Trung Quốc bác tin điệp viên trốn chạy sang Australia
Báo Australia cho rằng Vương Lập Cường là điệp viên Trung Quốc bỏ trốn sang Australia nhưng công an Trung Quốc nói đây là nghi phạm thất nghiệp.
Đêm qua (23/11), Công an quận Tịnh An thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) ra thông báo về một nghi phạm đang bỏ trốn mang tên Vương Lập Cường (Wang Liqiang), trong khi báo chí Australia cho rằng đây là điệp viên của Trung Quốc đào tẩu sang Australia.
Cảnh sát Thượng Hải. Ảnh: WSJ.
Theo thông báo của công an Thượng Hải, “đặc vụ Trung Quốc” Vương Lập Cường mà báo chí nước ngoài đưa tin, năm nay 26 tuổi, là người Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến, không nghề nghiệp và là nghi phạm đang bỏ trốn.
Người này bị kết án tù 1 năm 3 tháng hồi tháng 10/2016 vì tội danh lừa đảo, hoãn thi hành án 1 năm 6 tháng. Đầu năm 2019, do liên quan đến một vụ lừa đảo khác về nhập khẩu ô tô trị giá hơn 4,6 triệu Nhân dân tệ (gần 660.000 USD), bị cảnh sát quận Tịnh An thành phố Thượng Hải lập án điều tra.
Thông báo cũng xác nhận, hộ chiếu Trung Quốc và chứng minh thư cư dân vĩnh viễn tại Hong Kong của Vương Lập Cường là giấy tờ giả.
Trước đó, theo báo chí Australia (Sydney Morning Herald), công dân Trung Quốc Vương Lập Cường có tới 3 loại giấy tờ, gồm hộ chiếu Trung Quốc, chứng minh thư cư dân vĩnh viễn tại Hong Kong và hộ chiếu Hàn Quốc. Người này khai nhận từng tham gia các hoạt động ngầm tại Hong Kong, Đài Loan của Trung Quốc và Australia, đồng thời xin tị nạn ở Australia.
Theo PV/VOV-BẮC KINH
Tại sao điệp viên Trung Quốc liều mình trốn sang Australia?
Nhìn vào gương mặt của mình trong tấm hộ chiếu giả, Wang Liqiang thấy bất an. Sau 5 năm làm điệp viên Trung Quốc, Wang có nguy cơ đánh mất chính mình. Vậy nên, anh đào thoát.
Hầu hết điệp viên đối mặt với khoảnh khắc thử thách lòng trung thành. Thế nhưng, hiếm khi nó khiến họ phải cân nhắc tình huống không thể tưởng tượng nổi - với nguy cơ tù tội hoặc tệ hơn để từ bỏ đất nước của bản thân.
Theo bài viết về nhân vật tự nhận là điệp viên Trung Quốc trốn sang Australia này đăng tải trên The Age hôm 23/11, đối với Wang "William" Liqiang, việc đến Australia bằng tấm hộ chiếu Hàn Quốc giả hồi đầu năm nay là một khoảnh khắc như vậy.
Video đang HOT
Tấm hộ chiếu giả của Wang. Ảnh chụp màn hình từ trang The Age.
Tên tuổi, ngày sinh và nơi sinh trên hộ chiếu thuộc về một ai đó khác nhưng bức ảnh chân dung là của Wang. Mệnh lệnh Wang phải thừa hành trong vỏ bọc đó là nhắm tới phong trào dân chủ ở Hong Kong và cuộc bầu cử ở Đài Loan năm 2020. Ngoài ra còn có các hoạt động ngầm ở nhiều nước khác.
Tuy nhiên, nhìn vào khuôn mặt của chính mình trong tấm hộ chiếu giả đã khuấy động một cái gì đó trong Wang. Sau 5 năm trong hệ thống tình báo Trung Quốc, anh nhận ra mình có nguy cơ đánh mất bản thân. Như những gì Wang sẽ chia sẻ sau đó, anh đang trên đà trở thành một người không có danh tính thực sự.
Và điều không thể tưởng tượng nổi - cùng với những rủi ro bắt giữ, tố cáo và cái chết, bắt đầu hình thành trong đầu người điệp viên trẻ.
Những tiết lộ chấn động
Mạng lưới truyền thông Nine của Australia hôm 23/11 cho biết điệp viên Trung Quốc đào thoát đã trao cho cơ quan phản gián của Canberra danh tính của những sĩ quan tình báo cấp cao của Trung Quốc ở Hong Kong. Đồng thời, người này cung cấp chi tiết về cách thức Bắc Kinh tài trợ và tiến hành các hoạt động ngầm tại Hong Kong, Đài Loan và Australia.
Wang nói rằng bản thân từng tham gia vào các hoạt động xâm nhập và gây nhiễu tại cả ba vùng lãnh thổ này, theo thông tin được đăng trên tờ The Age và Sydney Morning Herald - thuộc mạng lưới Nine.
Vào tháng 4, Wang tới Australia để thăm vợ đang theo học ở đây, cùng cậu con trai nhỏ. Tại Sydney, chơi đùa cùng con trai ít khi có dịp ở bên, người điệp viên 27 tuổi bắt đầu suy ngẫm về việc không quay lại Hong Kong. Wang cảm thấy quá nguy hiểm nếu đặt bút lên giấy nhưng anh bắt đầu thảo một bức thư trong đầu.
Địa chỉ trong tâm tưởng là chính phủ Australia. Nội dung sẽ là chi tiết vai trò của Wang trong các hoạt động tình báo Trung Quốc. Nó sẽ mang lại một nguồn tin nội bộ chưa từng có tiền lệ của mạng lưới gián điệp và gián điệp nước ngoài rộng lớn hoạt động ở Đài Loan, Hong Kong và Australia.
Vào cuối tháng 5, khi vẫn đang ở Sydney, Wang nhận được lệnh tới Đài Loan dưới danh tính giả. Anh quyết định hành động.
Điệp viên Wang Liqiang đang ở Sydney theo visa du lịch và đã gửi đơn xin tị nạn tới chính phủ Australia. Ảnh: Sydney Morning Herald.
Đó là thời điểm chỉ vài tháng trước khi Wang nhận được cuộc gọi từ Cơ quan Tình báo An ninh Australia (ASIO), hướng dẫn anh gặp một người đàn ông ở góc đường. Wang đã quyết định quay lưng với đất nước của mình. Đây được coi là điệp viên đầu tiên của Trung Quốc từ bỏ vỏ bọc, đào ngũ và hợp tác với Australia.
Từ "gián điệp" không xuất hiện trong đầu
Wang Liqiang sinh ra trong gia đình trung lưu ở Phúc Kiến, một tỉnh ở bờ biển Đông Nam của Trung Quốc đại lục, chỉ cách Đài Loan khoảng 180 km.
Bắc Kinh vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và cũng nhiều lần khẳng định không loại trừ phương án vũ lực để thống nhất hòn đảo này. Trong khi đó, lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn, người có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh - luôn bác bỏ các tuyên bố như vậy.
Wang không để tâm nhiều tới mối quan hệ như vậy cho tới khi anh trở thành sinh viên nghệ thuật chuyên ngành vẽ tranh sơn dầu tại Đại học Kinh tế và Tài chính An Huy. Lúc đó, anh nhìn nhận qua lăng kính của một người yêu nước trung thành.
Một quan chức cấp cao của trường đã đề xuất Wang làm việc ở Hong Kong, tại hãng đầu tư China Innovation Investment Limited (CIIL) - một công ty đầu tư đa ngành thành lập ở đảo quốc Cayman vào tháng 2/2002 và niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong vào tháng 8 cùng năm.
Công ty đầu tư vào nhiều đối tác ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục trong các lĩnh vực sản phẩm lưu trữ năng lượng, thắp sáng, tiết kiệm năng lượng và thiết bị truyền thông.
Wang tới Hong Kong năm 2014 và nhanh chóng nhận ra anh không làm việc cho một công ty bình thường. Trang Sina của Trung Quốc mô tả hoạt động chính của công ty là đầu tư vào các tài sản công nghiệp quốc phóng chất lượng cao của cả những công ty có niêm yết và không niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc. Tuy nhiên, Wang nghe ngóng được các đại diện của công ty rỉ tai về những thỏa thuận nhạy cảm hơn với giới quan chức.
Khi Wang cuối cùng nhận thấy công việc của mình có thể thúc đẩy mục tiêu quân sự của Trung Quốc, anh không lấy làm ngạc nhiên. "Thú thực, là một người Trung Quốc, điều đó rất hấp dẫn", Wang nhớ lại. "Công việc được trả thù lao tốt, và tôi cảm thấy tôi đang làm gì đó cho đất nước. Vào lúc đó, từ 'gián điệp' không xuất hiện trong đầu tôi...".
Người biểu tình Hong Kong dùng dù để che chắn. Ảnh: AP.
Kỹ năng của Wang với cây cọ vẽ dường như vô tình giúp anh dấn sâu vào nội bộ công ty. Vào đầu năm 2015, Giám đốc điều hành của CIIL Xin Xiang đề nghị Wang dạy vợ ông - bà Qing Gong, vẽ tranh.
"Có được sự ủng hộ của vợ sếp là chìa khóa quan trọng giúp tôi trở thành một thành viên cốt lõi", Wang nói.
Được mời tới cả nhà của cặp đôi ở Hong Kong, Wang cho biết ông chủ dần dần đặt tin tưởng lớn vào anh. Xiang tiết lộ thực ra tên ông là Xiang Nianxin, và vào những năm 1980 và đầu thập niên 1990, ông làm việc cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp thuộc Công nghiệp Quốc phòng Quốc gia - một tổ chức xúc tiến xây dựng chương trình vũ khí của Trung Quốc.
Xiang cũng cho biết ông làm việc cho một nhân vật cấp cao của chính quyền Trung Quốc từng giúp phát triển hoạt động thu mua công nghệ quân sự nước ngoài cho công nghiệp quốc phòng của nước này.
Xiang nói với Wang rằng ông tới Hong Kong năm 1993 và tiến hành các hoạt động tình báo. CIIL được thiết lập bởi Bộ Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, để thâm nhập vào thị trường tài chính của Hong Kong, cũng như thu thập các thông tin tình báo quân sự, theo lời kể của Wang. Hồ sơ công ty và tài liệu lưu trữ báo chí tiết lộ CIIL có kết nối chặt chẽ với Norinco, công ty vũ khí chính của quân đội Trung Quốc.
Xiang nói với Wang rằng công việc quan trọng nhất của ông là mua các vũ khí của các nước khác và thu thập các thông tin tình báo từ những vũ khí đó. Và do đó, ông ở trong tầm ngắm giám sát chặt chẽ của Washington. Theo lời Xiang, đó là những vũ khí được đưa tới Hong Kong.
Trong buổi phỏng vấn dự kiến phát sóng vào tối 24/11 trên chương trình 60 Minutes của đài Nine, Wang nói rằng mình sẽ bị xử tử nếu trở về Trung Quốc (sau những tiết lộ này).
"Một khi tôi trở lại, tôi sẽ chết", Wang nói thông qua người phiên dịch.
Wang đang nói sự thật?
Theo The Age, một người phát ngôn của CIIL cho biết ông Xiang không muốn trả lời các câu hỏi từ The Age, the Herald và 60 Minutes qua điện thoại bởi ông không bao giờ nói chuyện với các nhà báo gọi tới. Và khi câu hỏi được gửi qua email cho Xiang, người phát ngôn phản hồi rằng "ông không trả lời bởi không thể xác thực email có thể do chính phủ Australia gửi tới để tìm kiếm thông tin tình báo hay không".
Sau khi những tiết lộ ban đầu về vụ việc được công bố trên truyền thông Australia, một email phản hồi từ người đàn ông có tên Edison Li viết rằng: "Bất cứ ai hiểu biết một chút sẽ thấy rằng những vấn đề này thật lố bịch và sai sự thật, người cáo buộc dường như hành động vì mục đích kinh tế. Chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra cùng luật sư".
Trong khi đó, theo lời kể của Wang, anh là một phần quan trọng trong hoạt động của Xiang. Đoạn mở đầu của một tuyên bố dài và tuyên thệ mà Wang cung cấp cho ASIO vào tháng 10 nêu rõ: "Cá nhân tôi đã tham gia và tham gia vào một loạt các hoạt động gián điệp".
Theo The Age, các nguồn tin an ninh phương Tây cho biết Wang đang nói sự thật. Theo New York Times, họ đã gửi fax đề nghị bình luận về những tiết lộ của Wang tới Bộ Ngoại giao của Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 23/11 nhưng chưa nhận đươc phản hồi.
Khánh Linh
Theo news.zing.vn
Italy điều tra vụ việc liên quan tới bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 Truyền thông Italy cho hay, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lần đầu tiên tới Rome vào tháng Tám để thu thập các thông tin mà Nhà Trắng hy vọng sẽ làm suy yếu cuộc điều tra. Quốc hội Italy điều tra vụ việc liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. (Nguồn: journaldemontreal) Theo AFP, ngày 2/10, truyền thông Italy...