Trung Quốc chống tham nhũng bằng ứng dụng di động
Người dân Trung Quốc có thể dễ dàng gửi hình ảnh hay video hành vi tham nhũng của quan chức chính phủ về cho cơ quan chức năng thông qua một ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động.
Phần mềm cho phép người dân Trung Quốc gửi hình ảnh hành vi tham nhũng của quan chức về cho cơ quan điều tra. Ảnh minh họa: Xinhua
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) vừa nâng cấp một ứng dụng trên điện thoại di động nhằm khuyến khích mọi công dân nước này chỉ điểm những quan chức đảng bị nghi ngờ tham nhũng, theoGuardian.
CCDI đưa ra ứng dụng này từ hồi tháng một và người dân Trung Quốc có thể tải về máy hoàn toàn miễn phí. Phiên bản nâng cấp của ứng dụng, phát hành trong tuần này, được bổ sung tính năng cho phép “người tố cáo” gửi thẳng hình ảnh những quan chức có hành vi sách nhiễu, nhận hối lộ tới cơ quan điều tra.
“Phần mềm nhằm mục đích cung cấp phương tiện thuận lợi hơn để người dân báo cáo cho chính quyền về các quan chức sử dụng công quỹ để mở tiệc, đi du lịch hay những người nhận hối lộ hoặc tổ chức lễ ma chay, hiếu hỷ linh đình nhằm thu tiền mừng”, thông báo trên trang web của CCDI cho biết.
Theo ông Gao Bo, phó tổng thư ký trung tâm nghiên cứu phòng chống tham nhũng Bắc Kinh, sự tham gia của người dân là một trong những nhân tố làm nên thành công của chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” quy mô của Chủ tịch Tập Cận Bình. “Ý kiến và ý tưởng của nhân dân, dù là gì đi chăng nữa, đều mang lại lợi ích cho chính quyền”, ông Gao nói trong cuộc phỏng vấn với kênh Truyền hinh Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập tới nay đã trừng phạt khoảng 70.000 quan chức. Chiến dịch đạt được bước đột phá quan trọng hồi tuần trước khi Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, lĩnh án tù chung thân trong một phiên xử kín với nhiều tội danh, trong đó có nhận hơn 20,5 triệu USD tiền hối lộ và tiết lộ bí mật nhà nước.
Vũ Hoàng
Video đang HOT
Theo VNE
Liệu Chu Vĩnh Khang có phải là hổ lớn cuối cùng sa lưới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối cùng cũng "đả" được 'hổ' lớn nhất trong chiến dịch truy quét tham nhũng khi tuyên án cho Chu Vĩnh Khang. Giờ đây, vấn đề gây tò mò nhất là liệu có còn con hổ lớn nào nữa hay không.
Chu Vĩnh Khang nhận tội và lĩnh án chung thân vì tham nhũng. Ảnh: CCTV
Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, từng là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc, đã lĩnh án chung thân trong một phiên xử kín.
Steve Tsang, chuyên gia về chính trị Trung Quốc từ trường Đại học Nottingham cho rằng việc xử kín Chu chỉ là kế hoạch phụ của ông Tập. Theo Tsang, ông Tập có thể đã muốn xét xử công khai để phơi bày tội trạng của Chu. Điều này có thể giúp ông Tập tăng uy tín, và tối đa hóa hiệu quả răn đe trong đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP).
Việc Chu, quan chức cấp cao nhất từng bị điều tra tham nhũng cho đến nay, lĩnh án tù chung thân đã đặt ra một câu hỏi quan trọng: bước tiếp theo của chiến dịch đả hổ diệt ruồi do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng sẽ là gì?
Theo SCMP, sau khi công bố bản án dành cho Chu, Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố bắt đầu thanh tra các doanh nghiệp nhà nước lớn, ví dụ như tập đoàn Huaneng (Hoa Năng), một trong những doanh nghiệp điện lớn nhất Trung Quốc. Một số lãnh đạo của công ty này bị cáo buộc "nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và tạo điều kiện kinh doanh cho vợ chồng, con và người thân của mình".
Bắc Kinh cũng sắp công bố kết quả thanh tra các doanh nghiệp nhà nước lớn khác, trong đó có Công ty Đầu tư Điện lực Trung Quốc. Doanh nghiệp này đang bị giám sát sát sao sau khi Lý Tiểu Lâm, con gái cựu thủ tướng Lý Bằng, rời đi.
Những thông báo này có thể là dấu hiệu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục, tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc thanh tra này chủ yếu nhằm vào "ruồi" và vẫn tranh luận về việc liệu chiến dịch chống tham nhũng còn muốn xử lý "hổ lớn" nào không.
Khởi đầu hay kết thúc
Một số người cho rằng ông Tập đang muốn nhanh chóng kết thúc vụ việc để chuyển sang tập trung vào các khía cạnh quan trọng hơn trong chương trình nghị sự, ví dụ như phát triển kinh tế. Những người khác lại tin rằng đây mới chỉ là khởi đầu của một "cuộc chiến" khó khăn hơn. Việc buộc tội các quan chức cấp cao như Chu Vĩnh Khang hiện giờ không còn là kinh thiên động địa nữa. Luật bất thành văn có từ lâu, rằng ủy viên Bộ Chính trị dù đương chức hay đã về hưu sẽ không bị điều tra, nay bị phá vỡ.
Huang Jing, giáo sư chính sách công tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng sẽ có thêm nhiều quan chức cấp cao hơn bị nhắm mục tiêu. "Đây là đoạn cuối của khởi đầu, chứ không phải bắt đầu của kết thúc", ông nói.
Warren Sun, nhà nghiên cứu chính trị cấp cao Trung Quốc tại Đại học Monash ở Australia, lại cho rằng rằng chiến dịch truy quét tham nhũng đã đạt đến đỉnh điểm. Sun đánh giá chiến dịch là một cuộc kỷ luật trong đảng chứ không phải là cách thể hiện pháp trị của nhà nước.
Tuy nhiên, Sun cho rằng chiến dịch có thể giảm đà, chứ sẽ không dừng lại. Hiện có nhiều suy đoán rằng một số cựu lãnh đạo cấp cao có thể là mục tiêu tiếp theo của cuộc thanh trừng. Còn tạm thời, mục tiêu ngay trước mắt là Lệnh Kế Hoạch, phụ tá cũ của ôngHồ Cẩm Đào, bị điều tra từ tháng 12 năm ngoái; và Quách Bá Hùng, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Một số nhà quan sát nói rằng Chu Vĩnh Khang đã hình thành một nhóm thân cận với cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, và cựu phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Lệnh Kế Hoạch. Truyền thông Trung Quốc gọi những người này là "bè lũ 4 tên" mới. Từ qua đời vì bệnh ung thư hồi tháng ba, còn Bạc đã bị kết án chung thân.
Nguồn tin có mối quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc tuần trước cho biết Lệnh đang bị suy nhược thần kinh, thậm chí còn có tin đồn ông đã phát điên, còn Quách bị ung thư và ốm nặng. Hai ông này được cho là có thể thoát điều tra vì bệnh.
Quách Bá Hùng (trái) và Lệnh Kế Hoạch. Ảnh: SCMP/WCT
Cân bằng
Kerry Brown, giáo sư ngành chính trị Trung Quốc tại Đại học Sydney, nhận định các nhà chức trách Trung Quốc đang mong muốn "lật sang trang mới". "Tôi nghĩ rằng họ đã đến điểm dừng, phanh phui thêm bê bối cũng sẽ chẳng giúp ích cho họ nữa". Brown cho rằng các quan chức nên quay về tập trung vào chính trị, thực hiện các đề xuất chính sách mà họ đưa ra trong vài tháng và vài năm qua.
"Ông Tập và các phụ tá chắc chắn đã phải dùng nhiều sức mạnh chính trị để tiệt trừ Chu. Tôi nghĩ rằng nếu họ vẫn muốn tiếp tục nhằm vào các mục tiêu 'sừng sỏ' thì họ sẽ vấp phải sự phản đối", ông Brown nói.
"Cần phải có sự cân bằng", New York Times dẫn lời Andrew Wedeman, giáo sư Mỹ nghiên cứu về nạn tham nhũng Trung Quốc nhận định. "Không thể cứ kết tội hết 'hổ' này đến 'hổ' khác mà không xem xét tới toàn thể nội bộ đảng. Có lúc cần phải hãm mọi thứ lại".
China Youth Daily hôm 8/6 đăng tải bài phỏng vấn Trần Vĩ Lực, con gái của Trần Vân, người đặt nền móng cho cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc (CCDI) trong những năm 1970. Bà Trần lên tiếng ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập và khẳng định chiến dịch này hết sức cần thiết.
Theo Zhang Lifan, nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh, sự cổ vũ của bà Trần dành cho ông Tập cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của ông có thể không nhận được sự ủng hộ từ toàn thể nội bộ đảng. Việc ông Tập cần tranh thủ sự ủng hộ từ những người như bà Trần cho thấy chiến dịch đang gặp phải cơn gió ngược mạnh mẽ.
"Bài báo nhằm thể hiện với công chúng rằng con cháu các lãnh đạo cấp cao đang đoàn kết ủng hộ ông Tập, trong khi chiến dịch của ông có thể đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe phái khác", ông nói.
Giới chuyên gia cho rằng chiến dịch chống tham nhũng nhận được nhiều sự đồng tình, nhưng nó có thể châm ngòi một cuộc tranh giành quyền lực. Xiaoyu Pu, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nevada, cho rằng: "Ông Tập có thể phải cân bằng giữa chiến dịch chống tham nhũng với các cải cách pháp lý, cũng như duy trì sự ổn định chính trị".
Phương Vũ
Theo VNE
Án chung thân cho Chu Vĩnh Khang - đòn giáng hay thỏa hiệp Bản án tù chung thân dành cho Chu Vĩnh Khang "mang đến làn gió ớn lạnh" khiến nhiều quan tham phải run sợ nhưng cũng cho thấy sự "hãm phanh" trong chiến dịch "đả hổ" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chu Vĩnh Khang, tóc bạc trắng, xuất hiện trong phiên xử kín. Ảnh: CCTV Tại ngôi làng quê hương cựu...