Trung Quốc đã cố ý hiểu sai đơn kiện của Philippines
“Lý do từ chối vụ kiện của Trung Quốc lạc đề, không bám sát nội dung đơn kiện vì nếu theo kiện vụ này, họ sẽ ở thế hết sức bất lợi do những yêu sách vô lý về đường 9 lưỡi bò, hoàn toàn không dựa vào Công ước luật Biển đã đưa ra”…
TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ, trao đổi về những diễn biến mới nhất của vụ việc Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế về những vấn đề liên quan đến Công ước luật Biển.
Ông có bất ngờ với việc Trung Quốc trả lại công hàm kiện ra tòa quốc tế cho Philippines với lý do công hàm và thông báo của nước này là sai lầm nghiêm trọng về sự thực và pháp lý?
Tôi không bất ngờ vì hiểu Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để chối bỏ việc Philippines đưa vụ việc ra kiện tại tòa án trọng tài quốc tế về Công ước luật Biển cũng như các cơ quan tài phán quốc tế khác. Hiện tại họ cũng đang ở vị thế yếu về mặt pháp lý nên không bất ngờ với việc đối phó đó.
Tôi chỉ hơi bất ngờ ở điểm, họ đưa ra những lý do để từ chối vụ kiện không hề bám sát mục đích, nội dung đơn kiện do Philippines đệ trình lên tòa án trọng tài. Họ hoàn toàn nói khác hẳn, nói ngoài những nội dung đơn kiện đưa ra.
Cụ thể, đọc đơn kiện của Philippines vào ngày 22/1/2013 thì thấy nước này không hề yều cầu tòa án trọng tài quốc tế về Công ước luật Biển giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo trong Biển Đông cũng như không yêu cầu tòa án giải quyết phân định ranh giới giữa các vùng biển chồng lấn giữa 2 nước. Nếu đơn kiện yêu cầu nội dung này thì theo quy định, phải có sự thỏa thuận giữa các bên đương sự, Trung Quốc có quyền từ chối tham gia. Và công hàm của họ làm theo đúng hướng này.
Nhưng rõ ràng đơn kiện của Philippines hoàn toàn không kiện nội dung đó. Philippines chỉ đề nghị tòa án trọng tài xem xét và xử lý việc giải thích, áp dụng Công ước luật Biển của phía Trung Quốc.
TS. Trần Công Trục (ảnh nhân vật cung cấp).
Vậy tại sao Trung Quốc lại không hiểu đúng khía cạnh mà phía Philippines đưa ra kiện như thế. Vấn đề Philippines kiện về việc giải thích, áp dụng quy định của Công ước quốc tế về luật Biển của Trung Quốc có “lắt léo” đến mức Trung Quốc không hiểu ý ?
Rõ ràng họ có chủ trương, ý định “không hiểu” được sắp xếp, tính toán rồi. Nếu họ bám vào nội dung đơn kiện của Philippines thì đương nhiên về mặt thủ tục, nội dung kiện hoàn toàn phù hợp với công ước luật Biển và theo đó, Trung Quốc phải có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục này, tức cùng nhau đưa ra tòa án trọng tài về luật Biển quốc tế để giải thích, áp dụng công ước này trong việc đưa ra các yêu sách đối với phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của một nước.
Rõ ràng việc Trung Quốc mở rộng phạm vi vùng biển của mình ở nơi cách xa bờ biển (nơi gần nhất cũng đến 870 hải lý) đến như thế là phi lý, càng không có cơ sở nào để đưa ra tuyên bố chủ quyền về vùng biển đó. Đường 9 đoạn trên biển họ đưa ra không dựa vào bất cứ tiêu chuẩn nào để xác định một đường biên giới hết sức mông lung, chiếm tới 80% diện tích Biển Đông như vậy, vi phạm đến yêu sách chính đáng của các nước ven biển này, trong đó có Philippines.
Đối với một số bãi cạn, bãi đá nằm lập lờ ở mặt nước, bị chìm hoàn toàn khi thủy triều lên cao nhưng Trung Quốc vẫn vận dụng quy định của công ước như đối với một đảo, từ đó xác định hiệu lực của bãi cạn này có cả đường sơ sở, vùng lãnh hải và vùng thềm lục địa. Như vậy, việc vận dụng đó trái với Điều 121 của công ước.
Video đang HOT
Cũng dựa vào công ước này, Trung Quốc còn đưa ra các nội luật của mình như quy chế biên phòng ven biển Hải Nam, quy định có quyền xét hỏi, trục xuất với các tàu thuyền đi lại trong khu vực tự do hàng hải như công ước quy định.
Philippines đề nghị tòa án trọng tài cần phải xem xét những phương diện hiểu sai, áp dụng công ước sai như thế, yêu cầu tòa án trọng tài ra phán quyết buộc Trung Quốc không được triển khai hướng áp dụng quy định như vậy.
Ông có thể phân tích cụ thể lý do Trung Quốc phản đối việc đưa sự việc ra tòa án quốc tế và một lần nữa lại yêu cầu giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương?
Tôi cho rằng không phải Trung Quốc không hiểu nội dung đơn kiện của Philippines. Họ thừa sức để hiểu vì họ là một nước đã tham gia rất tích cực trong quá trình xây dựng nên Công ước luật Biển 1982. Có thể nói họ là một thành viên đi đầu trong nhóm nước đang phát triển đối với công ước. Họ hiểu quá đi chứ.
Họ không trả lời một cách đầy đủ, đúng trọng tâm yêu cầu khởi kiện là vì nếu họ theo kiện vụ này, họ sẽ ở một thế, như mọi người đều nói, hết sức bất lợi vì những yêu sách họ đưa ra hết sức vô lý, hoàn toàn không dựa vào Công ước luật Biển.
Một trong những mấu chốt của vấn đề, đứng về khía cạnh luật pháp, pháp lý, trong mọi loại việc liên quan đến yêu sách của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, chủ trương nhất quán của họ là không muốn đàm phán đa phương mà chỉ muốn đàm phán song phương. Họ đã thể hiện quan điểm từ lâu rồi.
Như phân tích của ông, việc Trung Quốc trả công hàm vừa qua sẽ không ảnh hưởng gì đến tiến trình việc Philippines kiện họ?
Theo tôi, việc trả lời từ chối của Trung Quốc với lý do đó là hoàn toàn lạc đề, không bám sát nội dung đơn kiện. Như vậy trách nhiệm quyền hạn của cơ quan tài phán quốc tế cần xem xét, nghiên cứu thật kỹ và đúng như nội dung đơn kiện thì mới phù hợp với quy định của Công ước.
Nhưng tất nhiên trong cuộc sống, cái lý chưa chắc đã được xem xét một cách thẳng thắn thấu đáo. Điều đó còn phụ thuộc vào vai trò trách nhiệm của cơ quan tài phán quốc tế vì việc xác định các thành viên của cơ quan tài phán này (do các bên đương sự giới thiệu, đề xuất) cũng là cả một vấn đề. Chúng ta chưa thể nói trước gì nhiều mà phải chờ đợi xem với tổ chức cơ quan tài phán này của LHQ thì sự việc sẽ được xem xét ra sao.
Nhưng dẫu sao chúng ta cũng hy vọng là cơ quan có tổ chức lớn, quy mô, trọng trách như LHQ thì sẽ làm đúng như yêu cầu, thủ tục cần thiết để xử lý các tranh chấp. Nếu nghiêm túc, cơ quan tài phán này cần tiến hành xem xét và giải quyết một cách công bằng thì mới đảm bảo cho Công ước trở thành một công cụ pháp lý mạnh mẽ tương xứng với công sức của nhân loại dành cho nó, tạo ra sự ổn định, trật tự trên biển trong thời đại các nước đều đang vươn ra biển với tất cả những lợi ích đan xen nhau.
Phía Philippines đã tuyên bố kiên định quan điểm đưa vụ việc ra tòa án quốc tế dù Trung Quốc đã từ chối. Đến thời điểm này, ông có tin vào khả năng yêu cầu của Phillipine được giải quyết tại tòa?
Với tư cách một người nghiên cứu về lĩnh vực, tôi hoàn toàn chia sẻ, tán thành quan điểm của Philippines và cho rằng việc làm của họ rất đúng thủ tục cũng như nội dung được quy định trong công ước để kiện lên các cơ quan tài phán quốc tế. Làm đúng quy chế, tòa án trọng tài xem xét phán quyết khi Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện sẽ có những tác dụng rất lớn lao. Trước hết nó khẳng định mọi thành viên đã ký và tham gia Công ước phải tuân thủ một cách nghiêm túc các quy định để giúp giải quyết các tranh chấp có thể dẫn đến xung đột trên thực địa.
Tôi đánh giá rất cao vai trò của Philippines trong bối cảnh tranh chấp xảy ra, không khí rất căng thẳng trước những yêu sách sai trái của Trung Quốc, nước này đã bình tĩnh tiến hành những thủ tục pháp lý rất chuẩn. Philippines đã làm đúng theo các thỏa thuận của DOC – giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình (kiện ra tòa án quốc tế là một phương pháp hòa bình rất căn bản, rất đúng thủ tục, pháp lý). Họ làm như vậy sẽ được ủng hộ. Những người có lương tâm, có tinh thần xây dựng chắn chắn nghĩ như thế.
Ông có tin dư luận quốc tế và các nước lớn nói chung sẽ đón nhận, ủng hộ Phillipines trong vụ kiện này?
Trong thời gian vừa rồi, qua theo dõi, tôi thấy các nước lớn và có đến 900 tổ chức lên tiếng ủng hộ Philippines trong việc này. Lãnh đạo của các nước EU, trong những cuộc công du đến nước này cũng đã lên tiếng ủng hộ. Tôi tin các nước trong khu vực mà có liên quan đến việc này cũng hết sức ủng hộ. Chúng ta cũng chia sẻ, việc Philippines làm là bảo vệ lợi ích của cả khu vực chứ không chỉ của Philippines.
Tôi hi vọng tới đây cộng đồng quốc tế còn phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, đồng tình hơn nữa, ủng hộ hơn nữa việc này. Chúng ta ủng hộ điều đó cũng có nghĩa là tạo nên một sự chia rẽ trong chính trị, ngoại giao với Trung Quốc. Nhưng thực tế, đó cũng là một cách để củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị trên cơ sở tuân thủ đúng đắn những công ước mà mình đã cùng ký tham gia, nếu không làm được điều đó nghĩa là chính chúng ta đang ủng hộ cho mầm mống chia sẻ và lộn xộn trong khu vực. Tôi nghĩ là thế giới, cộng đồng quốc tế sẽ tư duy và hành động theo phương châm đó, cách tiếp cận đó.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Không thể mơ hồ về chủ trương của Trung Quốc
Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích hàng loạt động thái dồn dập của Trung Quốc (TQ) nhằm khẳng định chủ quyền phi lý trên biển Đông: làm đứt cáp tàu nghiên cứu Việt Nam, in bản đồ "lưỡi bò" lên hộ chiếu, đòi khám xét tàu ở vùng biển mà TQ coi là chủ quyền của họ.
Tàu cá của thuyền trưởng Huỳnh Quang Vũ ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa bị Trung Quốc tịch thu ngư cụ và hơn 1 tấn cá tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: Chí Tín.
Trao đổi với Lao Động, TS Trục cho biết:
Là người đã theo dõi, nghiên cứu vấn đề này từ lâu, tôi có thể nói, về hình thức, đây là những động thái mà TQ trước nay vẫn làm, không phải có gì bất thường. Tự những động thái đó của TQ đã là câu trả lời rõ ràng, không còn nghi ngờ gì, chủ trương của TQ tiến ra biển, khống chế làm chủ biển Đông là không có gì thay đổi, mà còn tính toán bài bản, tinh vi hơn để tạo dư luận có lợi cho họ, tạo bẫy pháp lý để các nước mặc nhiên thừa nhận chủ quyền TQ.
TQ sẽ tiếp tục chủ trương biến 80% biển Đông thành "ao nhà" của họ, trước mắt là tìm cách biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng tranh chấp, hợp thức hóa yêu sách đường "lưỡi bò" phi lý. Do vậy không thể mơ hồ, hy vọng sự thay đổi, chí ít là thời gian trước mắt, về chủ trương của TQ.
Liệu các động thái đó có ảnh hưởng đến đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) không, thưa ông?
COC là văn kiện có tính pháp lý mạnh mẽ, đi vào những quy định cụ thể để xử lý các tranh chấp xảy ra trong các phạm vi biển và thềm lục địa theo yêu sách do các bên vận dụng các tiêu chuẩn của Công ước Luật Biển năm 1982 để vạch ra, tất nhiên sẽ động đến đường "lưỡi bò" - một yêu sách "hoang tưởng", phi lý, bất chấp mọi tiêu chuẩn của Luật Biển 1982 - do TQ tự ý vẽ ra. Đường "lưỡi bò" nếu không bị cắt đi, thì COC khó lòng mà đạt được. Nói thiện chí thì ASEAN quá thiện chí rồi.
Thực tế, nếu theo Công ước Luật Biển 1982 của LHQ, liên quan đến các vùng biển chồng lấn, các nước có thể ngồi với nhau ngay lập tức, xác lập đường cơ sở ra sao, đưa yêu sách theo từng điểm một, nếu trong quá trình đàm phán, chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng thìcó thể áp dụng giải pháp tạm thời "hợp tác khai thác chung" như đã từng có tiền lệ trong khu vực này. Chìa khóa vấn đề ngay trước mắt, nhưng TQ không cần. Họ cần một chìa khóa ảo do chính họ tạo ra mà không ai biết nó ra sao, mở thế nào.
Tiến sĩ Trần Công Trục
Dư luận cho rằng việc in đường "lưỡi bò" lên hộ chiếu là không có giá trị pháp lý. Ông nghĩ sao về việc ứng xử với TQ?
Họ đưa ra biên giới "lưỡi bò" là một tính toán, không phải ngẫu nhiên, càng không phải của một bộ ngành nào, mà là chủ trương của họ về chiến lược. Hộ chiếu là một tài liệu pháp lý, rất phổ biến trên trường quốc tế, người TQ đi khắp thế giới, các nước khi xác nhận visa, đóng dấu vào đó nghĩa là mặc nhiên thừa nhận.
Nếu chúng ta không có phản ứng gì thì họ sẽ biến thành sự đã rồi, biến không thành có ngay. Cho nên, mặc dù bản đồ đường "lưỡi bò" trên hộ chiếu cũng được một số người xem là không có giá trị pháp lý, nhưng nếu làm ngơ, không có động thái quyết liệt vô hiệu hóa nó, thì TQ sẽ lợi dụng để nói rằng đã thừa nhận yêu sách của TQ. Điều đó sẽ rất bất lợi cho chúng ta.
Do vậy, không thể xem thường những tài liệu này. Đó là cái bẫy pháp lý. Đương nhiên cũng không phải vì việc này mà cản trở quan hệ, làm sao vẫn phải giữ được quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế, đặc biệt là dân sinh. Dân TQ họ qua ta làm ăn nhiều.
Ta phải cứng rắn để vô hiệu hóa hành động của họ, nhưng cũng tạo điều kiện để người TQ qua lại làm ăn, vì đó là cuộc sống của nhân dân, của những người lao động chân chính... Nhưng nếu phía TQ không thay đổi thì buộc lòng ta phải có những động thái mạnh mẽ, cứng rắn hơn, với mục đích tối thượng là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ các quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của chúng ta trên các vùng biển và thềm lục địa.
Ông nhắc tới cái bẫy pháp lý của TQ, vậy thì Việt Nam cần làm gì để tránh bẫy đó?
Từ các sự việc trên, càng thấycác hành động của TQ đang triển khai là không thể xem thường. Công hàm phản đối của Việt Nam trong các trường hợp gần đây là cần thiết và đúng mực, nhưng có lẽ không nên lúc nào cũng chỉ nói về nguyên tắc. Cần nghiên cứu để có một công hàm phản đối có tính pháp lý đầy đủ, kín kẽ nhất. Không thể chỉ nói hành động của TQ là vi phạm chủ quyền, mà phải nói rõ vi phạm thế nào, đến đâu. Khi ra các diễn đàn quốc tế, phản ứng của ta trong các trường hợp sẽ phải được cân nhắc kỹ càng, nhất là các căn cứ, nguyên tắc pháp lý, tư liệu lịch sử, địa lý...
Một công hàm kín kẽ sẽ là chìa khóa pháp lý an toàn cho Việt Nam, khẳng định Nhà nước Việt Nam không thừa nhận chủ quyền của TQ. Công hàm đó không nên chỉ gửi đến bên phản đối, mà còn cần được gửi trực tiếp đến LHQ và một số tổ chức có liên quan, để chứng tỏ rằng mình đã có thái độ rõ ràng. Cũng cần công bố thậm chí nguyên văn công hàm đó để dư luận biết một cách rõ ràng và định hướng trong hành xử với TQ.
Thông tin đầy đủ sẽ có vai trò như thế nào, thưa ông?
Nếu ta không công khai, sẽ dẫn tới dư luận bất lợi cho chính ta. Thông tin không đến với mọi người sẽ dẫn tới sự hiểu lầm. Từ xưa tới nay ta luôn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Gần đây Nhà nước đã có những chủ trương về thu hút tập hợp các nghiên cứu về biển Đông. Cần có sự đoàn kết, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc, của các tầng lớp nhân dân. Tôi tin rằng, trước vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, với niềm tự hào của dân tộc thì không có gì khác nhau cả.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Trung Quốc liên tục gây hấn với ý đồ độc chiếm biển Đông Thời gian gần đây Trung Quốc ngày càng hành động cứng rắn trong việc đòi chủ quyền trên biển Đông, bất chấp sự vô lý trong các tuyên bố của họ cũng như sự phản đối mạnh mẽ của các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế rộng khắp. Việc làm của Trung Quốc đi ngược lại với điều họ vẫn...