Trung Quốc đang tự cô lập
Mỹ tái khẳng định quan điểm xem hành động đơn phương đưa giàn khoan và tàu vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc là “khiêu khích”.
Trung Quốc đang tự cô lập với những hành động gây hấn ở biển Đông
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/5 bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng sự can dự của Washington vào những diễn biến mới nhất ở biển Đông đã phá hoại hòa bình và ổn định ở khu vực.
Bóp méo sự thật
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, việc Trung Quốc có các hành động khiêu khích, gây căng thẳng ở biển Đông là quan điểm và nhìn nhận của nhiều nước chứ không chỉ riêng Washington. Bà khẳng định tại cuộc họp báo ở Washington: “Hành động khiêu khích đơn phương này nằm trong chuỗi hành động chiến lược của Trung Quốc nhằm thôn tính các vùng biển tranh chấp, làm xói mòn hòa bình và ổn định ở khu vực. Bất kỳ thành viên nào của cộng đồng quốc tế đều có quyền bày tỏ sự lo ngại về điều này”.
Phản ứng của Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc tiếp tục bóp méo sự thật về tình hình biển Đông. Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mạnh miệng tuyên bố Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không hề nói rằng Bắc Kinh “có hành vi khiêu khích” trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Theo bà Hoa, ông Kerry chỉ nói Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp biển Đông và “không có ý định đưa ra phán xét nào về chủ quyền”. Đáp lại, bà Psaki một lần nữa xác nhận ông Kerry đã khẳng định quan điểm Mỹ xem hành động đơn phương đưa giàn khoan và tàu vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc là “khiêu khích” trong cuộc điện đàm trên.
Bộ Ngoại giao Úc hôm 14-5 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình biển Đông, khiến an ninh khu vực thêm căng thẳng. Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động khiêu khích cũng như thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng. Úc cũng khuyến khích Trung Quốc và ASEAN sớm đạt được tiến bộ về một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Hứng chịu hậu quả
Trang The Diplomat cho rằng Trung Quốc đang muốn vẽ nên một bức tranh, trong đó Mỹ không có khả năng bảo vệ lợi ích của mình ở biển Đông, bao gồm tự do hàng hải. Tuy nhiên, các nhà phân tích tiếp tục chỉ trích hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Đông và cảnh báo về những hậu quả mà nước này sẽ gánh chịu. TTXVN dẫn bài viết của giáo sư Artha Nantachukra, chuyên gia về Việt Nam và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phupan (Thái Lan), nhấn mạnh toàn bộ những động thái khiêu khích – nhất là vụ giàn khoan – cho thấy rõ mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là “độc chiếm biển Đông”. Sâu xa hơn, Trung Quốc có thể kiểm soát toàn bộ tuyến giao thương hàng hải; kiềm tỏa, tăng ảnh hưởng với tất cả các nước khu vực và các nước có lợi ích gắn liền với tuyến giao thương này, bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, những hành động “độc tôn” đó ngược lại khiến Trung Quốc đang tự cô lập và sẽ hứng chịu những hậu quả về chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế. Cụ thể, các nước đang bị Trung Quốc “lấn át” sẽ gia tăng, từng bước làm thất bại mục tiêu chia rẽ ASEAN của Bắc Kinh.
Báo The Wall Street Journal (Mỹ) vừa đăng bài viết nhận định Trung Quốc “sẽ phải trả giá vì các hành vi hiếu chiến”. Theo bài viết, việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện của Philippines về tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông sẽ khiến nước này mất uy tín trên trường quốc tế. Sự tổn thất có thể còn tăng nếu các quốc gia châu Á khác thực hiện bước đi pháp lý tương tự. Hơn nữa, sự hung hăng của Trung Quốc đang đẩy các nước Đông Nam Á đến gần Mỹ hơn. Đó là chưa kể một loạt quốc gia đang xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản, đối thủ chính của Trung Quốc tại khu vực. Các chuyên gia quân sự nhận định có nhiều triển vọng để các nhóm trong khu vực hợp nhất và làm đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc.
Video đang HOT
Mặt khác, trang The Diplomat đánh giá bây giờ là thời điểm để Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông để đưa ra lập trường thống nhất trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Theo bài viết, giải quyết được tranh chấp nội bộ giữa các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông sẽ thiết lập những tiền lệ quan trọng để gây sức ép lên Bắc Kinh và thúc đẩy giải quyết tranh chấp theo hướng có lợi cho các nước Đông Nam Á.
Theo Xahoi
Tường thuật từ Hoàng Sa chiều 15/5: Tàu Trung Quốc 'cụp đuôi', tìm nơi trú ẩn
Tàu Trung Quốc hung hãn, nhưng với sự mưu trí, dũng cảm, tàu CSB Việt Nam đã tránh được đâm va, xử lý đúng đối sách trên biển.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam
Phóng viên đang có mặt tại vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cho biết, tình hình trên vùng biển nơi Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép vẫn tiếp tục có diễn biến căng thẳng.
Đứng cách xa giàn khoan khoảng 7-10 hải lý vẫn quan sát được Trung Quốc cho duy trì số lượng lớn tàu các loại, bao gồm tàu quân sự, tàu hải cảnh, hải giám. Các tàu này được bố trí 4 lớp để bảo vệ giàn khoan. Mỗi khi tàu Cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan, ngay lập tức các tàu Trung Quốc đều tăng tốc hướng về tàu Cảnh sát Biển Việt Nam để thực hiện những hành vi ngăn cản.
Sáng nay ngày 15/5, các tàu của Trung Quốc vẫn duy trì một lực lượng lớn tàu để bảo vệ giàn khoan mà Trung Quốc đang cho hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Vào lúc 8h sáng nay, tàu Cảnh sát Biển 8003 hướng về giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép, song vẫn bị lực lượng tàu của Trung Quốc ngăn cản.
Lúc 8h30, khi tàu Cảnh sát Biển 8003 cách giàn khoan 7,5 hải lý, ngay lập tức tàu 3411 của Trung Quốc tiếp tục theo sát tàu Cảnh sát Biển 8003 để thực hiện ngăn cản.
Lúc 8h40, tàu 3411 của Trung Quốc theo sát tàu Cảnh sát Biển 2016, sau đó thực hiện cắt mũi tàu CSB 8003.
Lúc này biên đội tàu Cảnh sát Biển Việt Nam bị rất nhiều tàu của Trung Quốc theo sát.
Lúc 9h sáng, hai biên đội tàu Cảnh sát biển làm nhiệm vụ trên biển Hoàng Sa tiếp tục tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981. 6 tàu cảnh sát biển chia thành hai biên đội, khi cách giàn khoan Hải Dương - 981 khoảng 6,5 hải lý thì các tàu Trung Quốc xuất hiện ngoan cố cản phá.
Lúc 9h10, hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 3411 và 2112 chĩa mũi sang hai tàu CSB 4032 và 8003. Cuộc rượt đuổi trên biển diễn ra khoảng 20 phút trong đó tàu Trung Quốc 2112 tỏ ra rất hung hăng liên tục tăng tốc lượn vào cắt mặt các tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Tuy nhiên, các chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam vẫn bình tĩnh, tăng tốc và né tránh được. Khuôn mặt các chiến sĩ Cảnh sát biển tập trung cao độ, để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Khi tàu Cảnh sát biển tăng tốc vượt lên, hai tàu Trung Quốc giảm tốc rồi thả trôi trên biển. Sau đó tàu Trung Quốc 2112 quay mũi ngược lại cùng tàu 3411 lượn lờ thăm dò.
Đến khoảng 9h35, biên đội 6 tàu Cảnh sát biển Việt Nam tập trung lại rất gần nhau cách giàn khoan không xa. Lúc này các tàu Trung Quốc có vẻ lúng túng, dừng lại và cho tàu quay về phía giàn khoan quan sát tình hình. Nhiều phóng viên chứng kiến sự đoàn kết, kiên trì của biên đội Cảnh sát biển Việt Nam trước sự hung hãn của phía tàu Trung Quốc đều cảm thấy tự hào và vững tin.
Những hình ảnh được truyền từ Hoàng Sa cho thấy tàu Trung Quốc hung hãn chống đối khi bị lực lượng chấp pháp của Cảnh sát biển Việt Nam yêu cầu rút tàu và giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam - Ảnh: Hoàng Sơn
Theo trung tá Phan Duy Cường, trợ lí tác chiến Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, hôm qua và hôm nay, tàu Trung Quốc liên tục tăng cường thêm lực lượng ra bảo vệ giàn khoan mà Trung Quốc đang cho hạ đặt trái phép với phương thức hoàn toàn mới.
Nhưng với sự tỉnh táo, mưu trí, dũng cảm, kiên quyết, lực lượng tàu Cảnh sát Biển Việt Nam đã tránh được đâm va, xử lý đúng đối sách trên biển.
Trung tá Phan Duy Cường, Trợ lí tác chiến bộ tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam sẽ thông tin thêm về những diễn biến mới và hành vi của tàu Trung Quốc thực hiện ngăn cản tàu của Việt Nam khi mà lực lượng tàu của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong những ngày gần đây:
Trung tá Phan Duy Cường: Trong 3 ngày gần đây, phía Trung Quốc thường xuyên duy trì số lượng lớn tàu, tàu vận tải, tàu giả dạng tàu cá, và đặc biệt có thêm 2 tàu quân sự. Trước đây có 2 tàu và bây giờ thêm 2 tàu quân sự vận tải đổ bộ loại lớn của Trung Quốc xuất hiện trên hiện trường. Thường xuyên chúng tôi đếm được tại khu vực có từ 60-68 tàu các loại của Trung Quốc để bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Chúng tôi hướng tiến vào giàn khoan để ngăn cản các hành vi hạ đặt trái phép của Trung Quốc thì liên tục gặp phải sự cản phá của tàu chấp pháp Trung Quốc cách giàn khoan từ 5-6,5 hải lý là lực lượng tàu chấp pháp dàn hàng ngang dày đặc trước hướng tiến của chúng tôi. Khi tàu Cảnh sát Biển 8003 nói riêng và biên đội tàu Cảnh sát Biển nói chung tiến vào thường bị từ 2 đến 4 tàu kèm sát. Có những lúc khoảng cách gần nhất là 90m cắt ngang mũi tàu chúng tôi và thường xuyên cách 150m kèm sát 2 bên để ngăn cản không cho chúng tôi vào gần khu vực giàn quan.
Không những căng thẳng trên mặt biển; trên không, Trung Quốc còn sử dụng những máy bay cánh bằng và trực thăng thường lượn trên tàu 8003 và đội Cảnh sát Biển 1-2 vòng. Tình hình vẫn căng thẳng.
PV: Trước tình hình như vậy thì phương án tác chiến của lực lượng Cảnh sát Biển đã được thực hiện như thế nào và lực lượng Cảnh sát Biển đã có những biện pháp gì để xử lý đúng đối sách trên biển?
Trung tá Phan Duy Cường: Trước tình hình đó, cán bộ chiến sĩ của lực lượng cảnh sát biển, tàu 8003 nói riêng và lực lượng Cảnh sát Biển nói chung luôn mưu trí, quyết tâm, sáng tạo và hiệp đồng chặt chẽ trên hiện trường, bọc lót cho nhau để tránh những cú đâm va của Trung Quốc nhằm vào tàu của chúng ta đảm bảo an toàn và vẫn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ làm sau đẩy lùi được giàn khoan của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của nước ta và đẩy lùi được các tàu của Trung Quốc bảo vệ xung quanh khu vực giàn khoan".
Chúng tôi luôn bám vững hiện trường và khoảng cách với giàn khoan để đảm bảo an doàn, đấu tranh bằng cách thường xuyên bật loa tuyên truyền để xua đuổi tàu Trung Quốc ngăn cản và mưu mẹo vòng tránh để tiếp cận vào gần khu vực giàn khoan hơn.
PV: Hiện nay, cả nước đang hướng về Biển Đông, nơi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặt quyền kinh tế của Việt Nam. Qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam Trung tá có chia sẻ gì về đất liền?
Trung tá Phan Duy Cường: Đồng bào và nhân dân hãy yên tâm và tin tưởng tuyệt đối vào chúng tôi - lực lượng Cảnh sát Biển cũng như lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên hiện trường. Chúng tôi xác định rõ quyết tâm với sự lãnh đạo của Đảng, sự tin tưởng của nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế, chúng ta hãy đoàn kết cùng chúng tôi thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
PV: Hiện mặc dù Trung Quốc vẫn đang duy trì một lượng tàu lớn để bảo vệ khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan của họ trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, luôn bám sát các tàu của kiểm ngư và tàu Cảnh sát Biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ song bằng nhiều biện pháp và cách xử lý khôn khéo đúng đối sách thì tàu Cảnh sát Biển Việt Nam và tàu kiểm ngư của Việt Nam đã tránh được nhiều cú đâm va.
Tại vùng biển phóng viên đang có mặt, bà con ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn đang khai thác an toàn dưới sự bảo vệ của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
Với bà con ngư dân thì đây là ngư trường truyền thống từ bao đời nay. Với họ ra khơi không chỉ khai thác hải sản, phát triển kinh tế mà ra khơi còn là sự khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và trong mọi điều kiện thì họ không đơn độc bởi đã có lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng kiểm ngư bảo vệ họ.
Theo Xahoi
Trung Quốc vi phạm những gì với hành động ở Biển Đông? Là thành viên Hội đồng Bảo An nhưng Trung Quốc đang cố tình "phớt lờ" luật pháp quốc tế, gây hấn ở Biển Đông. Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam Tình hình Biển Đông vẫn rất căng thẳng. Không chỉ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương...