Trung Quốc cấm biển: Quá vô lý!
“Đây có phải là lần đầu tiên họ ban hành lệnh cấm đâu, nhưng chúng tôi vẫn một lòng quyết tâm giữ vững cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ vùng biển của chúng ta bằng cách vươn khơi thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa…”.
Đó là bày tỏ của thuyền trưởng Đỗ Thanh Cảnh – Chủ tàu QNa-91945 với công suất 780CV (trú thôn Linh Sâm Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) khi trao đổi với Dân Việt ngày 2.5 xung quanh việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông.
“Biển chi của riêng ông mà ông ban hành lệnh cấm, chuyện cấm đánh bắt cá của Trung Quốc quá là vô lý. Mặc ông cấm cứ cấm, ngư dân chúng tôi vẫn quyết vươn khơi bám biển. Nhà của mình mình bảo vệ, gìn giữ chứ có đi qua nhà họ ăn trộm, ăn cắp chi đâu mà phải sợ” – ông Cảnh khẳng định.
Nhiều tàu cá trên địa bàn Quảng Nam với khẩu hiệu “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Ảnh: Trương Hồng
Ngư dân Phạm Văn Được – Chủ tàu cá Qna-95428TS (trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bức xúc: “Dù gặp bất cứ trở ngại gì, chúng tôi nhất quyết vươn khơi, vì đó là vùng biển của cha ông để lại, chúng tôi cứ đánh bắt không sợ gì hết. Điều phi lý nữa, biển của mình thì mình làm chứ sao Trung Quốc có quyền ra thông báo cấm ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa được. Để an toàn ra khơi, ngư dân chúng tôi mong rằng cơ quan chức năng có biện pháp tăng cường lực lượng bảo vệ trên biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển trong thời gian Trung Quốc ban hành lệnh cấm này nhằm mục đích bảo vệ được những cột mốc trên biển mình”.
Video đang HOT
Tàu của ngư dân Phạm Văn Được đang sửa soạn chuẩn bị ngư cụ để vươn khơi bám biển. Ảnh: Trương Hồng
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển là hết sức vô lý. Cũng theo ông Thanh, liên quan đến chủ quyền quốc gia thì phía Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã có phản ứng và Trung Quốc sử dụng đường 9 đoạn để can thiệp vào việc cấm đánh bắt cá trên biển là hết sức vô lý.
“Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố cấm đánh bắt cá sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam tại ngư trường này. Họ đang cản trở quyền hành nghề, quyền mưu sinh của con người đã được luật pháp quy định.
Bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, tàu ở Quảng Nam đạp sóng vươn khơi bám biển. Ảnh: Trương Hồng
Phía tỉnh Quảng Nam lâu nay đã triển khai các biện pháp để bảo vệ ngư dân và vùng biển của chúng ta chứ không phải đến lúc Trung Quốc ban hành lệnh cấm thì mình mới triển khai. Tỉnh đã nhiều lần làm việc với Biên phòng, Hội nghề cá tỉnh, Cảnh sát biển và đã nhắc rất kỹ nội dung chú ý tuyên truyền cho ngư dân với ba mục tiêu chính, đó là: Đánh bắt thủy hải sản đúng quy định của pháp luật cả trên vùng biển Việt Nam và cả trên vùng biển Quốc tế; Khẩn trương thúc đẩy thành lập Tổ đội trên biển, Nghiệp đoàn nghề cá các xã giúp nhau trên biển, khi có thiên tai, địch họa và đặc biệt, cuối năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành bổ sung điều lệ Quỹ Hỗ trợ ngư dân, trong đó tăng thêm nội dung hỗ trợ cho ngư dân về an sinh xã hội, rủi ro, sự cố trên biển. Hiện nay số dư của Quỹ Hỗ trợ ngư dân đã lên đến 30 tỷ đồng (từ nguồn huy động tổ chức, cá nhân) để chi hỗ trợ thêm cho ngư dân khi có sự cố.
Ngoài ra, tôi còn yêu cầu chính quyền cấp cơ sở hướng dẫn cho ngư dân đánh bắt trên vùng biển chủ quyền Việt Nam đã được phân định rõ ràng, kể cả Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài ra sẽ hướng dẫn ngư dân khai thác thủy hải sản đúng pháp luật và ngư dân cũng cần nâng cao cảnh giác trước mọi hành động của tàu cá nước ngoài cũng như tàu cá Trung Quốc khi đang hoạt động trên biển, nếu có chuyện gì hãy liên lạc với lực lượng chức năng ngay…” – ông Thanh nói.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc bắt đầu đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Lệnh cấm kéo dài khoảng hơn ba tháng, bắt đầu từ 12h ngày 1.5 đến 16.8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc và ngư dân nước khác. Đây là lệnh cấm dài nhất kể từ khi Trung Quốc thực thi lệnh này. Bộ Ngoại giao Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế của Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Theo Danviet
Trung Quốc cấm biển: Sẽ tập trung nhiều tàu kiểm ngư bảo vệ ngư dân
Sáng 3.3 trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Duyên Hải - Phó Vụ trưởng vụ KHCN và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tập trung nhiều tàu kiểm ngư vào khu vực cấm biển để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân sản xuất đánh bắt hải sản.
"Đây là hành động phi lý của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam" - ông Vũ Duyên Hải khẳng định.
Ông Vũ Duyên Hải cho biết: "Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tập trung nhiều tàu kiểm ngư vào khu vực cấm biển để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân sản xuất, đánh bắt hải sản".
Để đối phó với thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Việt Nam, tập trung nhiều tàu kiểm ngư và lực lượng hỗ trợ khác về phía vùng cấm để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân. Khuyến cáo ngư dân đánh bắt theo tổ, đội, thường xuyên liên lạc thông tin giữa các tàu thuyền, đồng thời giữ liên lạc với lực lượng kiểm ngư để được hỗ trợ.
Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam có công văn số 15 (1.3) gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương. Công văn của Hội Nghề cá Việt Nam nêu rõ: "Phía Trung Quốc đơn phương thông báo Quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ 12 giờ ngày 1.5 đến ngày 16.8. Theo đó, phạm vi cấm đánh bắt cá từ 12 độ vĩ Bắc đến Vịnh Bắc Bộ, thuộc chủ quyền biển của Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương của phía Trung Quốc. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay Quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông nói trên".
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: "Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan lên tiếng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn ngay Quy chế cấm đánh bắt cá ở biển Đông của Trung Quốc, nhằm bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ sự an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam. Đồng thời phải có biện pháp tích cực hỗ trợ bà con ngư dân bám biển đánh bắt hải sản để bà con yên tâm đánh bắt khai thác sản xuất, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc".
Theo Danviet
10 km bờ biển ngổn ngang vỏ chai nhãn Trung Quốc Những ngày qua, dọc bãi biển Núi Thành (Quảng Nam) xuất hiện nhiều mảng nhựa đường và cả ngàn vỏ chai có in nhãn mác Trung Quốc. Theo ghi nhận vào chiều 11-2, gần chục cây số dọc bãi biển từ xã Tam Quang đến xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) xuất hiện rất nhiều những mảng nhựa đường (dầu hắc ín) từ...