Trung Quốc cảnh báo ‘lũ mạnh’ từ đập Tam Hiệp
Giới chức Trung Quốc hôm 17/7 cảnh báo “lũ mạnh” sắp diễn ra với các thành phố ở hạ lưu sông Trường Giang, trong bối cảnh nước vẫn đang đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp.
Theo Nikkei Asian Review, các thành phố miền Trung dọc theo sông Trường Giang của Trung Quốc – con sông lớn nhất châu Á – đã phải chịu cảnh ngập lụt trong tuần qua, với nhiều nơi vượt đỉnh lũ năm 1998. Trên khắp đất nước, 433 con sông tràn bờ và 141 người đã chết hoặc mất tích.
Những con mưa lớn đã đổ xuống khu vực này từ tháng trước, với lượng mưa trung bình cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Thiệt hại kinh tế từ đợt lũ lần này ước tính vào khoảng 86,2 tỷ nhân dân tệ, tương đương 12 tỷ USD.
Tại đập Tam Hiệp, công trình đa chức năng nhằm kiểm soát dòng chảy của sông Trường Giang, trong đó có nhiệm vụ chống lũ, lưu lượng nước đổ về từ thượng nguồn dự kiến sẽ đạt mức 55.000 m3/giây vào lúc 20h ngày 17/7, theo Uỷ ban Thuỷ Lợi Trường Giang.
Lũ lụt tại tỉnh An Huy hôm 6/7 sau khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Lưu lượng này cao hơn con số kỷ lục trước đó trong năm nay là 53.000 m3/giây được ghi nhận hôm 2/7. Giới chức đã bắt đầu mở cửa xả hồ chứa Tam Hiệp từ ngày 29/6 để đón lũ và cho biết việc ngập lụt ở các thành phố tại hạ lưu là do sự yếu kém của hệ thống thoát nước chứ không phải do việc xả nước của đập Tam Hiệp.
Mặc dù hồ chứa Tam Hiệp ghi nhận mực nước cao kỷ lục trong năm nay, nhà chức trách vẫn chưa thông báo về việc xả lũ nhiều hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, người dân ở thành phố Vũ Hán và các tỉnh An Huy, Giang Tây và Chiết Giang – những khu vực hạ lưu Trường Giang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mực nước sông trong năm nay – đã nhận được báo động đỏ về lũ hôm 17/7, mức cao nhất trên thang cảnh báo lũ 4 cấp độ.
Ít nhất 44 triệu người dã phải sơ tán để tránh lũ cho tới thời điểm này, một phần do các biện pháp chống lũ kém hiệu quả do chính quyền địa phương đã dồn lực để ứng phó với virus corona hồi đầu năm.
Thiên tai diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận sự tăng trưởng trở lại trong quý hai, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề trong quý một vì đại dịch Covid-19. Chính phủ nước này hôm 15/7 cho biết sẽ chi 1,7 tỷ nhân dân tệ cho các biện pháp nhằm đối phó với lũ lụt.
Từ tháng 4-6, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3,2%, cao hơn so với kỳ vọng sau khi sụt giảm 6,8% vào quý một. Chính phủ cho biết sự phục hồi kinh tế ổn định trong nửa đầu năm sẽ là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững trong nửa sau của năm 2020.
Tuy nhiên với việc mưa lũ được dự báo sẽ tiếp diễn trong những tuần tới, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về việc lũ lụt tràn lan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hồi phục.
Sử dụng trực thăng để đắp đê chắn lũ ở Hồ Bắc
Chính quyền tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, sử dụng máy bay trực thăng để tăng tốc sửa chữa đê bị vỡ trên sông Phủ Hà hôm 16/7. Công việc dự kiến hoàn thành sau một ngày.
Trung Quốc nói đập Tam Hiệp chưa đạt công suất tối đa
Đơn vị vận hành cho biết đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang vẫn chưa đạt dung tích phòng lũ tối đa và vẫn có thể đối phó với lũ lớn hơn.
"Tình hình lũ lụt hiện tại ở dòng chính của sông Trường Giang không đặc biệt nghiêm trọng, nên khả năng trữ nước phòng lũ của hồ thủy điện vẫn chưa được sử dụng hoàn toàn", Bảo Chứng Phong, trợ lý giám đốc của Trung tâm Thông tin và Truyền thông đập Tam Hiệp, hôm qua cho biết.
Đập Tam Hiệp chứng kiến trận lụt đầu tiên trên sông Trường Giang hôm 2/7 với tốc độ dòng chảy cao nhất đạt 53.000 m3/giây, nâng mực nước hồ thủy điện lên 149 mét sau khi lũ đi qua. Tuy nhiên, ông Bảo cho biết hồ thủy điện có thể xử lý mực nước cao tới 174 mét.
Đập Tam Hiệp mở ba cửa xả lũ hôm 3/7. Ảnh: Xinhua.
Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc cho biết đập có thể tiếp nhận tới 18.000 m3 nước/giây trong đợt lũ này, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra lũ lớn ở hạ lưu.
Đập Tam Hiệp chắn ngang sông Trường Giang, đoạn chảy qua Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Dự án đập Tam Hiệp là hệ thống kiểm soát nước đa năng, bao gồm một con đập dài 2.309 mét và cao 185 mét, âu tàu 5 tầng và 34 máy phát điện.
Trước mỗi mùa lũ, hồ thủy điện sẽ xả bớt nước để đảm bảo đủ sức chứa phòng lũ. Khi lũ lớn đến, đập sẽ ngăn nước để chặn lũ, bảo vệ các thành phố và làng mạc ở hạ lưu.
Ông Bảo cũng bác bỏ thông tin cho rằng việc xả lũ ở đập đã gây lũ lụt cho các thành phố hạ lưu, nói rằng một số thành phố bị ngập sau khi mưa lớn làm tê liệt hệ thống thoát nước của thành phố, không phải do lũ trên sông Trường Giang.
"Đập Tam Hiệp đã đóng vai trò lớn trong việc kiểm soát lũ kể từ khi nó bắt đầu hoạt động. Năm 2010 và 2012, chúng tôi đã đối phó trận đại hồng thủy với hơn 70.000 m3/giây và đảm bảo an toàn cho lưu vực hạ lưu", Bảo nói.
Kể từ tháng 6, những trận mưa lớn liên tục đã tàn phá phần lớn miền nam Trung Quốc, khiến mực nước ở nhiều con sông vượt cảnh báo. Mưa lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người, khiến hơn 120 người chết hoặc mất tích và gây thiệt hại kinh tế lớn.
Vị trí đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang. Đồ họa: CNN.
Hồ thủy điện Chiết Giang mở toàn bộ cửa xả lũ Vũ Hán 'họa vô đơn chí' Chiết Giang xả lũ hồ thủy điện 18 Vũ Hán nâng mức cảnh báo lũ 27 Trung Quốc nâng mức ứng phó khẩn cấp lũ lụt 16
Vũ Hán 'họa vô đơn chí' Chỉ vài tháng sau khi phong tỏa vì Covid-19, Vũ Hán lại hứng tiếp thảm họa lũ lụt, khiến thành phố phải phát mức cảnh báo cao nhất. Thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nằm ở hạ lưu sông Trường Giang và phía dưới đập Tam Hiệp, hôm 7/7 đã phải phát cảnh báo đỏ mưa lũ,...