Trung – Mỹ: “Phản pháo” sau “vạch mặt”
Sau khi bị Mỹ vạch trần chính sách “chia để trị” mà Trung Quốc đang áp dụng với ASEAN ở Biển Đông, Bắc Kinh đã vô cùng tức tối, lên tiếng phản pháo mạnh mẽ Washington.
Bắc Kinh được cho là đang dùng chính sách chia rẽ ASEAN để đạt được tham vọng độc chiếm Biển Đông. Nước này muốn tránh phải đối diện với một tập thể ASEAN đoàn kết mà muốn giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hiện nay theo hướng trực tiếp, song phương. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ giải quyết tranh chấp Biển Đông với từng nước láng giềng nhỏ bé một. Sở dĩ Bắc Kinh muốn như vậy vì, trong các cuộc “đấu tay đôi”, họ sẽ dễ giành lợi thế với tư cách là nước lớn, nước mạnh.
Nói về chính sách trên của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ – bà Victoria Nuland hôm 14/8 đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không được dùng bất kỳ nỗ lực nào để “chia rẽ và chiếm đoạt” Biển Đông đồng thời bày tỏ hy vọng Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á sẽ đạt được một thỏa thuận về vấn đề này trong năm nay.
“Nếu các biện pháp ngoại giao song phương có thể hỗ trợ được cho một cơ chế đa phương tối cao thì điều đó là đúng đắn. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ, việc tìm kiếm những thoả thuận riêng lẻ với từng nước một không theo một cách thức thích hợp hoặc theo luật pháp quốc tế sẽ có tác dụng. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ và chiếm đoạt cũng như tạo thế cạnh tranh cho riêng mình trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông đều sẽ không đi được đến nơi chúng ta cần đến”, bà Nuland cho biết.
Video đang HOT
Cảnh báo trên của quan chức Mỹ được đưa ra sau khi Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của mình không thông qua được một tuyên bố chung sau cuộc họp của các ngoại trưởng ở Campuchia hồi tháng 7. Nguyên nhân xuất phát từ bất đồng giữa các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Phản ứng trước những phát biểu mới nhất của Mỹ về Biển Đông, Trung Quốc đã tỏ ra rất tức tối, lên tiếng chỉ trích Washington gay gắt.
Theo Bắc Kinh, thất bại của ASEAN trong cuộc họp vừa rồi là do có sự “can thiệp” của phương Tây nhằm “bôi nhọ vai trò tích cực của Trung Quốc trong việc duy trì sự thống nhất trong khối liên minh khu vực”.
Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc – Tân Hoa xã cho rằng, “báo chí phương Tây đang tìm cách hun đúc sự hoài nghi và thù địch giữa Trung Quốc và các nước láng giềng thân thiết” đồng thời không chịu thừa nhận thực tế, Trung Quốc “có lợi ích lớn trong việc bảo vệ hoà bình và sự ổn định trong khu vực”.
Tờ Tân Hoa xã cáo buộc, thứ thực sự đang phá hoại tình đoàn kết trong ASEAN là “sự can thiệp của các nước phương Tây”. Theo tờ báo của Trung Quốc, phương Tây “ghét nhìn thấy sự phát triển kinh tế vững chắc và đáng tin cậy của Châu Á trong khi nền kinh tế của họ đang suy yếu, kéo theo sự sụt giảm về ảnh hưởng”.
“Việc các nước láng giềng gây gổ, đối đầu với nhau, làm suy yếu sức mạnh kinh tế và chính trị của các nước liên quan sẽ là điều cuối cùng mà Bắc Kinh muốn”, tờ Tân Hoa xã đã viết như vậy.
Trung Quốc tiếp tục nhắc lại cam kết quen thuộc, nước này luôn nỗ lực vì “hoà bình, sự ổn định và phát triển” trong khu vực.
Những phát biểu phản pháo Mỹ của Trung Quốc nghe rất khẳng khái và hay ho nhưng giờ đây, khó ai có thể tin tưởng vào những lời nói đó sau khi nước này suốt mấy tháng gần đây liên tiếp có những hành động đi ngược với cam kết hoà bình, ổn định của mình. Sau khi đụng độ căng thẳng với Philippines ở bãi cạn Scarborough trong hai tháng 4 và 5, thời gian mấy tháng trở lại đây, Trung Quốc quay sang gây gổ với Việt Nam.
Báo Mỹ: Mỹ đã đúng khi “tấn công” Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua thường xuyên cự nự, chỉ trích lẫn nhau về vấn đề Biển Đông. Sự đối đầu căng thẳng giữa giới lãnh đạo Mỹ-Trung đã kéo theo cả một cuộc khẩu chiến gay gắt giữa báo chí hai nước này.
Sau khi tờ Tân Hoa Xã lên tiếng phản pháo những phát biểu của một quan chức Mỹ về âm mưu chia rẽ ASEAN để độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, tờ Washington Post cũng đã lên tiếng. Tờ báo này khẳng định, Mỹ đã đúng khi “tấn công” Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Theo tờ Washington Post, Biển Đông là khu vực biển rộng lớn với rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ và giàu tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc từ lâu đã luôn coi phần lớn khu vực biển rộng lớn này là của mình, đòi chủ quyền đến sát bờ biển của các nước khác.
Tờ Washington Post khẳng định, Bắc Kinh đã đòi chủ quyền ở Biển Đông dựa trên bản đồ “đường 9 đoạn” không chính xác, xâm lấn cả vào các vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của nhiều nước trong khu vực. Phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của các nước đã được quy định rõ ràng trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Mỹ tuyên bố đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, Mỹ gần đây buộc phải lên tiếng để ngăn cản những hành động quấy nhiễu, phá rối của Trung Quốc đối với các hoạt động bắt cá cá và khai thác dầu khí của Philippines và Việt Nam trong vùng lãnh thổ của hai nước này.
Mỹ cho rằng, việc Bắc Kinh thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” có phạm vi quản lý bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là một bước tiến thêm nữa trong tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Trung Quốc nhấn mạnh, nước này muốn giải quyết các tranh chấp với từng nước trong khu vực một và Mỹ nên tránh xa. Nhưng những phát biểu của Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã khẳng định chính xác rằng, Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong khu vực, không phải là vấn đề lãnh thổ mà là vấn đề bảo vệ sự ổn định trong khu vực bởi đây là nơi có tuyến đường giao thương đường biển vô cùng quan trọng, tờ Washington Post cho biết. Biển Đông rõ ràng đang trở thành điểm nóng và tất cả mọi người đều cần phải chắc chắn rằng nó sẽ không trở thành một vùng biển của sự thù địch.
Theo VNMEdia