Trung Quốc có thể đã thử tên lửa phá hủy vệ tinh
Chính phủ Mỹ cho rằng, vụ phóng tên lửa của Trung Quốc trong tuần này là vụ thử đầu tiên tên lửa đánh chặn mới có thể được sử dụng để phá hủy một vệ tinh trên quỹ đạo.
Lầu Năm Góc hôm 15-5 cho biết, Trung Quốc đã phóng một tên lửa vào không gian hôm 13-5 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở phía tây Trung Quốc, nhưng không đưa vệ tinh này vào quỹ đạo. Tên lửa đã đạt độ cao 10.000km và đi vào tầng khí quyển Trái đất phía trên Ấn Độ Dương. Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, đây có thể là một quả tên lửa đất đối không và nhiều khả năng Trung Quốc đã thực hiện vụ phóng thử tên lửa phá hủy vệ tinh đầu tiên.
Vụ phóng trên diễn ra một tuần sau khi Lầu Năm Góc công bố bản báo cáo thường niên dài 83 trang về việc tăng cường tiềm lực quân sự của Trung Quốc, trong đó đề cập đến việc nước này phát triển các vũ khí phá hủy vệ tinh.
Washington đã bắt đầu đề phòng về khả năng phát triển tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh bắn hạ một vệ tinh bị hỏng của nước này trên quỹ đạo hồi năm 2007.
Theo ANTD
Nga thách thức Mỹ, tiếp tục cấp tên lửa cho Syria
Bất chấp những lời kêu gọi và thậm chí là cả cảnh báo từ phía Mỹ, Nga vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad theo những hợp đồng mà Nga đã ký kết với Syria trước đây. Tuyên bố này được đưa chỉ vài ngày sau khi Moscow vừa thể hiện lập trường sẽ cùng bắt tay với Mỹ để tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria thông qua con đường đàm phán.
Mỹ đang lo lắng phát sốt trước thông tin về việc Nga sắp cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300 cho Syria.
Phát biểu tại thủ đô Warsaw của Ba Lan ngày hôm qua (10/5), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nước ông sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Syria. Ông này khẳng định, đó là những thứ vũ khí mang tính phòng vệ.
"Nga đã cung cấp vũ khí cho Syria trong một thời gian dài, đã ký hợp đồng với họ và đang thực hiện chuyển giao những thứ vũ khí đó, trong đó có cả các hệ thống phòng không", Ngoại trưởng Lavrov cho hay.
Tuy nhiên, ông Lavrov tránh không đề cập đến việc liệu trong những hợp đồng hiện nay giữa Nga với Syria có liên quan gì đến loại tên lửa tối tân S-300. Cả Mỹ và Israel hiện đang lo lắng đến phát sốt trước một số nguồn tin gần đây khẳng định, Nga sắp cung cấp một loạt khẩu đội tên lửa phòng không S-300 cho chính quyền của ông Assad.
Trước đó, hôm 9/5, tờ Thời báo Phố Wall đưa tin, Israel đã cảnh báo Mỹ về khả năng Nga bán S-300 cho Syria. Theo thông tin mà Israel cung cấp cho chính phủ Mỹ, Syria đang thanh toán cho một hợp đồng được ký kết năm 2010 theo đó Moscow sẽ cung cấp cho chính quyền của Tổng thống Assad 6 bệ phóng và 144 tên lửa hoạt động thuộc các khẩu đội tên lửa S-300 với giá trị lên tới 900 triệu USD.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự quan ngại về ảnh hưởng của diễn biến trên đối với an ninh của Nhà nước Do Thái đồng thời kêu gọi Nga không tiếp tục cung cấp sự giúp đỡ kiểu đó cho Syria. Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết: "Chúng tôi liên tục kêu gọi Nga cắt nguồn cung cấp vũ khí cho Syria", trong đó có các hệ thống phòng không có thể gây bất ổn cho khu vực.
"Việc cung cấp thêm vũ khí cho chính quyền Assad sẽ không giúp thúc đẩy một tiến trình chính trị", ông Carney nói thêm.
Các quan chức Israel cũng kêu gọi Nga hủy bỏ hợp đồng cung cấp cho Syria những hệ thống tên lửa đất đối không tối tân.
Theo lời Ngoại trưởng Nga, nước này không cung cấp thêm vũ khí cho Syria ngoài những hợp đồng vẫn còn từ trước.
Việc Nga cung cấp vũ khí cho chính quyền Tổng thống Assad từ lâu đã là nguồn cơn gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa Moscow và Washington. Các quan chức Mỹ cáo buộc Nga vũ trang cho một chính quyền mà họ cáo buộc đang giết hai dân thường trong cuộc nội chiến đẫm máu ở đất nước Trung Đông.
Tuy nhiên, Nga nhấn mạnh, việc họ cung cấp vũ khí cho Syria tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế. Moscow khẳng định, họ chỉ cung cấp vũ khí phòng vệ cho Syria chứ không phải loại vũ khí tấn công có thể được sử dụng để giết hại dân thường.
Nga, Mỹ bắt tay tìm giải pháp chính trị cho Syria
Những tranh cãi về vấn đề cung cấp tên lửa cho chính quyền Syria diễn ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức hàng đầu của Nga và Mỹ có cuộc gặp nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Những nỗ lực ngoại giao hồi đầu tuần của Nga và Mỹ ở thủ đô Moscow đang đem đến hy vọng về khả năng tìm kiếm được một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 8/5 đã nhất trí thúc đẩy tiến trình thực hiện thông cáo Geneva mà Syria đã nhất trí hồi năm ngoái. Moscow và Washington cũng kêu gọi tiến hành một hội nghị quốc tế với sự tham dự của các đại diện đến từ cả chính phủ lẫn các phe nhóm đối lập Syria vào cuối tháng 5 này.
Động thái trên đã được cả chính phủ Syria, phe nổi dậy, Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Ả-rập và phái viên quốc tế về Syria - ông Lakhdar Brahimi hoan nghênh. Ông Brahimi cho rằng, một hội nghị quốc tế là "tin tức đáng hy vọng đầu tiên liên quan đến một nước đang chìm đắm trong sự bất hạnh trong suốt một thời gian dài".
Đặc phái viên Brahimi cũng kêu gọi Nga và Mỹ thể hiện vai trò dẫn dắt của hai cường quốc và cùng nỗ lực để khởi động tiến trình thực hiện thông cáo Geneva. Thông cáo được đưa ra ngày 30/6/2012 này đã vạch ra những bước đi chính trong tiến trình chính trị do người Syria dẫn dắt nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực ở trong nước đồng thời kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp nhưng không quy định về việc phải loại trừ Tổng thống Assad.
Hôm 9/5, Bộ Ngoại giao Syria đã ra một tuyên bố hoan nghênh động thái của Nga, Mỹ liên quan đến cuộc khủng hoảng ở nước họ. Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh, uy tín của Mỹ trong việc thực hiện giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng lâu dài ở Syria phụ thuộc vào nỗ lực của nước này trong việc thúc đẩy các đồng minh chấm dứt những hành động bạo lực, khủng bố và sử dụng các nguồn lực của họ để khởi động cuộc đối thoại chính trị.
"Tất cả mọi người cần phải hiểu rằng, chỉ có người Syria mới có quyền quyết định tương lai của họ và hệ thống hiến pháp cho đất nước họ mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Syria đã tiến hành các bước đi tiến tới một chương trình chính trị dựa trên thông cáo Geneva", Bộ Ngoại giao Syria đã nói như vậy trong tuyên bố của mình.
Theo vietbao
Vệ tinh Việt Nam gửi bức ảnh đầu tiên Đúng 11h sáng ngày 9/5/2013, vệ tinh VNREDSat-1 đã thực hiện thành công việc chụp ảnh và truyền ảnh tức thời xuống trạm thu ảnh mặt đất của Việt Nam. Vệ tinh viễn thám quang học VNREDSat-1 của Việt Nam được phóng vào quỹ đạo từ sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp vào 9 giờ 6 phút 31 giây ngày 7/5/2013...