Trung Quốc chưa gia tăng lượng xả trên sông Mekong, hạn mặn ĐBSCL có thể kéo dài
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện Trung Quốc vẫn chưa gia tăng xả nước từ đập Cảnh Hồng như tuyên bố trước đó để hỗ trợ các nước láng giềng về hạn hán, xâm nhập mặn. Đợt hạn mặn ở ĐBSCL có thể kéo dài sang nửa đầu tháng 4 tới.
Người dân ở ĐBSCL quay cuồng với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt và sản xuất
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), trong tuần qua, xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn có xu hướng tăng nhẹ, sông Cửu Long giảm.
Dự báo, từ hôm nay (28/3) đến ngày 3/4, xâm nhập mặn trên các sông tiếp tục giảm từ 4-5 km so với tuần hiện tại.
Theo đó, người dân có khả năng lấy được nước ngọt tại các cửa sông: Vàm Cỏ Đông từ 85-90 km trở lên, Vàm Cỏ Tây từ 95-100 km, Cổ Chiên từ 35-40 km, Hậu từ 30-35 km, Cái Lớn từ 50-55 km.
Riêng các cửa sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại xâm nhập mặn vẫn ở mức tương đối cao. Đây là thời gian xâm nhập mặn thấp nhất ở các cửa sông Cửu Long kể từ tháng 1/2020, có thể lấy nước ngọt tương đối thuận lợi.
Hiện có khoảng 96.000 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt (Bến Tre 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ).
Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng.
Năm nay, mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015-2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt giảm khoảng 114.000 hộ (giảm 54%) so với năm 2015-2016 (210.000 hộ).
Diện tích lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 bị thiệt hại do xâm nhập mặn tăng khoảng 10.000 ha so với tuần trước, hiện đã đã lên 49.800 ha (vụ Mùa 16.000 ha, Đông Xuân 33.800 ha), bằng 12,3 % so tổng cộng thiệt hại đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016 (khoảng 405.000 ha).
Về nguồn nước trên dòng Mekong, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 2 thấp hơn so với trung bình và thấp hơn so với năm kiệt 2016.
Theo thông tin từ Viện này, ngày 20/2 Trung Quốc tuyên bố xả nước trên sông Mekong để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn, nước từ đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) về đến Chiang Saen (Thái Lan) chỉ mất 2-3 ngày, nhưng đến nay vẫn chưa có sự gia tăng xả này. Hiện thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp.
Vận hành gia tăng từ các đập thủy điện Trung Quốc đã chậm hơn khoảng 40 ngày so với ở năm 2018-2019 và 34 ngày so với bình quân những năm gần đây.
Dự báo lưu lượng bình quân tháng 3 thấp, mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 3. Đỉnh mặn tháng 3 xuất hiện trong tuần 7/3-15/3 và 22/3-28/3, mặn sẽ tiếp tục kéo dài sang nửa đầu tháng 4.
Viện khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các các địa phương vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm soát mặn thường xuyên ở các hệ thống thủy lợi, các cửa lấy nước, đảm bảo tích trữ nước và bảo vệ nguồn nước trong thời kỳ mặn lịch sử này.
NAM KHÁNH
Video đang HOT
Hạn mặn bủa vây các tỉnh miền Tây
Thiếu nước, mặn xâm nhập vào các kênh nội đồng những tháng đầu năm 2020 được dự báo sẽ gay gắt hơn năm trước.
Trước khi mặn xâm nhập nội đồng, nông dân trồng chanh ở huyện Bến Lức (Long An) đã đưa nước ngọt vào vườn để trữ, nhưng không giữ được nước do khô hạn khốc liệt. (Ảnh: Trần Đáng)
Toàn bộ thượng nguồn sông Mekong năm nay thiếu 65% tổng lượng mưa, trong đó đoạn từ Trung Quốc tới Nam Lào giảm 50% lượng mưa so với năm trước.
Hiện trên sông Tiền độ mặn 2,9 đã tiến sâu vào cù lao Ngũ Hiệp (Tiền Giang), cách biển 81km. Sông Vàm Cỏ, độ mặn 7,6 đã vào đến TP Tân An (Long An), cách cửa biển 75km. Còn tại khu vực sông Hậu, nước mặn cũng đã xâm nhập tới Cần Thơ. Với độ mặn cao, lấn sâu vào các nhánh sông chính như hiện nay, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất còn diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt là tỉnh giáp biển.
Đất trồng lúa tại các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú (Bến Tre) đã nứt nẻ hơn nửa tháng qua. (Ảnh: Bắc Bình)
Hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Cà Mau 4.500 hộ, Tiền Giang 2.200 hộ. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), tính đến giữa tháng 2, tổng cộng thiệt hại lúa ở các mức độ vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 khoảng 29.700ha (vụ mùa 16.000ha, đông xuân 13.700ha).
Khắp nơi ở huyện Long Phú, Sóc Trăng đâu đâu cũng gặp cảnh các cánh đồng lúa đang trong giai đoạn phát triển thì bỏ không bởi không còn nước. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến khoảng tháng 3, 4/2020, trước mắt đến ngày 16/2/2020, xâm nhập mặn sẽ tăng cao theo kỳ triều cường với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-22km; ở các cửa sông Cửu Long mức sâu nhất khoảng 75km.
Theo Thoidai
Bộ NN-PTNT trình kế hoạch chống hạn mặn vùng ĐBSCL Ngày 13-2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký công văn số 1054 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vùng ĐBSCL mùa khô năm 2019-2020. Khô hạn làm nhiều diện tích lúa bị thiệt hại...