Trung Quốc cố níu kéo Myanmar trong sợ hãi
Trung Quốc đang tự trấn an rằng mình vẫn là “ông kẹ” ở Myanmar dù họ bắt đầu nếm trái đắng.
Trung Quốc vẫn…lạc quan?
Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, ông Dương Hậu Lan ngày 26/7 khẳng định họ vẫn chưa từ bỏ dự án đường dắt Kyaukpyu – Côn Minh. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc có nhiều thông tin về khả năng Myanmar tỏ ra không còn mặn mà với dự án và Trung Quốc có dấu hiệu bỏ cuộc.
Ngoài việc phủ nhận thông tin trên, ông Dương Hậu Lan cũng cho biết Trung Quốc hiện vẫn là nhà đầu tư lớn nhất và đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar.
Quan chức Trung Quốc này đánh giá Myanmar đang có những thay đổi nhanh chóng về chính trị xã hội và quan hệ Trung Quốc – Myanmar đã bước vào giai đoạn phát triển mới, duy trì xu hướng phát triển tốt đẹp. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và đã ký kết kế hoạch hành động về việc thực hiện quan hệ đối tác này.
Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Dương Hậu Lan (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar U Thant Kyaw tại Nay Pyi Taw tháng 2/2014
Dự án đường sắt Kyaukpyu – Côn Minh gồm đoạn Côn Minh – Thụy Lệ nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và Muse – Kyaukpyu thuộc lãnh thổ Myanmar. Dù cho dự án này có tiếp tục được thực hiện hay không và bất chấp tuyên bố có phần lạc quan từ vị Đại sứ họ Dương thì Trung Quốc cũng không thể che giấu thực tế là Myanmar đang ngày càng rời xa khỏi “vòng tay” của họ.
Về mặt địa chính trị, Myanmar có vị trí hết sức quan trọng với Trung Quốc. Với nguồn tài nguyên dồi dào, cộng đồng người gốc Hoa lớn, Myanmar từng là cái “mỏ” để người Trung Quốc tới “đào bới”. Đặc biệt, với vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, gần Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương, Myanmar được coi là cánh cửa tiến ra Ấn Độ Dương của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cùng với Campuchia, Myanmar được coi là quốc gia thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thân Trung Quốc. Việc “chi phối” Myanmar cũng sẽ giúp Trung Quốc phần nào yên tâm về an ninh dọc tuyến biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, Myanmar giờ đây đang ngày càng xa lánh con “Rồng châu Á” Trung Quốc.
Đã hết thời hoàng kim
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc là đối tác chủ chốt của Myanmar bất chấp sự cô lập về ngoại giao và các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Myanmar, nhất là từ sau cuộc đảo chính năm 1988.
Trong những năm 2000, khi Myanmar bị phương Tây cấm vận, Bắc Kinh đã tiếp cận nước láng giềng phía Nam này. Hàng loạt dự án đầu tư khổng lồ đã được thực hiện như xây dựng nhà máy thủy điện, khai thác khí đốt. Năm 2010, với kim ngạch đầu tư lên tới 8,2 tỉ USD, Trung Quốc chiếm vị trí áp đảo trong nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Myanmar. Đến năm 2011, Trung Quốc vẫn chiếm tới trên 90% tổng đầu tư nước ngoài vào Myanmar.
Thế nhưng, tất cả đã thay đổi nhanh chóng sau khi Myanmar quyết định cải cách từ cuối năm 2010. Cùng với việc xích lại gần Mỹ và châu Âu, mở rộng cửa với các đối tác khu vực, Myanmar đã ngày càng giữ khoảng cách với Trung Quốc. Điển hình là vào cuối năm 2011, Myanmar đã quyết định dừng dự án thủy điện của Tập đoàn điện lực Trung Quốc ở Myanmar với lý do ảnh hưởng đến môi trường.
Dự án xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone này có tổng vốn đầu tư lên tới 3,6 tỉ USD. Trước đây, do công trình này nằm trong vùng thánh địa lịch sử, nên công ty Nhật Bản không dám đầu tư. Quá tự tin vào vị thế của mình ở Myanmar, Trung Quốc đã bất chấp tất cả để “nhảy vào”.
Video đang HOT
Myanmar được coi là cửa ngõ ra Ấn Độ Dương của Trung Quốc
Các dự án đầu tư khác của Trung Quốc ở Myanmar như khai thác đồng, khai thác Niken v.v cũng bị người địa phương và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường phản đối. Mới đây, chính quyền Myanmar thậm chí đã từ chối đề nghị của Bắc Kinh về việc cho Myanmar vay tiền nâng cấp tuyến đường quốc tế nối với Trung Quốc.
Các con số thống kê khô khan cũng chứng tỏ Myanmar đang dần thoát khỏi việc lệ thuộc vào người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Năm 2013, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Myanmar chỉ bằng gần 10% so với năm 2012. Thay thế người Trung Quốc là các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Đông Nam Á.
Theo Cục Thống kê Myanmar, trong năm tài khóa 2013 (4/2013-4/2014), FDI vào Myanmar đạt trên 2,5 tỉ USD, tăng 150% so với năm tài khóa 2012. Các nước châu Á đứng đầu danh sách đầu tư vào Myanmar thời kỳ này bao gồm Hàn Quốc (29%), Singapore (27,6%), Thái Lan (19,2%), Việt Nam (6,6%), Nhật Bản (1,7%).
Ngược lại, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Myanmar giảm mạnh. Trung Quốc chỉ chiếm 0,8% tổng FDI vào Myanmar năm 2013, với vỏn vẹn 18 triệu USD. Trong năm tài khóa 2012, Trung Quốc đầu tư 400 triệu USD vào Myanmar, năm 2010 là 8,2 tỉ USD. Từ đầu năm 2014 đến nay, không có thêm dự án đầu tư mới của người Trung Quốc ở Myanmar.
Nguy cơ bị cắt mạch máu
Không chỉ bị “thất sủng” trong các dự án mới, Trung Quốc hiện cũng đang trong tình trạng “ngồi trên đống lửa” đối với các dự án đã hoàn thành. Trong số này, đáng quan tâm nhất là dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt từ cảng Kyaukpyu của Myanmar tới Côn Minh, Trung Quốc.
Dự án tiêu tốn ít nhất 5 tỷ USD này có vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc. Mỗi năm, tuyến đường ống dài khoảng 1.000 km này cung cấp tới 12 tỷ m3 khí đốt, giúp Trung Quốc thỏa cơn khát năng lượng. Ngoài ra, tuyến đường ống này cũng có công suất vận chuyển 20 triệu tấn dầu thô, tương đương 240.000 thùng dầu thô mỗi năm cho Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ tiết kiệm được 1.200 km vận chuyển dầu thô bằng tuyến đường biển đầy nguy hiểm qua eo Malacca.
Dù không có nguy cơ bị hủy bỏ, song Trung Quốc đang phải đối mặt với hai khả năng. Trước hết là phí quá cảnh vận chuyển dầu khí mà Trung Quốc phải trả cho Myanmar sẽ tăng mạnh. Khả năng xấu hơn là tuyến đường ống này bị phá hoại sẽ khiến Trung Quốc phải chịu những tổn thất không thể lường trước.
Người dân Myanmar phản đối Trung Quốc
Như vậy, cả hai tuyến huyết mạch về giao thông (dự án đường sắt Kyaukpyu-Côn Minh) và dầu khí (cũng là tuyến Kyaukpyu-Côn Minh) nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương thông qua lãnh thổ Myanmar đang đứng trước nguy cơ bị tắc nghẽn, thậm chí bị cắt đứt bất kỳ lúc nào. Trung Quốc có thể đổ lỗi cho Myanmar, đổ lỗi cho sự can dự của Mỹ và phương Tây hay bất kỳ lý do nào khác, song giới phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc đang trả giá cho chính cách hành xử của mình.
Hàng tỷ USD đầu tư vào Myanmar không thể hiện được “lòng tốt” của người láng giềng Trung Quốc. Ngược lại, đó là hành động của một kẻ lợi dụng khó khăn của người khác khi Myanmar bị bao vây cấm vận. Rót tiền vào các dự án khai thác tài nguyên ở Myanmar song Trung Quốc đã phớt lờ những cảnh báo về hậu quả môi trường, không chịu bỏ tiền giúp người dân địa phương cải thiện cuộc sống…
Đông Triều
Theo_Báo Đất Việt
Sự thật sau vụ đâm dao hàng loạt ở Côn Minh
Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch trấn áp an ninh quy mô lớn sau một chuỗi các vụ tấn công khủng bố mà nước này cho là do người Hồi giáo li khai tỉnh Tân Cương thực hiện.
Theo BBC, trong những tuần gần đây, hàng trăm nghi phạm đã bị bắt và nhiều bản án đã được tuyên.
Một trong những vụ kinh hoàng nhất là khi ba người đàn ông và một phụ nữ dùng dao đâm chết 29 người và làm bị thương hơn 100 người khác ở nhà ga Côn Minh hồi tháng 3.
Shi Xuefa không chắc em gái ông sẽ tỉnh lại. (Ảnh: BBC)
Một trong số các nạn nhân của vụ này là Shi Kexiang, bị chém ngang cổ bởi hung thủ mặc đồ đen mang kiếm. Đến nay, cô vẫn trong tình trạng hôn mê.
BBC cho biết, trong 4 tháng qua, ông Shi Xuefa túc trực bên giường bệnh, hy vọng Kexiang sẽ nghe tiếng mình. Các bác sĩ rất tốt bụng còn chính phủ cam kết thanh toán mọi phí tổn nhưng Xuefa không biết liệu em gái ông có tỉnh dậy nữa hay không.
Gia đình làm nông nghèo khó họ Shi này gặp tai ương khi họ vừa nghỉ làm ở công trường xây dựng nơi xa để trở về quê nhà. Tai họa đã vùi dập ngay cả những hy vọng mong manh nhất mà họ có trong đời.
Shi Kexiang bị chém ngang cổ và hiện vẫn đang hôn mê. (Ảnh: BBC)
Tốc độ, tính tàn bạo và bừa bãi của cuộc tấn công ở nhà ga thủ phủ tỉnh Vân Nam này đã làm rúng động Trung Quốc. Cảnh sát cho rằng các phần tử li khai người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là thủ phạm. Bỗng nhiên dư luận cảm thấy vấn đề Tân Cương giống như một mối đe dọa với tất cả mọi người ở tất cả các nơi thuộc đất nước Trung Quốc.
Trên truyền thông, một số ý kiến thậm chí còn gọi vụ việc này là vụ 11/9 của Trung Quốc.
Cuộc sống ở Côn Minh đã trở lại bình thường nhưng ký ức về vụ tấn công vẫn mới. (Ảnh: BBC)
Nhà ga Côn Minh hiện nay đang được áp dụng chế độ an ninh kiểu sân bay, với một lực lượng chống khủng bố được trang bị "tận răng" thực hiện các kỹ năng của họ.
Shi Xuefa trở lại hiện trường vụ án để mô tả những gì đã xảy ra. "Tôi vừa mang một số hành lý lên phòng đợi và Kexiang ở tầng dưới để trông số đồ đạc còn lại. Bỗng nghe thấy tiếng hét, tôi chạy xuống thì thấy mọi người chạy tán loạn. Nhưng có nhiều thi thể nằm trên sàn và tôi thấy em gái mình đang nằm trong vũng máu".
Trong khoảng 15 phút, Xuefa dùng tay cầm máu từ vết thương ở cổ cho em gái. Khi đội cấp cứu đến, họ hối hả đưa các nạn nhân lên xe buýt tới bệnh viện.
Vụ đâm dao đã cướp mạng sống của 29 người và làm bị thương hơn 100 người. (Ảnh: BBC)
Xuefa không mang trong mình lòng hận thù chống lại người Duy Ngô Nhĩ về những gì đã xảy ra, nhưng ông tin rằng bọn người sát nhân máu lạnh sẽ phải đối mặt với án tử hình.
"Trong cộng đồng Duy Ngô Nhĩ thì có nhiều người tốt hơn người xấu. Nhưng với những kẻ ác ôn, chính phủ phải trấn áp mạnh tay để dạy cho họ một bài học", Xuefa nói.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng cho rằng người Duy Ngô Nhĩ li khai đã tấn công Quảng trường Thiên An Môn năm ngoái. (Ảnh: Reuters)
Nhận diện được người xấu mà không động chạm đến người tốt quả là một thử thách đối với những người hoạch định chính sách ở Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định gốc rễ của vấn đề nằm ở bên ngoài nước này, rằng li khai Hồi giáo đang lan từ Trung Á qua truyền thông xã hội để đầu độc những người Duy Ngô Nhĩ trẻ tuổi ở Tân Cương.
Và câu trả lời của Bắc Kinh là: tăng cường an ninh. Huấn luyện chống khủng bố được kết hợp triển khai cảnh sát vũ trang trên đường phố, cộng với khung hình phạt nặng dành cho những kẻ trao đổi tài liệu li khai trên mạng.
Và khi bạo lực ở Tân Cương vẫn tiếp tục và chiến dịch trấn áp leo thang thì cuộc sống của người Duy Ngô Nhĩ trên toàn Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, vì bất cứ ai cũng có thể trở thành nghi phạm khủng bố.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Đảng Cộng sản Trung Quốc cách chức Bí thư Thành ủy Côn Minh Theo mạng Nhân dân ngày 12/7, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết Trung ương nước này đã cách chức ủy viên thường vụ tỉnh ủy Vân Nam của Trương Điền Hân do ông này bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật. Đường phố Côn Minh. (Nguồn: wikipedia) Trước đó, nhật báo Côn Minh vẫn đưa tin hôm...