Trung Quốc có thể dùng Syria để đáp trả Donald Trump
Việc bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết mới về Syria có thể là đòn đáp trả của Trung Quốc trước những động thái từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Telegraph
Chỉ chưa đầy 24 tiếng sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích chính sách thương mại, quân sự của Trung Quốc và bảo vệ hành động điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trên Twitter cá nhân, Bắc Kinh đã có động thái phản ứng cứng rắn khi cùng Moscow bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết do Washington hậu thuẫn, yêu cầu thiết lập lệnh ngừng bắn 7 ngày ở Aleppo, theo Foreign Policy.
Bình luận viên Colum Lynch nhận định rằng hành động của Trung Quốc khiến Mỹ và các thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc (LHQ) bất ngờ. Bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đang có xu hướng tách khỏi Nga trong các vấn đề quốc tế.
Sau 4 lần đứng cùng chiến tuyến với Nga, bỏ phiếu phủ quyết các dự thảo về Syria kể từ năm 2011, ngày 8/10 Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với dự thảo do Pháp và Tây Ban Nha đệ trình yêu cầu Nga và Syria phải chấm dứt hoạt động không kích ở miền đông Aleppo.
Theo nhiều nhà ngoại giao ở HĐBA, mọi dấu hiệu trong những tuần gần đây đều cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết do ba nước Ai Cập, New Zealand và Tây Ban Nha soạn thảo, bởi động thái lần này sẽ ít gây phản ứng từ phía Nga hơn so với việc bỏ phiếu trắng vào tháng 10.
Video đang HOT
Đến cuối tuần qua, nhiều chuyên gia thậm chí còn cho rằng bản thân Nga cũng có thể sẽ bỏ phiếu trắng sau khi đạt được yêu cầu sửa đổi một số nội dung cho phép Moscow không kích lực lượng khủng bố trong thời gian ngừng bắn, hay bắt buộc lực lượng đối lập cắt đứt liên hệ với các nhóm khủng bố như al-Qaeda.
“Đến cuối tuần qua, mọi dấu hiệu vẫn cho thấy Trung Quốc sẽ bỏ phiếu trắng. Hành động phủ quyết là một diễn biến bất ngờ”, một quan chức cấp cao của LHQ khẳng định.
Là một thành viên có quyền phủ quyết, Bắc Kinh luôn có điểm tựa vững chắc trong việc giải quyết các vấn đề ở LHQ. Trong những năm 1990, Trung Quốc đã phủ quyết nhiều dự thảo của LHQ nhằm triển khai các chiên dịch gìn giữ hòa bình ở Guatemala và Maccedonia, bởi hai quốc gia này thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Gần đây, Bắc Kinh đang có xu hướng hành xử “dịu” hơn trong các vấn đề quốc tế, nỗ lực xây dựng hình ảnh như một cường quốc có trách nhiệm, bằng việc gửi quân tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ ở Lebanon và Nam Sudan.
Trung Quốc đang là nước có quân số tham gia những sứ mệnh hòa bình ở nước ngoài nhiều hơn bất kỳ một cường quốc nào. Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power mới đây thậm chí còn ca ngợi Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ để áp đặt lệnh trừng phạt nhằm cắt giảm nguồn thu từ xuất khẩu than đá mà Triều Tiên sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo giới phân tích, hiện rất khó để xác định chính xác động thái phủ quyết của Trung Quốc là để “trừng phạt” Tổng thống đắc cử Mỹ bởi cả Moscow và Bắc Kinh đều muốn cản trở vai trò của Mỹ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, thời điểm bỏ phiếu phủ quyết của Trung Quốc khiến giới ngoại giao tại HĐBA nghiêng về khả năng rằng việc ông Trump xích lại gần Đài Loan đã “nhắc nhở” Trung Quốc cần có quan điểm cứng rắn hơn.
“Quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh có thể là một báo hiệu cho một tương lai khó khăn hơn trước. Trung Quốc có thể cùng với Nga sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn dự thảo đang được Mỹ, Anh, Pháp soạn thảo áp đặt lênh trừng phạt lên Syria vì sử dụng bom chlorine tại ít nhất ba thị trấn do quân nổi dậy chiếm đóng”, Lynch đánh giá.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Trung Quốc điều oanh tạc cơ hạt nhân tuần tra Biển Đông
Bắc Kinh đã cho một máy bay ném bom chiến lược H-6 tuần tra tầm xa trên Biển Đông sau khi ông Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan.
Máy bay H-6 tuần tra trái phép trên Biển Đông. Ảnh: Weibo.
Trung Quốc hôm 8/12 điều máy bay ném bom hạt nhân H-6 thực hiện chuyến bay tuần tra trên Biển Đông, Fox News dẫn lời hai quan chức Mỹ. Đây là cuộc tuần tra tầm xa ngoài lãnh thổ đầu tiên của Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2/12.
Lầu Năm Góc được báo động về chuyến bay này hôm qua. Chiếc H-6 bay dọc theo đường 9 đoạn phi lý do Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông. Máy bay ném bom Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến bay trên Biển Đông, nhưng chưa chuyến nào có tầm bay xa như lần này, các quan chức Mỹ cho biết.
H-6 là loại oanh tạc cơ chiến lược tầm xa của Trung Quốc, có khả năng sử dụng các loại vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí thông thường. Đây là phiên bản nội địa của mẫu Tupolev Tu-16, được Trung Quốc mua bản quyền từ Liên Xô.
Cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái đã phá vỡ nguyên tắc ngoại giao kéo dài từ năm 1979 tới nay, khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và tuyên bố ủng hộ chính sách "một Trung Quốc" của Bắc Kinh. Phía Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối cuộc điện đàm này.
Quan chức Mỹ cho rằng chuyến tuần tra của oanh tạc cơ H-6 trên là cách để Trung Quốc gửi thông điệp tới chính quyền mới của ông Trump.
Vệ tinh do thám Mỹ mới đây phát hiện Trung Quốc đã triển khai một số thành phần của tổ hợp tên lửa S-300PMU-2 có tầm bắn hơn 300 km tới cảng Jieyang, đông nam Trung Quốc
Cảng Jieyang là nơi tập kết các chuyến hàng quân sự của Trung Quốc để chuyển ra các đảo nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Hồi tháng 2, Trung Quốc từng đưa tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 phi pháp tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Dù chỉ trích, Trump nói vẫn cần cải thiện quan hệ với Trung Quốc Tổng thống đắc cử Donald Trump nói Mỹ cần phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nước bị ông chỉ trích về các chính sách kinh tế. Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố phải cải thiện quan hệ Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters. "Một trong những mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng ta phải cải thiện là với...