Trung Quốc: “chấm điểm” công dân để quản lý xã hội
Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện thí điểm một kế hoạch đầy tham vọng, chưa từng có trên thế giới: áp cho mỗi công dân một điểm số, tạm gọi là điểm tín nhiệm dựa trên các hành vi của họ, để từ đó quyết định cách ứng xử với công dân đó, để khích lệ hay trừng phạt họ…
Sử dụng thiết bị thông tin di động và thương mại điện tử rất phổ biến ở Trung Quốc và chính phủ nước này muốn có một hệ thống “điểm tín nhiệm cá nhân” dựa trên mọi hoạt động của công dân. Ảnh: Washington Post
Chen Li là một công dân thành phố Hàng Châu, một trong những địa phương được chọn để thí điểm kế hoạch nói trên. Thứ Hai tuần trước, khi qua cửa soát vé để xuống tàu điện ngầm, chị Chen vô ý “cà thẻ” bằng cái thẻ của con trai thay vì thẻ của chị – trẻ em được giảm một nửa giá vé; thế là chị bị phạt 40 nhân dân tệ (6 đô la Mỹ), bị người soát vé mắng mỏ nhưng nghiêm trọng hơn, theo cảnh báo in trên tờ thông báo dán gần cửa vào nhà ga, “hành vi gian lận” của chị có thể bị trừ điểm trong “hệ thống thông tin tín nhiệm cá nhân” của thành phố. Điểm tín nhiệm thấp có thể ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của chị Chen, từ vay vốn ngân hàng, công ăn việc làm đến chuyện xin nhập học cho con. Chuyện của chị Chen được kể lại trên tờ The Wall Street Journal để minh họa cho cái hệ thống “điểm tín nhiệm” của Trung Quốc.
Trung Quốc có vài chục địa phương đang thực hiện thí điểm hệ thống “tín nhiệm xã hội” (social credit) tương tự như thành phố Hàng Châu. Các địa phương này đang bắt đầu lập hồ sơ số hóa (digital records) về hành vi của công dân để từ đó áp cho họ một “điểm số” nhất định. Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai đại trà hệ thống này trên khắp cả nước vào năm 2020.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã cho biết hệ thống này tập trung vào độ tín nhiệm trong bốn lĩnh vực: hoạt động hành chính (tuân thủ quy định), hoạt động thương mại, hành vi xã hội và hệ thống tư pháp.
Trong giai đoạn thí điểm, hệ thống dựa vào thông tin mà các ban ngành địa phương cung cấp, chẳng hạn như hồ sơ tòa án, tín dụng và thuế, cả thói quen sử dụng mạng xã hội và mua sắm trực tuyến do các công ty viễn thông như tập đoàn Alibaba cung cấp. Chủ tịch Alibaba, tỉ phú Jack Ma, trong một bài diễn văn có 1,5 triệu người theo dõi hồi tháng 10-2016, đã hối thúc các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc tận dụng dữ liệu trên Internet như một công cụ phát hiện tội phạm và giải quyết những vấn đề của xã hội. Ở một số nơi, người ta đánh giá một cá nhân thông qua nhận xét đánh giá của hàng xóm, đồng nghiệp…
Từ những thông tin thu thập được, hệ thống sử dụng thuật toán phân tích dữ liệu lớn để sẽ cho ra một “điểm số” phản ánh “độ tin cậy” của một công dân; điểm số này lại được dùng để quyết định những hoạt động khác, chẳng hạn như công dân đó có được vay vốn, được mua vé máy bay, được đi du lịch nước ngoài, được nghỉ ngơi ở khách sạn hạng sang… hay không.
Video đang HOT
Những hành vi được đánh giá tỏ ra khá đa dạng, tùy vào từng địa phương. Chính quyền thành phố Thượng Hải chẳng hạn, trên trang web chính thức của mình, đã nêu ra một số vi phạm có thể bị trừ điểm tín nhiệm cá nhân, bao gồm cả những lỗi nhỏ như trễ hạn thanh toán hóa đơn điện nước, vi phạm luật giao thông… Báo chí chính thống cảnh báo con cái không làm tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ già cũng có thể bị trừ điểm.
Tài liệu tuyên truyền của chính phủ về kế hoạch này cho biết: “Mục tiêu của hệ thống điểm tín nhiệm quốc gia là cho phép những người đáng tin cậy được đi mọi nơi dưới gầm trời này trong khi những người không đáng tin khó mà bước được một bước”. Một tài liệu của Chính phủ Trung Quốc phát hành năm 2014 xác định mục tiêu của kế hoạch là “xây dựng sự trung thực” trong các hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị, theo nguyên tắc kẻ làm điều xấu thì bị trừng phạt, người tốt được khen thưởng. Những người có điểm tín nhiệm cao sẽ được thuận lợi hơn khi liên hệ với cơ quan công quyền, được ưu tiên xem xét khi xin vào làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước; công dân làm việc ở những ngành nghề được coi là nhạy cảm như luật sư, kế toán, giáo viên, nhà báo, y bác sĩ… sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn và phải là người có điểm tín nhiệm cao.
Để chuẩn bị cho việc triển khai đại trà kế hoạch này, ngoài việc thực hiện thí điểm tại một số địa phương như Hàng Châu, Thượng Hải, Trung Quốc đã cho phép 8 công ty tài chính, thương mại điện tử và viễn thông tiến hành thu thập dữ liệu thông tin cá nhân và thực hiện đánh giá tín nhiệm xã hội; trong số này có những công ty con của tập đoàn Alibaba như Sesame Credit – nhánh tài chính của Alibaba. Công ty này sử dụng thông tin của 400 triệu khách hàng mua sắm trên mạng Alibaba – các mặt hàng mà họ mua, điện thoại mà họ sử dụng, trình độ văn hóa, mức thu nhập… để đánh giá điểm tín nhiệm xã hội của cá nhân. Sesame Credit từ chối tiết lộ chính xác cách mà họ cho điểm tín nhiệm, chỉ nói rằng đó là một “thuật toán phức tạp” và công ty sẽ bị rút giấy phép cung cấp điểm tín nhiệm nếu bị phát hiện quan hệ với truyền thông nước ngoài, theo BBC.
Tuy nhiên, Joe Tsai, Phó chủ tịch Alibaba Group, cho biết: “Đối với những người trẻ, hành vi của bạn trên mạng trực tuyến sẽ góp phần xây dựng hồ sơ tín nhiệm của bạn. Chúng tôi muốn mọi người nhận thức điều đó để họ biết cách ứng xử tốt hơn”. Ông Joe Tsai thừa nhận Alibaba chia sẻ dữ liệu với cơ quan thống kê, nhưng không tiết lộ dữ liệu cá nhân trừ phi được yêu cầu, ví dụ với các cuộc điều tra tội phạm.
Chính phủ Trung Quốc đang theo dõi sát việc thực hiện thí điểm hệ thống này. Hệ thống đánh giá “điểm tín nhiệm xã hội” của chính phủ tất nhiên sẽ không giống các hệ thống tư nhân như của Alibaba nhưng các quan chức đang cố gắng tìm hiểu các gợi ý về thuật toán do các dự án tư nhân phát triển.
Hiện thời, dữ liệu cá nhân về công dân Trung Quốc được nhiều cơ quan khác nhau thu thập và nắm giữ; những cơ quan này lại không muốn chia sẻ thông tin cho nhau và trong nhiều trường hợp, cơ sở dữ liệu của họ lại không tương thích với nhau khi được tích hợp vào một hệ thống dữ liệu quốc gia duy nhất. Vì thế Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một nền tảng công nghệ chung sao cho đến năm 2020 có thể tạo dựng được cơ sở dữ liệu về thông tin tín nhiệm xã hội của 640 triệu người trưởng thành, từ dữ liệu của 37 bộ ngành trung ương và nhiều chính quyền địa phương, theo ông Lian Weilliang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc.
Thật ra, “điểm tín nhiệm” cá nhân không phải là một sáng kiến mới. Ở Mỹ có hệ thống điểm tín dụng Fico, trong đó mỗi khách hàng quan hệ với ngân hàng, bảo hiểm… đều được áp một điểm số nhất định, tăng giảm theo việc thực hiện các hợp đồng giao dịch. Điểm tín dụng cá nhân là một trong những cơ sở để ngân hàng xem xét quyết định có cho cá nhân đó vay tiền hay không, lãi suất ở mức nào… để tránh rủi ro. Các thông tin cá nhân khác, nhất là thông tin về hoạt động trên mạng, được xem là có tính riêng tư, cấm phát tán dưới mọi hình thức.
Ở nhiều nước khác, việc “chấm điểm” cũng được thực hiện nhưng ở chiều ngược lại: công dân chấm điểm chất lượng hoạt động của các cơ quan công quyền, bày tỏ sự hài lòng hay không đối với các dịch vụ công mà chính quyền cung cấp, còn hành vi vi phạm của công dân đã bị xử lý theo luật lệ hiện hành của xã hội mà không cần chính quyền “chấm điểm” gì cả.
Tham vọng của Chính phủ Trung Quốc về áp đặt hệ thống “điểm tín nhiệm xã hội” lên mọi công dân của nước này đang gây lo ngại sâu sắc trong xã hội. Những người phản đối cho rằng, đây là “cơn ác mộng” giống như được miêu tả trong tiểu thuyết “1984″ của nhà văn George Orwell, hay trong bộ phim truyền hình Tấm gương đen của Anh Quốc; trong đó các quyền tự do căn bản bị triệt tiêu, và để tránh bị “điểm xấu”, con người ứng xử với nhau một cách giả tạo, tạo nên một xã hội gian dối!
Ngoài ra, ở góc độ công nghệ, một cơ sở dữ liệu công dân tầm quốc gia như vậy sẽ vừa hấp dẫn giới tin tặc (hacker) vừa dễ dàng bị tấn công và thay đổi dữ liệu. “Tất cả thông tin đều lưu trữ ở dạng số hóa, chắc chắn là tin tặc nào cũng có thể thâm nhập, đánh cắp và sửa đổi nó”, William Glass, chuyên gia công ty an ninh mạng FireEye, cảnh báo.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
Dùng big data điều tra tội phạm
Dữ liệu lớn (big data) là một thuật ngữ chỉ việc xử lý một tập hợp dữ liệu cực kỳ lớn và phức tạp. Ngày nay, cùng với việc vạn vật được kết nối internet, các nhà chức trách cho rằng có thể dùng big data để truy tìm tội phạm, thậm chí có thể dự đoán được tội phạm trước khi chúng diễn ra.
Những tổ chức đầu tiên ứng dụng hệ thống big data để phòng chống tội phạm là các cơ quan tình báo. CIA và FBI dùng chúng để kết nối các hành vi đơn lẻ như học lái máy bay hay nhận tiền từ nước ngoài để xác định đối tượng tình nghi khủng bố.
Trong một bài phát biểu mới đây, Jack Ma - CEO của Alibaba - đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc sử dụng big data để giảm bớt tình trạng phạm tội ở nước này. Bài phát biểu này được Jack Ma trình bày trên truyền hình, và sau đó đã được công bố trên tài khoản WeChat của Ủy ban Đảng Cộng sản Trung Quốc về các vấn đề chính trị và pháp chế.
Trong bài phát biểu, Jack Ma kêu gọi Trung Quốc hình thành một hệ thống tương tự như hệ thống trong bộ phim viễn tưởng "Minority Report" của đạo diễn Steven Spielberg (Bộ phim kể về năm 2054 tại Washington, thiết bị máy móc hiện đại tối tân tới mức chúng có thể dự đoán được những tội ác sẽ xảy ra trong tương lai và nhờ đó, đội đặc nhiệm của bộ phận dự đoán có nhiệm vụ ra tay bắt những tên tội phạm tiềm tàng).
Jack Ma cho rằng công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể hiện thực hóa điều đó, ví dụ như việc kết hợp các thông tin riêng rẽ về việc ai đó mua một chiếc nồi áp suất, một bộ hẹn giờ, thuốc súng hoặc ổ bi thép... phân tích tương quan có thể sẽ giúp đưa ra thông tin cảnh báo về một vụ đánh bom sắp diễn ra. Từ đó, cơ quan an ninh có thể đưa ra những phương án phòng bị kịp thời.
Trong thực tế, big data đã được các nhà chức trách Mỹ sử dụng để phá án vụ Gary Pusey gần đây. Trong đó, Trung tâm Phân tích và Phát hiện (ADC, thuộc Đơn vị Chống lạm dụng thị trường của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ - SEC) đã phân tích hàng tỷ dòng dữ liệu giao dịch trong 15 năm nhằm xác định các cá nhân có những giao dịch lặp lại và vào đúng thời điểm trước các vụ sáp nhập công ty.
Phân tích big data đã giúp ADC phát hiện các giao dịch đáng ngờ của Pusey được thực hiện từ năm 2014-2015, ngay trước 10 thỏa thuận sáp nhập, bao gồm Entropic Communications và CVS Health. Trong tất cả các giao dịch đó, mục tiêu thâu tóm hoặc nhà thâu tóm đều do Barclays đại diện. Bạn của Pusey là Steven McClatchey đang làm giám đốc ở Barclays trong thời gian đó.
SEC đã chuyển vụ án cho công tố viên liên bang ở Manhattan và FBI để điều tra tiếp. Tin cho biết, Pusey (47 tuổi) thừa nhận đã phối hợp với bạn thân của mình là McClatchey (58 tuổi) để khai thác các thông tin nội gián. FBI đã bắt Pusey hồi tháng 5 và McClatchey hồi tháng 7. Cả hai có thể đối mặt với nhiều năm tù giam.
SEC cũng đã khai thác big data trong cuộc điều tra lớn với các nhà môi giới đã kiếm lợi hơn 100 triệu USD nhờ thông tin mật mua lại của các hacker Ukraine. Ngoài ra, còn các vụ khác như vụ các cựu nhân viên của Hãng luật Wilson Sonsini Goodrich & Rosati và vụ của Ngân hàng Goldman Sachs.
Tuy nhiên, ông Darryl Carton, Giám đốc Nghiên cứu của Gartner, cảnh báo big data cũng có thể được những tên tội phạm sử dụng để phục vụ cho các hành vi phi pháp của chúng. Đáng chú ý, ông dự báo đến năm 2018, 50% tội phạm kinh tế sẽ sử dụng phương thức phân tích dữ liệu lớn để thực hiện hành vi phạm tội.
Gartner dự đoán đến năm 2020, trên toàn thế giới sẽ có tới 25 tỷ thiết bị được kết nối internet. Đây là nguồn dữ liệu vô cùng khổng lồ, có thể được khai thác để phục vụ cho cuộc sống của con người.
"Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn tuyệt đối được sự thâm nhập thông tin trái phép vào các hệ thống kết nối mạng để khai thác các dữ liệu lớn. Các tổ chức, doanh nghiệp cần ý thức đúng mức về nguy cơ rủi ro, tăng khả năng xác định mối đe dọa cũng như khả năng chống chọi với sự tấn công để duy trì hệ thống hoạt động thông suốt", ông Darryl Carton cảnh báo.
(Theo Công An Nhân Dân)
Những xu hướng công nghệ sẽ phát triển trong năm 2016 Christopher Mims, cây viết của Wall Street Journal, đã đưa ra những dự đoán về hướng phát triển của công nghệ thế giới năm 2016. Qua bài viết đăng trên Wall Street Journal, Christopher Mims cho rằng thế giới công nghệ trong năm tới sẽ đầy khác biệt. Không còn "dễ như ăn bánh", 2016 sẽ là một năm của sự hoang dại...