nước sau nhiều tuần không thể tự mua. “Tôi không nói nên lời và nhiều người khác cũng vậy”, Li bày tỏ.
Làm thế nào để hồi hương công dân mắc kẹt ở nước ngoài, giữa lúc thế giới tê liệt vì Covid-19, là câu hỏi hóc búa với bất cứ chính phủ nào. Tuy nhiên, thách thức này đặc biệt nặng nề với Trung Quốc, do công dân của họ sang các quốc gia khác ngày càng nhiều.
Kể từ năm 2011, sau khi hứng chỉ trích nặng nề vì quá chậm chạp trong việc bảo vệ các công ty và người lao động Trung Quốc mắc kẹt trong nội chiến Libya, Bắc Kinh đã cố gắng xây dựng hình ảnh tốt trong nhiệm vụ bảo hộ công dân ở nước ngoài.
Khi bão Maria tàn phá quốc đảo Dominica thuộc vùng Caribe hồi năm 2017, hãng thông tấn nhà nước Xinhua đã hết lời ca ngợi cuộc sơ tán hơn 150 công dân Trung Quốc khỏi khu vực thảm họa. “Trước một thảm họa, tổ quốc sẽ không bỏ bất cứ đồng bào nào phía sau!”, tờ báo viết. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Hồi cuối tháng 3, trong bối cảnh nCoV bắt đầu lây lan toàn cầu, Bắc Kinh áp lệnh hạn chế di chuyển, cắt giảm các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc xuống chỉ còn hơn 100 chuyến/tuần. Tại cuộc họp báo vào ngày công bố quyết định, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi công dân ở nước ngoài lưu lại quốc gia sở tại, nhằm tránh lây nhiễm chéo hoặc mắc kẹt ở nước thứ ba do các quy định hạn chế đi lại.
Động thái này được cho là giúp giảm nguy cơ “nhập khẩu virus”, tránh gây bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhưng lại làm tăng rủi ro về chính trị bởi sự tức giận của công dân Trung Quốc ở nước ngoài. Gần như ngay sau khi quyết định này được công bố, nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài đã phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
“Trong lúc trẻ em đang chen chúc để được lên tàu, làm thế nào tổ quốc có thể rút ván đi chứ?”, một tài khoản viết trên WeChat và được chia sẻ rộng rãi, trước khi bài đăng bị xóa.
Video đang HOT
“Nói một cách khách quan, những công dân ở nước ngoài đang cố gắng trở về nhà đối mặt với rất nhiều khó khăn”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng các cơ quan đại diện ngoại giao nước này đã cung cấp khẩu trang cho công dân ở nước ngoài, cũng như những thông tin thay đổi về chuyến bay, đồng thời hỗ trợ họ gia hạn visa.
Tuyên bố còn viết rằng khác với một số quốc gia cắt hết mọi tuyến đường, chính phủ và các hãng hàng không Trung Quốc vẫn nỗ lực vượt khó “nhằm xây dựng thêm những hành lang trên không, giúp công dân Trung Quốc hồi hương”.
Chưa có thống kê về số công dân Trung Quốc đang mắc kẹt bên ngoài lãnh thổ, nhưng dữ liệu trước đó cho thấy con số này khá lớn. Tại cuộc họp báo tháng trước, một quan chức Bộ Giáo dục cho biết hơn 85% trong số 1,6 triệu du học sinh Trung Quốc vẫn ở nước ngoài tính đến ngày 2/4. Thêm vào đó là 744.000 người lao động theo hợp đồng ở nước ngoài tính đến cuối tháng 3, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Trong cơn tuyệt vọng, những công dân mắc kẹt đã gây áp lực lên các đại sứ quán và lãnh sự quán. Đại sứ Trung Quốc tại Nga từng bị chỉ trích kịch liệt sau khi nói những người Trung Quốc tìm đường hồi hương “không có đạo đức tối thiểu”, trong bối cảnh công dân trở về từ Nga được xác định là nguyên nhân khiến số ca nhiễm nCoV tại tỉnh Hắc Long Giang ở phía đông bắc Trung Quốc gia tăng trở lại.
Trạm kiểm soát tại biên giới với Nga ở thành phố Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, hôm 1/5. Ảnh: AFP.
Giới chức tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cũng nhận được hàng loạt câu hỏi và bị chỉ trích xử lý yếu kém khi tiến hành cuộc gọi video trực tuyến với khoảng 500 công dân Trung Quốc mắc kẹt cuối tháng trước. Tuy nhiên, giới chức kêu gọi họ đóng góp cho đất nước bằng cách ở lại.
“Nếu không nghe được câu nói đó, có lẽ tôi vẫn nuôi hy vọng”, một người tham gia cuộc gọi cho hay. Vài tuần sau, lãnh sự quán Trung Quốc ở Dubai cuối cùng cũng sắp xếp một chuyến bay đến Thượng Hải cho hơn 200 công dân vào ngày 2/5.
Các quan chức Trung Quốc ở Nepal cũng từng sắp xếp hai chuyến bay để đưa tổng cộng 346 công dân về nước hôm 7/5. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bị bỏ lại phía sau. Cuộc biểu tình dẫn đến vụ bắt 47 người ở Kathmandu tuần trước do những công dân Trung Quốc không thể hồi hương hôm 7/5 tiến hành.
Trong bài đăng trên WeChat hồi cuối tháng 4, đại sứ quán Trung Quốc ở Abu Dhabi, UAE, cho biết những chuyến bay hồi hương ưu tiên dành cho trẻ em, người già, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.
Một người từng tham gia cuộc gọi video trực tuyến của lãnh sự quán Trung Quốc ở Dubai cho biết cô đã mắc kẹt hai tháng sau khi đến UAE bằng visa du lịch, nói thêm rằng cô đã 6 lần bị hủy vé máy bay về nhà. Do không thể đi làm, cô chỉ ăn hai bữa mỗi ngày để tiết kiệm tiền.
“Tôi không thể trụ lâu hơn nữa. Tôi cảm thấy mình không còn là một công dân Trung Quốc đang tồn tại”, người phụ nữ giấu tên cho hay.
Lao động Trung Quốc ở Nga 'ngồi trên đống lửa' Covid-19
500 lao động Trung Quốc ở thành phố Khabarovsk, vùng Viễn Đông, quyết định tự khoá trái trong phòng trọ khi Covid-19 tiếp tục lan rộng ở Nga.
"Tất nhiên, chúng tôi rất muốn về nước", ông Liu Haijun, 50 tuổi, quê ở thành phố Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, nói qua điện thoại từ toà nhà được gọi là Nhà nghỉ Tianyu. "Nhưng biên giới đã đóng và các chuyến bay đã huỷ, có thông tin nhiều người bị nhiễm trên đường trở về và vì doanh nghiệp của tôi ở đây nên chúng tôi phải ở lại Nga và tự bảo vệ mình".
Tình hình Covid-19 tại Nga ngày càng xấu đi, khiến khoảng 150.000 công dân Trung Quốc phải lựa chọn giữa việc cố thủ hay tìm đường quay về nước, nơi dịch bệnh gần như đã trong tầm kiểm soát.
Hàng nghìn người quyết định trở về, trong đó có 2.443 người ở Tuy Phân Hà, mang theo một làn sóng lây nhiễm buộc chính quyền phải đóng cửa biên giới với Nga và phong toả thành phố. Hôm 16/4, gần như các cửa hàng đã đóng cửa.
Các lao động đứng chờ người thuê làm việc ở thành phố Tuy Phân Hà hôm 14/4. Ảnh: Reuters
Liu cho hay hầu hết người Trung Quốc ở Nga đều hiểu rõ dịch bệnh đã tàn phá thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát Covid-19, như thế nào.
"Nhưng hầu hết người Nga không biết điều đó. Họ vẫn ra ngoài không đeo khẩu trang, hôn nhau, chào hỏi. Nếu ai đó có virus, nhiều người chắc chắn cũng sẽ bị nhiễm theo", ông Liu, người điều hành một cơ sở kinh doanh hàng may mặc ở Nga 23 năm nay, nói.
Tổng thống Vladimir Putin đề nghị người Nga làm việc ở nhà từ hôm 1/4 và nhiều địa phương khắp cả nước đã áp lệnh phong toả. Người dân được yêu cầu giữ khoảng cách và các cửa hàng thực phẩm áp dụng quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Nhiều người Nga đeo khẩu trang, dù các hiệu thuốc cho biết họ đã hết hàng.
Hôm 17/4, Nga ghi nhận mức tăng kỷ lục hơn 4.000 ca nhiễm nCoV mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tại nước này lên hơn 32.000 ca. Giới chức cảnh báo Moskva vẫn còn 2-3 tuần nữa mới tới đỉnh dịch.
Nga hứng nhiều chỉ trích từ Trung Quốc về cách ứng phó với Covid-19. Tờ Global Times gần đây đăng bài viết cho rằng Nga đã không nỗ lực hết sức để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
"Chúng tôi không đồng tình với ý kiến chỉ trích này", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 15/4.
Trung Quốc đã ban lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh và đang cố gắng ngăn chặn các ca nhiễm ngoại nhập từ những người trở về từ ngoại quốc. Giới chức Thượng Hải tuần này cho biết 60 người trên một chuyến bay của hãng Aeroflot từ Moskva nhiễm nCoV.
Khi chủ nhà nghỉ người Trung Quốc ở Khabarovsk đề xuất trên một nhóm chat rằng mọi người nên tự cách ly, gần như tất cả đều đồng tình, ông Liu kể.
"Chủ nhà nghỉ khoá cổng điện tử. Nếu anh vào thì không ra được. Nếu anh rời đi, anh cũng không thể quay lại. Chúng tôi không muốn bất kỳ ai mang virus vào đây", Liu nói.
Biện pháp "nội bất xuất, ngoại bất nhập" này tương tự Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân. Những người sống trong nhà nghỉ của ông Liu chỉ được mua nhu yếu phẩm tại một cửa hàng nhỏ ngay tại chỗ. Những thứ khác chủ nhà nghỉ sẽ nhận đặt hàng và đưa tới cổng.
Dù không bị chủ nhà ép buộc, họ vẫn tuân thủ các hướng dẫn y tế từ phía Trung Quốc như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đi trong bãi đỗ xe. Liu cho hay các nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc tại Khabarovsk gần đây đã tới thu thập thông tin cá nhân và đề nghị họ liên lạc nếu cần hỗ trợ. Trong khi đó, giới chức địa phương không liên lạc gì.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch để xét nghiệm nCoV ở thành phố Tuy Phân Hà hôm 16/4. Ảnh: Reuters
Wang Jingwen, 33 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch ở thành phố St Petersburg hai năm nay, quyết định rời đi vì công việc quá ế ẩm và không tự tin rằng hệ thống y tế Nga có thể ứng phó khi dịch bùng nổ.
Cuối tháng ba, cô bay từ St Petersburg đến Novosibirsk, sau đó đến Vladivostok, tại đây cùng những người Trung Quốc khác đi xe khách 3 tiếng về Tuy Phân Hà.
"Công việc của tôi thường xuyên đi lại, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thực sự vui sướng khi nhìn thấy dòng chữ 'Hải quan Trung Quốc' ", Wang kể.
Tại chốt kiểm tra Tuy Phân Hà, cô khai báo lịch trình di chuyển, tình trạng sức khoẻ và được lấy mẫu dịch ở cổ họng. Cô được cách ly 14 ngày trong một khách sạn và đo thân nhiệt hàng ngày. Sau hai lần xét nghiệm âm tính, Wang được cho về nhà ở thành phố Thành Đô.
Ông Liu cũng muốn được về nhà.
"Bố mẹ tôi già ốm. Nếu có ai sẵn sàng mua số hàng trong kho của tôi với chỉ nửa giá, tôi sẽ bán trong một tích tắc để về nhà", ông nói.
Anh Ngọc
Du học sinh lây nCoV cho hơn 70 người Nữ sinh 22 tuổi trở về từ Mỹ nhiễm nCoV không triệu chứng và lây cho hơn 70 người, khiến thành phố Cáp Nhĩ Tân đóng cửa một phần. Nữ sinh họ Han từ New York, Mỹ, trở về quê nhà ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc hôm 19/3 và được yêu cầu cách ly...