Trung Quốc cắt nhiều hoạt động mừng sinh nhật Mao Trạch Đông
Chỉ hơn một tuần trước sinh nhật thứ 120 của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, chính quyền Trung Quốc quyết định cắt giảm nhiều hoạt động kỷ niệm lẽ ra rất tưng bừng.
Hình ảnh 3D của Mao Trạch Đông tại một triển lãm ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Ông Mao Trạch Đông sinh ngày 26.12.1893 tại thành phố làng Thiều Sơn, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam.
Năm 2003, lễ kỷ niệm 110 năm sinh nhật người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1943 cho đến khi qua đời vào ngày 9.9.1976 đã diễn ra hết sức linh đình trong cả nước.
Tỉnh Hồ Nam khi đó đã chi 400 triệu nhân dân tệ (66 triệu USD) để tổ chức mừng sinh nhật “người con ưu tú” của tỉnh.
Dự kiến, lễ kỷ niệm thứ 120 năm nay còn to hơn, trong bối cảnh sức mạnh kinh tế cũng như quốc phòng của Trung Quốc ngày càng lên cao.
Riêng tỉnh Hồ Nam đã chi 2 tỉ nhân dân tệ (330 triệu USD) cho 12 dự án mừng sự kiện này.
Thế nhưng, Hoàn cầu Thời báo hôm 12.12 đưa tin buổi lễ kỷ niệm long trọng sẽ diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 26.12 tới đã nhận được chỉ đạo từ các quan chức cấp cao là chuyển thành lễ mừng năm mới.
Theo đó, câu khẩu hiệu ban đầu của sự kiện “Đỏ nhất là Mặt trời, Kính yêu nhất là Chủ tịch Mao” đã được đổi thành “Hát mừng đất nước – Lễ hội năm mới”, trong khi bảng hiệu của chương trình cũng thay chân dung Mao Trạch Đông bằng hình ảnh Đại lễ đường Nhân dân.
Bên cạnh đó, tất cả các tiết mục biểu diễn của chương trình, các tài liệu quảng bá cũng như mọi sự kiện liên quan đến cố Chủ tịch Mao đều phải được gửi đến Ban xuất bản của Đảng xin giấy phép.
Chưa hết, một bộ phim dài 100 tập về Mao Trạch Đông dự kiến sẽ phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia CCTV trong tháng 12 được biết là đã bị hoãn chiếu, và sẽ được thay thế bởi một phim khác về cố Phó thủ tướng Nhiếp Vinh Trăn.
Hoàn cầu Thời báo cũng trích lời ông Vương Chiêm Dương (Wang Zhanyang), Chủ nhiệm ban Khoa học chính trị của Học viện xã hội Trung Quốc, lý giải việc này: “Chính quyền không muốn lễ kỷ niệm sinh nhật Mao quá linh đình”.
Ông Vương cũng nói thêm: “Một số cán bộ và các thành phần bảo thủ với những quyền lợi cố hữu muốn hạn chế cải cách bằng cách quảng bá những tư tưởng bảo thủ nhất của Mao mà Đảng không học theo”.
Nhìn lại tượng đài
Theo giới quan sát, từ khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Trung Quốc hồi tháng 11.2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến nhiều người nhíu mày khi tỏ ra sùng bái Mao Trạch Đông.
Ông Tập đã có nhiều phát biểu bênh vực Chủ tịch Mao, như câu nói hồi tháng 1.2013: “Những cải cách và mở cửa bắt đầu từ năm 1978 dưới thời Đặng Tiểu Bình không nên phủ mờ sự phát triển của Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông”.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ông Tập cũng “làm hồi sinh” những tập quán trong đảng thời Mao như phê và tự phê công khai như một phần trong chiến dịch chấn chỉnh nội bộ.
Tuy vậy, báo Straits Times (Singapore) trích ý kiến các chuyên gia cho rằng có nhiều lý do khiến các lãnh đạo đảng và Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định gia giảm lễ kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Mao.
Lý do đầu tiên có lẽ là chủ trương của ông Tập tiết giảm các lễ nghi, tiếp đón linh đình, đặc biệt là những lễ nghi liên quan đến Chủ tịch Mao để tránh bị chỉ trích.
Bởi vậy, hồi tháng trước, khi đến thăm quê hương của Chủ tịch Mao, ông Tập đã nhắc nhở tỉnh Hồ Nam nên kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch “trang trọng, tiết kiệm và thực tiễn”.
Một lý do khác, theo các nhà phân tích, là ông Tập không phải là người thực lòng ái mộ Mao Trạch Đông, mà chỉ cố lấy lòng những thành phần cực hữu trong đảng để trấn an họ trước khi đưa ra những kế hoạch cải cách tại Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa mới hồi tháng 11.
Và sau khi đã đạt được mục tiêu tại Hội nghị vừa rồi, ông Tập không còn nhiều lý do để ủng hộ việc kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Mao tưng bừng nữa.
“Ông Tập từng coi Chủ tịch Mao như một thần tượng mà di sản của ông ấy là không thể chối bỏ. Nhưng nay, ông nhận ra Chủ tịch Mao là một nhân vật gây tranh cãi, không cần thiết phải tung hô nữa”, chuyên gia về chính trị Trung Quốc Bạc Trí Duyệt (Bo Zhiyue), từ Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói với Straits Times.
Tuy nhiên, ông Bạc cũng cảnh báo: “Ông ấy (tức Tập Cận Bình – PV) đã khiến người dân háo hức mong chờ lễ kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Mao suốt năm qua. Trong số những người hâm mộ Mao có rất nhiều hậu duệ của các bậc tiền bối. Việc cắt bỏ lễ kỷ niệm vào phút cuối như vậy có thể làm họ bất bình và dẫn đến những phản ứng tiêu cực”.
Theo TNO
Bi kịch những đứa trẻ Trung Quốc sinh ở Hồng Kông
Được sinh ra với tấm hộ chiếu có thể đi 147 quốc gia không cần thị thực, nhưng ở tuổi ấu thơ, những đứa trẻ này đã bị chối bỏ những phúc lợi cơ bản.
Học sinh một trường tiểu học ở Bắc Kinh. Nhiều phụ huynh Trung Quốc đang hối hận vì đã sinh con ở Hồng Kông, làm tước đi của con quyền được học trường công ở đại lục - Ảnh: Reuters
Qua Hương Cảng sinh con
Cách đây 5 năm, vợ chồng anh Vương, 34 tuổi, ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dắt díu nhau qua Hồng Kông để sinh con, với hy vọng đứa con trai duy nhất của mình có quy chế thường trú nhân (PR) ở xứ Cảng Thơm và tấm hộ chiếu danh giá có thể đi 147 nước không cần thị thực.
"Chúng tôi nghĩ đó là món quà đầu tiên cho con mình khi nó chào đời", Vương chia sẻ với phóng viên báo Straits Times.
Anh cũng cho biết thêm: "Hồi đó, tôi chỉ bắt chước làm theo những người khác. Tôi chỉ nghĩ về một xứ Hồng Kông tốt đẹp và con trai tôi sẽ được hưởng bao nhiêu là đặc quyền của một người Hồng Kông".
Con số người Trung Quốc đại lục có suy nghĩ và hành động như Wang lên đến hàng trăm ngàn, sau một phán quyết của tòa án Hồng Kông năm 2001.
Phán quyết đó cho phép những đứa trẻ sinh ra trên đất Hương Cảng bởi những cặp vợ chồng đến từ đại lục sẽ được coi là người Hồng Kông theo quy chế PR, và được cấp hộ chiếu của Đặc khu Hành chính này.
Theo số liệu thống kê, vào năm 2001, có 620 đứa trẻ mang "hai dấu trừ" được sinh ra ở Hồng Kông.
"Hai dấu trừ" là ký hiệu cho những đứa bé mà cả cha lẫn mẹ không sinh sống tại Hồng Kông.
Nhưng năm 2011, con số này lên tới 43.982, trong khi năm 2010 là 88.000.
Kể từ ngày có cái phán quyết của tòa án đến nay, tổng cộng có hơn 200.000 phụ nữ từ đại lục sang Hồng Kông sinh con.
Trào lưu này đã dẫn đến việc các bệnh viện xứ Hương Cảng trở nên quá tải, khiến người dân địa phương ta thán, buộc chính quyền ban lệnh cấm từ đầu năm 2013.
Tiến thoái lưỡng nan
Phần đông, sau khi ra đời, những đứa trẻ "tạm xuất" này và cha mẹ chúng lại "tái nhập" về đại lục sinh sống.
Mọi chuyện vẫn ổn khi cha mẹ chúng đảm bảo được việc nhập cảnh Hồng Kông trong vòng 3 năm để quy chế PR vẫn tiếp tục phát huy hiệu lực.
Bởi luật xuất nhập cảnh Hồng Kông quy định, quy chế PR sẽ tự động bị cắt nếu cá nhân đi khỏi lãnh thổ này đến 3 năm hoặc dài hơn.
Tuy nhiên, chuyện quan trọng hơn chính là khi đứa trẻ đủ tuổi đến trường.
Do không sinh ra ở đại lục, trẻ không có giấy khai sinh địa phương nên không thể nhập được vào hộ khẩu của cha mẹ.
Và vì không có hộ khẩu, trẻ không được phép vào trường công lập, không được hưởng bảo hiểm y tế.
Ở thành phố mà Vương sinh sống, chỉ có 3 trường tư, mà chất lượng thì không đảm bảo.
"Trường tư ở Trung Quốc - trừ những trường quốc tế thượng lưu - không tốt như trường tư ở các nước khác. Giáo viên giỏi đều vào trường công hết rồi", Vương nói.
Vậy nên, để học được trường tư chất lượng, phụ huynh phải chịu chi phí rất cao mà Vương khó lòng kham nổi.
Mặt khác, nếu học trường tư trong tình trạng không hộ khẩu, về sau con trai Vương cũng không thể tham dự cuộc thi tuyển vào đại học vốn bắt buộc phải thí sinh phải đăng ký tại địa phương mình có hộ khẩu.
Trong tình thế đó, nhiều phụ huynh đồng ý bỏ quy chế PR Hồng Kông để đổi lấy hộ khẩu Trung Quốc cho con.
Nhưng luật pháp đại lục không chấp nhận.
Quy định của đại lục cho phép người ta có thể đổi tấm hộ chiếu Mỹ - nhưng không thể đổi tấm hộ chiếu Hồng Kông - để lấy sổ hộ khẩu Trung Quốc.
Giám đốc cục Xuất nhập cảnh Hồng Kông Eric Trần cho biết: "Có nhiều phụ huynh ở đại lục đến hỏi chúng tôi rằng con họ có thể bỏ PR Hồng Kông không, bởi vì họ không thể xin hộ khẩu ở đại lục và gặp khó khăn trong việc đăng ký học"
"Câu trả lời là 'không'. Không có cơ chế cho phép họ hủy bỏ tình trạng thường trú Hồng Kông của mình", ông Trần cho biết.
Bế tắc, nhiều phụ huynh đã phải "bứng rễ" ở đại lục để mang con trở lại Hồng Kông, nơi chúng có thể học trường công như những đứa trẻ bình thường khác.
Tuy nhiên, việc này lại làm nảy sinh khó khăn cho xứ Hương Cảng khi số trẻ mẫu giáo bất ngờ tăng vọt.
Vào mùa tựu trường hồi tháng 10 vừa rồi, va chạm đã xảy ra giữa phụ huynh từ đại lục và phụ huynh địa phương tại những nhà trẻ ở quận phía bắc đảo Hồng Kông, gần biên giới với đại lục, do cạnh tranh chiếm chỗ học cho con.
Chính quyền Hồng Kông gọi đây là "Nỗi kinh hoàng nhà trẻ" và cho biết "đang từng bước giải quyết thách thức quá độ" này.
Gian lận
Khi mọi con đường hợp pháp để đưa con đến trường đều đầy trở ngại, nhiều phụ huynh đang tính chuyện gian lận.
Báo Southern Weekly ở tỉnh Quảng Đông mới đây đăng bài trích lời một một phụ nữ kể rằng bà được một công ty dịch vụ xuất nhập cảnh khuyên nên "chạy" cho con một tấm hộ chiếu ở nước khác, để "đổi" lấy hộ khẩu đại lục, coi như vô hiệu hóa quy chế PR của Hồng Kông.
Cách thứ hai là nhờ "quan hệ" để gửi gắm con vào trường công với cam kết trả phí cao hơn cho nhà trường.
Nếu hai cách trên thất bại, cách thứ ba - đang được thảo luận trên diễn đàn online Hkbbclub thành lập năm 2010 và quy tụ hơn 40.000 thành viên chuyên bàn chuyện con sinh ở Hồng Kông - đó là làm giấy khai sinh giả của một bệnh viện địa phương rồi nộp cho công an để đăng ký hộ khẩu.
Ba cách làm phi pháp nói trên hiện đang bủa vây đầu óc Vương. Mỗi ngày, Vương mất hàng giờ đồng hồ suy nghĩ để tìm ra lối thoát cho việc học của cậu quý tử, anh cho biết.
"Tôi đã trở thành chuyên gia trong chuyện này - một chuyên gia không tìm được câu trả lời đúng", Vương than thở vớiStraits Times.
Theo TNO
Đàm phán TPP tại Singapore chưa đạt kết quả như mong đợi Vòng đàm phán thứ 20 về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kéo dài 4 ngày tại Singapore đã kết thúc vào chiều nay (10.12) mà không đạt được kết quả như mong đợi. Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman (giữa) cho biết vòng đàm phán "đạt tiến triển đáng kể" nhưng chưa đạt được kết quả cuối cùng...