Trung Quốc công bố kế hoạch trở thành ’siêu cường sản xuất’
Quốc hội Trung Quốc công bố kế hoạch toàn diện nâng cấp năng lực sản xuất với 8 lĩnh vực ưu tiên nhằm tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu.
“Chúng ta phải giữ tỷ trọng sản xuất ổn định trong nền kinh tế nói chung và nâng cao lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong các lĩnh vực này”, chính phủ Trung Quốc cho biết trong kế hoạch 5 năm dài 142 trang được giới thiệu với gần 3.000 thành viên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, tức quốc hội, trong phiên họp ngày 5/3.
Kế hoạch này tập trung vào 8 lĩnh vực gồm đất hiếm và vật liệu đặc biệt, robot, động cơ máy bay, phương tiện năng lượng mới và ô tô thông minh, thiết bị y tế và phát minh y học như vaccine, máy móc nông nghiệp, thiết bị sử dụng trong các ngành đóng tàu, hàng không và đường sắt cao tốc, cùng các ứng dụng công nghiệp của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ô tô ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 4/2020. Ảnh: Reuters .
Trung Quốc nhấn mạnh vào sản xuất tiên tiến trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó nêu ra các mục tiêu phát triển và kinh tế giai đoạn 2021-2025, phản ánh quyết tâm của chính phủ nước này trong theo đuổi chuyển đổi công nghệ cao trong lĩnh vực trên.
Điều này giúp bù đắp chi phí sản xuất ngày càng tăng, củng cố vị thế quốc gia của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao khả năng cạnh tranh với Mỹ.
Trung Quốc công bố chiến lược sản xuất mới trong bối cảnh Thượng viện Mỹ được cho là đang xem xét dự luật mới với gói hỗ trợ 30 tỷ USD nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Các nghị sĩ Mỹ đặt mục tiêu đưa vào gói hỗ trợ các yếu tố khác để thúc đẩy lĩnh vực công nghệ của nước này, dự kiến bỏ phiếu thông qua vào tháng 4.
Trong kế hoạch 5 năm mới, Trung Quốc đặt mục tiêu khắc phục các khâu yếu kém trong các lĩnh vực chính, phần mềm, vật liệu và hệ thống cơ bản.
Kế hoạch cho biết Trung Quốc sẽ phát triển chuỗi giá trị công nghiệp “ sáng tạo hơn, an toàn hơn với giá trị gia tăng cao hơn”, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong “đường sắt tốc độ cao, thiết bị điện, năng lượng mới và đóng tàu”. Kế hoạch cũng cho biết “các bộ phận quan trọng của chuỗi giá trị” phải nằm tại Trung Quốc.
Sản xuất chiếm 33% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc nửa đầu năm 2020, được coi là xương sống của nền kinh tế công nghiệp. Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới trong sản xuất và được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.
Hai kỳ họp quan trọng nhất năm tại Trung Quốc. Video: SCMP .
Dự thảo kế hoạch 5 năm kỳ vọng “các ngành công nghiệp non trẻ” của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể giá trị kinh tế và chiếm 17% GDP của cả nước trong giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch cũng thúc đẩy tốc độ triển khai mạng di động 5G để tăng tỷ lệ người dùng lên đến 56% trong giai đoạn này.
Quốc hội Trung Quốc khai mạc kỳ họp ngày 5/3. Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố mục tiêu tăng trưởng “trên 6%”trong năm 2021. Ông Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới công nghệ trong tạo ra lợi ích cho nhiều ngành công nghiệp, 23 lần nhắc đến “công nghệ” trong báo cáo chính phủ năm nay, nhiều hơn năm ngoái 9 lần.
Trung Quốc xem xét dự luật cải tổ hệ thống bầu cử Hong Kong
Quốc hội Trung Quốc đang nghiên cứu dự thảo luật cho phép Bắc Kinh thẩm tra ứng viên tranh cử ở Hong Kong và loại bỏ người không phù hợp.
Bắc Kinh xác nhận kế hoạch cải tổ hệ thống bầu cử Hong Kong trong cuộc họp quốc hội thường niên khai mạc hôm nay. Đây sẽ là những thay đổi quan trọng nhất trong hệ thống chính trị và hành chính Hong Kong, nơi từng là thuộc địa của Anh trước khi được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, cũng như củng cố sự kiểm soát của Bắc Kinh với cách điều hành đặc khu.
Hạ Bảo Long, quan chức hàng đầu của Bắc Kinh phụ trách các vấn đề Hong Kong, cho rằng cải tổ hệ thống bầu cử là rất cần thiết để đảm bảo "chỉ những người yêu nước" mới có quyền điều hành thành phố này.
Các đại biểu quốc hội Trung Quốc họp tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh hôm 5/3. Ảnh: AFP
Theo hệ thống hiện hành, Hội đồng Lập pháp Hong Kong là cơ quan chịu trách nhiệm xem xét các dự luật, bỏ phiếu thông qua và phê duyệt ngân sách, cũng như có quyền thông qua quyết định bổ nhiệm hay bãi nhiệm các thẩm phán của Tòa chung thẩm và chánh án Tòa án tối cao của đặc khu.
Hội đồng có 70 ghế, trong đó 35 ghế được bầu trực tiếp tại 5 khu vực. 35 ghế còn lại được bầu gián tiếp thông qua các khu bầu cử chức năng, được cho là do các hội ngành hoặc nhóm lợi ích đặc biệt, chủ yếu là những người thân Bắc Kinh, bầu ra.
Truyền thông Hong Kong dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay Bắc Kinh đã đề xuất tăng quy mô Hội đồng Lập pháp Hong Kong lên 90 ghế, trong đó tăng thêm ghế cho các thành viên thân Bắc Kinh. Kế hoạch cải cách cũng nhằm nâng số lượng thành viên trong ủy ban bầu cử thành phố, cơ quan lựa chọn lãnh đạo Hong Kong, từ 1.200 lên 1.500 người.
Số ghế bổ sung sẽ được trao cho các thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) và các nhóm yêu nước khác. Vương Thần, nhà lập pháp cấp cao của Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ thay đổi quy mô, thành phần và cách thức thành lập của ủy ban bầu cử, trao cho ủy ban quyền lựa chọn nhiều nhà lập pháp của thành phố.
Dự thảo luật mà Bắc Kinh đưa ra có thể sẽ loại bỏ ủy viên hội đồng quận, thể chế dân chủ toàn diện duy nhất của Hong Kong, khỏi ủy ban bầu cử và Hội đồng Lập pháp. Trong cuộc bầu cử hội đồng quận năm 2019, các ứng viên ủng hộ dân chủ đã giành gần 90% trong số 452 ghế.
Những thay đổi này sẽ mở đường cho Bắc Kinh củng cố quyền kiểm soát với Hong Kong, tiếp theo luật an ninh quốc gia có hiệu lực từ 30/6/2020. Trương Nghiệp Toại, phát ngôn viên quốc hội Trung Quốc, cho rằng cần thiết phải cải tổ hệ thống bầu cử Hong Kong để "phù hợp với thời đại", nói thêm quốc hội có quyền và trách nhiệm đưa ra quyết định "cải thiện" hệ thống chính trị đặc khu.
Dự thảo luật dự kiến được thông qua vào tuần sau. Đây được coi là đòn giáng mạnh nhất vào phe đối lập tại Hong Kong, vốn đang lao đao sau khi 47 thành viên bị bắt và buộc tội lật đổ chính quyền và nhiều nghị sĩ đối lập bị tước ghế.
"Nếu các biện pháp cải cách này được thông qua, phe đối lập sẽ mất tiếng nói", Willie Lam, nhà phân tích về Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Kỳ họp quốc hội, một trong hai sự kiện quan trọng trong "lưỡng hội" Trung Quốc, diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực thắt chặt kiểm soát với Hong Kong, sau khi ban hành luật an ninh quốc gia với đặc khu hồi năm ngoái. Luật an ninh quốc gia hình sự hóa nhiều tội danh, trong đó có hành vi "cấu kết với thế lực nước ngoài" đe dọa an ninh quốc gia tại Hong Kong.
Trung Quốc quyết ngăn 'thế lực nước ngoài' can thiệp Hong Kong Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố "kiên quyết đề phòng và răn đe" thế lực nước ngoài can thiệp Hong Kong khi phát biểu tại quốc hội. "Chúng ta sẽ kiên quyết đề phòng và răn đe sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào vấn đề Hong Kong và Macau. Chúng ta sẽ hỗ trợ cả hai...