Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản “đừng đùa với lửa”
Trong bài phát biểu tại kỳ họp của Ủy ban hữu nghị Trung – Nhật tại thành phố Nagasaki của Nhật, cựu Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đường Gia Triền đã cảnh báo Nhật Bản “chớ đùa với lửa” trong quan hệ với Bắc Kinh.
Quan hệ Trung – Nhật nóng do căng thẳng ở Hoa Đông.
Theo tờ “Thương báo” của Hồng Kông, hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đã khai mạc kỳ họp của Ủy ban trên để nghiên cứu, thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương.
Tại cuộc họp, ông Đường Gia Triền thay mặt đoàn đại biểu Trung Quốc có bài diễn văn quan trọng. Trong đó, ông đã đưa ra những bình luận liên quan đến các chuyến thăm đền Yasukuni của lãnh đạo Nhật Bản cũng như các hoạt động phi pháp trên biển của Nhật Bản trong việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
“Quan hệ Trung-Nhật hiện đang có những bước đi sai lầm và tồn tại nhiều bất đồng, hai nước đang đứng trước những nguy cơ lớn nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao”, ông Đường Gia Triền nói.
Ông Đường cũng cho biết chuyến đi lần này của ông mang theo ước vọng cháy bỏng cải thiện quan hệ song phương và điểm mấu chốt là hai bên không ngừng nỗ lực.
“Nhiệm vụ cấp bách của Trung Quốc hiện nay là giải quyết thỏa đáng vấn đề lịch sử cũng như vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku”, ông nói, đồng thời cho biết vấn đề lịch sử có liên quan đến tình cảm của hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc.
“Trung Quốc phản đối chuyến thăm đền Yasukuni của lãnh đạo Nhật Bản vì đây là ngôi đền thờ tội phạm chiến tranh loại A, những người trực tiếp lên kế hoạch và chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược. Đền Yasukuni thể hiện quan niệm lịch sử sai lầm”, ông Đường Gia Triền nói.
Theo ông Đường, đây là sự tôn nghiêm dân tộc có liên quan đến các quốc gia bị hại ở châu Á… Nó không phải vì Trung Quốc và Hàn Quốc không buông tha lịch sử, mà là bản thân Nhật Bản không muốn nhìn thẳng vào quá khứ, rũ bỏ gánh nặng lịch sử.
Video đang HOT
“Hy vọng chính phủ và lãnh đạo Nhật Bản có thể vạch rõ giới hạn với chủ nghĩa phát-xít, lấy lại lòng tin ở các nước láng giềng châu Á”, bài phát biểu của ông Triền có đoạn.
Ông cũng đề cập đến việc chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trên 5 đảo ở Điếu Ngư/Senkaku với lời nhắn nhủ rằng “ở bất kỳ quốc gia nào, vấn đề lãnh thổ đều hết sức nhạy cảm, rất dễ tác động đến tâm lý của dân tộc, vì vậy không nên tùy tiện đụng chạm vào vấn đề này”.
Vì vậy, “nếu như mượn vấn đề lãnh thổ để thổi phồng thành uy hiếp từ bên ngoài, thậm chí nói Trung Quốc dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng, tạo ra thế đối lập căng thẳng thì đây là hành động đùa với lửa vô trách nhiệm”, ông Đường Gia Triền nói.
Cựu ủy viên Quốc vụ Trung Quốc tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ và chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình. Tuy nhiên, đối chiếu với các hành động thực tế của Trung Quốc, những lời nói của ông Đường Gia Triền xem ra chỉ là những lời rỗng tuếch.
Chuyến công du Trung Quốc 2 ngày của ông Đường Gia Triền với tư cách người đứng đầu phía Trung Quốc trong Uỷ ban Hữu nghị Trung-Nhật diễn ra một tháng sau khi phái đoàn các nhà lập pháp Nhật Bản tổ chức các cuộc gặp với quan chức cấp cao Trung Quốc nhằm kiềm chế căng thẳng gia tăng giữa hai nước.
Đây là cuộc gặp gỡ gặp gỡ đầu tiên của ủy ban này kể từ năm 2012 khi Nhật quốc hữu hoá các đảo tranh chấp với Trung Quốc ở Hoa Đông.
Vũ Anh
Theo Dantri
Lãnh đạo G7 "quan ngại sâu sắc" về căng thẳng Biển Đông
Lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 hôm nay (5/6) đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi các nước không sử dụng vũ lực mà giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.
Tuyên bố trên được đưa ra ngay trong ngày nhóm họp đầu tiên của G7 tại Brussels, Bỉ, sau khi Mỹ đã cảnh báo Bắc Kinh về thái độ ngày càng quyết liệt trong tranh chấp chủ quyền của nước này.
Các lãnh đạo G7 quan ngại sâu sắc về căng thẳng tại Biển Đông
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng tại biển Đông và Hoa Đông", các nhà lãnh đạo khẳng định trong một tuyên bố chung. "Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thông qua việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa, ép buộc".
Thông báo cũng kêu gọi tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp.
Năm 2012, Nhật đã quốc hữu hóa quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông mà nước này kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Vụ việc đã châm ngòi cho những đối đầu căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang có những tranh chấp lãnh hải với nhiều quốc gia trong khu vực về biển Đông, mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ.
Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều khẳng định có chủ quyền với một phần vùng biển này, trong đó Philippines và Việt Nam là lên tiếng mạnh mẽ nhất phản đối tuyên bố của Trung Quốc.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ hồi tháng trước đã cáo buộc Trung Quốc "có hành động gây bất ổn" tại Biển Đông.
Sẵn sàng gia tăng trừng phạt Nga
Các nhà lãnh đạo G7 cũng ra tuyên bố chung lên án Nga về "việc tiếp tục vi phạm" chủ quyền của Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo Mátxcơva về cái ông gọi là "chiến thuật đen tối" tại Ukraine.
Mặc dù Tổng thống Nga Putin không dự hội nghị thượng đỉnh này, ông vẫn sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp với một số lãnh đạo G7, không bao gồm ông Obama, tại Paris khi tới đây dự lễ kỷ niệm 70 năm quân đồng minh đổ bộ lên Normandy trong Thế chiến II vào ngày mai.
Tổng thống đắc cử của Ukraine, ông Petro Poroshenko hội đàm cùng ông Obama
"Chúng tôi đều đồng lòng lên án việc Liên bang Nga tiếp tục xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", thông báo khẳng định. "Chúng tôi sẵn sàng tăng cường các lệnh cấm vận, và cân nhắc các biện pháp hạn chế bổ sung để khiến Nga chịu thêm tổn thất nếu cần".
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định với các phóng viên: "Chúng ta không thể để bất ổn tiếp diễn tại Ukraine".
"Chúng tôi đã khẳng định rõ ràng rằng chúng tôi muốn tiếp tục cách tiếp cận 3 bước trong việc hỗ trợ Ukraine về các vấn đề kinh tế, đối thoại với Nga, và nếu không có tiến triển nào trong các vấn đề này...khả năng trừng phạt, tăng cường trừng phạt, vẫn còn trên bàn nghị sự".
Mỹ công bố hỗ trợ tài chính cho Ukraine
Trước khi đến dự hội nghị trên, trong chặng dừng chân tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, Tổng thống Mỹ Obama đã gặp Tổng thống đắc cử của Ukraine, ông Petro Poroshenko, và cam kết hỗ trợ quân sự 5 triệu USD cho chính quyền Kiev, bao gồm áo giáp và kính nhìn trong đêm.
Ông Obama thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ cho Ukraine với tuyên bố: "Giờ chúng ta đang sát cánh cùng nhau và sẽ là mãi mãi, vì sự tự do của các bạn cũng là của chúng tôi".
Theo Dantri
Nhật Bản ồ ạt rút đầu tư khỏi Trung Quốc Trong lúc căng thẳng biển Đông leo thang do Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đâm chìm thuyền ngư dân Việt Nam, báo chí Trung Quốc vừa phải thừa nhận một đòn đau từ Nhật. Chính tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc phải...