Trung Quốc chọn con đường tự cô lập mình
Trung Quốc đã có những bước phiêu lưu nguy hiểm, sặc mùi thuốc súng trên Biển Đông. Những tàu chiến lớn được trang bị những vũ khí hiện đại lượn lờ khắp Biển Đông dưới danh nghĩa tập trận, tuần tra, liên tục xâm phạm các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, những vùng biển mà Việt Nam đã có lịch sử chiếm hữu thực tế và lâu dài.
Dùng mọi chiêu trò khiêu khích
Ngày 24-3, tờ Nhân dân nhật báo ngang nhiên đưa tin: 2 tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc bắt đầu tuần tra tại vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Cũng trong ngày 24-3, tờ China Daily dẫn nguồn tin từ Cục Ngư chính Nam Hải thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, tàu Ngư chính 312 được cho là con tàu lớn nhất của lực lượng Ngư chính đã đến Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 22-3 để thực hiện cái gọi là “tuần tra” trái phép trên Biển Đông. Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải Ngô Tráng cho biết, tàu Ngư chính 312 từng là chiến hạm Đông Do 621 thuộc biên chế Hạm đội Đông Hải của Hải quân Trung Quốc.
Video đang HOT
Không chỉ vậy, trong khi thực hiện cái gọi là “tuần tra” ở khu vực Đá Vành Khăn ngày 27-3, Tân Hoa xã đưa tin, đội tàu chiến của Hạm đội Nam Hải còn giao lưu với các tàu chiến trực chiến của Hải quân Trung Quốc và tàu Ngư chính Trung Quốc đang tuần tra trái phép tại vùng biển gần đó.
Đội tàu chiến trên bao gồm: tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, tàu hộ vệ tên lửa Hằng Thủy, tàu khu trục Lan Châu và tàu hộ vệ tên lửa Ngọc Lâm, thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã rời cảng Tam Á hôm 19-3 và tiến ra Biển Đông, bắt đầu cái gọi là “đợt huấn luyện tuần tra dài ngày” tại đây. Gần 1 tuần nay, đội tàu này liên tục xâm phạm trái phép các khu vực Đá Xu Bi, Đá Ga Ven và Đá Tư Nghĩa… thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cao điểm của những hành động ngang ngược của Hải quân Trung Quốc là vụ bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trên ngư trường quen thuộc hàng trăm năm nay, ngư trường Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Đội tàu chiến này còn ngang nhiên tiến sát bờ biển Malaysia để tuyên bố chủ quyền Trung Quốc tại bãi cạn James, nơi chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km và cách Brunay 180km. Cần lưu ý là bãi cạn James cách bờ biển Trung Quốc 2.000km.
Âm mưu cũ, thủ đoạn mới
Có thể thấy, những hành động lấn lướt của Hải quân Trung Quốc gần đây trên Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực bành trướng trên vùng biển này, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng, thách thức dư luận và coi thường luật pháp quốc tế. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã có sự thay đổi chiến lược tranh chấp. Trước đây tham gia tranh chấp trên biển chỉ có lực lượng hải giám, hải chính, kiểm ngư là những lực lượng về mặt hình thức không vũ trang. Còn hiện nay, quân đội và cụ thể là Hải quân Trung Quốc đã trực tiếp tham gia tranh chấp và bằng việc bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam, quân đội Trung Quốc đã đánh một tín hiệu không chỉ cho Việt Nam mà cả các nước xung quanh Biển Đông là: Trung Quốc đã sẵn sàng dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền trên biển, tức là sẵn sàng dùng súng để chiếm đoạt các vùng biển Trung Quốc thấy cần thiết.
Không chỉ hành động trên thực tế, các tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc cũng như của những nhân vật có trách nhiệm của Trung Quốc cũng thể hiện chiến lược mới này. Ngày 23-3, tờ Thời báo Hoàn Cầu có bài phân tích của Lý Kiệt, chuyên gia về chiến lược biển tuyên bố: đã kết thúc thời kỳ “ngũ long chế hải” (5 con rồng khống chế Biển Đông và biển Hoa Đông) sau khi Trung Quốc tái cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hải dương quốc gia và thành lập Cục Cảnh sát biển và các lực lượng hải quân, không quân và tên lửa Trung Quốc phải đứng sau hậu thuẫn khi hải giám, ngư chính, hải quan, cảnh sát biên phòng và giao thông hàng hải tham gia “tuần tra, chấp pháp” trong việc duy trì và bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và lợi ích” của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong vụ bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên thừa nhận chính tàu chiến của họ đã nổ súng. Trả lời câu hỏi của các phóng viên về hành vi này, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Chính phủ Trung Quốc cao giọng yêu cầu Việt Nam không để ngư dân đánh cá trên các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, mặt khác coi hành động tàu chiến Trung Quốc bắn súng vào ngư dân là cần thiết và là hành động bình thường.
Về việc các tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử cận đại hải quân của Trung Quốc tiến sâu về phía Nam, tiến xuống bãi đá ngầm James, cách bờ biển Malaysia 80km để tiến hành các cuộc diễn tập và tuyên bố chủ quyền, ông Hồng Lỗi nói như người ngủ mơ: Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Trung Quốc đang hành xử các quyền hợp pháp của mình qua việc thực hiện những cuộc thao dượt này. Đánh giá về việc thay đổi chiến lược tranh chấp, Giáo sư Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói: “Cuộc thao dượt này, một lần nữa, được thiết kế để đánh đi một thông điệp là quân đội Trung Quốc có khả năng hoạt động ở những nơi cách xa lục địa Trung Quốc và cũng có thể đổ bộ lên các hòn đảo và chiếm các hòn đảo để giải quyết vụ tranh chấp, trong trường hợp họ muốn làm như vậy”.
Trung Quốc đang tự cô lập mình
Hành động của Hải quân Trung Quốc đã nổ súng nhằm vào tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị phản ứng dữ dội không chỉ của Việt Nam mà cả dư luận quốc tế. Ngay sau khi Trung Quốc có hành động khiêu khích trên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 26-3 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ tàu Trung Quốc bắn một tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phản đối mạnh mẽ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực ép buộc bất kỳ bên liên quan nào nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. GS.TS Yasushi Watanabe, chuyên ngành Chính sách Văn hóa và An ninh tại Đại học Keio, nguyên thành viên Hội đồng Tư vấn ngoại giao công chúng thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản trên Báo Tuổi trẻ cho rằng: “Trung Quốc chọn con đường tự cô lập mình bằng những sự khiêu khích”. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam không đơn độc trong cuộc đối đầu chống lại những hành vi khiêu khích trên biển của Trung Quốc”.
Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chuẩn đô đốc Hải quân Việt Nam nói: “Việc tàu hải quân Trung Quốc dùng súng bắn cháy cabin tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động nghề cá bình thường, có thể nói rằng, chưa từng có tiền lệ trên thế giới khi các nước đang hữu nghị với nhau. Trung Quốc đã từng có với Việt Nam 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt. Nhưng khi người phát ngôn Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định hành động của tàu Trung Quốc là “đúng đắn và hợp lý” là điều không thể chấp nhận được. Chứng tỏ, Chính phủ Trung Quốc “bật đèn xanh” cho cấp dưới làm những việc sai trái. Chúng ta cần nhận thức được thực tế này để có những hành động phù hợp để bảo vệ chủ quyền và bảo vệ sinh mạng và tài sản cũng như quyền được hành nghề trên biển của ngư dân Việt Nam khi lực lượng Kiểm ngư, được thành lập để bảo vệ ngư trường ngư dân đang từng bước triển khai”.
Bên cạnh những biện pháp cần triển khai sớm là đưa ngay lực lượng kiểm ngư với trang bị mạnh, đủ sức tham gia việc đối đầu với những lực lượng xâm phạm lãnh hải, xua đuổi, trấn áp các tàu cá của ngư dân chúng ta, mặt khác thành lập các tổ dân quân biển tham gia cùng các đội tàu đánh ca để có thể tự vệ, bảo vệ mình trước kẻ cướp, cũng đã đến lúc chúng ta cần có các biện pháp để bảo vệ các vùng biển đảo Việt Nam tuyên bố chủ quyền, tương xứng với các hoạt động của hải quân Trung Quốc. Mặt khác, mặc dù tuân thủ các thỏa thuận, nhưng nếu Trung Quốc luôn làm trái với cam kết, chúng ta có quyền đưa Trung Quốc ra các Tòa án quốc tế. Dân tộc ta luôn lấy hòa hiếu làm đầu, tuy nhiên mọi kẻ thù xâm lược hãy nhớ chỉ cần đụng đến một tấc đất của Tổ quốc Việt Nam, chúng sẽ bị trả giá và sẽ thất bại thảm hại. Dân tộc Việt Nam không biết cúi đầu. Trung Quốc cần phải hiểu chúng ta có rất nhiều phương án đối phó với Trung Quốc nếu mọi thỏa thuận hữu nghị bị chính Trung Quốc xóa bỏ. Hãy dừng lại các bước phiêu lưu, giải quyết hòa bình những tranh chấp Biển Đông theo đúng các quy định quốc tế, những quy định của loài người văn minh.
Theo ANTD
Mỹ - Trung căng thẳng trên không gian ảo
Vấn đề an ninh mạng trở nên quan trọng đến mức mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tuyên bố rằng, hiện tại một vài nước có khả năng gây ra một "vụ Trân Châu cảng trên mạng". Còn Tổng thống Obama cảnh báo đe dọa từ mạng là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với quốc gia.
Mới đây, chính quyền tổng thống Barack Obama đã sẵn sàng áp đặt khoản tiền phạt và trừng phạt thương mại nhằm trả đũa hành động các hacker Trung Quốc đánh cắp thông tin từ cơ sở dữ liệu của chính quyền Mỹ và những bí mật hợp tác thương mại với nhiều quốc gia khác.
Theo báo cáo dài 74 trang của công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ công bố hôm 19-2, đơn vị 61398 thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc là một trong nhiều đơn vị chuyên thực hiện các vụ tấn công mạng, các vụ đánh cắp thông tin nhạy cảm. Đơn vị 61398 đã đánh cắp hàng trăm terabyte dữ liệu từ ít nhất 141 tổ chức khắp các ngành công nghiệp từ năm 2006.
Được biết, động thái này xuất hiện ngay sau khi các hãng truyền thông lớn tại Mỹ Wall Street Journal và New York Times thừa nhận trở thành mục tiêu trong một chiến dịch tấn công mạng của tin tặc Trung Quốc trong suốt 4 tháng qua với ý đồ đánh cắp dữ liệu nhạy cảm. Nỗi lo về tấn công mạng đang tăng cao ở Mỹ sau khi một loạt công ty lớn và giới truyền thông cho biết mình là nạn nhân của tin tặc Trung Quốc. Tờ Fox News cáo buộc, "đội quân bí mật" của Trung Quốc đã thực hiện những cuộc tấn công và "hack" các thông tin từ các công ty về năng lượng, vũ trụ, viễn thông và IT của Mỹ. Đội ngũ "hacker" Trung Quốc đã tiếp cận được vào những thông tin như các kế hoạch chi tiết hay các danh sách liên hệ của những công ty mà họ tấn công.
Mandiant đã xác định các vụ tấn công nhằm vào 20 ngành công nghiệp, từ các nhà thầu quân sự đến các nhà máy hóa chất, công ty khai thác mỏ, công ty vệ tinh và viễn thông. Thông tin bị đánh cắp bao gồm từ nội dung chi tiết các thương vụ sáp nhập và thâu tóm cho đến những bức thư điện tử của các nhân viên cấp cao.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phủ nhận những cáo buộc của Công ty Mandiant và cho biết chính Trung Quốc là nạn nhân của các hacker, trong đó có các tin tặc đến từ Mỹ. Ông Hồng Lỗi dẫn báo cáo của Bộ Thông tin truyền thông và công nghiệp Trung Quốc cho biết chỉ riêng trong năm 2012, tin tặc đã dùng virus và các mã độc tấn công 1.400 máy tính và 38.000 website tại Trung Quốc. "Trong các vụ tấn công này, nhiều nhất đến từ các tin tặc của Mỹ", ông Hồng Lỗi nói. Các chuyên gia an ninh mạng nhận định chính quyền Mỹ không tiến hành những cuộc tấn công với mục đích đánh cắp thông tin của các công ty Trung Quốc mà khả năng nhắm tới những chính sách quân sự của Bắc Kinh như hàng loạt kế hoạch chống lại Đài Loan hoặc Nhật Bản.
Trước đó, Google cùng 20 doanh nghiệp khác của Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc bị tấn công, đánh cắp các bí mật kinh doanh bởi Trung Quốc, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại phía Trung Quốc vẫn liên tục phủ nhận những cáo buộc trên. Bắc Kinh liên tục phủ nhận sự dính líu đến hành vi tin tặc. Ngày 20-2 Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Công ty Mandiant cho rằng báo cáo của Mandiant hoàn toàn "thiếu căn cứ pháp luật". Tuyên bố của bộ này khẳng định họ chưa bao giờ ủng hộ bất kỳ kiểu hoạt động tin tặc nào, đồng thời cho rằng bản thân Bắc Kinh cũng là nạn nhân của các vụ tấn công trên mạng.
Bất chấp việc Trung Quốc bác bỏ cáo buộc trên, hãng AP ngày 20-2 cho biết Chính phủ Mỹ đang có kế hoạch mạnh tay nhằm vào Bắc Kinh hoặc bất kỳ quốc gia nào có hành vi gián điệp trên mạng. Trước các bằng chứng về việc tin tặc từ Trung Quốc đánh cắp hàng loạt thông tin Chính phủ và thương mại của Mỹ, Nhà Trắng đang tìm các biện pháp trừng phạt và phản ứng về thương mại đối với Bắc Kinh. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Eric Holder đã trình bày một số điểm trong sách lược mới tại một cuộc họp báo ở Washington, nói rằng các vụ này là một đe dọa cho kinh tế và an ninh của nước Mỹ.
Theo hãng tin AP, Nhà Trắng đã đưa ra phác thảo những bước đi ban đầu mạnh mẽ hơn nhằm đáp trả những chiến dịch tấn công trên mạng bị nghi có liên quan đến Trung Quốc và các nước khác. Theo đó, Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (National Intelligence Council) đang chuẩn bị một bản đánh giá tình báo quốc gia (National Intelligence Estimate - NIE), trong đó đánh giá các mối đe dọa mạng đang ngày càng gia tăng, đặc biệt từ phía Trung Quốc. Bởi vậy, Mỹ sẽ có những bước chủ động hơn, thậm chí là tấn công phủ đầu đáp trả những chiến dịch đánh cắp dữ liệu qua internet. Chiến dịch phản công này rất năng động, có sự hợp tác liên ngành và liên tiểu bang để truy tìm và khởi tố những ai tham gia các vụ đánh cắp và gián điệp trên mạng. Các công ty tư nhân cũng được mời tham gia chiến dịch này: "Chỉ cần mất một bí mật thương mại cũng đủ làm thiệt hại hàng triệu hoặc hàng tỷ USD. Công ty bị mất cắp buộc phải sa thải nhân viên, đóng cửa nhà máy, mất khách, mất lợi nhuận, mất sức cạnh tranh, thậm chí phải đóng cửa". Các nhà làm luật Mỹ ước tính năm ngoái các doanh nghiệp Mỹ đã thiệt hại hơn 300 tỷ USD do các vụ đánh cắp bí mật thương mại, phần lớn được thực hiện bởi các gián điệp trên mạng từ Trung Quốc.
Sách lược mới cũng quy định những khoản tiền phạt, các biện pháp trừng phạt thương mại nhắm váo cá nhân hoặc quốc gia đã đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ.
Theo ANTD
Bắc Kinh 'sửng sốt vì bình luận của thủ tướng Nhật' Trung Quốc cho biết nước này "sửng sốt" trước bình luận mới đây của Thủ tướng Nhật trên một tờ báo Mỹ rằng Trung Quốc "có nhu cầu đối chọi với láng giềng". Báo Mỹ bị cho là trích dẫn sai. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Ngoại trưởng Fumio Kishida hôm qua chuẩn bị lên máy bay tới Mỹ. Ảnh: AFP...