Trung Quốc công bố gói chính sách 33 biện pháp phục hồi kinh tế hậu COVID-19
Ngày 31-5, Trung Quốc công bố gói 33 biện pháp bao gồm các chính sách tài khóa, tài chính, đầu tư và công nghiệp nhằm vực dậy một nền kinh tế bị đại dịch tàn phá.
Công nhân tháo dỡ hàng rào tại một khu dân cư ngày 31-5, khi thành phố Thượng Hải chuẩn bị kết thúc phong tỏa vì dịch COVID-19 – Ảnh: REUTERS
Giới quan sát nhận định gói kích thích kinh tế mới nhất cho thấy Trung Quốc đã chuyển hướng tập trung vào mục tiêu tăng trưởng, sau hệ quả từ các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt.
Theo Hãng tin Reuters, để khôi phục đầu tư và tiêu dùng, Trung Quốc chú trọng phát triển các công ty cung cấp nền tảng công nghệ, được cho sẽ giúp ổn định nguồn việc làm.
Phía Trung Quốc cho biết các công ty trên cũng được khuyến khích tạo đột phá trong các lĩnh vực điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và công nghệ blockchain.
Trung Quốc cũng sẽ mở rộng đầu tư tư nhân, tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích mua ôtô và thiết bị gia dụng để ổn định đầu tư.
Về chính sách tài chính và tiền tệ, Trung Quốc sẽ tăng cường hiệu quả tài chính thông qua thị trường vốn, bằng cách hỗ trợ các công ty trong nước niêm yết tại Hong Kong và nước ngoài.
Trung Quốc cũng cam kết sẽ giảm hơn nữa chi phí vay thực tế, tăng cường hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng và các dự án lớn.
Để tăng cường nguồn lực tài chính cho nền kinh tế, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương và hỗ trợ tiền mặt cho các công ty thuê sinh viên tốt nghiệp đại học.
Chính phủ sẽ cung cấp các khoản giảm thuế tín dụng cho nhiều lĩnh vực hơn, đồng thời cho phép doanh nghiệp trong các ngành bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 hoãn các khoản thanh toán an sinh xã hội.
Các biện pháp khác bao gồm các chính sách đảm bảo năng lượng và an ninh lương thực, ổn định chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp ngại vay vốn
Video đang HOT
Các nhà chức trách Trung Quốc đang gặp thách thức lớn trong việc thuyết phục doanh nghiệp và hộ gia đình tăng cường vay vốn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã yêu cầu các bên cho vay “dốc hết sức lực” gia tăng các khoản cho vay. PBOC cũng thúc đẩy các ngân hàng giảm lãi suất thế chấp và kêu gọi họ ổn định cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, Hãng tin Bloomberg ghi nhận doanh số bán nhà tại Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 5, cho thấy nhu cầu tín dụng của các công ty bất động sản đang ở mức thấp.
Trong giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp Trung Quốc phải tạm dừng sản xuất và cắt giảm việc làm, khiến doanh thu sụt giảm và lợi nhuận lao dốc.
“Nhu cầu tín dụng chậm chạp cho thấy kỳ vọng của thị trường đang xấu đi và việc mở rộng kinh doanh chậm lại”, chiến lược gia cấp cao Xing Zhaopeng của ANZ Trung Quốc cho biết.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trong 7 tháng qua, số lượng trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc sẽ lần đầu tiên thấp hơn số trái phiếu sắp đáo hạn vào tháng 5, với con số chênh lệch là 102 tỉ nhân dân tệ (tương đương 15,3 tỉ USD).
Điều đó có nghĩa doanh nghiệp đang trả nợ nhiều hơn đi vay.
Thượng Hải ngày cuối phong tỏa
Các nhà chức trách thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã bắt đầu tháo dỡ hàng rào xung quanh các khu dân cư và gỡ dây phong tỏa khu vực công cộng, trước khi lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng chính thức kết thúc vào nửa đêm ngày 1-6.
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc sẽ ngừng phong tỏa kể từ ngày 1-6 - Ảnh: REUTERS
Từ tối 30-5 đã có một số người dân được phép ra khỏi khu vực để đi dạo, tụ tập uống bia trên những con phố vắng vẻ.
Hai tháng qua, trung tâm tài chính của Trung Quốc đã trải qua tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt, khiến đời sống của người dân bị đảo lộn và nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 bên ngoài một nhà thờ ở Thượng Hải, ngày 31-5 - Ảnh: REUTERS
Thượng Hải sẽ trở lại nhịp sống bình thường kể từ rạng sáng 1-6. Những tấm thẻ thông hành của người dân sẽ đi vào dĩ vãng, giao thông công cộng hoạt động trở lại và người dân sẽ quay lại công sở.
"Giờ đột ngột đi làm lại khiến tôi thấy hơi lo lắng" - Joseph Mak, cư dân Thượng Hải, cho biết. "Thật khó tin là điều này đang thực sự xảy ra".
Hàng dài người dân xếp hàng chờ xét nghiệm ở trung tâm Thượng Hải, ngày 31-5 - Ảnh: REUTERS
Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 chỉ áp dụng cho những người ở những khu vực có nguy cơ thấp, tức khoảng 22,5 triệu người. Người dân vẫn sẽ phải đeo khẩu trang và được khuyến khích hạn chế tụ tập.
Ăn tối tại các nhà hàng vẫn bị cấm. Các cửa hàng có thể hoạt động với 75% công suất. Cư dân sẽ phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 cứ mỗi 72 giờ để di chuyển bằng phương tiện công cộng hay tới các địa điểm công cộng.
Quy định cách ly nghiêm ngặt vẫn được áp dụng với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (virus gây COVID-19) và những người tiếp xúc gần với họ.
Dỡ bỏ hàng rào trước các khu dân cư, ngày 31-5 - Ảnh: REUTERS
Việc chấm dứt lệnh phong tỏa mang lại tâm lý nhẹ nhõm cho người dân. Trung Quốc là một trong số các quốc gia lớn đang thực thi chính sách "Zero COVID" nhằm loại bỏ tất cả các ổ dịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao có thể sẽ quay trở lại và vẫn còn phải xem xét liệu việc xét nghiệm thường xuyên có thể đảm bảo dịch bệnh trong tầm kiểm soát hay không.
Người dân tất bật chuẩn bị cho thời khắc bỏ phong tỏa sau 2 tháng - Ảnh: REUTERS
Các đợt phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Trung Quốc đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, hạn chế nhu cầu và gây đình trệ hoạt động sản xuất.
Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đã phần nào phục hồi trong tháng 5 khi các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch ở các trung tâm sản xuất lớn dần được nới lỏng, mặc dù các biện pháp kiểm soát đi lại vẫn làm sụt giảm nhu cầu và hạn chế sản xuất.
Nhân viên y tế nghỉ ngơi trên một con phố ở Thượng Hải, ngày 31-5 - Ảnh: REUTERS
Trong ngày 30-5, Thượng Hải ghi nhận 31 ca mắc mới COVID-19, giảm so với 67 ca ghi nhận trước đó một ngày.
Xu hướng giảm số ca mắc có thể nhận thấy ở nhiều thành phố khác ở Trung Quốc, khi số ca mắc mới mỗi ngày giảm từ 184 ca xuống còn 174 ca trên toàn quốc. Thủ đô Bắc Kinh cũng ghi nhận số ca mắc mới giảm, với 18 ca trong ngày 30-5.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng lớp học, chuẩn bị cho học sinh đi học lại, ngày 30-5 - Ảnh: REUTERS
Nhiều chủ doanh nghiệp ở Thượng Hải mong mỏi đời sống kinh tế mau chóng phục hồi - Ảnh: REUTERS
Với chính sách "Zero-COVID" nghiêm ngặt, người dân Thượng Hải lo lắng tình trạng phong tỏa có thể tái diễn - Ảnh: REUTERS
Thành phố Thượng Hải dần trở lại cuộc sống thường nhật Ngày 31/5, chính quyền thành phố Thượng Hải của Trung Quốc với khoảng 25 triệu dân đã bắt đầu cho tháo dỡ hàng rào xung quanh các khu nhà dân cũng như dây băng của cảnh sát bao quanh các quảng trường và tòa nhà công cộng trước khi lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng được áp đặt để chống dịch COVID-19...