Trung Quốc cam kết cung cấp hơn 2 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 cho thế giới
Trung Quốc sẽ nỗ lực cung cấp 2 tỷ liều vaccine COVID-19 cho các quốc gia khác trên thế giới và tặng 100 triệu USD cho cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN
Đây là cam kết mới được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong thông điệp gửi tới một diễn đàn trực tuyến về hợp tác vaccine ngày 5/8. Chủ tịch Trung Quốc đưa ra cam kết trên trong bối cảnh nước này cũng đang đương đầu với làn sóng dịch bệnh mới nguy hiểm nhất kể từ mùa Xuân năm 2020, chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Biến thể này đã xuất hiện tại nhiều vùng ở Trung Quốc, buộc giới chức các địa phương phải thực hiện chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng và phát hiện số lượng ca mắc mới mỗi ngày ở mức cao nhất trong nhiều tháng.
Kênh truyền hình CCTV dẫn thông điệp của ông Tập Cận Bình nêu rõ cam kết của Bắc Kinh là sẽ cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho thế giới trong năm 2021, đồng thời nhắc lại cam kết quyên góp 100 triệu USD cho cơ chế COVAX, hỗ trợ phân bổ vaccine tới các nước đang phát triển.
Trước đó vài tuần, trong cuộc họp khẩn theo hình thức trực tuyến giữa các lãnh đạo các nước tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ông Tập Cận Bình cũng cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển 3 tỷ USD để ứng phó với đại dịch COVID-19. Các khoản trên sẽ được dùng để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển phục hồi từ những tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tính từ đầu năm 2021, nước này đã cung cấp hơn 700 triệu liều vaccine cho các nước trên thế giới.
Cam kết mới của Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nước này đã tặng hơn 100 triệu liều vaccine cho các nước khác. Trong tháng 8, Washington sẽ bắt đầu phân phối thêm 500 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer đến 100 quốc gia thu nhập thấp như đã cam kết trước đó.
Chile xây dựng nhà máy sản xuất vaccine Coronavac của Trung Quốc
Ngày 4/8, chính phủ Chile thông báo nước này sẽ xây dựng hai nhà máy sản xuất và đóng gói vaccine ngừa COVID-19 có tên Coronavac do hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc bào chế và phát triển.
Sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại nhà máy của Tập đoàn công nghệ sinh học Sinovac ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thông báo, Bộ trưởng Bộ Y tế Chile Enrique Paris cho biết, nhà máy nghiên cứu và sản xuất vaccine Coronavac sẽ được xây dựng tại thành phố Antofagasta phía Bắc nước này. Ngoài ra, phía Chile sẽ lắp đặt cở sở chiết xuất và đóng gói loại vaccine này tại khu vực ngoại ô thủ đô Santiago de Chile.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD, hai cơ sở trên dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động vào quý 1/2022 với công suất khoảng 60 triệu liều vaccine mỗi năm. Phần lớn số vaccine được sản xuất ra sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng tại Chile. Trong khi đó, Chính phủ Chile cũng lên kế hoạch xuất khẩu vaccine Coronavac sản xuất trong nước sang các quốc gia Mỹ Latinh khác.
Đến nay, Chile đã tiếp nhận được tổng cộng hơn 29.299.500 liều vaccine ngừa COVID-19. Trong số này, gần 20 triệu liều do hãng Sinovac cung cấp và 6.889.350 liều khác do hãng Pfizer (Mỹ) sản xuất. Số vaccine còn lại được phía Chile đặt hàng từ hãng CanSino (Trung Quốc) và AstraZeneca (Anh).
Bộ Y tế Chile ngày 3/8 đã công bố kết quả một nghiên cứu về các loại vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng trong chương trình tiêm chủng đại trà của nước này, trong đó cho thấy sự sụt giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 của các loại vaccine Coronavac và Pfizer so với các nghiên cứu trước đó. Dựa trên thông tin này, chính phủ Chile đang xem xét khả năng nếu cần thiết sẽ áp dụng tiêm vaccine mũi thứ 3 phòng ngừa COVID-19 cho người dân nhằm tăng cường miễn dịch trong cộng đồng.
Theo thống kê chính thức, đến nay Chile đã ghi nhận hơn 1,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 35.600 trường hợp tử vong. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đã hoàn tất việc tiêm chủng ít nhất là 1 mũi với các loại vaccine Coronavac, Pfizer, AstraZeneca và CanSino cho gần 13,2 triệu người trong tổng số hơn 19 triệu dân.
Một tháng thu phí vaccine gây tranh cãi ở Ấn Độ Ấn Độ từng cho phép các bệnh viện tư thu phí của người tiêm vaccine, nhưng phải đảo ngược chính sách sau một tháng vì vấp nhiều tranh cãi. Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng bằng cách tiêm miễn phí cho tất cả y bác sĩ và nhân viên tuyến đầu từ tháng 1. Việc tiêm chủng trong giai đoạn đầu...