Trung Quốc chỉ trích báo cáo quốc phòng Mỹ
Trung Quốc nói báo cáo quốc phòng Mỹ cho rằng nước này tăng cường lực lượng tên lửa, hạt nhân để thay đổi trật tự quốc tế là “khiêu khích”.
Trong tuyên bố chính thức hôm nay, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm bày tỏ “sự phản đối kiên quyết” đối với “Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc” được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố gần đây.
Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc (CMPR) được Lầu Năm Góc công bố hôm 1/9, là báo cáo thường niên được trình lên quốc hội Mỹ kể từ năm 2000, nhằm cung cấp cho các nghị sĩ những đánh giá mới nhất về quá trình mở rộng sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc
Theo ông Ngô, CMPR 2020 “thúc đẩy cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc và bôi nhọ quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc”. Báo cáo của Mỹ “đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về chi tiêu quân sự của Trung Quốc, chính sách hạt nhân và vấn đề Đài Loan”, ông Ngô nói.
“Thành tựu quân sự của Trung Quốc được thúc đẩy để bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển quốc gia, không chống lại hay đe dọa bất kỳ quốc gia nào”, ông Ngô nói, thêm rằng báo cáo của Mỹ là sự phô trương “bá quyền, khiêu khích” và “gây tổn hại cho quan hệ quân sự hai nước.
Tên lửa DF-17 của Trung Quốc tại lễ duyệt binh mừng 70 năm quốc khánh tháng 10/2019. Ảnh: AP.
Video đang HOT
Lo ngại chính được nêu trong CMPR 2020 của Lầu Năm Góc là việc Trung Quốc tăng cường các lực lượng lục quân, không quân và hải quân có thể sẵn sàng trong trường hợp tấn công Đài Loan hoặc nổ ra xung đột vũ trang với hòn đảo. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng chính quyền Đài Loan và “các lực lượng nước ngoài” mới là bên gây rắc rối trong khu vực.
“Nguyên nhân căng thẳng hiện nay ở eo biển Đài Loan là do đảng Dân Tiến cầm quyền dùng vũ lực tìm cách chống lại quá trình thống nhất, cũng như các thế lực chống Trung Quốc bên ngoài cố chia rẽ Trung Quốc”, ông Ngô nói.
“Nếu ai đó dám cố tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết đánh bại mọi nỗ lực can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc hoặc phá hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, ông tuyên bố.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng chỉ ra việc Mỹ tham chiến ở Trung Đông như “bằng chứng” cho thấy Washington khuấy động các cuộc xung đột khu vực và là “kẻ hủy diệt hòa bình thế giới”.
Mỹ ngày càng lo ngại về sự phát triển quân sự của Trung Quốc từ khi Bắc Kinh đặt mục tiêu thành lập “quân đội đẳng cấp thế giới” có khả năng sánh ngang với Mỹ vào năm 2049. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc có thể đã vượt qua khả năng quân sự của Mỹ trong lĩnh vực phát triển tên lửa và đóng tàu chiến. Mục tiêu của Bắc Kinh là tận dụng sức mạnh quân sự để thúc đẩy chính sách đối ngoại và “thay đổi các khía cạnh của trật tự quốc tế”, báo cáo nêu.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng từ 100 tỷ USD năm 2012 lên 174 tỷ USD năm 2019, theo số liệu chính thức từ Bắc Kinh, song báo cáo của Mỹ cho biết con số thực tế năm ngoái có thể là hơn 200 tỷ USD. Ngân sách quân sự của Mỹ năm 2019 là 686 tỷ USD.
Mỹ công bố điện mật, tăng hợp tác với Đài Loan
Washington thông báo lập sáng kiến kinh tế mới với Đài Loan và công bố hai bức điện mật dưới thời tổng thống Reagan trong đó có "sáu bảo đảm" dành cho hòn đảo.
Washington công bố hai bức điện năm 1982, được giải mật vào ngày 16/7 và đăng trên website của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) hôm 31/8, tập trung vào việc bán vũ khí cho Đài Loan và "sáu đảm bảo" dành cho Đài Loan.
Mỹ cùng ngày cũng thông báo thiết lập đối thoại kinh tế song phương mới với Đài Loan nhằm tăng cường quan hệ với hòn đảo "trước sức ép ngày càng tăng từ Bắc Kinh".
Bức điện đầu tiên có tên "Bán vũ khí cho Đài Loan", do cựu ngoại trưởng Mỹ Lawrence S. Eagleburger gửi cho Giám đốc AIT James Lilley vào tháng 7/1982, liên quan việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Điện mật Mỹ gửi Đài Loan năm 1982 được Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) hôm 31/8. Ảnh: AIT.
Bức điện giải thích việc Mỹ sẵn sàng giảm bán vũ khí cho Đài Loan, với điều kiện Trung Quốc tiếp tục cam kết về một giải pháp hòa bình tại eo biển Đài Loan. Nếu Trung Quốc "trở nên hiếu chiến hoặc gây mất an ninh, bất ổn cho khu vực này", Mỹ sẽ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan.
Bức điện thứ hai có tên "Sáu bảo đảm", do cựu ngoại trưởng Mỹ George Shultz gửi ông James Lilley vào tháng 8/1982, trong đó đưa ra sáu cam kết bảo đảm an ninh cho Đài Loan. Văn bản này được xem là yếu tố nền tảng trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á David Stilwell cho biết các động thái mới nhất của Mỹ với Đài Loan không phải là sự thay đổi chính sách, mà là một phần của loạt "điều chỉnh đáng kể" trong khuôn khổ nguyên tắc "một Trung Quốc" lâu đời của Washington. "Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan trước những hành động gây áp lực, đe dọa và loại bỏ Đài Loan của Trung Quốc", ông nói.
Daniel Russel, người tiền nhiệm của ông Stilwell dưới thời Obama, cho biết "Sáu đảm bảo" là "bí mật mở".
Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết việc công bố giải mật hai bức điện gần 40 năm trước thể hiện cam kết của Mỹ đối với hòn đảo, đồng thời "bày tỏ cảm ơn" về sự ủng hộ của Mỹ và cho biết sẽ tiếp tục tăng cường khả năng quốc phòng của mình.
Trung Quốc chưa có bình luận về động thái trên của Mỹ. Tuy nhiên, việc giải mật được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa Washington - Bắc Kinh ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc được dự đoán là mục tiêu bị chỉ trích và áp các biện pháp cứng rắn khi Trump vận động cho chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11 tới.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Trung Quốc cũng coi Đài Loan là một trong những vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế cũng như phản đối mọi động thái vi phạm nguyên tắc "một Trung Quốc".
Dù công nhận chính sách "một Trung Quốc", Mỹ vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo, nhưng thường không bán những khí tài hiện đại nhất để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Đài Loan từ chối thị thực hai quan chức Hong Kong Chính quyền Hong Kong cho biết Đài Loan từ chối thị thực của hai quan chức đặc khu, động thái nhấn mạnh căng thẳng song phương đang leo thang. Hai quan chức thuộc Văn phòng Kinh tế, Thương mại và Văn hóa Hong Kong (HKETCO) đã phải trở lại đặc khu sau khi giấy phép cư trú của họ tại Đài Loan bị...