Trung, Nhật hủy đường dây nóng về biển đảo
Báo chí Nhật cáo buộc Trung Quốc gác lại kế hoạch lập cơ chế liên lạc phòng vệ hàng hải giữa hai nước, đáng lẽ sẽ đi vào thực thi từ cuối năm nay.
Tàu Haijian 83 của Trung Quốc tuần tra gần chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku hôm 10/10. Ảnh: Xinhua
Cơ chế theo dự kiến được thiết lập cuối năm nay để giảm thiểu các cuộc va chạm ngẫu nhiên, sẽ bị gác lại, Yomiuri Shimbun dẫn lời một nguồn tin giấu tên hôm qua cho biết. Theo nguồn tin này, kế hoạch bị hoãn vì Trung Quốc dường như không sẵn sàng tiếp tục đàm phán, nhiều khả năng là do quyết định quốc hữu hóa chuỗi đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư của Nhật.
Video đang HOT
Cơ chế được cho là đã đạt được trong một cuộc họp hồi tháng 6. Nó bao gồm việc xây dựng đường dây nóng giữa lãnh đạo quốc phòng hai nước và thiết lập một tần số vô tuyến chung khi tàu thuyền hay máy bay hai nước tiến gần nhau. Dự án cũng bao gồm các kế hoạch gặp mặt thường niên giữa quan chức quốc phòng hai nước.
Global Times dẫn lời Li Jie, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc cho rằng Trung Quốc “xếp xó” dự án nhằm tạo áp lực lên Nhật Bản. Còn Xu Guangyu, cố vấn cao cấp của Hiệp hội Giải trừ quân bị và Kiểm soát vũ khí Trung Quốc cho hay đường dây nóng này có thể giảm thiểu các xung đột quân sự một cách hiệu quả. Các cơ chế tương tự đã được thiết lập giữa Trung Quốc với Mỹ, Hàn Quốc và Nga.
Theo Jiji Press, để tránh căng thẳng leo thang, Tokyo và Washington dự kiến hủy cuộc diễn tập chiếm lại đảo từ lực lượng nước ngoài, theo kế hoạch sẽ diễn ra ở Okinawa vào tháng 11. Tuy nhiên thông tin này chưa được chính phủ Nhật xác nhận. Trong khi đó, 4 tàu hải giám Trung Quốc hôm 20/10 tiếp tục tiến gần vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau một thời gian gián đoạn do bão lớn, theo Cục Hải dương Quốc gia của Trung Quốc.
Nhật Bản và Trung Quốc cùng tranh chấp nhóm đảo trên biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Căng thẳng lên cao sau khi Nhật hoàn tất việc quốc hữu hóa ba trong số các đảo này. Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra ở cả hai nước khiến quan hệ song phương ở tình trạng xấu nhất sau nhiều thập kỷ. Nhật mới đây có cuộc duyệt binh lớn trên biển, với sự tham gia của 45 tàu các loại, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Lực lượng Tự vệ Hàng hải nước này. Trung Quốc tuần trước cũng thực hiện một cuộc tập trận quy mô lớn trên biển Hoa Đông với 11 tàu và 1.000 binh lính.
Theo VNE
Tàu Đài Loan xuất hiện gần Điếu Ngư/Senkaku
Một tàu tuần tra Đài Loan được phát hiện tại vùng tiếp giáp lãnh hải mà Nhật quy định ở nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hôm nay, một tuần sau màn đấu vòi rồng quyết liệt.
Tàu tuần duyên Đài Loan và Nhật Bản trong màn đấu vòi rồng ở vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư hôm 24/9. Ảnh: Huanqiu
Kyodo dẫn tin từ Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản (JCG) cho hay tàu tuần tra của chính quyền Đài Loan được phát hiện ở vị trí cách đảo Uotsuri, đảo lớn nhất trong nhóm đảo tranh chấp, khoảng 40 km về phía tây, lúc 9h05 giờ địa phương.
Một tàu tuần tra của JCG đã dùng điện đàm cảnh báo tàu Đài Loan không thâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản. Đáp lại, tàu trên tuyên bố đang bảo vệ các ngư dân Đài Loan trong "vùng đặc quyền kinh tế của Đài Loan".
Tàu tuần tra Nhật Bản sau đó tiếp tục theo dõi hoạt động của tàu Đài Loan, khi tàu này di chuyển theo hướng đông-đông nam vào vùng tiếp giáp lãnh hải của các đảo.
Đây là lần đầu tiên tàu Đài Loan được phát hiện trong vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư kể từ hôm 25/9. Khi đó, khoảng 40 tàu cá Đài Loan, được 12 tàu tuần tra hộ tống, có mặt ở khu vực này để phản đối việc Tokyo quốc hữu hóa ba trong số 5 đảo. Tuần duyên Đài Loan xác nhận các tàu này đã áp sát các đảo, trong đó có một số tàu ở vị trí cách đảo chỉ 3 hải lý, tức là nằm hoàn toàn trong vùng 12 hải lý mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Giữa hai bên đã xảy ra màn đấu vòi rồng quyết liệt và sau vài giờ, các tàu Đài Loan rút đi.
Các đảo nhỏ Senkaku/Điếu Ngư không có người sinh sống nhưng nằm ở vị trí chiến lược và hiện do Nhật Bản quản lý. Chúng nằm cách đảo Đài Loan khoảng 200 km. Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ không tách rời, cũng đòi chủ quyền với Senkaku/Điếu Ngư và tự đặt nhóm đảo này dưới sự quản lý của một huyện.
Theo VNE
Trung Quốc công bố Sách Trắng về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku Chính phủ Trung Quốc ngày 25/9 đã công bố Sách Trắng về quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku), trong đó khẳng định các tài liệu lịch sử nói rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và khai thác quần đảo này. Quần đảo Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Sách...