Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, ngư dân Philippines đành treo lưới
Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough và tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông đã cản trở hoạt động của ngư dân Philippines. Nhiều người đành phải neo tàu, gác lưới tìm công việc khác.
Ngư dân Philippines đi về tay không sau khi đến gần khu vực bãi cạn Scarborough và bị Trung Quốc dùng vòi rồng và súng xua đuổi – Ảnh: Reuters
Trong nhiều năm qua, Biển Đông là nơi chia sẻ ngư trường của các ngư dân trong khu vực. Tàu cá các nước qua lại tấp nập, ngư dân dừng tàu chia sẻ với nhau những điếu thuốc hay khoai tây hoặc tán gẫu, theo bài viết trên tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 6.6.
Thế nhưng từ khi Trung Quốc bắt đầu tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông và chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, đời sống ngư dân Philippines lâm vào cảnh khó khăn. Tàu cao tốc Trung Quốc thường xuyên xua đuổi ngư dân Philippines khỏi khu vực bãi cạn Scarborough vốn là một ngư trường dồi dào thủy sản, theo The Washington Post (Mỹ). Nhiều ngư dân Philippines đành bỏ biển, kiếm việc khác sống qua ngày.
Marvin-1, chiếc tàu cá của ông Macario Forones giờ đây nằm bất động trên bờ và ông phải đi lấy cá của người khác mang vào chợ bán.
Một ngư dân khác là Viany Mula cho biết tàu cá của ông liên tục hứng vòi rồng của tàu Trung Quốc khi đến gần khu vực bãi cạn Scarborough. Xa rời ngư trường, ông Mula giờ đây chuyển nghề sang chạy xe ôm chở hàng, chỉ kiếm đủ tiền mua gạo sống qua ngày. “Tôi rất muốn đánh cá ở bãi cạn, đó là một ngư trường dồi dào. Nhưng bây giờ thì không thể. Ngư dân chúng tôi chẳng còn gì bám víu để kiếm tiền sinh sống”, ông Mula tiếc nuối nói. Ông Mula cho biết sẽ bán chiếc xe gắn máy để có thể ra biển, nhưng điều này khó xảy ra.
Mỹ gần đây tăng cường tuần tra trên không và trên biển để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, dẫn đến leo thang đối đầu Mỹ – Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng leo thang này đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động đánh bắt của ngư dân.
Mỹ cũng tăng cường tập trận quân sự với Philippines, cung cấp thêm những thiết bị quân sự đã qua sử dụng cho Philippines. “Nhưng động thái này không phải để bảo vệ Philippines trước Trung Quốc, thực chất để bảo vệ chính lợi ích của Mỹ trong khu vực”, ông Roilo Golez, dân biểu Hạ viện Philippines nhận định.
Các lãnh đạo quân đội Philippines cho biết họ hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với đồng minh nếu chiến tranh xảy ra. Mỹ và Philippines có hiệp ước hợp tác an ninh, theo đó Washington sẽ bảo vệ Manila nếu Philippines bị tấn công. Tuy nhiên, Washington lại không công nhậntuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào ở Biển Đông, bao gồm cả Philippines.
Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế cách đây hai năm và Trung Quốc từ chối tham gia phiên phân xử. Dự kiến tòa án quốc tế sẽ ra phán quyết vào năm 2016, nhưng kết quả là khó đoán.
Và bất chấp các nước lên tiếng phản đối, Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, đe dọa đời sống các ngư dân, theo The Washington Post.
Phúc Duy
Theo Thanhnien