Trung Quốc công bố kế hoạch 10 điểm tối ưu hóa phản ứng chống dịch COVID-19
Trung Quốc vừa tiếp tục điều chỉnh và tối ưu hóa phản ứng chống dịch COVID-19 bằng cách ban hành 10 biện pháp mới, bao gồm việc cho phép người mang mầm bệnh không triệu chứng và bệnh nhân có triệu chứng nhẹ cùng những người đáp ứng các yêu cầu nhất định được cách ly tại nhà.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 6/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù vậy, giới chức y tế cấp cao Trung Quốc nhấn mạnh, động thái này không báo hiệu việc nới lỏng hoàn toàn các biện pháp chống dịch, mà đó là sự cân nhắc toàn diện dựa trên kinh nghiệm đã tích lũy được để đối phó với các đặc điểm mới của virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 7/12, Cơ chế Phòng ngừa và Kiểm soát Liên hợp chống dịch COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch 10 điểm mới nhằm tối ưu hóa hơn nữa phản ứng chống dịch COVID-19, bao gồm giảm tần suất xét nghiệm axit nucleic, loại bỏ việc kiểm tra kết quả axit nucleic âm tính và các yêu cầu về mã sức khỏe khi đến những nơi công cộng, ngoại trừ những địa điểm được chỉ định, đồng thời bãi bỏ các yêu cầu về kiểm tra COVID-19 và mã sức khỏe đối với việc đi lại giữa các khu vực trong nước. Các biện pháp mới quy định rõ những người mắc bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng đáp ứng được các yêu cầu sẽ được cách ly tại nhà, song họ vẫn có thể chọn giải pháp đi cách ly tập thể.
Video đang HOT
Những biện pháp mới chủ yếu nhằm vào công tác kiểm soát dịch bệnh trong nước, đã được ban hành sau khi các cơ quan y tế đánh giá toàn diện những biện pháp và kinh nghiệm phòng chống dịch hiện nay, cũng như các vấn đề tồn tại, đặc biệt là sau khi Trung Quốc áp dụng 20 biện pháp vào giữa tháng 11 vừa qua để rút ngắn thời gian cách ly đối với khách quốc tế đến nước này và những người tiếp xúc gần với các ca bệnh được xác nhận, bên cạnh một số biện pháp khác.
Cùng ngày, Cục Quản lý Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này đã liên tục điều chỉnh và tối ưu hóa các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19. Mọi hoạt động liên quan các biện pháp phòng chống COVID-19 đều lấy người dân làm trung tâm, đồng thời đề cao tính khoa học, chính xác, tập trung vào đặc tính của virus SARS-CoV-2, phù hợp với những thay đổi tình hình ở trong và ngoài nước.
Theo giới chuyên gia y tế Trung Quốc, 10 biện pháp mới trên là những bước đi quan trọng để hướng tới các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 một cách chính xác và khoa học hơn, vì sự phổ biến của biến thể Omicron và các biến thể phụ của nó khiến các biện pháp phòng chống dịch bệnh trước đây trở nên quá tốn kém và cuối cùng không mang lại hiệu quả. Các chuyên gia nhấn mạnh, Trung Quốc cần liên tục điều chỉnh và tối ưu hóa công tác phòng chống dịch bệnh để phân bổ các nguồn lực y tế đang căng thẳng cho những người có nhu cầu và tập trung vào những nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Trung Quốc phát tín hiệu điều chỉnh chiến lược phòng dịch COVID-19?
Một trong những quan chức cấp cao nhất về ứng phó với đại dịch của Trung Quốc cho biết nước này đang bước vào "giai đoạn và sứ mệnh mới" trong nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19.
Nhân viên y tế khử khuẩn một con phố ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Theo Tân Hoa xã, tuyên bố trên do bà Tôn Xuân Lan, Phó Thủ tướng Trung Quốc, đưa ra trong cuộc họp với các quan chức y tế quốc gia hôm 30/11. Giới phân tích cho rằng đây là tín hiệu mới nhất cho thấy Chính phủ Trung Quốc có thể đang điều chỉnh chiến lược phòng dịch, trong bối cảnh một số khu vực bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong toả dù ca mắc tăng cao.
"Khi khả năng gây bệnh của biến thể Omicron ngày càng yếu đi, tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng và kinh nghiệm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh bùng phát được tích luỹ, công cuộc ngăn chặn đại dịch của Trung Quốc phải đối mặt với giai đoạn và nhiệm vụ mới", bà nói.
Phó Thủ tướng Trung Quốc cho biết đất nước này đang thực hiện cách tiếp cận nới lỏng hơn trước làn sóng bùng phát của dịch bệnh. Cũng như giới chức y tế khác, bà Tôn Xuân Lan đã không đề cập đến chính sách "không COVID", thay vào đó bà nhấn mạnh đến việc tiêm chủng và các biện pháp khác. Bà kêu gọi các nỗ lực nhằm tối ưu hóa hơn nữa biện pháp ứng phó với COVID-19, cải thiện biện pháp chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị và cách ly, tăng cường tiêm chủng cho toàn dân, đặc biệt là người cao tuổi, đồng thời đẩy mạnh việc chuẩn bị thuốc cùng những nguồn lực y tế khác.
Tín hiệu điều chỉnh chiến lược phòng dịch diễn ra cùng thời điểm Trung Quốc tiến hành chiến dịch tiêm chủng cho người cao tuổi từ hôm 29/11. Trên 90% dân số Trung Quốc đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, nhưng tỷ lệ này giảm mạnh ở nhóm người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 80 tuổi.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, với khả năng tiếp tục nới lỏng các hạn chế phòng dịch, giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sẽ sớm cho phép một số người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 cách ly tại nhà. Song không phải tất cả các trường hợp dương tính đều được phép cách ly tại nhà vô điều kiện. Những người tiếp xúc gần với các ca nhiễm cũng sẽ được cách ly tại nhà nếu môi trường cách ly đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhất định. Nhà chức trách cũng sẽ đẩy mạnh xét nghiệm kháng nguyên đối với biến thể virus mới và giảm tần suất xét nghiệm hàng loạt cũng như xét nghiệm axit nucleic thông thường.
Trung Quốc đã ghi nhận 36.061 trường hợp mắc COVID-19 mới vào ngày 30/11, giảm nhẹ so với 37.828 ca trong ngày trước đó. Mặc dù số ca nhiễm hàng ngày còn tương đối cao, một số khu vực đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hôm 1/12, 24 quận ở Thượng Hải được chỉ định là "rủi ro cao" đã dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa. Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, trước đó, các quận Thiên Hà, Tòng Hóa, Phiên Ngung và Hoa Đô thuộc thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đã thông báo dỡ bỏ hạn chế trong vùng kiểm soát tạm thời vào ngày 30/11.
Các nhà phân tích nhận định những thay đổi này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận đại dịch. Trung Quốc vẫn là quốc gia lớn cuối cùng cam kết thực hiện chiến lược "không COVID" để đối phó với đại dịch. Chính sách này đã thành công trong giai đoạn đầu của đại dịch, như ngăn chặn virus lây lan và duy trì số ca tử vong ở mức thấp nhất so với các quốc gia khác.
Trung Quốc: Thành phố Bắc Kinh cấm rào cổng các khu chung cư bị phong tỏa vì COVID-19 Chính quyên thành phô Bắc Kinh ngày 27/11 cam kêt sẽ cải thiên các biên pháp kiêm soát dịch bênh COVID-19 và câm viêc rào cổng các khu chung cư bị phong tỏa. Phong tỏa một khu dân cư để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 24/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN Phó Giám đốc Trung tâm Kiêm...