Trung Quốc bị nghi xây hầm chứa đạn gần cao nguyên tranh chấp
Trung Quốc được cho là sắp xây xong hầm chứa đạn sát biên giới Bhutan, gần cao nguyên Doklam, nơi xảy ra đối đầu với Ấn Độ năm 2017.
Ảnh vệ tinh của Maxar được NDTV công bố ngày 23/11 cho thấy nhiều cấu trúc giống hầm chứa đạn kiên cố mới xây dựng ở khu vực Trung Quốc kiểm soát gần biên giới với Bhutan. Khu vực xây dựng hầm chứa đạn cách cao nguyên Doklam, nơi xảy ra đối đầu giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ba năm trước, chỉ 7 km.
Ảnh vệ tinh hồi tháng 12/2019 cho thấy các hầm chứa đạn chưa được xây dựng. Tuy nhiên, ảnh chụp ngày 28/10 cho thấy các công trình gần như được hoàn thiện. Cựu trung tướng lục quân Ấn Độ Harcharanjit Singh Panag nhận định các công trình này có thể là “hầm kiên cố để làm nơi cất giữ đạn dược”.
Khu vực xây dựng công trình có thể là hầm chứa đạn của Trung Quốc gần biên giới với Bhutan. Ảnh: Maxar .
Các chuyên gia quân sự nhận định việc xây dựng hầm chứa đạn cho thấy quân đội Trung Quốc tăng khả năng chuẩn bị cho lực lượng quân sự tại khu vực. “Việc xây dựng các hầm chứa đạn nhằm tăng cường năng lực tác chiến của đơn vị Trung Quốc đồn trú tại căn cứ này, cho phép họ chiến đấu hiệu quả nếu nổ ra xung đột ở Doklam”, Sim Tack, trưởng nhóm phân tích ảnh vệ tinh của Force Analysis, cho biết.
Video đang HOT
“Đây là diễn biến đáng lo ngại, đặc biệt sau khi Trung Quốc xây dựng một ngôi làng phía bên kia biên giới với Bhutan, và có thể làm căng thẳng tại khu vực Doklam gia tăng trở lại”, chuyên gia Tack nói, đề cập đến làng Pangda được phía Trung Quốc thành lập năm nay.
Trung Quốc nói làng Pangda nằm trên lãnh thổ của mình, song Bhutan bác bỏ và tuyên bố ngôi làng nằm trên đất của họ. Các bản đồ của Cục Thống kê Quốc gia Bhutan cho thấy làng Pangda nằm trong lãnh thổ nước này, cách biên giới Bhutan – Trung Quốc khoảng 2,5 km.
Vị trí khu vực có thể là kho đạn mới xây của Trung Quốc và làng Pangda gây tranh cãi. Ảnh: Maxar .
Hoạt động xây dựng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biên giới Ấn Độ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Quân đội hai nước cử hàng nghìn binh sĩ và chuyển hàng trăm nghìn tấn lương thảo, nhu yếu phẩm lên khu vực Ladakh – Aksai Chin để chuẩn bị cho cuộc đối đầu dự kiến diễn ra suốt mùa đông.
Ảnh vệ tinh còn cho thấy một con đường dẫn từ hầm chứa đạn tới đèo Sinche-La, sau đó nối với tuyến đường có thể hoạt động trong mọi thời tiết do Trung Quốc xây dựng ở cao nguyên Doklam. Các chuyên gia nhận định hầm chứa đạn và tuyến đường mới là “nỗ lực củng cố hiện diện quân sự ở khu vực Doklam cùng thung lũng Chumbi của Trung Quốc ở phía bắc cao nguyên này”.
Trung Quốc chưa bình luận về thông tin nước này xây dựng hầm chứa đạn gần khu vực tranh chấp.
Căng thẳng Trung – Ấn bùng lên tại Doklam từ giữa tháng 6/2017, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở cao nguyên giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.
Các khu vực tranh chấp trên biên giới Ấn – Trung. Đồ họa: Việt Chung .
Ấn Độ sau đó triển khai vài trăm binh sĩ tới Doklam đối đầu với binh sĩ Trung Quốc. Căng thẳng kéo dài gần một tháng, trước khi hai bên nhất trí rút lực lượng.
Giới chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng Doklam năm 2017 “dường như thay đổi mục tiêu chiến lược của Trung Quốc”, khiến họ “tăng gấp đôi số căn cứ không quân, trận địa phòng không và sân bay trực thăng gần biên giới Ấn Độ trong ba năm qua”.
Ấn Độ - Trung Quốc có thể sắp đạt được thỏa thuận rút quân tại biên giới
Ấn Độ và Trung Quốc đang đứng trước cơ hội tháo gỡ thế đối đầu quân sự tại biên giới kéo dài hơn 6 tháng qua.
Các nguồn tin chính thức tại Ấn Độ ngày 11/11 cho biết hai cường quốc châu Á này về cơ bản đã nhất trí về một quá trình rút quân và các phương tiện vũ khí gồm 3 bước tại tất cả các điểm nóng tranh chấp ở Đông Ladakh.
Theo các thông tin được báo chí Ấn Độ công bố tối 11/11, đây mới chỉ là đề xuất trong vòng 8 cuộc đàm phán quân sự tại biên giới Ấn Trung hôm 6/11. Thỏa thuận cuối cùng về việc rút quân, giảm leo thang sẽ được quyết định tại cuộc họp thứ 9 ở cấp tư lệnh quân đoàn giữa Lục quân Ấn Độ và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong ít ngày tới. Nếu cả hai phía đồng ý thực hiện kế hoạch rút quân này, đây sẽ là bước đột phá với tranh chấp biên giới Ấn - Trung.
Các nội dung chính của bản đề xuất gồm việc chấm dứt sự hiện diện của các phương tiện vũ khí, rút quân khỏi các khu vực nằm trên bờ Bắc và Nam của hồ Pangong ở Đông Ladakh và tiến hành việc xác minh quá trình rút quân của cả hai phía.
Mục tiêu của 2 bên là chấm dứt sự hiện diện ở quy mô lớn của bình lính, vũ khí và khôi phục nguyên trạng tại đây như trước thời điểm tháng 4. Cụ thể hơn, trong bước thứ nhất, hai bên sẽ phải di chuyển xe tăng, pháo, xe bọc thép và các thiết bị lớn khỏi các điểm tranh chấp dọc theo đường Kiểm soát Thực tế (LAC) về các căn cứ ở phía sau trong vòng 3 ngày kể từ khi ký thỏa thuận. Tiếp theo, binh lính của PLA sẽ dời khỏi vị trí Finger 4 để trở lại Finger 8 tại bờ Bắc hồ Pangong.
Ấn Độ và Trung Quốc cùng nhất trí sẽ rút khoảng 30% số lượng binh lính mỗi ngày trong vòng 3 ngày. Cuối cùng, trong bước thứ 3, hai bên hoàn thành quá trình rút quân dọc theo bờ Nam hồ Pangong, tổ chức việc xác minh chi tiết kết quả rút quân, làm cơ sở để khôi phục hoạt động tuần tra tại biên giới.
Ấn Độ hiện đang triển khai khoảng 50.000 binh lính tại nhiều vị trí quan trọng trên dãy Himalaya tại Đông Ladakh. Lực lượng này vẫn đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao trong điều kiện nhiệt độ có thể xuống âm vào mùa đông. Phía Trung Quốc cũng huy động một lực lượng tương tự gồm binh lính và các loại khí tài chiến đấu.
Sau vòng đàm phán quân sự thứ 8 tại biên giới, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều mô tả các cuộc đối thoại là thẳng thắn, có chiều sâu và mang tính xây dựng. Chỉ huy của quân đội hai nước nhất trí thực hiện nghiêm các đồng thuận quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước, đảm bảo binh lính ở tiền tuyến kiềm chế, tránh hiểu lầm và có các tính toán sai lầm./.
Ấn Độ - Pakistan đấu pháo, ba binh sĩ chết Quân đội Ấn Độ cho biết lực lượng Pakistan ở biên giới nã pháo không báo trước khiến ba binh sĩ thiệt mạng, buộc nước này "đáp trả mạnh mẽ". Pakistan bất ngờ nã pháo qua Đường Kiểm soát (LoC) tại khu vực Nowgam vào sáng 1/10, khiến hai binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và 4 người khác bị thương, phát ngôn...