Trung Quốc: Cuồng phong kinh tế thổi bùng thách thức chính trị
Giữa lúc chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đối diện nhiều thách thức kinh tế, chính trị, việc thị trường chứng khoán hoảng loạn, đồng nhân dân tệ bị phá giá còn thảm kịch Thiên Tân làm lộ những sai phạm trong quản lý, càng khiến tình hình thêm phức tạp.
Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc lo lắng khi thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm (Ảnh: Corbis)
Ngày 19/8, trang web của truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải bài viết của tác giả “Guoping”, khẳng định “mức độ khó khăn (trong triển khai cải cách), sức chống đối, sự ngoan cố, dữ dội, phức tạp và thậm chí cả kỳ lạ của những người không chịu thích nghi với cải cách hoặc chống lại nó đã vượt xa mức độ hầu hết mọi người có thể tưởng tượng”.
Bài viết với ngôn từ lạ này lại được chính quyền Bắc Kinh phê duyệt, bởi Guoping là bút danh vẫn thường được sử dụng trong các bài viết được hầu hết tin rằng phản ánh quan điểm chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo CCTV, Gouping là bút danh của một nhóm các nhà bình luận và tuyên truyền hàng đầu của truyền thông nhà nước.
Cái được gọi là sự chống đối, như được miêu tả trong bài báo, có thể được nói quá để tạo ảnh hưởng, nhưng những khó khăn và bất đồng là có thật. Các quan chức cấp cao trong chính phủ và đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ gì về những tranh cãi, vốn đang làm dấy lên những đồn đoán về chia rẽ ở thượng tầng.
Những ánh mắt dò xét đang dõi theo động thái của Bắc Kinh sau những nỗ lực không thành công, nhằm phục hồi thị trường chứng khoán. Đây là bất ngờ không mấy dễ chịu khi suốt một thập niên qua, nhà đầu tư đã quen với hiệu quả tức thì mỗi khi Trung Quốc quyết định giải cứu thị trường.
Những hỗn loạn trên thị trường Trung Quốc thời gian qua tất nhiên đã khiến giới đầu tư giận dữ, nhưng ông Tập Cận Bình, người đang nỗ lực đẩy mạnh các chính sách cải cách kinh tế theo hướng tự do hóa thị trường, hầu hết không liên quan.
Ngày 22/8, lãnh đạo của một sàn giao dịch kim loại hiếm đã bị những nhà đầu tư không được trả tiền bao vây bên ngoài một khách sạn hạng sang ở Thượng Hải, và dẫn giải tới đồn công an sở tại (trước khi được thả). Nhưng chỉ chưa đầy 15% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc đang được đầu tư vào thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu giảm không phải thách thức với hệ thống chính trị, thậm chí cũng không đe dọa hệ thống tài chính.
Video đang HOT
Thay vào đó những hỗn loạn làm gia tăng làm gia tăng những vấn đề cố hữu tại Trung Quốc đó là: cá nhân một số nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách muốn khuyến khích thị trường, đòi hỏi phải trả giá để thay đổi, nhưng toàn thể bộ máy lãnh đạo lại đề cao sự ổn định, và không muốn những biến động bất ngờ về giá. Hệ quả là những tranh luận tới lui liên quan đến những vấn đề then chốt của cải cách, vẫn tiếp diễn bất chấp những khó khăn.
Chính quyền Bắc Kinh đã cam kết những cải cách lớn đối với các công ty quốc doanh, cũng như tự do hóa hơn nữa ngành tài chính. Một loạt các bài bình luận gần đây trên tờ Nhân dân nhật báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã bác bỏ ý kiến cho rằng thị trường lao dốc là dấu hiệu từ bỏ cải cách, kèm tuyên bố bước tiếp theo phải “cải thiện sự hài lòng của công chúng”.
Vấn đề thực sự đó là những hỗn loạn trên thị trường sẽ làm nảy sinh phản ứng trong hàng ngũ lãnh đạo – và việc này đang diễn ra tại thời điểm đà lao dốc cũng làm tổn hại tới uy tín của chính phủ trong ứng phó các vấn đề kinh tế. Sự chống đối không chỉ bùng phát bởi kinh tế khó khăn, mà phần nhiều do một chính sách tiêu biểu khác của ông Tập Cận Bình: chiến dịch bài trừ tham nhũng. Một bài bình luận khác từng cho thấy đây đang là cuộc đấu giữa chính quyền mới với nhiều lãnh đạo đã về hưu nhưng vẫn muốn bảo vệ những người thân cận.
Bài bình luận đó – được đăng tải hôm 10/8, cũng trên chính tờ Nhân dân nhật báo – đã nêu gương những cựu lãnh đạo trước đây, những người một khi về hưu sẽ không còn can dự vào công việc tại cơ quan cũ. Mà như cách dùng từ hình ảnh của Nhân dân nhật báo, họ giống như những ly trà sẽ nguội đi lúc khách ra về.
Dù không được nêu thẳng tên, ông Giang Trạch Dân, được nhiều người nhận định là đối tượng bài báo nhắm tới. Dù thôi giữ chức Chủ tịch Trung Quốc năm 2002, ông vẫn duy trì ảnh hưởng tại hậu trường.
Vài năm qua, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã “trảm” nhiều quan chức từng thân cận với ông Giang, mà đáng chú ý nhất là cựu chủ nhiệm Ủy ban chính pháp Chu Vĩnh Khang và hai cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Các vụ điều tra tham nhũng trên cho thấy chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập vẫn chưa hề giảm tốc, đồng thời khẳng định thực tế rằng nó đã diễn ra toàn diện hơn hầu hết nhận định ban đầu của công chúng. Nó cũng tương tự như việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc dữ dội hơn dự báo của các nhà kinh tế.
Ông Tập đã đặt uy tín chính trị của mình vào khả năng quản lý kinh tế cũng như quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo. Nhưng cả hai nhiệm vụ này dường đang trở nên khó khăn.
Thanh Tùng
Theo Dantri/Economist
Ông Tập Cận Bình đang bủa lưới vây thuộc hạ của '4 con hổ'
Chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hề yếu đi, mà đang nhắm vào các quan chức có dính dáng đến 4 "con hổ" vừa bị bắt giữ, theo Duowei, trang tin của người Trung Quốc ở hải ngoại.
Bốn "con hổ" tham nhũng bị triệt hạ của Trung Quốc, (từ trái qua phải) gồm Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch - Ảnh: Want China Times
Trung Quốc đang siết chặt vòng vây quanh thuộc hạ của bốn "con hổ" Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và Lệnh Kế Hoạch, trang tin Want China Times ngày 18.8 dẫn bản tin tiếng Trung của Duowei cho hay.
Hồi cuối tháng 7, ông Chu Bản Thuận, cựu bí thư tỉnh ủy Hà Bắc, đã bị điều tra tham nhũng khi đang tại chức. Ông này trở thành bí thư tỉnh ủy đương nhiệm đầu tiên "ngã ngựa" kể từ khi ông Tập lên làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11.2012.
Trước khi về làm bí thư tỉnh ủy Hà Bắc, ông Chu từng là thuộc hạ thân tín của Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã bị kết án chung thân vì tội tham nhũng hồi tháng 6.2015.
Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, cùng Lệnh Kế Hoạch, cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng 2 phó chủ tịch quân ủy trung ương đã nghỉ hưu Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu là 4 "con hổ" to nhất bị sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.
Ngành dầu khí và hệ thống chính trị, pháp luật của Trung Quốc đều đã phải trải qua một cuộc tái cơ cấu quy mô lớn sau khi Chu Vĩnh Khang bị bỏ tù.
Tuy nhiên, theo quan sát từ trường hợp Chu Bản Thuận, có vẻ ông Tập và Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) và là người lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng, vẫn chưa hài lòng, và cả hai sẽ tiếp tục "dọn dẹp", trang tinDuowei nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
Trong hàng ngũ quân đội, đã có ít nhất 37 tướng tá bị điều tra tham nhũng, theo trang tin có trụ sở tại Mỹ. Một trong những trường hợp nổi bật nhất là việc cơ quan điều tra phát giác thượng tướng Cốc Tuấn Sơn, phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần quân đội Trung Quốc, đã hối lộ Từ Tài Hậu để được thăng chức. Cốc Tuấn Sơn đã bị kết án tử hình treo hồi đầu tháng 8. Theo quy định pháp luật Trung Quốc, người chịu án tử hình treo sẽ được hoãn thi hành án trong 2 năm. Bản án sẽ được giảm xuống tù chung thân nếu phạm nhân không vi phạm gì trong 2 năm này.
Duowei còn cho biết sau khi 2 vị tướng cấp cao là Quách Tuấn Hùng và Từ Tài Hậu bị phát hiện tham nhũng, tất cả những ai từng phục vụ hoặc được thăng tiến dưới thời 2 vị này được cho là đang đối mặt với nguy cơ bị điều tra.
Ngoài ra, còn có khả năng hàng trăm quan chức khác cũng sẽ bị cơ quan chống tham nhũng "sờ gáy" do có quan hệ với Lệnh Kế Hoạch. Nhiều bạn bè của ông này được cho là vẫn đang tại vị ở nhiều cơ quan cấp cao của chính phủ, và điều này có nghĩa là sắp có thêm nhiều vụ điều tra tham nhũng được công bố, theo Duowei.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Những lời khai như đùa của quan tham Trung Quốc Nhiều quan chức tham nhũng của Trung Quốc đã có những lời ngụy biện "không thể tin nổi" khi đối mặt với nhà điều tra. Từ trái qua: Dư Trị Bình, Lưu Thiết Nam và Từ Tinh - Ảnh: Ifeng.com/ v4.cc Tính đến tháng 6.2015, chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi", phát động tại Trung Quốc từ tháng 11.2012, đã...