Trung Quốc đã bàn giao 3 đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông
Đến ngày 4/10, Trung Quốc đã bàn giao cho Việt Nam 3 trong tổng số 13 đoàn tàu của Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Dự kiến, 10 đoàn tàu còn lại sẽ được bàn giao hết từ nay đến cuối năm 2017.
Hồi tháng 2, đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông đầu tiên được phía Trung Quốc bàn giao và đặt tại điểm ga La Khê. Theo kế hoạch, việc tiếp nhận 12 đoàn tàu còn lại là từ tháng 6 – 7/2017, tuy nhiên đến nay, khi đã sang tháng 10, Việt Nam mới được tiếp nhận thêm các đoàn tàu từ Trung Quốc.
Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, sáng ngày 24/9, 2 đoàn tàu số 2 và 3 (mỗi đoàn tàu gồm 2 toa đầu tàu và 2 toa khách) đã cập cảng Hải Phòng; 24h tối cùng ngày, các toa tàu đã được chuyển lên bờ thành công.
Trung Quốc đã bàn giao 3 trong tổng số 13 đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông cho Việt Nam
Các bên gồm đơn vị bảo hiểm vận tải biển và vận tải đường bộ cùng phối hợp chặt chẽ, xác nhận các thủ tục chuyển giao trách nhiệm trước khi tàu được đưa lên bờ chuẩn bị cho công tác vận chuyển về dự án.
Do toa tàu có chiều cao lớn, dài, cộng với chiều cao của xe vận chuyển chuyên dụng nên cung đường vận chuyển phải đảm bảo không vướng các chướng ngại về chiều cao cũng như góc rẽ.
Theo đó, lộ trình vận chuyển được cấp phép từ cảng Hải phòng chạy dọc theo Quốc lộ 5 cũ – Quốc lộ 10 – rẽ vào Quốc lộ 21B về đến Phủ Lý – rẽ vào Quốc lộ 1 cũ về đến Văn Điển – rẽ vào Quốc lộ 70 về đến đường Quang Trung – Hà Đông và tập kết tại khu Depot của Dự án.
Rạng sáng các ngày 2/10 và 3/10, đoàn tàu số 2 và số 3 đã được vận chuyển và tập kết an toàn về khu Depot của Dự án. Trong suốt quá trình vận chuyển, các bên tham gia luôn túc trực áp tải, tiền trạm dẫn đường với duy nhất nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoàn tàu.
Hiện nay, các toa tàu đã được đưa lên đường ray khu Depot và đang thực hiện công tác liên kết, tổ hợp thành các đoàn tàu hoàn chỉnh.
Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, từ nay đến cuối năm 2017, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục bàn giao 10 đoàn tàu còn lại. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao phụ thuộc vào tiến độ giải ngân vốn cho gói thầu thiết bị của dự án này.
Trước đó, theo kế hoạch, dựa án sẽ được vận hành thử nghiệm từ tháng 10/2017, tuy nhiên mới đây Bộ GTVT đã chính thức xác định dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không đạt được kế hoạch. Nguyên nhân do dự án thiếu vốn, nguồn tiền giải ngân chậm khiến tiến độ bị chậm.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD. Dự kiến, quý II/2018, tuyến đường sắt sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Cẩu thành công toa tàu đầu tiên lên ray đường sắt trên cao
Chiếc cẩu bánh xích Kobelco CKS2500 (cần cẩu loại 250 tấn) đã đặt thành công toa tàu đầu tiên lên ray đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào lúc 2h45 ngày 21/2 trong tiếng vỗ tay tán thưởng của những người dân hai bên đường.
Toa tàu đã nằm gọn trên đường ray
2h45, toa tàu được đặt thành công vào đường ray trong tiếng hoan hô của người dân hai bên đường. Các công nhân tiếp tục cân chỉnh để toa tàu ăn khớp với đường ray... Quá trình cẩu diễn ra suôn sẻ, không bị rung lắc hoặc trục trặc nào.
2h42, chiếc tàu được cẩu lên rất êm và chỉ còn cách ray đường sắt trên cao vài chục centimet.
Cẩu xích chuẩn bị kéo toa tàu lên
2h28, cẩu xích bắt đầu nhấc toa tàu đường sắt khỏi chiếc xe siêu trường siêu trọng. Toa tàu vẫn được phủ bạt kín.
2h02, một số người dân đã về nhà, tuy nhiên vẫn còn khá đông người dân đứng hai bên đường. Các công nhân vẫn đang tiếp tục công việc mắc cáp vào toa tàu.
Video đang HOT
Người dân đứng dưới mưa theo dõi cẩu tàu
1h42, mưa đã nặng hạt hơn. Việc mắc cáp vào toa tàu vẫn đang được thực hiện.
1h10, công việc mắc cáp cẩu vào vào toa tàu gặp trục trặc, các công nhân đang làm lại... Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, những đầu máy, toa xe đường sắt là hàng có giá trị, ý nghĩa rất lớn. Việc đưa lên ray càng cần hết sức cẩn trọng, không vì sức ép tiến độ mà để xảy ra rủi ro.
Ngoài trời hiện đang có mưa phùn. Người dân vẫn kiên trì đứng dưới mưa theo dõi công việc của các đơn vị.
Xe chở đoàn tàu di chuyển về khu vực cẩu xích
1h05, cáp cẩu đã mắc vào toa tàu và chiếc cẩu xích đang lấy thăng bằng.
0h46, chiếc xe chở toa tàu đầu tiên đã vào khu vực cẩu bánh xích đang đỗ.
Xe chở đoàn tàu đang di chuyển vào vị trí thuận lợi để cẩu xích làm nhiệm vụ
0h42, lực lượng chức năng bắt đầu cấm đường tuyệt đối khu vực chuẩn bị cẩu tàu lên. Cụ thể, các phương tiện không được di chuyển trên đường Quang Trung đoạn từ ga La Khê đến ngã tư Quang Trung - Lê Trọng Tấn.
Người mẹ trẻ mang cả con nhỏ ra đường theo dõi cẩu tàu đường sắt vào ray
0h25, rào chắn tại khu vực cẩu bánh xích đang đỗ được mở để xe chở đoàn tàu có thể đi vào. Đoàn xe siêu trường siêu trọng đang lăn bánh về phía khu vực cẩu... Trước đó, các kỹ sư kiểm tra từng đoạn mặt đường nhằm đảm bảo an toàn cho xe siêu trường siêu trọng này đi qua an toàn.
Công tác chuẩn bị cẩu tàu đường sắt nhìn từ trên cao
0h10 ngày 21/2, một xe chở tàu bắt đầu lăn bánh. Các con đường tại khu đô thị Văn Phú vắng các phương tiện qua lại.
23h48, công tác chuẩn bị tại khu vực cẩu xích 250 tấn vẫn đang được các công nhân gấp rút triển khai. Người dân hai bên đường gần hiện trường vẫn ở lại theo dõi. Một làn đường bên kia của cẩu xích, các phương tiện vẫn di chuyển bình thường.
23h25, bà Phạm Thị Thanh (63 tuổi, ở Quang Trung, Hà Đông) chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Tôi thấy rất vui khi đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sắp hoàn thành. Nhà tôi gần ga La Khê, sau này tôi sẽ thường xuyên đi tàu trên cao này".
23h10', cẩu bánh xích Kobelco CKS2500 di chuyển vào vị trí.
Chiếc cẩu bánh xích tải trọng 250 tấn di chuyển vào vị trí thi công.
Toàn cảnh khu vực thi công đưa các toa tàu Cát Linh - Hà Đông lên đường ray trên cao.
Ga La Khê trước giờ đưa tàu trên cao lên đường ray
Gần 23h, công tác chuẩn bị vẫn đang được tiến hành.
Xe cẩu bánh xích lớn sẵn sàng vào vị trí.
Khu vực đặt cẩu đã được phong tỏa cẩn thận.
22h20', rất đông người dân tập trung tại ngã tư Lê Trọng Tấn - Quang Trung chờ theo dõi quá trình đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông được đưa lên đường ray trên cao.
Sự kiện cũng thu hút sự quan tâm của báo giới.
Sự kiện cũng thu hút sự quan tâm của báo giới.
22h, những tấm sắt lớn được rải trên mặt đường, để tạo mặt phẳng, phân tán lực cho xe cẩu di chuyển vào khu vực thi công.
Vị trí những nắp cống trên đường cũng được kiểm tra kỹ, tránh lún sụt...
Những hình ảnh tại hiện trường - nơi việc cẩu các toa tàu đặt lên đường ray sẽ được tiến hành trong đêm nay.
Từ 21h30, lực lượng chức năng đã tiến hành ngăn đường Quang Trung, không cho các phương tiện lưu thông trên làn đường chiều hướng từ nhà ga La Khê đến nga tư Quang Trung - Lê Trọng Tấn. Xe cộ theo cả 2 chiều được hướng dẫn đi chung trên làn đường còn lại. Các đoạn đường khác ngoài khu vực, người dân có thể lưu thông bình thường trên cả 2 chiều đường.
Trên đường Quang Trung, làn đường từ nhà ga La Khê đến ngã tư Lê Trọng Tấn đã được phong toả, cấm xe để phục vụ việc cẩu các toa tàu.
Các công nhân đang chuẩn bị những khâu cuối cùng trước khi vận hành cẩu siêu trọng.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, sau quá trình bàn bạc, tiếp thu ý kiến, các bên thống nhất cẩu lắp đoàn tàu đầu tiên lên ray chính tuyến trên cầu cạn tại vị trí từ trụ JR02 đến JR06, khu vực ga La Khê, nằm trên đường Quang Trung - Hà Đông (giáp ngã tư Quang Trung - Lê Trọng Tấn).
Ông Thành thông tin thêm, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ được tiến hành cẩu lắp từ 22h30 đêm 20/2 đến 5h ngày 21/2. Theo kế hoạch dự kiến, mỗi đêm thực hiện cẩu lắp 2 toa. Việc cẩu các toa tàu lên cầu cạn sẽ được thực hiện bằng cẩu bánh xích Kobelco CKS2500 (cần cẩu loại 250 tấn), cần chính 51,8m; bán kính hoạt động từ 10,8m đến 12m ứng với trọng lượng mã hàng tương ứng 84,5 tấn.
Người dân khu vực Hà Đông đổ ra đường theo dõi việc chuẩn bị nhấc các toa tàu lên đường sắt trên cao.
Ghi nhận của PV Dân trí lúc 21h15 tối 20/2, chiếc cần cẩu nói trên đã vào vị trí để sẵn sàng "nhấc" tàu Cát Linh - Hà Đông lên đường sắt trên cao.
Ngoài ra, lực lượng CSGT, TTGT và các lực lượng liên quan khác đã vào vị trí chuẩn bị cho công việc nói trên.
Các phương tiện tham gia giao thông qua khu vực nhà ga La Khê vẫn được di chuyển bình thường. Tuy nhiên, theo kế hoạch, trong khoảng thời gian từ 22h30 đến 5h sáng hàng này, lực lượng chức năng sẽ cấm toàn bộ phương tiện giao thông (đi theo hướng từ nội thành đi Ba La) qua khu vực nhà ga La Khê (đường Quang Trung, Hà Đông). Sở GTVT cho biết, làn đường còn lại của đường Quang Trung sẽ được tổ chức đi 2 chiều trong đêm. Trong thời gian diễn ra cẩu lắp, Sở GTVT cấm toàn bộ hai chiều đường, đoạn từ ngã ba Quang Trung - Phan Đình Giót đến ngã tư Quang Trung - Lê Trọng Tấn.
Nguyễn Dương - Mạnh Thắng - Trọng Trinh - Quang Phong
Theo Dantri
Các đoàn tàu được lắp đặt trên đường sắt Cát Linh-Hà Đông 12 toa tàu của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đã về tới Hà Nội, đang được lắp đặt trên đường ray. Đoàn tàu số ba của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vừa được nhà thầu vận chuyển về khu depot - Hà Đông. Sáng 4/10, phần toa tàu số 12 được di chuyển...