Trung Quốc đang lấn chiếm biển Đông từ những thứ rất nhỏ!
“Trung Quốc không nề hà bất cứ hành động nào để gieo rắc vào người dân ý nghĩ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là của họ. Trong tương lai họ sẽ còn tung những trò mới chúng ta không ngờ hết”, nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy cảnh báo.
Trước việc những mặt hàng nhỏ do Trung Quốc sản xuất như đèn lồng có chữ “ Tam Sa”, quả địa cầu có hình bản đồ in thông tin không chính xác về quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chậu cây cảnh giả có hình bản đồ Việt Nam nhưng không có Hoàng Sa, Trường Sa… phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu về những ý đồ ẩn sau những mặt hàng này.
“Trung Quốc không nề hà bất cứ thủ đoạn nào để gieo rắc vào người dân ý nghĩ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là của họ” – nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy khẳng định
Thưa ông, trong giao thương với Trung Quốc, gần đây chúng ta gặp những mặt hàng của họ như đèn lồng có chữ “Tam Sa”, quả địa cầu thông tin không chính xác về Hoàng Sa và Trường Sa, chậu cây cảnh giả có hình bản đồ Việt Nam nhưng không có Hoàng Sa và Trường Sa… Ông có thể nói gì về điều này?
Khi đã có thủ đoạn thì không việc gì họ không dám làm. Hành động in chữ “Tam Sa” trên đèn lồng, đưa ra những thông tin không chính xác về Hoàng Sa, Trường Sa trên quả địa cầu họ sản xuất… mục đích đầu tiên nhà cầm quyền Trung Quốc nhắm tới là lừa bịp, nói dối nhân dân Trung Quốc tin rằng đấy là lãnh thổ của họ. Hành động đó sẽ ngấm vào người dân Trung Quốc và nó làm cho thanh niên Trung Quốc ít hiểu biết ngộ nhận rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của họ.
Khi những mặt hàng đó được bán trên lãnh thổ Việt Nam thì thủ đoạn của Trung Quốc cũng nhằm mục đích làm cho thanh niên chúng ta hiểu lầm đây là lãnh thổ của Trung Quốc.
Dường như họ đang cố tình làm theo kiểu “điều sai nói mãi thành đúng”, thưa ông?
Đúng vậy! Không phải bây giờ mà Trung Quốc đã thực hiện hành động này với chúng ta từ lâu rồi. Họ đang cố làm mọi cách để biến cái không thành có. Mưu đồ này thể hiện rõ nhất trong chiến lược “lấn chiếm” từ bản đồ cho đến thực địa. Nói chung, những gì lợi dụng được thì họ không nề hà bất cứ hành động nào, thậm chí từ những mặt hàng dù là rất nhỏ của họ bán tại Việt Nam.
Hành động in những hình ảnh có lợi cho Trung Quốc trên sản phẩm bán ở Việt Nam không chỉ đơn thuần xuất phát từ những nhà sản xuất của nước này?
Video đang HOT
Điều đó phải xuất phát từ chính quyền Trung Quốc và ý đồ đó của chính quyền đã thấm dần vào ý thức của nhà sản xuất Trung Quốc. Trong khi đó, những người trực tiếp nhập những mặt hàng đó vào Việt Nam nhiều khi lại thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát cẩn thận.
Đây không phải là lần đầu tiên họ giở trò với các mặt hàng bán vào Việt Nam và sau nhiều sự việc mà mới đây nhất là trường hợp như in sách có cờ Trung Quốc dạy cho học sinh Việt Nam, chúng ta phải rút kinh nghiệm bất kể thứ gì từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng phải kiểm tra thật cẩn thận.
Nhiều bài học từ những mặt hàng do Trung Quốc sản xuất bán tại Việt Nam
Những cách làm trên của Trung Quốc theo ông liệu có tác dụng không? Nếu họ cứ làm như vậy sẽ tác dụng ngược, bởi có thể người dân các nước liên quan trực tiếp đến biển Đông như Philipines, Việt Nam… sẽ tẩy chay những mặt hàng của họ?
Như tôi phân tích ở trên, hành động đó có tác dụng đầu tiên với người dân Trung Quốc. Mục đích chính là làm cho người dân Trung Quốc ngộ nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của họ sau đó mới đến người dân nước khác. Còn đối với người dân Việt Nam, nó cũng có thể có tác dụng nếu chúng ta không có hành động phơi bày sự thực nhanh chóng khi phát hiện ra ý đồ đen tối của họ.
Tôi chưa nghĩ một ngày nào đó hành động của Trung Quốc lại có tác dụng ngược lại đối với họ. Đơn giản là mặt hàng của Trung Quốc rất rẻ, trong khi nhà sản xuất lại chi “hoa hồng” rất đậm cho những người có liên quan đến việc nhập hàng vào các nước. Theo tôi, nếu cứ làm nghiêm, quản lý thật chặt thì hàng lậu Trung Quốc không thể nào vào được Việt Nam. Nhưng vì lợi ích nhóm, lợi ích địa phương, lợi ích cá nhân và vì thiếu cảnh giác nhiều người đã để cho những mặt hàng Trung Quốc đề cập ở trên vào nước ta.
Trong tương lai chúng ta còn phải đối diện với những mặt hàng khác nhưng với ý đồ tương tự, thưa ông?
Sẽ còn phải đối diện. Trung Quốc còn làm và họ sẽ tung những trò mới mà chúng ta không thể ngờ hết. Nói chung là Trung Quốc sẽ không từ bỏ một thủ đoạn nào dù nhỏ hay lớn để gieo rắc vào người dân ý nghĩ phần lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là của họ. Việc làm đó một mặt để cho dân họ ngộ nhận và cũng nhằm xâm nhập vào ý thức của người dân Việt Nam.
Theo ông, chống lại việc làm này của họ có khó như cuộc đấu tranh trên những mặt trận khác?
Chúng ta chỉ cần đề cao cảnh giác và phải luôn nhắc nhở nhau cẩn thận khi giao thương với Trung Quốc. Nếu ai cũng làm đúng, làm hết trách nhiệm sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động tại khu vực này không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền.
Từ ngày 4/3/2013, tàu hải tuần 31 của Trung Quốc cùng trực thăng đã đến và tuần tra ở bãi Tư Nghĩa do Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 7/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua một số tàu hải tuần của Trung Quốc thực hiện tuần tra tại biển Đông, trong đó có khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
"Mộng Tam Sa"!
Tân Hoa xã đưa tin tại cuộc họp Quốc hội Trung Quốc ngày 7/3, thị trưởng "thành phố Tam Sa" Tiêu Kiệt tuyên bố sẽ không trì hoãn việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây "dù chỉ là một ngày" và nhấn mạnh chính quyền nơi này sẽ tích cực để thực hiện cái gọi là "giấc mộng Tam Sa".
Thị trưởng Tiêu Kiệt đã không che giấu tham vọng bành trướng khắp biển Đông khi phát biểu "bất kể là nhằm thể hiện chủ quyền hay cải thiện các vấn đề dân sinh, mục đích cuối cùng đều nhằm hoàn thành giấc mộng Tam Sa". Theo ông Tiêu, "mộng Tam Sa" chính là "mục tiêu xây dựng sự nghiệp Tam Sa, thật sự thiết lập chủ quyền tại Tam Sa, xây dựng một Tam Sa tươi đẹp và hạnh phúc".
Ông Tiêu còn cho biết các địa điểm du lịch tại "thành phố Tam Sa" về cơ bản đã hoàn tất. " Chúng ta có thể nói với mọi người rằng không còn lâu nữa đâu!" - ông Tiêu hùng hồn tuyên bố.
Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định việc thành lập "thành phố Tam Sa" là "bước đi quan trọng của trung ương sau khi xem xét các tình huống trong và ngoài nước". Trước đó ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng kêu gọi chính phủ nước này "tăng cường quản lý biển toàn diện", đồng thời "bảo đảm quyền và lợi ích biển của Trung Quốc".
Tháng 7/2012, Trung Quốc đã thành lập phi pháp cái gọi là "thành phố Tam Sa" bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.
Mỹ lo ngại
Washington cũng đang lưu tâm những động thái mới của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông. Ngày 6/3, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã tái khẳng định vị thế cường quốc Thái Bình Dương của Mỹ. Trong cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về việc ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng hơn 10%, ông Jay Carney không bình luận trực tiếp mà nhắc lại rằng Mỹ "là một cường quốc Thái Bình Dương và có lợi ích đáng kể trong khu vực".
Chỉ vài giờ sau, đô đốc Samuel J.Locklear, tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cũng bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự và liên tiếp có những hành động quyết đoán tại biển Đông và biển Hoa Đông. Trước đó, tại một cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ, đô đốc Locklear đã cảnh báo "nỗ lực của Trung Quốc tập trung chế tạo, thử nghiệm và đưa vào hoạt động các loại máy bay, chiến hạm, vũ khí và hệ thống hỗ trợ mới đang làm gia tăng tâm lý quan ngại trong vùng". Ông nêu ra hàng loạt hành động của Bắc Kinh trong những năm gần đây tại các vùng biển bao quanh Trung Quốc, như việc tăng cường hoạt động của các tàu hải quân và các cơ quan thi hành luật biển, và nhấn mạnh tất cả những việc làm này là nhằm tìm cách áp đặt các đòi hỏi chủ quyền biển đảo của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Báo Washington Times mới đây dẫn lời đô đốc hải quân Samuel Locklear thừa nhận cắt giảm ngân sách sẽ đe dọa chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ bởi nó đe dọa năng lực hoạt động của hải quân Mỹ.
Trong khi đó, việc cắt giảm ngân sách của Mỹ, như cảnh báo của các tổ chức nghiên cứu và báo chí Mỹ, sẽ đe dọa uy thế quân sự của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong thời điểm Trung Quốc đang phát triển tên lửa chống tàu sân bay.
Như thêm một lời cảnh báo nữa, trang web của Quỹ Jamestown (ở Washington) mới đây đăng bài phân tích của giáo sư Andrew Erickson thuộc Trường cao đẳng Hải quân Mỹ nêu rõ trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ đang vật lộn với cắt giảm ngân sách thì quân đội Trung Quốc đã phát triển thành công tên lửa chống tàu sân bay Đông Phong 21D. Loại tên lửa này có khả năng nhắm bắn chính xác tàu sân bay của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Giới quan sát Mỹ nhận định đó sẽ là mối đe dọa với mô hình chiến tranh không - biển của Mỹ ở châu Á. Theo mô hình này, hải quân và không quân Mỹ hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh ở Thái Bình Dương để chống lại vũ khí "chống tiếp cận" của Trung Quốc như tên lửa chống tàu, vũ khí chống vệ tinh... Việc Bắc Kinh phát triển thành công tên lửa Đông Phong sẽ giúp nước này áp dụng chiến lược " dùng đất liền để kiểm soát biển".
Bác bỏ ý kiến do đô đốc hải quân Mỹ Gary Roughead đưa ra năm 2011 khẳng định Mỹ có đủ vũ khí để chống lại tên lửa Đông Phong của Trung Quốc, giáo sư Erickson cho rằng Washington cần lập tức đưa ra các biện pháp phản ứng để chứng minh với khu vực rằng tàu sân bay Mỹ hoàn toàn có thể hoạt động an toàn.
Quỹ Heritage cũng cảnh báo Mỹ cần hành động để ngăn chặn nguy cơ bị đánh mất vị thế lãnh đạo an ninh ở châu Á vào tay Trung Quốc.
Theo xahoi
Trung Quốc lại gây rối ở Hoàng Sa và Trường Sa Bắc Kinh đã liên tiếp có những hành động mới xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc đã đưa dân ra cư trú trái phép tại Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam Phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh nhân kỳ họp Chính hiệp...