Trung Quốc có thể tạo ra tiền lệ tồi tệ cho các đảo nhân tạo
“Thời báo New York” bản điện tử ngày 19.6 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tìm cách để các bãi đá tại quần đảo Trường Sa mà nước này đang đưa vật liệu tới xây dựng sẽ được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trung Quốc xây dựng trái phép tại bãi đá Tư Nghĩa.
Theo báo trên, Trung Quốc đã chuyển đất cát tới một số bãi đá và bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa tại biển Đông để xây dựng thành các đảo, có thể cho phép xây dựng nhà cửa, đặt các trang thiết bị và có đủ điều kiện cư trú cho con người. Việc xây dựng này đã khiến Philippines và Việt Nam hết sức quan ngại và cũng gióng lên những cảnh báo tại Mỹ, vốn vẫn coi các hành động của Trung Quốc tại biển Đông là gây thêm bất ổn.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ có quãng thời gian khó khăn để thuyết phục tòa án quốc tế rằng các hòn đảo mới này có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Một mục trong Điều 60 của UNCLOS cho biết: “Các đảo nhân tạo, các hệ thống lắp đặt, các cấu trúc không mang lại quy chế đảo. Bản thân chúng không có vùng lãnh hải và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng tới việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.
Ngôn ngữ ở đây nghe có vẻ rõ ràng, nhưng Trung Quốc có thể lập luận rằng các đảo mới này không hoàn toàn là nhân tạo, bởi chúng có các bãi đá, bãi san hô từ trước khi đất cát được đưa đến và quá trình cải tạo đất được bắt đầu. Tuy nhiên, Điều 121 của UNCLOS đưa ra định nghĩa về đảo: “Một hòn đảo là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh là nước và luôn ở trên nước tại thời điểm thủy triều lên”.
Giáo sư về hàng hải Lawrence Juda thuộc Đại học Rhode Island (Mỹ) cho biết: “Các đảo nhân tạo không đủ tư cách để được coi là đảo với những quyền pháp lý dành cho các hòn đảo hình thành tự nhiên”. Ông Juda cho rằng, nếu Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo này để đòi hỏi EEZ thì đòi hỏi này là không chính đáng và sẽ không được thừa nhận. Hơn nữa, đòi hỏi như vậy là không thể chấp nhận đối với Philippines nói riêng và tất cả các quốc gia biển quan trọng khác nói chung, chẳng hạn như Mỹ. Việc chấp nhận đòi hỏi EEZ của Trung Quốc quanh một hòn đảo nhân tạo sẽ tạo ra một tiền lệ tồi tệ.
Theo báo trên, Trung Quốc đã và đang đối trọng với nỗ lực của Nhật Bản – một đối thủ về chủ quyền lãnh thổ khác – trong việc đòi hỏi thềm lục địa và EEZ cho một đảo san hô nhỏ tại một vùng biển khác. Đảo san hô này có tên Okinotorishima, nằm trong biển Phillippines, ở phía đông của Philippines và Đài Loan (TQ), phía tây của Guam. Vào thời điểm thủy triều lên, đảo san hô này chỉ còn hai mỏm nhỏ nằm phía trên mặt nước. Theo tạp chí “Chính sách Đối ngoại” (Mỹ), tính tới năm 2012, Nhật Bản đã chi 600 triệu USD xây dựng tường bao quanh hòn đảo san hô này. Các quan chức ngư nghiệp cũng đã trồng thêm san hô tại khu vực này để giúp cho nó giống một hòn đảo.
Các quan chức Trung Quốc đã phản đối và cho rằng Okinotorishma không đủ tư cách đảo chiếu theo UNCLOS và do đó không có thềm lục địa cũng như không thể tạo ra EEZ. Tháng 4.2012, một ủy ban của LHQ đã ra một phán quyết thiên vị về vấn đề này và để lại nhiều câu hỏi cơ bản chưa có câu trả lời. Một bài viết trên trang web của Herbert Smith Freehills – công ty luật thương mại toàn cầu – nói rằng việc liệu Okinotorishima có chính thức đủ tư cách của một hòn đảo hay không “là một sự phân biệt có tầm quan trọng đáng kể đối với các mục đích của luật biển quốc tế, vì nó có thể xác lập đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản đối với vùng thềm lục địa xung quanh cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của nó”.
Tháng 3.2014, tờ “Asahi Shimbun” của Nhật Bản đưa tin Nhật Bản đang chi 780 triệu USD để xây dựng một cảng tại khu vực hòn đảo san hô này. Bản tin của tờ “Asahi Shimbun” cho rằng mặc dù mục đích đã tuyên bố của Bộ Giao thông là để khai thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển tại các khu vực xung quanh, nhưng các nhà quan sát cho rằng việc xây cảng có thể là để cảnh báo Trung Quốc – nước đang tìm mọi cơ hội để làm suy yếu quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với EEZ xung quanh các hòn đảo nhỏ”.
Theo Lao Động
Video đang HOT
Giáo sư Carl Thayer: Đưa thêm giàn khoan, Trung Quốc mở "mặt trận" mới
Trả lời phỏng vấn của báo Dân Trí, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định Trung Quốc đang mở một mặt trận mới với Việt Nam khi đưa thêm giàn khoan tới Biển Đông,một phần cũng bởi Trung Quốc bực tức khi áp lực của quốc tế đối với nước này gia tăng.
Bên lề "Hội thảo Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" diễn ra ở Đà Nẵng từ 19-21/6, phóng viên Dân Trí đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á, về tình hình Biển Đông.
Trung Quốc mới vừa đưa thêm giàn khoan vào Biển Đông, xin ngài cho biết bình luận của mình về thời gian, mục đích của động thái này.
Theo thông tin tôi đọc được thì giàn khoan thứ hai của Trung Quốc được đưa đến Vịnh Bắc Bộ, nơi Việt Nam và Trung Quốc đã và đang đàm phán, thảo luận về vấn đề ở đó. Giàn khoan được đưa vào khi Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở Hà Nội. Tôi không tin là Trung Quốc hành động theo cách cách mà "tay trái không biết tay phải đang làm gì". Với tôi có vẻ như nó mở ra mặt trận thứ hai, bởi Việt Nam có nguồn lực hải quân hạn chế so với Trung Quốc.
Trung Quốc luôn có tới cả trăm chiếc tàu vây quanh một giàn khoan (Hải Dương-981-pv), khiến Việt Nam phải huy động, tập trung lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của mình. Và nếu họ mở thêm một mặt trận nữa, Việt Nam sẽ bị dồn ép. Vịnh Bắc Bộ lại được xem là vấn đề riêng giữa hai nước. Nói cách khác, Trung Quốc đang tiếp tục gây sức ép đối với Việt Nam, muốn Việt Nam ngừng đưa vấn đề ra công luận.
Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc đã bực tức trước áp lực đang ngày gia tăng.
Nếu nhìn vào cả vấn đề với Philippines, mỗi lần nước nào đó quốc tế hóa tranh chấp, Trung Quốc lại càng gây sức ép, nghĩa là khiến nước đó phải "trả giá". Vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tồn tại từ lâu. Không rõ liệu khi vấn đề được quốc tế hóa, áp lực có tác động đến Trung Quốc hay không. Nhưng có thể "mặt trận" thứ hai được thiết kế là nhằm chia mỏng nguồn lực của Việt Nam.
Mục đích chính của việc phát triển một giàn khoan đắt tiền là thương mại, để đi tìm dầu lửa và khí đốt. Tại Vịnh Bắc Bộ, đã có sự hợp tác chung từ lâu giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà năm ngoái việc hợp tác này tăng gấp đôi. Nhưng các chuyên gia cho rằng, hợp tác đó mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn, hai bên không tìm được gì trong khu vực. Đó là lý do vì sao giàn khoan tiếp theo hay giàn khoan Hải Dương-981 được triển khai không phải là vì mục đích thương mại mà là mang mục đích chính trị.
Trung Quốc bực tức khi áp lực gia tăng
Nhưng giàn khoan thứ hai có thể đi tới bất kỳ vị trí nào, không chỉ là Vịnh Bắc Bộ, ngài có nghĩ vậy không?
Vâng, có thể. Nhưng với những thông tin ban đầu, chúng ta phải hết sức cẩn trọng, không nên rút ra kết luận vội vàng. Tôi nghĩ trước đây những thông tin tình báo đầu tiên đã nhiều lần sau đó được chứng minh là sai. Và trong một mối quan hệ, nước nhỏ hơn thường nghĩ đến tình huống xấu nhất. Việt Nam phải chuẩn bị cho tình huống Trung Quốc kéo giàn khoan tới một địa điểm khác.
Nhưng Việt Nam có lợi thế khi mùa mưa bão tới vào tháng 9. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao Trung Quốc đã nói hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 sẽ kết thúc vào 15/8. Nếu có 100 thuyền quanh một giàn khoan và khi bão lớn tới, Trung Quốc có nguy cơ sẽ bị bẽ mặt khi các tàu bị gió cuốn, bị hư hại. Làm sao có thể bảo vệ được các tàu? Vì vậy mà Trung Quốc cần phải rút các tàu.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tốn kém nhiều khi duy trì sự hiện diện đông đảo đến như vậy quanh giàn khoan. Hơn nữa Việt Nam cũng cho các nhà báo tiếp cận hiện trường.Và tôi biết giờ đây cả phóng viên Úc cũng đã có mặt. Vì vậy Trung Quốc đã bực tức trước áp lực đang ngày gia tăng.
Chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện để ngư dân thành cướp biển!
Ngài có bình luận gì về những vu khống mới đây của Trung Quốc cho rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc hàng ngàn lần?
Việt Nam cũng làm được những điều mà Trung Quốc không làm được. Đó là Việt Nam đã cho công bố các đoạn clip. Khi Trung Quốc nói rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc 1.416 lần, tôi đã tính ra như vậy mỗi tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc tới không biết bao nhiêu lần. Nếu tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc nhiều đến vậy, chắc chắn tàu Việt Nam sẽ bị hư hỏng vì tàu Việt Nam nhỏ hơn tàu Trung Quốc rất nhiều. Vì vậy tôi cho rằng con số Trung Quốc đưa ra là hết sức vô lý. Và nếu tàu VN đâm tàu Trung Quốc chắc chắn Trung Quốc sẽ trả đũa. Quan trọng hơn nữa là bằng chứng đâu?
7 năm về trước, Trung Quốc đã công bố một đoạn phim tài liệu cho thấy trên tàu của lực lượng chấp pháp nước này thuyền trưởng đã ra lệnh cho tàu đâm vào một tàu khảo sát của Việt Nam. Lệnh đó là "Thủy thủ, chúng ta phải tấn công và đâm nó". Trong thông tin mới hơn Trung Quốc lại nói tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần, vậy hãy cho chúng tôi xem video? Lại một lần nữa Trung Quốc đưa ra tuyên bố với thông tin sai lệch.
Một ví dụ khác, trong khu vực Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc đã nói là họ đã tiến hành các hoạt động ở đây trong suốt 10 năm qua mà không vấp phải phản đối của Việt Nam. Có trường hợp tôi được biết là Trung Quốc đã tiến hành khảo sát bí mật, không công bố với Việt Nam. Việt Nam chỉ có thể phản đối khi Việt Nam biết về điều đó. Hơn nữa, 10 năm trước, Việt Nam không có lực lượng cảnh sát biển, vậy làm sao Việt Nam biết hết được các hoạt động của bọn cướp biển trong khi Việt nam có đường bờ biển rất dài?
Điều quan trọng là các bạn có phản đối trong suốt 10 năm qua.
Chính phủ Trung Quốc còn tạo ra môi trường để thậm chí ngư dân của Trung Quốc cũng có thể trở thành cướp biển, có thể tấn công tàu Việt Nam, đánh các ngư dân Việt Nam, mà không bị trừng phạt, bởi họ biết họ được chính quyền Bắc Kinh bảo vệ. Đây là điều tồi tệ vì chính phủ phải chịu trách nhiệm cho những gì người dân của mình đã làm. Và người Trung Quốc có quyền gì mà đâm tàu Việt Nam và lên tàu của Việt Nam?
Trung Quốc gần đây còn tăng cường các hoạt động như bồi đắp đất ở các bãi ngầm trong quần đảo Trường Sa. Theo ông, hoạt động của Trung Quốc nhằm mục đích gì?
Rõ ràng là có các hoạt động ở Gạc Ma, Gavin...và có thể là Bãi Chữ Thập song một lần nữa vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định Trung Quốc sẽ xây đường băng hay đồn quân sự ở đây.
Nhưng không thể phủ nhận được thực tế là có hoạt động cải tạo đất ở những bãi ngầm này. Chúng ta thấy Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng, mà trong trường hợp này không phải hiện trạng trên mặt đất mà trên biển trước khi tòa án (trong vụ kiện của Philippines) có thể ra phán quyết. Nhưng việc Trung Quốc biến bãi ngầm thành đảo nhân tạo là vi phạm luật quốc tế.
Trung Quốc đang cố gắng biến Biển Đông thành của riêng của mình. Và nếu bị phản ứng, như trường hợp của Philippines, họ thực hiện các bước để làm cho Philippines bẽ mặt, thấy được điểm yếu của họ. Bạn có thể nhớ là ở Scarborough Philippines đã dùng một tàu từng thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ được biên chế cho hải quân Philippines, Trung Quốc đã tuyên truyền ầm ĩ: Tàu chiến lớn nhất của hải quân Philippines đang tấn công ngư dân của chúng ta một cách trái phép. Vì vậy trong bài tham luận của tôi tại Hội thảo tôi gọi đó là "cuộc chiến pháp lý" trong 3 hình thái chiến tranh của họ (chiến tranh tâm lý, chiến tranh tuyên truyền và chiến tranh pháp lý - pv). Trong cuộc chiến pháp lý, họ luôn dùng luật của Trung Quốc chứ không phải luật quốc tế để lý giải hành động của mình.
Chúng tôi đang xem xét kiện Trung Quốc, vậy theo ông chúng tôi nên kiện như thế nào?
Tôi e rằng Việt Nam khó có thể đưa ra vấn đề chủ quyền ra tòa án công lý quốc tế vì cả hai bên phải đồng ý. Với tòa trọng tài, họ yêu cầu có một trong các bên phải đồng ý tham gia, nhưng dĩ nhiên Trung Quốc sẽ không tham gia. Nếu Việt Nam nêu ra vấn đề giàn khoan, sự việc sẽ không đi đến đâu. Một số người đề xuất, Việt Nam có thể nêu ra vấn đề ở Hoàng Sa hoặc ở Trường Sa. Nhưng theo theo tôi, Việt Nam nên ủng hộ Philippines trong vụ kiện ở tòa án trọng tài quốc tế về Công ước luật biển, nếu tình hình giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi.
Bởi nếu Philippines thắng trong vụ kiện, đường 9 đoạn của Trung Quốc sẽ là phi pháp. Mặc dù khi đó vẫn không thể ép Trung Quốc làm gì, nhưng theo luật pháp quốc tế, các nước khác sẽ nhìn nhận: Ồ, Trung Quốc đã đi ngược lại luật quốc tế! Đây là cách tốt nhất để các bạn có thể bảo vệ được chủ quyền của mình.
Xin ngài cho biết viễn cảnh xấu nhất và tốt nhất đối với căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc?
Viễn cảnh xấu nhất là Biển Đông tiếp tục dậy sóng. Trung Quốc tiếp tục đâm và đẩy lui tàu Việt Nam. Hoặc họ sẽ đưa giàn khoan khác vào khu vực như chúng ta đã thảo luận từ đầu. Nhưng tôi nghĩ mùa mưa bão sẽ tạo ra một số cản trở. Và sẽ có một thông lệ mới, cứ mỗi năm vào tháng 8 Trung Quốc lại khiêu khích đối với Việt Nam.
Nhưng viễn cảnh tốt nhất là sau ngày 15/8, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thay đổi quan điểm, Trung Quốc và Việt Nam có thể đàm phán. Người ta không thể chọn láng giềng mà phải cùng chung sống. Vì vậy viễn cảnh tốt nhất là hai nước tìm cách ra cách hiểu nhau, cả hai cùng suy xét xem những gì đang xảy ra có phải là cách mối quan hệ hai nước muốn tiến tới và làm thế nào để hai nước tránh tình trạng này vào năm sau.
Xin cám ơn ông!
Thùy Trang
Theo Dantri
"Quốc hội cần chỉ đạo việc khởi kiện Trung Quốc" Phiên thảo luật về dự án luật Căn cước công dân tại hội trường Quốc hội sáng 19/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bất ngờ phát biểu... lạc đề. Ông Nghĩa nói về tình hình Biển Đông và yêu cầu cấp thiết cần một Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này. Vị đại biểu là luật sư trao đổi thêm với...