Trung Quốc có khả năng đối phó với những thách thức kinh tế trong năm 2022
Ngày 18/1, người phát ngôn Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, ông Yuan Da, cho biết Trung Quốc có khá nhiều công cụ chính sách dự phòng để đối phó với một năm đầy thách thức phía trước và sẽ kịp thời triển khai các biện pháp này để ổn định tăng trưởng kinh tế.
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ô tô Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 23/4/2020. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Yuan Da cho hay Chính phủ Trung Quốc sẽ nhanh chóng triển khai các biện pháp chính sách để thúc đẩy nhu cầu nội địa, đồng thời nghiên cứu các giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa sản xuất công nghiệp.
Kinh tế Trung Quốc đã phục hồi trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong một thập kỷ, chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và lĩnh vực bất động sản suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ông Yuan Da cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh giám sát, đưa ra dự báo về triển vọng của nền kinh tế, nghiên cứu các công cụ chính sách dự phòng và triển khai các biện pháp chính sách kịp thời nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế. Ông dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022, chẳng hạn như nhu cầu tiêu dùng suy yếu, tăng trưởng đầu tư giảm và những bất ổn trong ngoại thương, dẫn đến biến động trong dự báo thị trường và niềm tin của doanh nghiệp.
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2022 chỉ tăng 5,1%, tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai kể từ năm 1990.
Nhằm kích thích tiêu dùng, ngày 17/1 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất các khoản vay trung hạn lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Một số chuyên gia phân tích thị trường dự đoán Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách trong năm nay để làm chậm tốc độ suy giảm kinh tế.
Trung Quốc lập vùng đệm tại các thành phố biên giới để chặn nguy cơ lây lan COVID-19
Trung Quốc sẽ cho triển khai mô hình vùng đệm ở các thành phố dọc biên giới. Biện pháp đặc biệt này nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh, đồng thời bảo đảm hoạt động kinh tế diễn ra bình thường.
Thành phố Tây An triển khai xét nghiệm diện rộng nhằm kiểm soát lây nhiễm COVID-19. Ảnh: Reuters
Điều chỉnh chính sách này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục phải đối diện với các ổ dịch bùng phát ở nhiều khu vực khác nhau trên cả nước. Trong vài tháng gần đây, các ổ dịch đáng chú ý gồm có ổ dịch tại Ruili, thuộc tỉnh Vân Nam, giáp ranh với Myanmar và ổ dịch tại Manzhouli ở vùng Nội Mông, giáp Mông Cổ và Nga.
Tâm dịch hiện nay là thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây. Nhà chức trách cho rằng nguồn lây là từ một hành khách nhập cảnh đường hàng không từ Pakistan, sau đó lan ra sáu thành phố ở năm tỉnh trên cả nước. Trong tổng số 152 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ngày 28/12, có đến 151 ca là ở Tây An.
Theo thông tin được lưu hành nội bộ tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), NHC đầu tháng này đã yêu cầu chính quyền địa phương có hoạt động giao thương biên giới cần thành lập các vùng đệm. Đối với các trung tâm vận chuyển hàng không, nhà chức trách khuyến cáo tăng cường biện pháp giám sát, sàng lọc tại sân bay, tăng cường quy trình vệ sinh với các khu vực thuộc chuỗi sản xuất, lưu kho lạnh.
Theo Liang Wannian, cựu quan chức NHC và hiện là người đứng đầu nhóm chuyên gia tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về phòng chống COVID-19, nhịp sống tại các vùng đệm này vẫn diễn ra bình thường, miễn là không có ca mắc COVID-19. Nếu phát hiện ca nhiễm, các biện pháp như sàng lọc, truy vết sẽ được triển khai ở các khu vực mục tiêu cụ thể trong vùng đệm.
"Các chốt gác sẽ được thiết lập ở vùng đệm, đơn cử như tại các khu làng gần các tuyến đường dọc biên giới. Người dân không được phép vượt khỏi các khu vực này trừ khi thực sự cần thiết. Chính quyền sẽ định ra các yêu cầu cụ thể đối với trường hợp được phép rời khỏi vùng đệm", ông Liang nói. Ngược lại, các điểm không thuộc phạm vi giới hạn vùng đệm sẽ không phải chịu những quy định này, từ đó cho phép hoạt động kinh tế được duy trì, phục hồi nhanh hơn.
Trung Quốc ghi nhận ca Covid-19 cao nhất 4 tháng, phát hiện thêm ca Omicron Số ca Covid-19 ở Trung Quốc cao nhất trong 4 tháng qua, và giới chức nước này vẫn quyết liệt duy trì chiến lược "Không Covid-19", trong khi phát hiện thêm một số ca nhiễm siêu chủng Omicron. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Tây An, Thiểm Tây (Ảnh: AP). Reuters đưa tin, Trung Quốc ngày 25/12...