Trung Quốc: Đa dạng các hoạt động vui đón Tết
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Tết Nguyên đán 2025 là năm đầu tiên sau khi tập tục xã hội đón Năm mới của người Trung Quốc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, du lịch “kiểu Trung mới” đã bùng nổ, các hoạt động trải nghiệm văn hóa phong tục dân gian di sản văn hóa phi vật thể, các kỹ nghệ thủ công di sản văn hóa phi vật thể tại các địa phương trên toàn quốc đã thu hút lượng lớn du khách tham quan, trải nghiệm.
Các em nhỏ múa rồng đón Tết Nguyên đán tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Để thu hút du khách trong và ngoài nước, cơ quan văn hóa du lịch các địa phương của Trung Quốc cũng đưa ra nhiều biện pháp sáng tạo, xoay quanh chủ đề di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dưới hình thức phong phú đa dạng như chợ Tết, biểu diễn, triển lãm…
Đèn cá là đại diện di sản văn hóa phi vật thể của khu vực núi Hoàng Sơn, tỉnh An Huy. Khung xương của đèn cá làm bằng tre địa phương, trùm vải ngoài khung xương, sau đó vẽ các hoa văn vẩy cá, mây… Trong tiếng nhạc vui nhộn, những người biểu diễn tay cầm đèn cá uyển chuyển nhảy múa vui vẻ, tạo nên khung cảnh đầy sắc màu.
Video đang HOT
Tại thị trấn Lê Kiều Thủy, quận Nghĩa An, thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy, một phiên chợ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức trong dịp Tết, để người dân có thể cảm nhận trực tiếp sức hấp dẫn của kỹ nghệ truyền thống.
Nghệ thuật tranh đồng với đặc trưng lấy đồng thay giấy, dùng búa thay bút, thể hiện ý tưởng của người sáng tác trên đồng tấm, hình thành tác phẩm độc đáo.
Là nơi chính tổ chức hoạt động “Di sản văn hóa phi vật thể đón Xuân, ăn Tết trong thành cổ” 2025, thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đã quy tụ hơn 200 loại di sản văn hóa phi vật thể và nghệ nhân kế thừa trong cả nước, mang đến cho du khách một bữa tiệc di sản văn hóa phi vật thể lưu động đầy hấp dẫn.
Người dân viết câu đối đón Tết tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trải nghiệm Tết Trung Quốc thông qua các hoạt động di sản văn hóa phi vật thể cũng thu hút rất nhiều bạn quốc tế. Cùng với việc thực hiện các chính sách miễn thị thực khi quá cảnh và nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho những người thích du lịch toàn cầu trải nghiệm văn hóa di sản phi vật thể của Trung Quốc. Qua đó, ngày càng nhiều người nước ngoài lựa chọn đến Trung Quốc vào dịp Tết.
Theo số liệu thống kê, tại Bắc Kinh, từ ngày 1-25/1/2025, có gần 143.000 lượt người nước ngoài nhập cảnh qua cửa khẩu Bắc Kinh, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tết Nguyên đán của Trung Quốc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 4/12, tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại thủ đô Asunción của Paraguay, "Tết Nguyên đán - tập tục xã hội đón mừng năm mới truyền thống của người Trung Quốc" chính thức được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Người dân mua đồ trang trí chuẩn bị cho Tết Nguyên đán tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Như vậy, đến nay Trung Quốc có 44 di sản được đưa vào danh sách và đăng ký Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, đứng đầu thế giới.
Tết Nguyên đán của người Trung Quốc còn được gọi là Xuân tiết, Tết Âm lịch, Niên tiết, Quá niên, là lễ hội truyền thống của nước này có ý nghĩa sâu sắc nhất, nội dung phong phú nhất, số lượng người tham gia đông nhất và sức ảnh hưởng rộng rãi nhất. Vào mỗi dịp trước và sau Tết Nguyên đán, người Trung Quốc trên khắp thế giới đều tổ chức đón Tết với chủ đề từ biệt năm cũ và đón mừng năm mới, cầu may mắn bình an, đoàn tụ hòa thuận...
Trong lịch sử hàng nghìn năm qua, Tết Nguyên đán không ngừng duy trì và củng cố mối liên kết tình cảm giữa các cá nhân, gia đình và đất nước, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự tiếp nối của nền văn minh Trung Quốc.
Với phạm vi truyền bá ra nước ngoài ngày càng rộng, Tết Nguyên đán đã trở thành một biểu tượng văn hóa Trung Quốc được thế giới chấp nhận, công nhận và đán.h giá cao.
Các em nhỏ biểu diễn múa rồng đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Tết Nguyên đán - tập tục xã hội đón mừng năm mới truyền thống của người Trung Quốc được người dân nước này chia sẻ và tổ chức rộng rãi trên khắp cả nước; gửi gắm tình cảm, cảm xúc của họ về đạo đức, gia đình, đất nước; thể hiện quan niệm giá trị về sự chung sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên và sự chung sống hài hòa giữa con người với con người; đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hòa hợp gia đình, hòa hợp xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Dự báo mưa lớn tiếp tục trên diện rộng ở Trung Quốc Hàng chục nghìn người dân ở thành phố Hoàng Sơn, thuộc tỉnh An Huy của Trung Quốc đã được lệnh sơ tán đến nơi an toàn khi mưa lớn từ nhiều ngày qua tiếp tục hoành hành tại khu vực này. Lực lượng cứu hộ thu dọn đống đổ nát sau trận lũ lụt do mưa lớn tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc,...