Trung Quốc đang vươn vòi bạch tuộc khắp Biển Đông
Việc đưa 2 tàu chiến biên chế cùng một ngày (28/11) tại 2 vùng biển đang có những tranh chấp lãnh thổ với láng giềng của hải quân Trung Quốc thực sự khiến các nước trong khu vực đặc biệt quan ngại.
Sáng 28/11, Trung Quốc điều 2 tàu hộ vệ tên lửa Type 056 kiểu mới là Triều Châu 595 (cho hạm đội Nam Hải) và Chu Châu 594 (cho hạm đội Đông Hải) để tăng cường khả năng “thị uy” tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Giới chuyên môn cũng quan tâm tới việc ông Chu Hú Minh được cử thay thế ông Viên Dự Bách làm Phó tư lệnh Hạm đội Bắc Hải.
Thiếu tướng Viên Dự Bách được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, sau khi người tiền nhiệm Khâu Diên Bằng được cử làm Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc. Trước đó, Phó chính ủy Hạm đội Bắc Hải Lệ Giang Đàm được điều làm Phó chính ủy Hạm đội Đông Hải, còn Phó chủ nhiệm chính trị Hạm đội Đông Hải, Thiếu tướng Lý Hoa được cử làm Phó chính ủy Hạm đội Bắc Hải.
Tàu hộ vệ tên lửa Chu Châu số hiệu 594, biên chế cho hạm đội Đông Hải.
Ngoại giao nước lớn
Video đang HOT
Ngày 2/12, tờ SydneyMorning Herald cho rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập ngoại giao nước lớn bởi theo ông Tập Cận Bình, đã đến thời điểm Trung Quốc không còn phải giấu mình và cần xây dựng “chính sách ngoại giao nước lớn với đặc thù của Trung Hoa”. Theo tờ SydneyMorning Herald, tuyên bố kể trên được ông Tập Cận Bình đưa ra tại hội nghị Trung ương về vấn đề đối ngoại với sự tham dự của 6 Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị. Đây là lần đầu tiên sau 8 năm (2006-2014), vấn đề đối ngoại lại được người đứng đầu Trung Quốc đề cập tại hội nghị Trung ương.
Trong 2 ngày 28 và 29/11, hội nghị công tác đối ngoại Trung ương đã diễn ra tại Bắc Kinh và theo Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình, Trung Quốc phải kiên quyết giữ gìn chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển, giữ gìn sự thống nhất đất nước, xử lý ổn thỏa vấn đề tranh chấp lãnh thổ biển đảo… Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc cần có nền ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Hoa, và Bắc Kinh kiên trì giải quyết những bất đồng và tranh chấp bằng phương thức hòa bình, thông qua đàm phán đối thoại, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Tàu hộ vệ tên lửa Triều Châu số hiệu 595, biên chế cho hạm đội Nam Hải.
Ngày 1/12, tờ South China Morning Post dẫn lời Chủ tịch nước Tập Cận Bình – Trung Quốc sẽ xây dựng một mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu mới trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều kêu gọi Bắc Kinh phát triển hệ thống đồng minh từ trong nước. Theo hãng Reuters, tuyên bố của ông Tập Cận Bình là dấu hiệu mới nhất cho thấy, Trung Quốc đang áp dụng chính sách ngoại giao hòa giải hơn và giải quyết những mối lo ngại cho rằng sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh có thể kéo theo hành động quân sự và ngoại giao cứng rắn hơn.
Theo học giả Geoffrey Barker, giáo sư thỉnh giảng của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc Đại học quốc gia Australia, người ta không sẵn lòng đối chiếu những tuyên bố dễ nghe của ông Tập Cận Bình với những hành động thực tế của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Học giả Geoffrey Barker cũng cho rằng, mức tăng chi phí quốc phòng hai con số/năm trong 20 năm qua khó lòng chứng minh một quốc gia quyết tâm giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp.
Vẫn l uôn hai mặt
Ngày 3/12, hãng Kyodo đưa tin, ngày 2/12, Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris, người được đề cử làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, thay thế người tiền nhiệm Samuel Locklear, đã cảnh báo về sự trỗi dậy “đầy ấn tượng” của quân đội Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông Harry Harris, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và không nắm rõ cách thức sử dụng năng lực đang lớn mạnh, cùng những hành động gây hấn của Bắc Kinh “là thách thức lớn nhất đối với Mỹ về lâu dài”.
Cũng trong ngày 2/12, khi phát biểu tại cuộc họp của Cơ quan quốc gia nghiên cứu châu Á (NBAR) ở Washington, ông Evan Medeiros, quan chức cấp cao Nhà Trắng phụ trách chính sách châu Á đã bác bỏ chỉ trích của Trung Quốc về nỗ lực của Mỹ trong việc hiện đại hóa và củng cố liên minh, đồng thời nhấn mạnh, nếu Washington không có đối tác và đồng minh, châu Á sẽ rơi vào hỗn loạn. Trung Quốc luôn coi chính sách “xoay trục” của Mỹ là nỗ lực nhằm ngăn cản sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Trước đó (24/11), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke từng hối thúc Trung Quốc minh bạch hóa các hoạt động tại Biển Đông, đồng thời khẳng định, việc xây dựng quy mô lớn tại Biển Đông có thể “làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng”.
Theo giới truyền thông, trong lúc Mỹ bận đối phó với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, Trung Quốc đã điều khu trục hạm Type 052C trang bị tên lửa hành trình và tàu hộ vệ tên lửa Type 054A thuộc hạm đội Đông Hải tới thành phố Bandar Abbas thuộc vùng vịnh Persian để tham dự cuộc tập trận lần đầu tiên với Iran. Giới quân sự coi đây là động thái nhằm vượt qua sự phong tỏa đường biển của Mỹ, bởi nếu xảy ra xung đột. Trung Quốc muốn eo biển chiến lược Hormuz không nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ hoặc phương Tây bởi có tới 40% tổng lượng dầu lửa thương mại thế giới đi qua khu vực này. Đài tiếng nói nước Nga vừa dẫn nhận định của Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov cho rằng, chiến tranh Trung-Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. Theo ông Alexei Pushkov, Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu mang tính độc lập, nhưng ít để ý tới thái độ của Mỹ, do đó đối đầu chính trị là điều khó tránh khỏi.
Theo tờ Le Monde, mặc dù Trung Quốc đang chứng minh khả năng kinh tế vượt trội ngày càng mạnh trên thế giới, nhưng do cách hành xử hai mặt đã khiến Bắc Kinh không tương xứng với vị thế mà nước này đang có. Tờ Le Monde cho rằng, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang chứng tỏ “lời nói không đi đôi với việc làm” – hành động cụ thể chưa tương xứng với vị thế đang lên trên trường quốc tế. Bởi Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các quốc gia ven biển Hoa Đông và Biển Đông. Điều đáng nói là, trong khi lớn tiếng tuyên bố cần gia tăng hội nhập quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn là cường quốc kiêu căng chỉ biết có mình.
Sói đội lốt cừu
Ngày 1/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tuyên bố, Trung Quốc nên “nói đi đôi với làm”, ngừng hoạt động xây dựng trái phép và rút lại “sự hiện diện quá mức” tại các khu vực có tranh chấp trên Biển Đông. Ông Charles Jose cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Philippines tiếp tục phối với các nước ASEAN thực thi đầy đủ DOC và sớm thống nhất về COC.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, ngày 28/11, Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, Australia nhận định, do những hành động cực đoan của Bắc Kinh ở Biển Đông, nên các nước Đông Nam Á luôn coi Trung Quốc là “sói đội lốt cừu”. Ngoài ra, do Bắc Kinh xây dựng bất hợp pháp đường băng ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, buộc các nước Đông Nam Á đoàn kết để phản đối việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Trước đó (27/11), tờ Học giả Ngoại giao (Nhật Bản) đăng bài “Vùng nhận dạng phòng không thiết lập 1 năm: Tiếp theo Trung Quốc sẽ làm gì?” với câu hỏi, Bắc Kinh có tiếp tục lập ADIZ ở Biển Đông sau khi đơn phương áp đặt ADIZ ở biển Hoa Đông.
Ngày 29/11, tờ Nhân Dân nhật báo dẫn bình luận của Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Quốc Kim Nhất Nam (khi trả lời phỏng vấn chương trình “Tiếng nói quốc phòng” của Đài phát thanh Trung ương) xung quanh khái niệm “lợi ích cốt lõi quốc gia”, theo đó “lợi ích cốt lõi quốc gia” là lợi ích căn bản nhất của một quốc gia, không tiếc sử dụng “thủ đoạn quân sự và chiến tranh” để bảo vệ. Kim Nhất Nam cho rằng “lợi ích cốt lõi quốc gia” trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của các nước khác nhau của Trung Quốc và Mỹ có sự khác biệt to lớn.
Ngày 1/12, tại Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã hội đàm với Phó Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, hai bên muốn tiếp tục duy trì đà phát triển nhanh, lành mạnh trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, khoa giáo… Theo Phó giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Malaysia (ISIS) Elina Noor, Kuala Lumpur sẽ gia tăng đối thoại với Bắc Kinh nếu xảy ra xung đột, tranh chấp bởi Malaysia không muốn quan hệ hữu hảo với Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.
Tư lệnh hải quân Malaysia Aziz Jaafar từng cho biết, sẽ xây dựng căn cứ hải quân mới (cách bãi cạn James khoảng 96 km) tại Biển Đông và nâng cấp phi đội C-130 là một trong những chương trình có triển vọng hoàn thành trong năm 2014. Trong khi đó, Tướng Rodzali Daud, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia đã đề xuất nâng cấp hệ thống radar để kiểm soát “khu vực nhạy cảm”. 7 năm trước (2007-2014), Malaysia lập căn cứ hải quân ở vịnh Sepanggar để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Sau đó, Malaysia tiếp nhận 2 tàu ngầm lớp Scorpene do Pháp sản xuất, trị giá 1,1 tỉ USD và đang đặt mua 6 tàu hộ tống lớp Gowind, trị giá 2,8 tỉ USD của Pháp, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2018.
Ngày 1/12, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo, sẽ đưa 3 mỏ khí đốt (với 13 giếng, trong đó 2 giếng đang sản xuất 594.650 m3 khí đốt tự nhiên/ngày) nằm ở ngoài khơi bờ biển tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hải Nam vào hoạt động. Dự kiến, sản lượng khai thác khí đốt tại 3 mỏ kể trên sẽ đạt công suất 4,2 triệu m3 khí/ngày vào năm 2015. Trước đó (8/11), Trung Quốc tuyên bố đã chế tạo thành công “tàu giếng khoan nước sâu” đầu tiên với bản quyền sở hữu trí tuệ toàn bộ với tên gọi Hoa Bân OPUS TIGER1.
Theo PetroTimes