Trung Quốc đang “câu giờ” trong vấn đề Biển Đông
Ngoại giao Trung Quốc xoa dịu các nước láng giềng, ngăn chặn Biển Đông và Hoa Đông xuất hiện trong chương trình nghị sự APEC sắp diễn ra tại Bắc Kinh.
Các báo của Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu gần đây đưa ra một số luận điệu mới phục vụ cho chủ trương đối ngoại của ban lãnh đạo Bắc Kinh trước hội nghị APEC. Các báo này cho rằng, tình hình thực tế tại Biển Đông cơ bản là ổn định và hòa bình. Họ dẫn số liệu của Ủy ban đối ngoại Mỹ về lượng hàng hóa trung chuyển qua khu vực biển này là 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm. Điều này cho thấy tự do hàng hải ở Biển Đông “không hề bị ảnh hưởng”. Bên cạnh đó, hiện lượng hàng hóa vận tải đường biển tại các cảng ở châu Á chiếm tới 39% tổng lượng hàng hóa của thế giới. Hoạt động vận tải mạnh mẽ này không thể diễn ra nếu trên Biển Đông không có sự ổn định và an ninh.
Trung Quốc đưa các tàu hiện đại nhất tới tập trận tại Biển Đông
“Linh hoạt” nhưng chẳng dẫn đến kết quả gì
Các báo này cho rằng, về xử lý xung đột giữa các bên, Trung Quốc – ASEAN và các đối tác liên quan “chưa bao giờ ngừng giao thiệp và tham vấn” về vấn đề Biển Đông. Trong quá trình này, Trung Quốc đã ngày càng có thái độ “linh hoạt hơn” để cùng tìm ra giải pháp. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa ra cách tiếp cận “hai kênh” để giải quyết vấn đề: với các bên liên quan thông qua tham vấn và đối thoại; đồng thời Trung Quốc cùng với ASEAN hợp tác với nhau để gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Đông, “cùng có lợi và cùng thắng”.
Thế nhưng, Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc về Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) lần thứ 8 diễn ra tại Bangkok, trong ngày 28- 29/10, cũng như 7 phiên trước, đã không đạt kết quả gì. Các đại biểu chỉ thống nhất “tiếp tục thúc đẩy hợp tác” theo tinh thần DOC 2002. Các đại biểu cũng không thỏa thuận được thời gian biểu cho việc thực hiện DOC.
Thực tế cho thấy, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép hoặc phối hợp với các nước chủ nhà ASEAN trên bàn đàm phán nhằm kéo lê chương trình nghị sự, thực chất là tiếp tục thực hiện chủ trương ngoại giao “câu giờ”. Trung Quốc còn tìm cách li gián Mỹ với các nước ASEAN, cản trở Mỹ đóng vai trò trong các nỗ lực quốc tế giải quyết vấn đề Biển Đông. Bởi vì tại các vùng biển Đông Á, Mỹ là nước lớn duy nhất có thể đối trọng, cân bằng và ngăn cản các hành động bá quyền của Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu phỏng vấn Chu Hạo, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc, cho rằng Việt Nam đang thực hiện xu hướng “đa phương hóa” vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm tới Ấn Độ với hy vọng Ấn Độ không chỉ “Nhìn về phương Đông” mà còn “Hành động phương Đông”. Việt Nam đã mời Ấn Độ tham gia khai thác dầu khí ở Biển Đông, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Ấn Độ, theo đó Ấn Độ dự kiến sẽ bán các tàu tuần tra hiện đại cho Việt Nam. Việt Nam đang dựa vào sức mạnh của các cường quốc khác để “củng cố” vị thế tại khu vực. Tuy nhiên, theo Chu Hạo, Việt Nam sẽ “rất khó có thể thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt kinh tế”.
Video đang HOT
Tăng cường sức mạnh trên Biển Đông
Trong khi đó, tại Hoàng Sa, Trung Quốc xúc tiến việc nâng cấp căn cứ không quân tại đảo Phú Lâm, tại Trường Sa đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo, tạo nên không gian chiến lược nối Hoàng Sa với các đảo nhân tạo và đảo đá ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988 thành các cụm cứ điểm để khống chế một vùng rộng lớn của trung tâm Biển Đông.
Ngày 26/10, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) đưa tin Trung Quốc đang thử nghiệm một loạt máy bay quân sự thế hệ mới bao gồm cả J-20, chiếc chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên và hiện đại nhất được coi là “xương sống” của không quân nước này. Báo chí Trung Quốc cũng khoe rằng tiêm kích J-20 có phạm vi tác chiến bao trùm một khu vực rộng lớn trên Biển Đông.
Về hải quân, giới quan sát lưu ý rằng năm nay, Trung Quốc triển khai từ 3-5 tàu ngầm hạt nhân đặt căn cứ ở Tam A (Hải Nam). Việc khống chế trung tâm Biển Đông, nơi có độ sâu nhất 5.000m, là nhằm tạo vùng hoạt động cho các tàu ngầm hạt nhân.
Theo trang mạng wantchinatimes, tháng 10 vừa rồi, hải quân Trung Quốc điều tàu khu trục Côn Minh tới Biển Đông để tham gia cuộc tập trận hải quân Joint Action 2014. Con tàu thuộc Type 052D là loại tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc, được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng với 64 ống phóng tên lửa, dùng để phóng các tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 và tên lửa hành trình DH-10.
Người ta biết rằng, Hội nghị cấp cao diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang đến gần (ngày 9-11/11). Nhiệm vụ của ngoại giao Trung Quốc là xoa dịu láng giềng nhằm đảm bảo cho APEC diễn ra xuôi chèo mát mái. Các nhà đàm phán chủ yếu của Trung Quốc đã thăm Việt Nam, thăm Nhật Bản nhằm ngăn chặn không cho vấn đề Biển Đông hay biển Hoa Đông xuất hiện trên diễn đàn APEC. Đó là lý do tại sao từ hai tháng nay, tàu chiến và máy bay Trung Quốc ít xâm phạm vùng trời, vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cho nên đừng thấy Biển Đông lặng sóng vẻ bề ngoài mà cho rằng Trung Quốc đang có nhượng bộ hay thỏa hiệp. Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên quốc vụ Trung Quốc, trong khi thực hiện các sứ mệnh ngoại giao xoa dịu, đã không quên nhắc rằng Trung Quốc không bao giờ nhượng bộ lợi ích cốt lõi liên quan đến chủ quyền biển đảo./.
Theo Tổ Quốc
Xây cảng nổi... Trung Quốc tham vọng thực hiện vùng cấm bay?
"Xây cảng nổi và hàng loạt các công trình trái phép khác ở Hoàng Sa, Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc leo thang thực hiện tham vọng vùng cấm bay...", tướng Lê Mã Lương nhận định.
Liên quan đến thông tin Trung Quốc đang phát triển nhiều cảng nổi để hỗ trợ cho quá trình cải tạo đất trái phép ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam mà hãng tin IHS Jane's dẫn lời quan chức từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tàu biển Trung Quốc (CSSRS) cho biết, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về mục đích và tham vọng của Trung Quốc tại các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phiên bản đồ họa của những cảng nổi này được trình chiếu tại triển lãm Shiptec China 2014.
- Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng cảng nổi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Thiếu tướng nhận định gì về hành động này của Trung Quốc?
- Trung Quốc xây dựng cảng nổi ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy tình hình biển Đông ngày càng nghiêm trọng. Trung Quốc ngày càng lấn tới. Hành động này dẫn đến nguy cơ mà nhiều người không lường trước được. Bởi việc xây dựng cảng nổi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc sẽ thực hiện âm mưu biến các bãi đá san hô thành đảo nhân tạo, thậm chí thành những căn cứ quân sự lớn. Khi hoàn thành, các đảo này sẽ nối với nhau thành hệ thống các đảo quân sự, rút ngắn khoảng cách 1000 km từ đảo Hải Nam đến Trường Sa. Đồng thời, việc làm này tạo điều kiện cho các máy bay trực sẵn thành tổ hợp quân sự cực lớn, khống chế Biển Đông. Hơn nữa, việc triển khai nhiều cảng nổi, Trung Quốc có thể xây dựng hàng loạt các khu định cư ở các đảo do nước này chiếm đóng trái phép ở Trường Sa và Hoàng Sa. Qua đó, Trung Quốc sẽ làm mạnh hơn yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc muốn thao túng, làm những chuyện lớn, chứ không dừng lại ở việc biến các bãi san hô thành đảo nhân tạo.
- Hành động này của Trung Quốc nếu thực hiện thành công thì không chỉ vùng biển chủ quyền của Việt Nam, mà các nước khu vực có chung lãnh hải trên Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề thế nào?
- Chắc chắn khi hoàn thành, Trung Quốc sẽ khống chế các nước liên quan đến Biển Đông, điều này là rõ ràng bởi bản thân Trung Quốc đang tranh chấp nhiều địa danh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trực tiếp là Việt Nam thì chúng ta đã bị mất một số đảo. Những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc từng chiếm đóng, chứ không phải là các quần đảo tranh chấp. Vì vậy, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc trên hai quần đảo này cũng đều là bất hợp pháp. Đó là những hành động phi pháp mà ta đã lên án từ lâu.
- Việc xây dựng cảng nổi tại Hoàng Sa, Trường Sa, cùng với hàng loạt các hoạt động xây dựng trái phép ở đảo Gạc Ma bao gồm xây đường băng và trạm radar nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông, đã chứng tỏ Trung Quốc vẫn đang thực hiện âm mưu độc chiếm bá quyền Biển Đông, Thiếu tướng có thể nói rõ hơn về âm mưu này?
- Từ Gạc Ma vào TP HCM chỉ 800 km, đường bay từ đảo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập có thể khống chế các khu vực phòng thủ của mình. Việc này cực kỳ nguy hiểm. Sau động thái xây dựng sân bay nhân tạo ở Gạc Ma, Trung Quốc tiếp tục xây dựng sân bay nhân tạo tại đảo Chữ Thập. Nếu hoàn thành thì sẽ là mối lo ngại của hệ thống phòng thủ quốc phòng của ta. Bởi vì nó sẽ thành một cụm từ Gạc Ma, Phú Lâm, đảo Chữ Thập, từ đây Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10, mà không phải tiếp dầu ở trên không. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc lắp đặt các trạm radar để kiểm soát vùng không lưu. Nếu lắp đặt hệ thống radar, Trung Quốc có thể nắm được hoạt động của tàu ngầm Việt Nam và bộ đội của ta trên các đảo của Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Mã Lương.
Những hành động trái phép thể hiện sự ngang ngược của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế; phản ánh bản chất cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc; thể hiện tham vọng độc chiếm biển Đông, mở đường ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương để thực hiện mưu đồ đế quốc biển.
Nguy hại hơn, rất có thể, khi thực hiện xong những âm mưu trên, Trung Quốc sẽ thực hiện vùng cấm bay, khi đó chúng ta muốn đi thông qua đường hàng không, lãnh hải này phải xin phép Trung Quốc trên chính vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Hành động này cũng giống như việc Trung Quốc đã từng làm với Nhật Bản ở đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
- Việt Nam cần làm gì trước những hành động trên của Trung Quốc?
- Thời gian qua, chúng ta đấu tranh theo phương pháp mềm mỏng nhưng Trung Quốc lại càng ngang nhiên thực hiện những hành động trên. Chúng ta phải nhìn nhận những hành động của Trung Quốc không phải bình thường mà rất bất bình thường. Việc lấy lại những quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ, bây giờ mà chúng ta không kiên quyết lấy lại thì đến đời con cháu, chúng ta cũng khó mà lấy lại. Việt Nam phải đấu tranh ngoại giao, làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thắt chặt khối đoàn kết toàn dân, quyết liệt trên con đường ngoại giao để Trung Quốc phải chùn bước trong hành trình thực hiện những âm mưu sai trái. Cùng với đó, chúng ta phải chuẩn bị các phương án khi thấy dấu hiệu nguy hiểm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Mã Lương về cuộc đối thoại trên!
Theo Kiến Thức
Trung Quốc điều 400 tàu tuần tra ở biển Đông và Hoa Đông Trung Quốc triển khai khoảng 400 tàu tuần tra để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông và biển Hoa Đông, theo tạp chí quân sự Asia Military Review (Thái Lan). Tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống giàn khoan HD-981 trong thời gian giàn khoan này hoạt động phi pháp trong vùng biển của Việt Nam. Trọng...