Trung Quốc có thể tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, sắm vũ khí
Các chuyên gia phân tích đánh giá Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng sau đợt tái cấu trúc quy mô lớn lớn quân đội.
Hải quân Trung Quốc đứng cạnh tàu khu trục Jinan trở về cảng quân sự Zhoushan, tỉnh Zhejiang hồi tháng hai. Ảnh: Xinhua
Theo SCMP, chính phủ Trung Quốc dự kiến hé lộ đề xuất ngân sách thường niên cho đội quân lớn nhất thế giới vào ngày 5/3 này, khi quốc hội khai mạc phiên họp thường niên.
“Tôi nghĩ khoản tiền có tăng 20% đi nữa thì vẫn sẽ chấp nhận được vào thời điểm này, kể cả khi nó sẽ là mức cao nhất kể từ năm 2007″, một nguồn tin thân cận Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nói.
“Việc cắt giảm mạnh số binh sĩ không có nghĩa là PLA sẽ cắt giảm ngân sách ngay lập tức, bởi họ cần phân bổ một khoản chi tiêu nhất định cho tiền lương hưu hay bồi thường thôi việc trong hai năm tới”, nguồn tin cho biết.
Video đang HOT
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 9 năm ngoái thông báo cắt giảm 300.000 quân nhân cho đến năm 2017, trong đó hầu hết là sĩ quan, binh sĩ không trực tiếp phục vụ tác chiến. Sau khi cắt giảm, PLA vẫn là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới với khoảng hai triệu người.
Một nguồn tin khác, thân cận với hải quân, nói căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cũng như với Mỹ trên biển Hoa Đông và Biển Đông cũng khiến Bắc Kinh gia tăng ngân sách quốc phòng.
Mỹ bắt đầu cử tàu chiến tới áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, tuần trước nói Lầu Năm Góc sẽ tăng cường các nhiệm vụ trong khu vực để thực hiện tự do đi lại trong vùng biển quốc tế. Bắc Kinh nói chiến dịch này là sự “khiêu khích, thách thức” cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”.
Nguồn tin hải quân cho biết Trung Quốc cần tăng vũ khí ở Biển Đông, gồm các hệ thống radar tân tiến, tàu chiến, máy bay và các thiết bị khác phục vụ lực lượng đồn trú trên các đảo xa, những loại khí tài cần rất nhiều tiền.
Tình báo Mỹ cho hay Trung Quốc những tuần gần đây triển khai các chiến đấu cơ J-11, oanh tạc cơ JH-7 và hai khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 lên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hải quân Trung Quốc dường như cũng đang nâng cấp năng lực tác chiến trên biển Hoa Đông, nơi nước này có tranh chấp với Nhật xung quanh chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Một nguồn tin khác thân cận với Chiến lược khu miền Nam nói quân đội cũng sẽ tăng lương để xốc lại tinh thần binh sĩ trong bối cảnh một số quân nhân không hài lòng sau đợt cắt giảm nhân sự lớn cũng như quá trình tái tổ chức quân đội.
“Quân đội hồi tháng một tăng lương 20-40%, theo quyết định được đưa ra từ năm ngoái”, nguồn tin nói.
Cũng theo nguồn tin này, các quan chức cấp cao trong quân đội đang cân nhắc một đợt tăng lương nữa vào dịp kỷ niệm ngày thành lập PLA ngày 1/8, tuy nhiên điều này cần được quốc hội thông qua.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 10,1% trong năm 2015, mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. PLA được phân bổ 886,9 tỷ nhân dân tệ (141,5 tỷ USD), trong khi ngân sách quốc phòng Mỹ năm ngoái ở khoảng 597 tỷ USD. Tuy nhiên, mức tăng chi tiêu quốc phòng trung bình ở hai con số của Trung Quốc trong vòng hai thập kỷ qua đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Nhật vừa thông qua ngân sách quốc phòng lớn chưa từng có lên tới 41,4 tỷ USD trong năm tới.
Trọng Giáp
Theo VNE
Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc bị điều tra tham nhũng
Thiếu tướng Uông Ngọc (ảnh), người đứng đầu Bộ phận trang thiết bị của hạm đội Nam Hải thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang bị điều tra tham nhũng
Theo một thông cáo đăng trên trang web của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, ông Uông đã bị loại khỏi Quốc hội từ tháng 9-2015 do "một số vi phạm kỷ luật đảng" - cụm từ ám chỉ tham nhũng.
Ông Uông Ngọc, 52 tuổi, là quan chức cao cấp mới nhất "ngã ngựa" trong chiến dịch truy quét tham nhũng trong PLA do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ khi trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương cuối năm 2012.
Được biết, ông Uông quê ở tỉnh Hồ Bắc, tham gia hải quân năm 1987 khi 23 tuổi. Ông được xem là "ngôi sao đang lên" của quân đội Trung Quốc và từng được chỉ định làm kỹ sư cao cấp khi mới 27 tuổi, trở thành Thiếu tướng hải quân năm 2007.
Ít nhất 14 tướng lĩnh và lãnh đạo cấp cao quân đội Trung Quốc đã bị điều tra trước khi diễn ra phiên họp Quốc hội của nước này năm ngoái.
Theo_An ninh thủ đô
Trung Quốc khiến châu Á tăng tốc chạy đua vũ khí Việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự, tăng gây hấn trong tranh chấp chủ quyền kéo các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương vào một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt. Xe quân sự chở tên lửa đi qua Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thế chiến II...