Trung Quốc cờ ngoài bài trong
Trung Quốc dùng Triều Tiên để không cần phải trực tiếp tham cuộc nhưng luôn có được vị thế của kẻ đứng ngoài nếu ba nước kia chơi cờ với nhau và của kẻ trong cuộc nếu bộ ba kia chơi bài với nhau.
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên.
Trong thời gian chỉ rất ngắn, Trung Quốc đã xua tan được hết mọi bình phẩm hay dị nghị là đã bị gạt ra ngoài lề tiến trình hoà dịu và đối thoại đang diễn ra giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ. Sau chuyến công du Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà kết quả, ít nhất thì cũng theo những biểu lộ công khai ở cả phía Triều Tiên lẫn phía Trung Quốc, là mối quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng này lại tốt đẹp, gắn bó và tin cậy như xưa, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên sau 11 năm tới thăm Triều Tiên. Ông Kim Jong-un đi Bắc Kinh trước cuộc cấp cao liên Triều lần thứ 3 diễn ra ngày 27.4 vừa qua ở Bàn Môn Điếm.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Triều Tiên sau sự kiện lịch sử kia và trước sự kiện lịch sử tiếp theo là cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhiều khả năng sau cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump thì chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đi thăm Triều Tiên. Mối quan hệ song phương giữa Triều Tiên và Trung Quốc không chỉ sôi động hẳn lên mà còn có được những động lực và bước phát triển quan trọng mới.
Và Trung Quốc xác lập vai trò cũng như phần của Trung Quốc trong quá trình hoà giải và đối thoại hoà bình giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ. Triều Tiên đã chọn đúng thời điểm thích hợp nhất để chơi “con bài Trung Quốc” trong chuyện quan hệ của nước này với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ bằng cách chủ động khôi phục lại mức độ quan hệ xưa với Trung Quốc và để cho Mỹ và Hàn Quốc thấy là Triều Tiên được Trung Quốc hậu thuẫn trong những gì đang diễn ra ở khu vực.
Còn Trung Quốc dùng Triều Tiên để không cần phải trực tiếp tham cuộc nhưng luôn có được vị thế của kẻ đứng ngoài nếu ba nước kia chơi cờ với nhau và của kẻ trong cuộc nếu bộ ba kia chơi bài với nhau.
Video đang HOT
Lợi ích buộc Trung Quốc và Triều Tiên phải như vậy. Mọi thoả thuận giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc đều có tác động trực tiếp đến Trung Quốc về mọi phương diện và như thế động chạm đến lợi ích chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt về chính trị an ninh, cụ thể là giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, chuyện đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và Hàn Quốc, triển vọng quan hệ của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, hiệp ước hoà bình cho bán đảo Triều Tiên cũng như khả năng tái thống nhất hai miền trên bán đảo này. Đối với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ là một trong những tác nhân quyết định giúp đảm bảo Mỹ và Hàn Quốc thực hiện những gì thoả thuận với Triều Tiên trong hoà đàm.
Hay nói theo cách khác, để thực hiện hoà giải và hoà bình với Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên càng cần phải dựa cậy vào Trung Quốc. Dẫu có thực hiện được hoà giải và hoà bình với Hàn Quốc và Mỹ thì Triều Tiên vẫn sẽ còn cần không ít thời gian để có được đủ mức độ tin cậy lẫn nhau cần thiết giữa ba đối tác này. Ở Bàn Môn Điếm, ông Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đạt được những thoả thuận mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc chỉ có thể hài lòng. Ông Trump ở phía Mỹ cũng không thể không ý thức được là kết quả cuộc gặp tới đây với ông Kim Jong-un phải có lợi cho Mỹ nhưng không thể bất lợi cho Trung Quốc và Hàn Quốc. Vậy nên ở đây, không chỉ có kẻ trong cuộc chơi mà còn có cả kẻ ở ngoài nữa cùng quyết định kết cục cuối cùng của cuộc chơi.
Theo Danviet
Đây là phản ứng của Trung Quốc nếu Triều Tiên tấn công Mỹ trước
Tờ Global Times của Trung Quốc ngày 11.8 đã đăng bài xã luận, cho rằng nếu Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công đe dọa Mỹ thì Trung Quốc sẽ có thái độ khác còn nếu Mỹ tấn công trước nhằm lật đổ chính phủ Triều Tiên thì Trung Quốc cũng sẽ có thái độ khác.
Bắc Kinh đã bày tỏ sự thất vọng với các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa hạt nhân lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng và hành vi từ Hàn Quốc và Hoa Kỳ, như các cuộc tập trận quân sự, mà Bình Nhưỡng coi là hàng động làm căng thẳng leo thang.
Tờ Global Times nhấn mạnh: "Trung Quốc cũng nên làm rõ rằng nếu Triều Tiên phóng tên lửa đe dọa đất Mỹ trước và Hoa Kỳ trả đũa, thì Trung Quốc sẽ vẫn trung lập. Nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tấn công và cố lật đổ chế độ Triều Tiên và thay đổi mô hình chính trị của Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ ngăn họ làm như vậy,"
Cơ quan thông tấn xã KCNA của nhà nước CHDCND Triều Tiên hôm Thứ Năm cho biết quân đội của họ sẽ hoàn thành kế hoạch vào giữa tháng Tám để bắn 4 quả tên lửa tầm trung trên lãnh thổ Nhật Bản để hạ cánh gần Guam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ không dám lờ đi những nhận xét "đáng sợ" của ông và coi thường Mỹ.
Ông Trump nói với các phóng viên ở New Jersey rằng. "Chúng ta hãy cùng xem Kim làm gì với Guam, nếu có gì đó xảy ra, thì thế giới sẽ chứng kiến điều xảy ra với Triều Tiên mà từ trước đến nay chưa ai từng thấy".
Ngay sau khi ông Trump phát biểu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói với các phóng viên rằng, Mỹ vẫn ưa thích cách tiếp cận ngoại giao đối với mối đe dọa của Triều Tiên và một cuộc chiến tranh sẽ là "thảm khốc".
Khi được hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng không nếu Triều Tiên có hành động thù địch, ông nói: "Chúng tôi đã sẵn sàng."
Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên và cũng là đối tác thương mại, liên tiếp kêu gọi kiềm chế trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Sự căng thẳng trong khu vực đã tăng lên kể từ khi Triều Tiên bắt đầu tiến hành hai cuộc thử nghiệm hạt nhân vào năm ngoái và thêm hai cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tháng 7 bất chấp chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Ông Trump cho biết ông sẽ không cho phép Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng đánh Mỹ.
Hôm thứ Năm, quân đội Mỹ và Nhật đã bắt đầu một cuộc tập trận 18 ngày trên hòn đảo Hokkaido ở phía bắc của Nhật, bao gồm các cuộc tập trận pháo binh rocket với sự tham gia của 3.500 quân.
Quân đội Hàn Quốc và Mỹ cũng đang chuẩn bị cho cuộc tập trận chung hàng năm từ ngày 21. 8, được gọi là &'Người giám hộ tự do Ulchi', nơi có tới 30.000 lính Mỹ sẽ tham gia.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In dự kiến sẽ đưa ra bài phát biểu vào tuần tới để đánh dấu Ngày Giải phóng, khi bán đảo Triều Tiên thoát khỏi sự cai trị của Nhật Bản. Ông Moon có thể nêu bật chính sách của ông về Triều Tiên.
Mỹ và Hàn Quốc vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên sau cuộc xung đột Triều Tiên 1950-53 kết thúc bằng một vụ ngừng bắn, chứ không phải là một hiệp định hòa bình.
Chuyên gia kinh tế châu Á Robert Carnell của ING cho biết trong một báo cáo nghiên cứu rằng, tình hình ở bán đảo Triều Tiên đang chạm điểm khủng hoảng, nhất là sau những thông tin tình báo rò rỉ gần đây cho rằng, Triều Tiên đã thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân, mở rộng phạm vi tên lửa và có khả năng đưa các mục tiêu của Mỹ vào tầm ngắm.
Ông nói: "Trong khi Tổng thống Mỹ khăng khăng đòi tăng cường chiến tranh về lời nói, thì có một cơ hội giảm bớt bất cứ giải pháp ngoại giao nào.
Các quan chức và chuyên gia quốc phòng nói rằng bất kỳ cuộc xung đột quân sự mới nào với Triều Tiên sẽ nhanh chóng leo thang thành chiến tranh hạt nhân, gây ra thương vong thảm khốc và tác động kinh tế khủng khiếp trên toàn thế giới".
Theo Danviet
Với cách này, Triều Tiên phải ngừng phát triển hạt nhân? Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 5.8.2017 bỏ phiếu để thông qua dự thảo nghị quyết mới liên quan tới việc trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử nghiệm tên lửa liên lục địa vào ngày 3 và 28.7. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Sau nhiều...