Trung Quốc “bất lực” nhìn các nước lớn can thiệp vào Biển Đông
Việc các lực lượng bên ngoài can thiệp vào những tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông đang dần dần trở thành thực tế bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng. Bắc Kinh luôn khẳng định muốn giải quyết những cuộc tranh chấp này trong khuôn khổ song phương. Tuy nhiên, có vẻ như mong muốn này khó mà thực hiện được khi giờ đây nhiều nước trong khu vực muốn quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và nhiều nước lớn muốn can thiệp vào các cuộc tranh chấp này.
Sự can thiệp của các nước lớn vào tranh chấp Biển Đông dần lộ rõ từ sau vụ đối đầu giữa tàu thuyền Philippine và Trung Quốc hôm 8/4 ở bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Vụ va chạm tàu thuyền này đã làm cho sóng gió Biển Đông nổi lên suốt thời gian 4 tuần qua mà chưa có dấu hiệu dịu đi.
Trong cuộc đối đầu mới nhất giữa Philippine và Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ với tư cách là đồng minh thân thiết của Manila đã có nhiều động thái can thiệp từ gián tiếp đến trực tiếp vào cuộc tranh chấp này. Không chỉ Mỹ, các nước như Nhật Bản, Ấn Độ cũng bắt đầu có dấu hiệu “tham gia” vào tình hình Biển Đông.
Video đang HOT
Mỹ tuyên bố không đứng vào bên nào trong các cuộc tranh chấp Biển Đông nhưng lại khẳng định, nước này có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực biển chiến lược quan trọng này. Không chỉ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng có lợi ích sống còn trong việc duy trì giao thương ở Biển Đông. Đây là nơi chứa nhiều tuyến đường chuyên chở hàng hóa, dầu mỏ, khí đốt cực kỳ quan trọng của thế giới. Việc Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh hải dựa trên bản đồ 9 điểm (đường lưỡi bò) hết sức vô lý của nước này đang có nguy cơ làm nguy hại đến những tuyến đường biển quan trọng đó. Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… chắc chắn sẽ không cho phép chuyện này xảy ra. Đây là lý do khiến họ bắt đầu hành động.
Trong các nước lớn tham gia can thiệp vào tình hình Biển Đông, vai trò của Mỹ là lộ rõ nhất. Ngay sau vụ va chạm tàu thuyền giữa Philippine và Trung Quốc, lần đầu tiên, một tướng Mỹ – Chỉ huy Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đóng tại Thái Bình Dương – Trung tướng Duane Thiessen công khai tuyên bố sẽ bảo vệ Philippine. “Mỹ và Philippine đã ký một hiệp ước quốc phòng chung. Theo hiệp ước này, chúng tôi sẽ tham gia vào các hoạt động bảo vệ lẫn nhau”, ông Thiesen đã tuyên bố như vậy.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, Washington đã có nhiều động thái quân sự khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an. Mỹ đã cùng Philippine tiến hành tập trận hải quân chung với nhiều bài tập “đầy hàm ý” như tái chiếm đảo, tái chiếm dàn khoan. Mỹ còn hứa giúp Manila củng cố sức mạnh cho Hải quân Philippine. Ngoài ra, Washington mới đây còn cam kết tăng gần gấp 3 viện trợ quân sự cho Philippine trong năm nay.
Sau Mỹ, Nhật Bản tham gia vào tình hình Biển Đông thông qua một thỏa thuận với Mỹ. Hồi tuần trước, Mỹ và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận mới về việc sử dụng chung các căn cứ của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Theo nguồn tin báo chí, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được cho là sẽ đóng quân cùng với lực lượng Mỹ ở Philippine. Một khi kế hoạch được Manila thông qua, Mỹ, Nhật Bản và Philippine sẽ tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự chung với nhau ở các căn cứ của Philippine.
Rõ ràng, khi các cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông ngày một trở nên nóng bỏng với sự gia tăng cứng rắn của Trung Quốc, nhiều nước đang có tranh chấp với Trung Quốc có xu hướng ngả về Mỹ và Nhật Bản với mục đích là nhằm ngăn chặn các tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đây chính là thời điểm cũng là điều kiện thuận lợi để Mỹ và Nhật Bản can thiệp vào các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Tuy nhiên, sự can thiệp của Mỹ và Nhật Bản vào tình hình Biển Đông là khác nhau. Nếu như Mỹ can thiệp công khai hơn, trực tiếp hơn thì sự can thiệp của Nhật Bản lại lặng lẽ, kín đáo hơn.
Mỹ công khai tuyên bố quay trở lại làm cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương với một loạt các động thái quân sự như tìm cách xây dựng những căn cứ quân sự lâu dài trong khu vực, đề nghị được trở lại căn cứ ở Vịnh Subic của Philippine, cử những tàu chiến tối tân nhất đến khu vực và tiến hành một loạt các cuộc tập trận chung với các nước láng giềng của Trung Quốc.
Trong khi đó, về phía Nhật Bản, nước này dỡ bỏ các chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí. Các nhà phân tích tin rằng, đây là bước đi của Tokyo nhằm chuẩn bị sẵn sàng giúp các nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc bằng việc bán vũ khí cho họ. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có kế hoạch cung cấp các tàu tuần tra cho Philippine và giúp nước này đào tạo lực lượng bảo vệ bờ biển.
Với sự hậu thuẫn của các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản, các nước nhỏ có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông đã trở lên bạo dạn, rắn rỏi hơn. Đó chính là trường hợp của Philippine. Nước này đã không ngần ngại đối đầu quyết liệt với Trung Quốc suốt trong 4 tuần qua.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ cũng thể hiện dấu hiệu cho thấy họ có sự can thiệp nhất định vào tình hình Biển Đông dù nước này không chịu thừa nhận điều đó.
Được biết, hôm nay (7/5), 4 tàu thuộc Hạm đội Phía Đông của Hải quân Ấn Độ sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai kéo dài 2 tháng ở vùng biển nước ngoài. Theo đó, tàu chiến Ấn Độ sẽ đi qua Biển Đông tới Nhật Bản.
Đội tàu chiến của Ấn Độ gồm 1 tàu khu trục lớp Rajput được trang bị tên lửa siêu thanh Brahmos, 1 tàu hộ tống lớp Shivalik, 1 tàu hộ tống cỡ nhỏ lớp Kora cùng 1 tàu chở dầu. Theo lịch trình chuyến đi, các tàu trên sẽ đi qua eo biển Malacca, Biển Đông rồi đến hải phận Nhật Bản. Đồng thời, đội tàu chiến Ấn Độ cũng sẽ ghé thăm các cảng biển ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore cùng một số nước khác. Chuyến hải hành này được tiến hành trong bối cảnh New Delhi gần đây liên tục kêu gọi các nước phải bảo đảm tự do hàng hải trên các vùng biển khu vực. Phải chăng, kế hoạch triển khai tàu chiến diễn ra vào ngày mai của Ấn Độ là để phát đi thông điệp, nước này sẵn sàng hành động để bảo đảm sự tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo VNMedia
Tranh chấp Biển Đông biến châu Á thành chảo lửa
Dù tiềm ẩn khá nhiều mâu thuẫn nhưng Châu Á vẫn được xem là ổn định và yên bình hơn các châu lục khác. Tuy nhiên, tháng 4 vừa rồi, khu vực này bỗng chốc biến thành "chảo lửa" vì những tranh chấp quyết liệt ở Biển Đông và vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Triều Tiên "châm ngòi lửa" đốt nóng khu vực
Ngay từ đầu tháng 4, cả khu vực bán đảo Triều Tiên đã sôi lên sùng sục trước tin Bình Nhưỡng sắp tiến hành một vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ. Một loạt nước đã ngay lập tức có phản ứng gay gắt với kế hoạch này của Triều Tiên.
Chưa khi nào, người ta thấy khu vực xung quanh Triều Tiên lại nóng rực và đáng báo động như vậy. Tất cả những lời nói, những động thái diễn ra trong những ngày đầu tháng 4 làm người ta liên tưởng đến một cuộc chiến tranh sắp xảy ra.
Một loạt nước, trong đó có cả Trung Quốc - đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên, đều đồng loạt chĩa "mùi dùi tấn công" vào kế hoạch phóng tên lửa của Bình Những bằng những ngôn ngữ cứng rắn và đầy căng thẳng.
Tất nhiên, Hàn Quốc - quốc gia láng giềng sát nách và cũng là địch thủ kỳ cựu của Triều Tiên, chính là nước có phản ứng nhanh nhất với thông báo phóng vệ tinh của Triều Tiên. Seoul tuyên bố, việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa là một mối đe doạ lớn đối với an ninh khu vực và đe dọa sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên.
Sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đều cảnh báo sẽ phá hủy tên lửa của Triều Tiên.
Và phần mình, Mỹ cáo buộc kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên là một động thái mang đầy tính khiêu khích và đe dọa sẽ có "hành động" đối phó với nước này. Trong khi đó, Moscow cảnh báo Bình Nhưỡng không nên thách thức cộng đồng quốc tế.
Mặc dù không lên án trực tiếp Triều Tiên nhưng Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan ngại trước kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh lên vũ trụ của Triều Tiên.
Đáp lại, Bình Nhưỡng cũng thể hiện một thái độ mạnh mẽ và đầy thách thức trước các cường quốc. Nước này tuyên bố sẽ trả đũa không thương tiếc bất kỳ hành động bắn hạ vệ tinh nào đồng thời cảnh báo chiến tranh với Hàn Quốc.
Ngoài những lời đe dọa, cảnh báo "đằng đằng sát khí" liên tục được tung ra nói trên, người ta còn chứng kiến liên tiếp các động thái quân sự khiến bất kỳ ai cũng phải giật mình lo sợ.
Để đối phó với tên lửa Triều Tiên, Tokyo triển khai tới 7 hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 tối tân ở Okinawa, Ishigaki và một số khu vực khác. Cùng với đó, Nhật Bản còn triển khai 3 tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis thiện chiến và những tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 ở biển Nhật Bản và vùng lãnh hải xung quanh Okinawa.
Trong khi đó, Mỹ chuyển hệ thống radar tối tân nhất của nước này đến khu vực Thái Bình Dương để dò tìm và giám sát tên lửa của Triều Tiên.
Nếu chứng kiến những động thái quân sự hối hả trên, chẳng ai là không tin rằng, chiến tranh đang tiến sát gần khu vực. Cả bán đảo Triều Tiên gần như nghẹt thở trước và sau thời khắc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đi. Rất may, sau đó, mọi người đã thở phào nhẹ nhõm vì đã không có kịch bản tồi tệ nào xảy ra.
Biển Đông có "bão"
Đúng thời điểm khu vực bán đảo Triều Tiên "nghẹt thở" vì vụ phóng tên lửa thì ở Biển Đông, "sóng to gió lớn" cũng nổi lên, báo hiệu sắp có bão kéo đến khu vực. "Cơn bão" này bắt nguồn từ hôm 8/4 khi một máy bay do thám của Hải quân Philippine phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough. Ngay lập tức, tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton đã đến khu vực để kiểm tra tàu thuyền Trung Quốc. Lực lượng Hải quân Philippine đã phát hiện nhiều san hô, sinh vật biển, trong đó có cá mập vẫn còn sống, trên một trong những con tàu của Trung Quốc. Khi tàu Philippine chưa kịp hành động thì hai tàu hải giám của Trung Quốc đã nhanh chóng xuất hiện. Hai con tàu này ngang nhiên đi vào chắn giữa tàu của Hải quân Philippine và những con tàu đánh cá của Trung Quốc để ngăn không cho Philippine bắt giữ các ngư dân của họ.
Vụ việc lùm xùm trên chưa được giải quyết thì chỉ hơn một tuần sau đó, vào ngày 17/4, tàu nghiên cứu khảo cổ của Philippine lại "tố" bị tàu hải giám và máy bay tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu và ngăn cản không cho là nhiệm vụ ở bãi cạn Scarborough.
Hai vụ va chạm tàu thuyền mới nhất và cũng là đầu tiên xảy ra trong năm nay giữa Trung Quốc và Philippine ở khu vực tranh chấp đã kéo theo một loạt những động thái căng thẳng và đáng lo ngại sau đó.
Giới lãnh đạo ở Manila và Bắc Kinh đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất và gay gắt nhất để chỉ trích lẫn nhau. Trong khi Manila cáo buộc việc tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng lãnh hải gần bãi cạn Scarborough là "hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền Philippine" và khẳng định bãi cạn này là "một phần lãnh thổ không thể tách rời" của Philippine thì phía Bắc Kinh miêu tả hành động của tàu chiến Philippine là "sự quấy rối đối với ngư dân" Trung Quốc. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh, khu vực quanh bãi cạn Scarborough thuộc lãnh hải của họ.
Không dừng lại ở lời nói, cả Philippine và Trung Quốc còn có những động thái rất quyết liệt và cứng rắn trong cuộc đối đầu lần này. Bắc Kinh và Manila đã triệu tập các nhà ngoại giao của nhau đề bày tỏ sự phản đối của họ. Hai bên còn liên tiếp triển khai tàu chiến, tàu tuần tra hiện đại đến khu vực để "thị uy" lẫn nhau. Trong một diễn biến làm leo thang căng thẳng, Philippine và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung với những đối tác hùng mạnh của mình để "phô diễn sức mạnh quân sự". Trong khi Philippine tập trận quân sự với cường quốc quân sự số 1 thế giới là Mỹ thì Trung Quốc cũng tiến hành tập trận hải quân chung với cường quốc xuất khẩu vũ khí Nga.
Cho đến thời điểm này, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippine trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu dịu đi. Tàu thuyền hai bên vẫn đang được triển khai ở khu vực tranh chấp và đang ở trạng thái "gầm ghè" với nhau.
Theo VNMEdia
Hàng không châu Á "né" đường bay tên lửa Triều Tiên Một số hãng hàng không châu Á đã lên kế hoạch thay đổi đường bay cho một số tuyến bay để tránh tên lửa dự kiến sẽ được phóng vào tuần tới của Triều Tiên. 3 hãng hàng không châu Á trong đó có Philippines Airlines tuyên bố thay đổi đường bay để tránh tên lửa của Triều Tiên. Hôm qua, hãng hàng...