“Trung Quốc có hồ sơ chi tiết từng học viên sĩ quan quân sự Campuchia”
Học viên Học viện Quân sự Campuchia cũng có 6 tháng “học tập bắt buộc” tại các trường quân sự Trung Quốc.
Một viên Trung tá Trung Quốc gắn quân hàm sĩ quan cho học viên quân sự Campuchia. Ảnh: Euronews.
Reuters ngày 2/4 đưa tin, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia gia tăng thông qua một trường đào tạo sĩ quan quân đội và viện trợ. Học viện Quân sự Campuchia được thành lập vào năm 1999, nằm cách Phnom Penh khoảng 80 km nằm trong chiến lược tăng cường viện trợ quân sự của Trung Quốc sang Campuchia.
Viện trợ quân sự cùng với việc bán vũ khí và hàng tỉ đô la đầu tư đã tăng cường quan hệ Trung Quốc – Campuchia. Các nhà phân tích coi đây là một phần của nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực, kể cả trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hàng hải ở Biển Đông. Phát biểu tại Học viện Quân sự Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Tea Banh đã không tiếc lời ca ngợi Trung Quốc.
Video đang HOT
“Chúng tôi rất biết ơn họ đã hiểu những khó khăn của chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông Tea Banh nói về Trung Quốc. Từ năm 2009, mỗi năm có khoảng 200 học viên quân sự Campuchia đã được tuyển dụng vào trường này, theo học 4 năm chương trình do Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra, các cố vấn Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo.
Học viên Học viện Quân sự Campuchia cũng có 6 tháng “học tập bắt buộc” tại các trường quân sự Trung Quốc. Đã có 190 học viên quân sự khóa 3 tốt nghiệp trong tháng 3 này từ Học viện Quân sự Campuchia. “Các học viên tốt nghiệp được đưa vào các vị trí có ảnh hưởng, bao gồm chỉ huy cấp lữ đoàn quân đội. Họ đang nắm giữ các vị trí có thể ra quyết định”, một quan chức chính phủ Campuchia xin giấu tên nói với Reuters.
Quan chức này cho biết, Trung Quốc đã chi trả phần lớn chi phí xây dựng cũng như vận hành các công trình của Học viện Quân sự Campuchia. Khoảng một nửa số học viên sĩ quan của Campuchia đã học qua Học viện Quân sự này, một quan chức nhà trường giấu tên cho biết. Học viện Quân sự Campuchia dường như là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc để xây dựng một cơ sở quy mô lớn của loại hình này ở Đông Nam Á, giáo sư Carl Thayer từ Úc bình luận.
Xe tải Trung Quốc viện trợ cho quân đội Campuchia. Ảnh: People.cn
“Đối với Trung Quốc, đó là sự khởi đầu của một chiến lược lâu dài nhằm gây ảnh hưởng trong quân đội Campuchia bằng cách nuôi dưỡng những lớp người này. Và Trung Quốc có đầy đủ hồ sơ thông tin rất sâu đối với từng học viên quân sự Campuchia. Không có nơi nào ở Đông Nam Á mà ảnh hưởng của Trung Quốc lại mạnh như quốc gia này”, ông Carl Thayer cho biết.
Sự phát triển của Học viện Quân sự Campuchia diễn tra trong lúc Bắc Kinh gia tăng đáng kể lượng vũ khí bán cho Campuchia cũng như các gói viện trợ cho Phnom Penh. Trung Quốc cũng đầu tư hàng tỉ đô la vào nền kinh tế này. Trong năm 2013, Campuchia đã nhận 12 chiếc trực thăng vũ trang Z-9 do Trung Quốc sản xuất bằng khoản vay 195 triệu USD từ Trung Quốc. Các năm tiếp theo, Campuchia nhận được gói viện trợ 26 xe tải và 30 ngàn bộ quân phục từ Trung Quốc.
Hoạt động tài trợ của Trung Quốc xây dựng Học viện Quân sự Campuchia phát triển nhanh chóng. Từ năm 2002 đến nay đã có hơn 70 tòa nhà được xây dựng trên diện tích khoảng 148 ha, theo một tài liệu được nhìn thấy bởi Reuters. Các quan chức Bộ Quốc phòng Campuchia đã không đáp ứng yêu cầu từ Reuters bình luận về nội dung này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì đáp lại câu hỏi của Reuters rằng Bắc Kinh có tiếp tục tăng mức hỗ trợ cho Học viện Quân sự Campuchia để giúp nước này nâng cao khả năng giảng dạy và trình độ đào tạo học viên. “Viện trợ này không có điều kiện chính trị kèm theo, và sẽ không làm tổn hại đến lợi ích của bất kỳ bên thứ 3 nào”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.
Theo Lao Mong Hay, một nhà phân tích là cố vấn của phe đối lập Campuchia, đóng góp hào hiệp của Trung Quốc cho quân đội Campuchia đã khiến Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2012 ngăn chặn nỗ lực của các quốc gia thành viên trong việc tạo ra bộ quy tắc hàng hải với Bắc Kinh. “Lợi ích chiến lược của Trung Quốc là để chia rẽ ASEAN, và Campuchia được sử dụng cho mục đích này”, ông nói.
Bà Bố Kiến Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia trao tặng các khí tài trang bị quân sự cho Campuchia.
Viện trợ của Trung Quốc cũng làm lu mờ ảnh hưởng của Hoa Kỳ, quốc gia đã hủy bỏ viện trợ 200 xe quân sự cho Campuchia trong năm 2010 sau khi Phnom Penh trục xuất một nhóm người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào cuối năm 2009. Chỉ 2 ngày sau khi trục xuất, Trung Quốc và Campuchia đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá 850 triệu USD.
Trong năm 2013 Campuchia công bố đình chỉ một số hợp tác quân sự với Hoa Kỳ sau những chỉ trích của các nhà lập pháp Mỹ về kết quả bầu cử ở Campuchia. Washington đã có sẵn khoảng 1 triệu USD dành cho tài trợ quân sự và đào tạo tại Campuchia trong năm 2014, 12 nhân viên quân sự Campuchia được đào tạo ở Hoa Kỳ về nhân quyền và nâng cao năng lực hàng hải.
Trong khi đó các học viện tốt nghiệp tại Học viện Quân sự Campuchia do Trung Quốc tài trợ đã được thăng cấp bậc, chức vụ cao hơn. “Họ muốn chúng ta thấy Trung Quốc là một siêu cường đã giúp Campuchia trong thời gian khủng hoảng”, một sĩ quan mới tốt nghiệp được điều động ra biên giới Campuchia – Thái Lan nói với Reuters.
Theo Giáo Dục