Trung Quốc cảnh báo Mỹ ‘cẩn thận’ khi điều tàu tuần tra Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 31.3 cảnh báo Hải quân Mỹ “hãy cẩn thận” khi điều tàu đến tuần tra ở Biển Đông, và lên án thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Washington và Philippines.
Tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng, vào ngày 30.1.2016 – Ảnh: Hải quân Mỹ
Trong buổi họp báo ngày 31.3, khi được hỏi về những chiến dịch tuần tra của Mỹ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết: “Khi Mỹ điều tàu đến, tôi chỉ có thể yêu cầu họ nên cẩn thận”.
Bình luận về thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Washington và Manila, ông Dương nói: “Tăng cường sức mạnh khối đồng minh quân sự là phản ánh tâm lý thời chiến tranh lạnh. Điều này trái ngược với xu thế kỷ nguyên hòa bình, phát triển và hợp tác”.
Ông Dương cho biết thêm hợp tác quân sự song phương “không nên gây ảnh hưởng đến lợi ích bên thứ ba”.
Washington cáo buộc Trung Quốc đang dồn dập quân sự hóa Biển Đông, nhưng Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng chính những cuộc tuần tra của Mỹ làm leo thang căng thẳng. “Bây giờ Mỹ quay trở lại, tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và xúc tiến quân sự hóa Biển Đông”, ông Dương còn tố ngược lại.
Trước đó, vào ngày 29.3, bà Colin Willett, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương đã bác bỏ luận điệu của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông, theo trang tin The Straits Times (Singapore).
Trung Quốc luôn ngang ngược cho rằng hoạt động bồi đắp đảo và xây dựng sơ cở hạ tầng trên những đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là nhằm mục đích dân sự, nhưng bà Willett nói: “Chúng ta không cần những cơ sở bảo vệ thường dân, hỗ trợ ngư dân hay giám sát thời tiết như thế này”.
Bà Willett nói thêm: “Những đường băng mà họ xây được thiết kế để phục vụ cho máy bay ném bom chiến lược, chứ không phải máy bay vận tải dùng để cứu trợ nhân đạo. Chúng tôi luôn chứng kiến cảnh quân đội Trung Quốc dùng điện đàm thách thức, xua đuổi các tàu và máy bay nước ngoài đang hoạt động trên Biển Đông”.
Video đang HOT
Kênh truyền hình Fox News (Mỹ) ngày 16.2 đăng những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 (phiên bản hệ thống S-300 của Nga) đến đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng.
Đầu tháng 3.2016, Manila đồng ý để cho quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự của nước này, gồm một số căn cứ nằm sát khu vực tranh chấp trên Biển Đông, theo AFP.
Trung Quốc thời gian qua tăng cường hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, xây dựng một số đường băng trên đảo nhân tạo phi pháp mà theo Mỹ là nhằm phục vụ mục đích quân sự.
Washington kể từ tháng 10.2015 đã tiến hành hai chiến dịch tuần tra đảm bảo “tự do hàng hải” trên Biển Đông áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa và đảo bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Tình báo Mỹ vạch mặt Trung Quốc ở Biển Đông
Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã đưa ra những đánh giá chi tiết về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở đá Chữ Thập - Ảnh: IHS Jane's
Theo chuyên san The Diplomat ngày 10.3, những đánh giá của tình báo Mỹ được tiết lộ trong bức thư mà ông James Clapper gửi đến thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, để giải đáp những thắc mắc của ông này về các hoạt động bồi đắp đảo và năng lực quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cấp tập xây dựng
Theo nội dung bức thư vừa được công bố trên trang tin USNI News của Hải quân Mỹ, vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, Trung Quốc "sẽ có khả năng đáng kể để nhanh chóng triển khai sức mạnh quân sự của mình đến khu vực". Người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ cũng nhận định Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng trên các bãi đá mà họ đang chiếm giữ tại Biển Đông.
"Trung Quốc đã thiết lập những cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm triển khai năng lực quân sự vượt quá mức cần có để bảo vệ các tiền đồn của họ. Những khả năng này có thể bao gồm triển khai các chiến đấu cơ hiện đại, tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển, cũng như tăng cường sự hiện diện của các tàu tác chiến mặt nước của hải quân Trung Quốc (PLAN) và các tàu tuần tra cỡ lớn của lực lượng hải cảnh (CCG)", bức thư viết.
Thư của ông Clapper cũng ghi nhận rằng đường băng mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện đã đi vào hoạt động và có thể tiếp nhận tất cả các loại máy bay quân sự của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đã lắp đặt các radar quân sự ở Trường Sa, dù chưa có bằng chứng cho thấy có hoạt động triển khai tên lửa đất đối không tại bất kỳ đảo nào mà nước này hiện chiếm giữ. "Tuy nhiên, các tên lửa đất đối không của Trung Quốc đã sẵn sàng triển khai trên thực địa mà không cần những địa điểm cố định được chuẩn bị trước", ông Clapper viết trong thư.
Trung Quốc gần đây đưa tàu chiến ra các đảo nhân tạo xây phi pháp ở Trường Sa - Ảnh minh hoạ: AFP
"Nói một đằng, làm một nẻo"
Bức thư gián tiếp cáo buộc Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo" khi xác nhận Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi đắp đất ở Trường Sa sau ngày 5.8.2015, thời điểm Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố nước ông đã ngừng hoạt động này.
Theo ông Clapper, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 40 ha đất trên đá Xu Bi và đá Vành Khăn trong thời gian từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 10.2015. Người đứng đầu ngành tình báo Mỹ cũng cảnh báo rằng không thể loại trừ khả năng Trung Quốc bồi đắp thêm một diện tích lớn hơn gấp 10 lần như thế tại Trường Sa. "Chúng tôi chưa có bằng chứng cho thấy Trung Quốc có kế hoạch đẩy mạnh bồi đắp tại các đảo và bãi đá mà họ tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, có đủ diện tích bãi ngầm tại đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi để Trung Quốc bồi đắp thêm 400 ha", bức thư viết.
Còn đối với cột mốc 25.9.2015, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cam kết sẽ không quân sự hóa Trường Sa, ông Clapper cho hay Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các cơ sở cần thiết để hỗ trợ việc triển khai vũ khí, khí tài hiện đại, bao gồm các chiến đấu cơ tối tân.
Đánh giá của ông Clapper nối tiếp những tuyên bố mạnh mẽ gần đây của giới chức quân đội và chính phủ Mỹ trước những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo tờ Navy Times, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 23.2, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris tố cáo Trung Quốc đang ra sức quân sự hóa Biển Đông nhằm mục đích "thống trị khu vực" và "chỉ những ai tin rằng trái đất phẳng mới suy nghĩ theo hướng khác".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gần đây cũng đã cảnh báo Trung Quốc về "những hậu quả cụ thể" cho những hành động quân sự hóa cấp tập của Bắc Kinh, đồng thời cho biết Mỹ có thể mạnh tay chi tiền cho các cuộc tập trận với những nước láng giềng "cảm thấy bị Bắc Kinh đe dọa".
Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và luôn khẳng định không đứng về bên nào trong các vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh họ có lợi ích quốc gia ở vùng biển chiến lược này và sẽ kiên quyết bảo vệ tự do đi lại và giao thương tại đây. Để thực hiện cam kết của mình, Mỹ đã nhiều lần điều tàu và máy bay áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông, gần đây nhất là triển khai một đội tàu sân bay đến khu vực này hồi đầu tháng 3.
Tàu chiến Trung Quốc tại Trường Sa
Trước câu hỏi liệu tình báo Mỹ có quan sát được hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Trường Sa hay không, ông Clapper cho biết tàu chiến Trung Quốc thường ghé đến 3 đảo nhân tạo lớn nhất là Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.
Cụ thể, một tàu hộ vệ của Trung Quốc đã thả neo tại đá Chữ Thập vào đầu tháng 12.2015 và một tàu hộ vệ tên lửa đã ghé đến đá Xu Bi vào cuối tháng. Đầu năm 2016, một tàu khu trục được nhìn thấy thả neo tại đá Vành Khăn. Ngoài ra, các tàu đổ bộ của hải quân Trung Quốc cũng thường xuyên cập cảng để hỗ trợ hoạt động xây dựng phi pháp.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Tướng Mỹ khẳng định tiếp tục điều máy bay đến Biển Đông Tướng Lori Robinson, chỉ huy Không lực Mỹ tại Thái Bình Dương cho hay lực lượng này sẽ duy trì hoạt động ở Biển Đông bất chấp Trung Quốc củng cố năng lực quân sự. Chỉ huy Không lực Mỹ tại Thái Bình Dương Lori Robinson. Ảnh: AP "Chúng ta chứng kiến sự gia tăng năng lực quân sự trên các đảo ở...