Trung Quốc chuyển vũ khí đến đảo nhân tạo
Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với châu Á-Thái Bình Dương để bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực này.
Trong bài viết độc quyền công bố tối 27-5, báo Sydney Morning Herald (Úc) cho biết Trung Quốc đã di chuyển vũ khí đến các đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép trên biển Đông.
Báo dẫn nguồn từ các quan chức Úc ghi nhận các loại vũ khí được chuyển đến có thể bao gồm radar, súng phòng không và Trung Quốc đã sẵn sàng tiến hành các chuyến bay trinh sát.
Trước đó, chiều 27-5, Thư ký Bộ Quốc phòng Úc Dennis Richardson phát biểu hoạt động “khai phá” chưa từng có của Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi về ý đồ quân sự và sẽ dẫn đến rủi ro do tính toán sai lầm. Ông nhận định với tốc độ và quy mô cải tạo đất của Trung Quốc trên các rạn san hô đang tranh chấp và các thực thể khác, mọi người có quyền nghi ngờ về động cơ và mục đích thực sự của Bắc Kinh.
Ông cũng đồng thời lưu ý đến sức mạnh và tiềm năng to lớn của hải quân Trung Quốc: “Với quy mô và quá trình hiện đại hóa quân sự, nếu Trung Quốc sử dụng các cơ sở mới xây dựng trên đảo khai hoang trái phép cho mục đích quân sự thì điều đó cần phải được quan tâm đặc biệt”.
Ông lưu ý Sách Trắng về chiến lược quốc phòng của Úc sắp được công bố cần phải ưu tiên nêu lên giải pháp cho các lo ngại đến từ Trung Quốc.
Lo ngại tình hình an ninh ở biển Đông, hải quân Mỹ tập trận với quân đội Philippines vào cuối tháng 4 vừa qua. Ảnh: AP
Báo Sydney Morning Herald nhận định phát biểu nêu trên của Thư ký Bộ Quốc phòng Dennis Richardson được cho là chi tiết và thẳng thắn nhất từ một quan chức cao cấp Úc từ khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng cơ sở hạ tầng trên khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Báo ghi nhận quan điểm của ông Dennis Richardson phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của Úc trước khả năng Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở mới xây dựng trên các đảo nhân tạo làm nền tảng để triển khai sức mạnh quân sự và thực thi các yêu sách lãnh thổ trên vùng biển rộng lớn, trong đó bao gồm một số tuyến đường biển quan trọng nhất đối với Úc. Hôm trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Mã Triều Húc đã phát biểu trên báo TheWest Australian (Úc) về vấn đề Trung Quốc cải tạo đất trái phép ở biển Đông.
Ông này khăng khăng cho rằng Bắc Kinh sẽ “quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền” và huênh hoang nêu cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các đảo trong vùng biển tranh chấp”. Ông còn ngang ngược cho rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện và phát triển các đảo từ triều đại nhà Hán giữa năm 23 và năm 220 sau Công nguyên.
Báo TheWest Australian nhận định Đại sứ Mã Triều Húc đã gạt sang một bên quan điểm của Úc rằng các nước tranh chấp ở biển Đông nên giữ thái độ ôn hòa nhằm giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã kêu gọi cần thận trọng và tiến tới đàm phán về vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Bà cũng kêu gọi Trung Quốc không lập vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Trường Sa.
Video đang HOT
Ý đồ quân sự thực sự của Trung Quốc vẫn bí ẩn
Ngày 26-5 (giờ địa phương), người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố Tổng thống Obama đánh giá tình hình an ninh biển Đông rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ và kinh tế toàn cầu. Ông cho biết Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các nước châu Á-Thái Bình Dương để bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke từ chối bình luận về Sách Trắng Chiến lược quân sự Trung Quốc nhưng nói Washington kêu gọi Bắc Kinh “sử dụng khả năng quân sự theo hướng bảo vệ hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương”.
Đại tá Steve Warren, người phát ngôn Lầu Năm Góc, ghi nhận Trung Quốc đã báo trước về Sách Trắng cho Bộ Quốc phòng Mỹ từ gần một năm trước. Trong khi đó, báo Wall Street Journal dẫn lời một quan chức quốc phòng giấu tên nói với các nhà báo tháp tùng bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Hawaii ngày 27-5: “Chẳng có gì bất ngờ cho chúng tôi từ Sách Trắng mới nhất này. Các đường lối nêu trong tài liệu này là các đường lối chúng tôi đã theo dõi từ vài năm qua”.
Quan chức này nói sự kiện lần đầu tiên Trung Quốc công bố chiến lược quân sự (hải quân sẽ mở rộng hoạt động từ bờ biển Trung Quốc ra biển xa) là dấu hiệu tích cực cho thấy Bắc Kinh thể hiện minh bạch có mức độ như Mỹ kêu gọi.
Tuy nhiên, ông nói vì Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo ở biển Đông nên các ý đồ quân sự thực sự của Trung Quốc tiếp tục bí ẩn. Ông ghi nhận: “Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều không gian để phía Trung Quốc minh bạch hơn về vấn đề này”. Ông cho biết từ lâu hải quân Trung Quốc đã hoạt động xa bờ như chống hải tặc ở vịnh Aden.
Theo báo Wall Street Journal, khi Tổng thống Obama thăm Bắc Kinh hồi năm ngoái, Trung-Mỹ đã đồng ý vài biện pháp xây dựng lòng tin. Bắc Kinh đã báo trước với Mỹ sẽ công bố Sách Trắng. Hồi đầu tháng 5 Mỹ cũng đã báo với Trung Quốc Lầu Năm Góc sẽ công bố phân tích riêng về sức mạnh quân sự Trung Quốc.
Quan chức Mỹ nêu trên nhận xét: “Chúng tôi xem đây là một cách bổ sung cho các biện pháp xây dựng lòng tin”. Sách Trắng được cho sẽ là chủ đề chính để Trung Quốc nói chuyện ở hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần này.
Có lý do chính đáng để nghi ngờ mục đích Trung Quốc cải tạo đất xây đảo nhân tạo. Rõ ràng không phải cho mục đích du lịch.
Thư ký Bộ Quốc phòng Úc DENNIS RICHARDSON
Chúng tôi không hoàn toàn phụ thuộc vào một quốc gia khác. Philippines biết xem xét những gì mình có… Giá trị Philippines có được không chỉ từ Mỹ mà còn có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong tranh chấp biển Đông với Trung Quốc.
Phó phát ngôn của Tổng thống Philippines ABIGAIL VALTE
Theo Pháp Luật TPHCM
Báo Trung Quốc tâng bốc "3 loại vũ khí lớn xuất khẩu trong tương lai"
Lái xe tăng MBT-3000 như lái xe con tự động, máy bay huấn luyện L-15 thi thố với F-22 Mỹ, máy bay chiến đấu tàng hình J-31 có thể xuất khẩu đồng bộ...
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 6 tháng 4 đã đăng bài viết tuyên truyền về 3 loại vũ khí xuất khẩu lớn của họ được bài báo tâng bốc là "3 ngôi sao lớn trong xuất khẩu tương lai".
Xe tăng chiến đấu MBT-3000 dùng để xuất khẩu, do Trung Quốc chế tạo.
Xe tăng MBT-3000
Theo tuyên truyền của bài báo, xe tăng MBT-3000 lần đầu tiên xuất hiện ở Triển lãm quốc phòng quốc tế châu Âu (Paris) năm 2012, nó là loại xe tăng đã "tổng hợp các ưu điểm" của xe tăng phương Đông và phương Tây. Trọng lượng toàn bộ xe tăng này chỉ có 51 tấn, cộng với động cơ 1.200 mã lực, tốc độ việt dã có thể đạt 71 km/giờ, lái xe tăng giống như điều khiển xe con tự động.
Bên trong xe tăng MBT-3000 có lắp điều hòa, bất kể là môi trường hoạt động hay là không gian đều có thể "sánh với" xe tăng phương Tây. Xe tăng MBT-3000 cũng có năng lực bắn tên lửa đẩy bằng pháo mà xe tăng phương Tây không có.
Theo bài báo, nhìn vào trình độ tổng hợp, xe tăng MBT-3000 đã "vượt toàn diện" xe tăng chủ lực xuất khẩu T-90S của Nga, có thực lực đọ sức với xe tăng chủ yếu của phương Tây, nhưng khó khăn cần khắc phục là định vị về dư luận và giá cả.
Hầu hết các khách hàng xe tăng vẫn quan tâm đến xe tăng Đức và xe tăng Nga, bởi vì hai nước này đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm sử dụng xe tăng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Xe tăng Trung Quốc vừa không có "danh tiếng" về chiến đấu thực tế, do đó bài báo cho rằng, cần phải giành được danh tiếng về các khâu khác như kỹ thuật, chất lượng điều khiển, dịch vụ sau bán hàng. Điều này thách thức "nội công" của các doanh nghiệp thương mại quân sự Trung Quốc.
Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc.
Máy bay huấn luyện Liệp Ưng
Theo bài báo, nhiều người yêu thích quân sự cho rằng, các doanh nghiệp thương mại quân sự của Trung Quốc tham gia các triển lãm hàng không trong và ngoài nước luôn trưng bày mô hình nhiều, trong khi ít trưng bày trang bị thật.
Nhưng, có một loại trang bị hàng không của Trung Quốc rất tích cực tham gia các triển lãm hàng không ở Trung Quốc và các nước, không chỉ vài lần tham gia triển lãm ở các nước với trạng thái máy bay thật, mà còn tích cực thi thố trên không với các máy bay chiến đấu hàng đầu như F-22, F-15, Rafale của các nước. Đây chính là máy bay huấn luyện L-15 Liệp Ưng của Công ty Hồng Đô, Trung Quốc.
Hiện nay, do trang bị hàng không tiếp tục đổi mới, các nước trên thế giới đang hình thành làn sóng lần thứ ba về nghiên cứu chế tạo và đổi trang bị máy bay huấn luyện cấp cao thế hệ mới, vì vậy, thị trường này vừa có tương lai sáng sủa vừa đối mặt với cạnh tranh gay gắt.
Theo giới thiệu của Trương Hoằng - kiến trúc sư trưởng của máy bay huấn luyện cao cấp L-15, loại máy bay này có các ưu điểm như: về thời gian nghiên cứu chế tạo, L-15 duy trì đồng bộ với máy bay cùng loại của các nước; về hiệu quả huấn luyện, máy bay L-15 "trội hơn" máy bay huấn luyện Yak-130 và M-346, tương đương T-50; về tỷ lệ giữa hiệu quả và chi phí, máy bay L-15 cao hơn khoảng 20% so với máy bay huấn luyện cùng loại.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31
Tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014, máy bay chiến đấu J-31 đã lần đầu tiên tham gia triển lãm bằng máy bay thật, trở thành tiêu điểm của triển lãm này. Theo một số liên hệ nội tại giữa trưng bày và tiếp thị của vũ khí Trung Quốc tại triển lãm hàng không, máy bay thế hệ thứ tư loại thứ hai của Trung Quốc rõ ràng muốn đưa ra thị trường quốc tế, thể hiện tham vọng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thị trường vũ khí quốc tế phát triển đến hiện nay, chỉ dựa vào bản thân trang bị sẽ không có tiền đồ. Muốn đứng chân trên thị trường quốc tế và có phát triển lớn, cường quốc công nghiệp quân sự cần tập trung vào thực lực tổng hợp, đây là một đường lối xuất khẩu hàng hóa quân sự thống nhất giữa quan hệ chính phủ, xuất khẩu hệ thống, đổi mới mô hình, xây dựng hình tượng và tăng giá trị dịch vụ.
Theo bài báo, xuất khẩu máy bay tác chiến J-31 chỉ là một phương diện, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc cần phải có tham vọng xuất khẩu cả hệ thống tấn công-phòng thủ không quân hiện đại ra nước ngoài.
Bài báo cho rằng, đạn dẫn đường chính xác, hệ thống liên kết dữ liệu, radar chống tàng hình, radar cảnh báo tầm xa, máy bay cảnh báo sớm cỡ vừa và nhỏ, mạng chỉ huy C4ISR - những thứ này có thể kết hợp xuất khẩu với máy bay J-31 hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy lẫn nhau. Nếu có thể giải quyết được vấn đề này, "hành trình" của J-31 sẽ xa hơn.
Theo Giáo Dục
Trung Quốc vô tình tiết lộ "bí mật quân sự" cho Mỹ? Bản chào hàng từ một công ty nhà nước Trung Quốc đã tiết lộ những chi tiết mới về máy bay không người lái (UAV) tấn công Cai Hong-3 (CH-3), hay Cầu Vồng-3. UAV tấn công Cai Hong-3 Thời báo Washington Times ngày 25/3 đưa tin, Chính phủ Mỹ đã nhận được thông tin chào hàng từ công ty China Aerospace Long-March International...