Trừng phạt từ quý phi tới cận vệ phòng ngủ, vua Thái tỏ rõ uy quyền
Sáu tháng sau khi nhà vua Vajiralongkorn lên ngôi, các cận thần lần lượt bị cách chức và lên án một cách công khai trong lúc tân vương ra sức củng cố quyền lực của mình.
Những tuyên bố công khai buộc tội và trừng phạt làm chao đảo các cung điện mạ vàng ở Thái Lan với những tình tiết tưởng chỉ xuất hiện trên phim ảnh.
Một phi tử của nhà vua bị cáo buộc âm mưu soán ngôi hoàng hậu và “làm suy yếu quốc gia”, khiến bà bị tước vị chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi được sắc phong.
Một viên quan phụ trách nội sự hoàng cung đã bị cách chức vì “những hành vi phi đạo đức nghiêm trọng”, được cho là bao gồm việc ép buộc một nhân tình của mình phải phá thai.
Và tuần trước, bốn viên quan khác nữa, hai trong số đó được mô tả là cận vệ phòng ngủ, đã bị cách chức vì “hành vi sai trái cực kỳ xấu xa”.
Vua Vajiralongkorn đã có những động thái củng cố quyền lực ngai vàng. Ảnh: Reuters.
Củng cố quyền lực
Cách đây gần nửa năm, vua Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun, tức Rama X, chính thức đăng cơ bằng một buổi lễ xa hoa, trong đó tân vương đội một vương miện nặng đến 7 kg trên đầu. Kể từ đó, vị vua 67 tuổi đã mở ra một thời kỳ mà những câu chuyện cung đấu thường xuyên được đưa lên Công báo Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, vốn thường đăng tải những câu chuyện “nhẹ cân” hơn.
Câu chuyện ly kỳ về các cuộc trừng phạt trong cung điện trái ngược với bảy thập kỷ trị vì của cố quốc vương đáng kính Bhumibol Adulyadej, cha của vua Vajiralongkorn. Khi qua đời vào năm 2016, vua Bhumibol là vị vua ở ngôi lâu năm nhất thế giới. Ông đã không rời khỏi Thái Lan trong nhiều thập kỷ và thường được chụp ảnh đứng bên đồng lúa hoặc ở các nhà máy.
Vua Maha Vajiralongkorn dành phần lớn thời gian ở Đức và không tiếp tục truyền thống gần gũi với dân thường Thái Lan, ít nhất là trong các bức ảnh đã được công khai. Nhà vua có những động thái dường như đã giúp củng cố quyền lực của ông.
Năm ngoái, ông giành quyền giám sát Cục Tài sản Hoàng gia, nơi được cho quản lý khối tài sản lên tới 30 tỷ USD, giúp ông trở thành một trong những vị vua giàu có nhất thế giới.
Vào tháng 2, ông đã hủy bỏ tư cách ứng cử viên chính trị của chị gái mình, Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Varnavadi, nói nỗ lực của bà trong việc tranh cử thủ tướng chính phủ là “rất không phù hợp”.
Chính trị gia Preechapol Pongpanich cầm đơn đăng ký tranh cử của chị gái nhà vua, công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Varnavadi. Nỗ lực này đã bị vua Vajiralongkorn chặn lại. Ảnh: Reuters.
Tháng trước, ông đã ra lệnh cho hai đơn vị bộ binh ở Bangkok chuyển từ bộ chỉ huy quân sự thông thường sang quân đoàn hoàng gia của mình.
“Việc nắm quyền kiểm soát trực tiếp này là thứ gì đó mà chúng ta đã không thấy từ khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt vào năm 1932″, Tamara Loos, chủ nhiệm khoa lịch sử tại Đại học Cornell và là chuyên gia về truyền thống quân chủ Thái Lan, nhận xét.
“Nó nghiêng về một thứ gì đó rất khác so với cách hoạt động ‘ở hậu trường’ của cha ông ấy”.
Như chuyện trên báo khổ nhỏ
Thông báo gần đây về việc bốn người trong cung điện bị tước bỏ các tước vị hoàng gia và quân đội trong một tuần đầy biến động, bắt đầu khi một phi tần chính thức của nhà vua bị trừng phạt công khai.
Vào ngày 21/10, một thông báo trên Công báo Chính phủ Hoàng gia Thái Lan cho hay bà Sineenat Wongvajirapakdi đã bị tước vị hoàng quý phi. Bà bị cáo buộc “vô ơn bội nghĩa” và âm mưu chống đối hoàng hậu Suthida Vajirusongkorn Na Ayudhya, người vợ thứ tư của vua Vajiralongkorn.
Những hành động của bà Sineenat “đã khiến các nhân viên hoàng gia bất hòa”, tuyên bố chính thức nêu.
Bà Sineenat, một người tốt nghiệp đại học ngành điều dưỡng, được sắc phong làm hoàng quý phi mới chỉ vài tuần. Tước vị này đã không được sử dụng kể từ khi Thái Lan chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế và đa thê hơn tám thập kỷ trước.
Bà Sineenat Wongvajirapakdi đã bị tước vị hoàng quý phi sau 3 tháng. Ảnh: Văn phòng Hoàng gia Thái Lan.
Hai ngày sau khi bà Sineenat bị tước vị, một số viên chức khác trong hoàng cung, bao gồm đại diện cấp cao của nhà vua trong nhiều nghi lễ, một y tá và một bác sĩ thú y từ bộ phận chó hoàng gia, đã bị cách chức vì những gì được cho là “hành vi sai trái nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ chính phủ để mưu cầu lợi ích cho mình”.
Cách nói tương tự đã được áp dụng vào tuần trước để mô tả các hành vi sai trái có chủ đích của bốn người khác. Hai trong số họ bị cáo buộc ngoại tình, việc bị coi là “vi phạm các nguyên tắc của người làm việc trong hoàng cung”.
“Bạn sẽ không tưởng tượng được rằng đây là ngôn ngữ của một công báo chính phủ”, bà Loos nói. “Nó giống một tờ báo lá cải hơn”.
Bốn người vợ
Nhà vua, người được biết đến trong một số tuyên bố chính thức như là “đấng thiêng liêng đứng trên tất cả”, đã kết hôn bốn lần. Người vợ đầu tiên của ông, cũng là chị em họ đầu tiên của ông, vẫn giữ danh hiệu công chúa ngay cả sau khi họ ly hôn năm 1991. Họ có một con gái.
Người vợ thứ hai của ông, người đã có với ông 5 đứa con khi ông vẫn còn trong hôn nhân với người vợ đầu, là một diễn viên. Bà và bốn người con trai của họ sống ở nước ngoài, nhưng con gái của họ, Sirivannavari Nariratana, thực hiện nghĩa vụ hoàng gia ở Thái Lan.
Là một nhà thiết kế thời trang, công chúa Sirivannavari đã gây chú ý vào năm ngoái sau khi một người dẫn chương trình giải trí Thái Lan chỉ trích chiếc đầm mà cô thiết kế bị đe dọa truy tố hình sự.
Thái Lan có luật nghiêm trị các hành vi chỉ trích hoàng gia. Người phạm tội có thể bị kết án lên tới 15 năm tù cho mỗi tội danh lèse-majesté. Bởi vì bất kỳ ai cũng có thể khiếu nại, không chỉ cảnh sát, các nhóm nhân quyền nói luật pháp, nhằm bảo vệ chế độ quân chủ, đã bị vặn vẹo để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, nhiều học giả và nhà bình luận chính trị ở Thái Lan đã từ chối bình luận về hàng loạt các vụ tước vị, cách chức được công bố trên Công báo Chính phủ Hoàng gia Thái Lan.
Người vợ thứ ba của nhà vua, Srirasmi Suwadee, được coi là một công chúa cho đến khi bà và ít nhất chín người thân của bà bị trừng phạt 5 năm trước, sau khi hoàng gia cho rằng họ đã sử dụng các mối quan hệ trong hoàng tộc để đánh bóng tài sản bất hợp pháp. Cha mẹ bà Srirasmi phải đi tù vì tội lèse-majesté (phạm thượng).
Cặp đôi có một con trai, Dipangkorn Rasmijoti, người được coi là người thừa kế ngai vàng.
Cuộc hôn nhân của nhà vua với người vợ thứ tư, hoàng hậu Suthida, một cựu tiếp viên hàng không, được công khai vào tháng 5, ba ngày trước khi ông lên ngôi.
Vào ngày sinh nhật của nhà vua năm nay, 28/7, ông sắc phong bà Sineenat làm hoàng quý phi.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha trong lễ mừng sinh nhật vua Vajiralongkorn hồi tháng 7. Ảnh: AFP/Getty.
Cục Nội vụ Hoàng gia sau đó đã công bố những bức ảnh chụp chung hai người, bao gồm cả hình ảnh bà Sineenat lái máy bay trong khi mặc một chiếc áo hở rốn in hoa văn ngụy trang quân đội, và một bức ảnh khác cho thấy bà đang bồng một con chó poodle trắng mặc thứ có vẻ là một chiếc áo da màu đen.
Nhà vua sở hữu một số con chó poodle là thú cưng, một trong số đó đã được phong hàm nguyên soái không quân.
Một số phụ nữ có liên hệ với nhà vua cũng đã giành được vị trí cao trong quan đội. Hoàng hậu Suthida là một vị tướng trong đội cận vệ của nhà vua, trong khi bà Sineenat là một thiếu tướng chính trước khi thất sủng.
Hoàng quý phi Thái bị phế truất vì âm mưu lật đổ hoàng hậu
Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã tước bỏ mọi chức vị và quân hàm của Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi, cung điện hoàng gia tuyên bố tối ngày 21/10.
Đông Phong
Theo news.zing.vn/New York Times
Sóng gió chốn hậu cung hoàng gia Thái Lan
Quốc vương Thái Lan Rama X được nhận xét là một người kín tiếng nhưng lại có đời sống hôn nhân gây chú ý với 5 người vợ.
Hoàng gia Thái Lan hôm 21/10 bất ngờ thông báo Quốc vương Rama X phế truất mọi tước hiệu, quân hàm và huân chương của Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi, 34 tuổi, với cáo buộc âm mưu lật đổ Hoàng hậu Suthida. Thông tin này khiến nhiều người Thái Lan sốc, bởi Sineenat vừa mới được phong Hoàng quý phi chưa đầy ba tháng trước và bà là Hoàng quý phi đầu tiên của Thái Lan trong gần một thế kỷ. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần hé lộ những tranh đấu nơi hậu cung Thái Lan.
"Động thái bất ngờ của Vua Rama X cho thấy ông muốn được nhìn nhận như một bậc quân vương rất có trách nhiệm và sẽ không chấp nhận bất kỳ sự chia rẽ nào trong hoàng gia", Paul Chambers, nhà phân tích tại Đại học Naresuan, Thái Lan, bình luận.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn và Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi trước khi bị tước danh hiệu. Ảnh: Reuters.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn hay Rama X sinh ngày 28/7/1952 ở Bangkok. Ông là con trai duy nhất và là con thứ hai trong số 4 người con của cố quốc vương Bhumibol và Hoàng hậu Sirikit. Đời sống hôn nhân của Vua Rama X được cho là không bình lặng, với tổng cộng 5 người vợ.
Tháng 1/1977, ông kết hôn với Công nương Soamsawali Kitiyakara, một người em họ bên ngoại. Sau một năm, con gái họ chào đời. Tuy nhiên, vào cuối thập niên 1970, Vajiralongkorn bắt đầu qua lại với nữ diễn viên Yuvadhida Polpraserth và có 5 con chung với bà này.
Dù Công nương Soamsawali không chấp nhận ly hôn suốt nhiều năm, Vua Vajiralongkorn, lúc bấy giờ còn là Hoàng Thái tử, cuối cùng vẫn đệ đơn ly dị vào năm 1993. Ông cáo buộc vợ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc hôn nhân đổ vỡ. Bà Soamsawali không thể phản bác do luật chống khi quân. Tòa án cuối cùng phán quyết cho hai người ly dị vào tháng 7/1993. Công nương Soamsawali và con gái vẫn tiếp tục tham gia vào các nghi lễ của hoàng gia Thái Lan.
Nhà vua Vajiralongkorn và người vợ đầu Soamsawali Kitiyakara. Ảnh: Wordpress
Khi Vajiralongkorn làm quen với Yuvadhida, bà đang là một diễn viên triển vọng. Bà sinh con trai đầu lòng vào tháng 8/1979, sau đó có thêm ba con trai và một con gái. Đến tháng 2/1994, hai người mới tổ chức hôn lễ tại cung điện. Sau đám cưới, bà Yuvadhida được đổi tên thành Mom Sujarinee Mahidol na Ayudhaya, ý chỉ rằng bà là một thường dân kết hôn với người của hoàng gia. Bà cũng được bổ nhiệm làm thiếu tá trong quân đội Thái Lan và tham gia vào các nghi lễ hoàng gia bên cạnh chồng.
Dù vậy, cuộc hôn nhân không kéo dài bởi chỉ hai năm sau đó, Mom Sujarinee chuyển sang Anh sinh sống cùng 5 người con. Ông Vajiralongkorn đã dán áp phích quanh cung điện cáo buộc bà ngoại tình với một tướng không quân.
Bà Yuvadhida (thứ hai từ phải sang, hàng sau) cùng chồng và các con. Ảnh: zway2go.com.
Tháng 2/2001, Vajiralongkorn kết hôn lần ba với bà Srirasmi Suwadee, một thường dân có xuất thân khiêm tốn tham gia vào đội phục vụ hoàng gia từ năm 1992. Cuộc hôn nhân được giữ bí mật đến đầu năm 2005, khi bà Srirasmi sinh con trai cho Hoàng Thái tử và được sắc phong làm công nương. Con trai của họ cũng ngay lập tức trở thành hoàng tử.
Sau 13 năm chung sống, tháng 11/2014, Vajiralongkorn bất ngờ gửi thư lên Bộ Nội vụ Thái Lan đề nghị tước tước hiệu hoàng gia Akharaphongpreecha từng ban cho Srirasmi, với cáo buộc 7 người thân của bà tham nhũng. Srirasmi sau đó từ bỏ mọi tước hiệu, ly hôn Vajiralongkorn và nhận được một khoản tiền là 200 triệu baht (5,5 triệu USD).
Vajiralongkorn lên ngôi vào tháng 10/2016, sau khi cha ông qua đời. Hồi tháng 5, vài ngày trước lễ đăng quang, Quốc vương 66 tuổi bất ngờ thông báo tái hôn lần thứ tư với bà Suthida Vajiralongkorn Na Ayutthaya. Bà Suthida, 41 tuổi, vướng tin đồn tình cảm với Nhà vua Vajiralongkorn từ lúc ông chưa lên ngôi nhưng mối quan hệ không được công khai.
Nhà vua Vajiralongkorn và người vợ thứ ba Srirasmi. Ảnh: Weekly Standard.
Đến tháng 7, Quốc vương Rama X bất ngờ sắc phong Sineenat Wongvajirapakdi, 34 tuổi, bạn gái lâu năm của ông, trở thành vợ hai, mang tước hiệu Hoàng quý phi.
Sineenat sinh năm 1985 tại tỉnh Nan, phía bắc Thái Lan, tốt nghiệp học viện Quân y Hoàng gia năm 23 tuổi. Bà từng tham gia huấn luyện phi công ở Thái Lan và Đức, là một thành viên lực lượng cận vệ của Nhà vua và được phong hàm thiếu tướng hồi tháng 5.
Ngoài đời sống hôn nhân gây chú ý, Vua Rama X thực tế là một người khá kín tiếng. Hình ảnh của ông được giám sát cẩn thận bởi các cố vấn tin cậy, đội ngũ cận vệ và những luật lệ nghiêm khắc quy định cách truyền thông Thái Lan khắc họa về hoàng gia. Những hình ảnh Quốc vương Vajiralongkorn ở nước ngoài xuất hiện nhiều trên truyền thông quốc tế nhưng chúng lại không được phổ biến tại Thái Lan.
Ông Vajiralongkorn hiếm khi trả lời phỏng vấn nhưng từng trò chuyện với kênh BBC hồi năm 1979 về cuộc sống của một người kế vị ngai vàng. "Thật khó để nói cuộc sống của cá như thế nào khi bạn là cá hay cuộc sống của chim thế nào khi bạn là chim", Vajiralongkorn khi đó chia sẻ.
Vajiralongkorn tốt nghiệp trung học tại Anh trước khi chuyển tới rèn luyện tại Trường Quân sự Hoàng gia Australia. Ông yêu thích bay lượn, điều khiển chiến đấu cơ và từng làm sĩ quan nghiệp vụ trong quân đội Thái Lan, tham gia huấn luyện với các lực lượng quân sự Anh, Mỹ, Australia.
Quãng thời gian ở nước ngoài, Vajiralongkorn rất thích sống tại Đức, nơi ông sở hữu một biệt thự bên hồ Starnberg, vùng Bavaria.
Sau khi cha ông qua đời năm 2016, Vajiralongkorn gây bất ngờ khi yêu cầu trì hoãn việc lên ngôi để cho người dân thêm thời gian bày tỏ tiếc thương với quốc vương quá cố.
Theo Vũ Hoàng (VNE)
Cựu Hoàng quý phi Thái Lan Sineenat: Từ lễ sắc phong rầm rộ đến việc phế truất đầy bất ngờ Quốc vương Maha Vajiralongkorn đã quyết định phế truất Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi chỉ sau gần 3 tháng kể từ thời điểm sắc phong rầm rộ. Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi khi còn tại vị. Vào ngày 21/10 mới đây, hoàng gia Thái Lan tuyên bố Quốc vương Maha Vajiralongkorn đã quyết định tước bỏ mọi chức vị, quân hàm, huân chương...