“Trung Quốc: Cường quốc càng ngày càng hiếu chiến”
Qua bài “Trung Quốc: Cường quốc càng ngày càng hiếu chiến”, báo Pháp Les Echos nhận định Trung Quốc hiện đã trở thành một kẻ gây hấn tiềm tàng.
Theo Gabriel Grésillon – thông tín viên của Les Echos thường trú tại Bắc Kinh, hành động này ẩn chứa rủi ro nghiêm trọng: làm sụp đổ uy tín của chính Trung Quốc.
“Gấu trúc” Trung Quốc càng ngày càng hung hăng, hiếu chiến
Tác giả bài viết “Trung Quốc: Cường quốc càng ngày càng hiếu chiến” đăng trên báo Les Echos ngày 4/5 mở đầu bài phân tích bằng câu nhận định “Nơi đây là mồ chôn của sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”. “Trỗi dậy hòa bình” là một khái niệm được Bắc Kinh xây dựng từ năm 2003 và được xem như là một “bảo bối” để đánh bóng hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế.
Video đang HOT
“Trỗi dậy hòa bình” có thể nói là một ý tưởng rất khôn khéo. Theo đó, vào lúc mà hàng hóa Trung Quốc tràn ngập trên toàn cầu, cả thế giới sẽ hiểu rằng Bắc Kinh không vì mục đích tham vọng bá quyền. Trung Quốc sẽ là một cường quốc dựa trên nền tảng không xâm phạm và ức hiếp láng giềng. Tất cả những xung đột trước đây, như cuộc chiến với Ấn Độ năm 1962 hay với Việt Nam năm 1979… đã lùi vào dĩ vãng.
Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi trong năm 2014. “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình chỉ là một vỏ sò trống rỗng, mà ai cũng có thể tự làm đầy tùy theo ý của mình, nhất là kể từ khi ông Chủ tịch Tập quyết định tăng cường sức mạnh quân sự cho đất nước.
“Kẻ xúi giục gây gối” trong khu vực
Đương nhiên, danh sách các vụ tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng cũng không có gì mới mẻ. Chỉ có điều đáng chú ý là thái độ của Bắc Kinh đã hoàn toàn thay đổi chỉ trong vòng có vài năm. Từ lâu vốn nổi tiếng là cẩn trọng và chủ trương giữ nguyên “hiện trạng”, Trung Quốc giờ đây cảm thấy có đủ tự tin làm “kẻ xúi giục, gây rối” trong khu vực.
Tác giả bài viết thừa nhận rằng trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng có một phần lỗi của chính quyền ở Tokyo. Việc chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 hòn đảo nằm trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm cho Bắc Kinh bực tức và đẩy Trung Quốc đi đến hành động đối đầu. Đó là chưa kể đến cách nhìn méo mó của Tokyo về quá khứ lịch sử không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm tăng thêm căng thẳng với các nước láng giềng.
Nhưng điều đáng nói ở đây là cách hành xử của Trung Quốc. Từ nhiều thập niên qua, quần đảo Senkaku đã nằm dưới sự quản lý của chính quyền Nhật Bản. Trung Quốc ngang nhiên cho các chiến đấu cơ tiến gần các máy bay trinh sát của Nhật là một hành động “khiêu khích” quân sự cực kỳ nguy hiểm. Sốc hơn nữa là Bắc Kinh đơn phương ngang ngược thiết lập vùng nhận dạng phòng không trong khu vực, bao gồm cả khu vực đang có tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đối với các quốc gia láng giềng phía nam, Bắc Kinh cho xây dựng các cơ sở hạ tầng trên các vùng đảo đang có tranh chấp với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông. Từ những quan sát đó, tác giả bài viết nhận định rằng bất kể lý do nào đi chăng nữa và bất kể các hành động gây hấn đó có “hợp pháp” hay không, điều này cho thấy có sự thay đổi về chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Tàu công vụ Trung Quốc hung hãn đâm tàu Cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông
Cường quốc thứ 2 thế giới này không còn là một quốc gia hòa bình nữa, mà đã trở thành “kẻ gây hấn tiềm tàng” trong toàn khu vực. Dẫu rằng sự đảo chiều này có vẻ như được nhìn nhận, trong thực tế, nó còn hàm chứa một mối nguy quan trọng cho Trung Quốc: sự sụp đổ uy tín của quốc gia. Tác giả Grésillon cho rằng Bắc Kinh đang phát đi những tín hiệu đe dọa, gây lo sợ cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Gabriel Grésillon nhận thấy bất chấp việc sử dụng khôn khéo hình ảnh “gấu trúc” như một công cụ ngoại giao, người ta cũng không thể nào xem Trung Quốc như là một kẻ “khổng lồ vô hại đang ngủ yên”. Và kết quả của những hành động đó là các nước xung quanh đang cố tạo thành một mặt trận chung, tạo cho Tokyo một cái cớ để hoạt động tích cực hơn như đóng vai trò “anh cả” trong khu vực.
Tác giả Grésillon cho rằng nếu thật sự muốn phát triển “quyền lực mềm”, Trung Quốc cần phải có một thái độ khác cũng như học thuyết ngoại giao chín chắn hơn, xứng tầm với vị trí cường quốc mà họ muốn thể hiện trên trường quốc tế.
Nhưng cho đến thời điểm này, về mặt chính thức đa phần cách ứng xử với thế giới bên ngoài của Trung Quốc đều dựa vào nguyên tắc “không can dự” bất di bất dịch. “Không can dự” cũng có nghĩa là Bắc Kinh chỉ theo đuổi có một nguyên tắc: thờ ơ với những gì không liên quan và dùng vũ lực khi có dính đến lợi ích cá nhân.
wTheo Tri Thức