Trung – Mỹ khó đảo chiều quan hệ trong chuyến thăm của ông Tập
Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh chưa thể có bước chuyển mạnh mẽ trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, do hai bên vẫn còn quá nhiều khác biệt.
Quan hệ Trung – Mỹ được dự báo khó có đột phá thời gian tới. Ảnh minh họa:SCMP
“Hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi đáng kể từ sau chuyến thăm không chính thức của ông Tập năm 2013. Washington nhận thấy cách hành xử kém của Bắc Kinh và lần này thì các nhà quan sát sẽ khó có thể tin cuộc gặp giúp cải thiện quan hệ giữa hai nước”, Tiến sĩ Denny Roy, chuyên gia tại Trung tâm Đông – Tây, Mỹ, trao đổi với VnExpress.
Hồi đầu tháng này, các hãng tin lớn dự đoán Washington có thể áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Bắc Kinh do những cáo buộc về hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc. Thậm chí một số nguồn tin còn cho rằng ông Tập có thể hủy chuyến thăm quan trọng nếu điều đó xảy ra.
Mỹ gần đây liên tiếp công khai cáo buộc Trung Quốc đánh cắp các thông tin mật của các tập đoàn kinh tế lớn, của các quan chức thương mại và an ninh hàng đầu và cả cơ quan chính phủ Mỹ bằng hệ thống gián điệp mạng quy mô lớn. Hồi giữa năm ngoái, Washington còn phát lệnh truy nã 5 quan chức quân đội của Bắc Kinh do nghi dính líu tới mạng lưới này. Trung Quốc luôn bác bỏ các cáo buộc từ Mỹ.
“Các cuộc tấn công mạng hầu hết bị quy cho Trung Quốc đã đạt đến độ mà dư luận và Quốc hội Mỹ gây áp lực, yêu cầu chính quyền của ông Obama phải trả đũa. Nhiều người cho rằng Washington có thể tuyên bố lệnh trừng phạt với Bắc Kinh sau khi ông Tập kết thúc chuyến thăm”, Giáo sư Andrew Nathan, Đại học Columbia nói.
Một điểm nóng khác trong quan hệ Trung – Mỹ liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù tuyên bố không đứng về bên nào ở đây nhưng Washington càng ngày càng tỏ thái độ quan ngại sâu sắc và quan điểm không nhượng bộ với Bắc Kinh.
Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama từ đầu năm đến nay nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngừng gây hấn ở khu vực này, bằng cách dừng các hoạt động cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo trái phép. Ông Obama cũng kêu gọi Trung Quốc không dùng sức mạnh của nước lớn để chèn ép các nước nhỏ xung quanh nhằm thực hiện hóa yêu sách của mình ở Biển Đông. Bên cạnh việc đề nghị Bắc Kinh tuân thủ các cam kết đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế, Washington còn điều máy bay đến gần khu vực đảo phi pháp mà Bắc Kinh xây dựng ở quần đảo Trường Sa để tuần tra.
“Tôi chắc rằng ông Obama sẽ thể hiện quan điểm cứng rắn về việc Trung Quốc gia tăng cải tạo và xây dựng ở Biển Đông khi đón ông Tập. Cách hành xử của Bắc Kinh đang là nhân tố gây bất ổn nhất ở Đông Á hiện nay”, Giáo sư Richard Bush, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á Brooking, đánh giá.
Tuy nhiên ông Denny Roy cho hay ông không lạc quan về mức độ Mỹ có thể “dấn thêm” để ngăn Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông vì Tổng thống Obama “có ít lực đòn bẩy”. Kể cả Washington có điều tàu tuần tra vào gần các đảo nhân tạo thì cũng không giúp loại bỏ các đảo này và cũng không khiến Bắc Kinh ngừng hoàn thành việc cải tạo. Tiến sĩ Roy gợi ý Mỹ có thể dùng việc tuần tra mạnh bạo làm “lực đòn bẩy” để yêu cầu Trung Quốc giảm bớt quy mô kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự hoặc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Video đang HOT
“Nhà Trắng rõ ràng đang quan tâm hơn về việc cố gắng không gây đối kháng với Bắc Kinh, trong khi quân đội Mỹ thì lại thêm lo ngại về những mối họa từ việc không cứng rắn trước sự hung hăng của Trung Quốc”, ông Roy nói.
Các chuyên gia dự đoán, trong khi tổng thống Mỹ muốn thảo luận sâu hơn về hai vấn lớn nói trên trong cuộc hội đàm cấp cao thì chủ tịch Trung Quốc lại muốn lảng tránh. Ngược lại, ông Tập sẽ bày tỏ với ông Obama về việc muốn được “đối xử như một cường quốc quan trọng” trong khuôn khổ “mối quan hệ cường quốc mới”, hai nước có thể làm bạn nếu Washington dừng làm những điều Bắc Kinh không muốn. Trung Quốc cũng sẽ muốn Mỹ chấp nhận việc đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) vào giỏ tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay còn gọi là giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), chất vấn về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
“Thông điệp của ông Tập, điều ông đã nói rõ từ lâu, rằng Mỹ nên coi trọng Trung Quốc như một cường quốc đang lên, có những nhu cầu về an ninh. Vì thế Washington hãy giúp mang lại lợi ích quốc gia cốt lõi cho Bắc Kinh, thay vì dùng trí lực lỗi thời từ Chiến tranh lạnh để cản trở”, Giáo sư Andrew Nathan nói.
Về phía Tổng thống Obama, ông có thể nhấn mạnh những việc Trung Quốc đang làm mâu thuẫn với cam kết trỗi dậy hòa bình và gây hại đến uy tín của chính Bắc Kinh. Ông Obama sẽ nỗ lực giữ cho quan hệ với Trung Quốc “không trở thành một cuộc khủng hoảng nữa”, trong bối cảnh có nhiều mối quan ngại trên thế giới như ở Syria, Ukraine, Triều Tiên.
Điểm nhất trí duy nhất giữa ông Tập và ông Obama được giới quan sát cho là khả quan là Hiệp định đầu tư song phương (BIT). Có thể hai bên sẽ ký kết trong dịp này nhờ những tiến triển đạt được gần đây.
Nói đến triển vọng chung chuyến thăm của ông Tập, giới quan sát không lạc quan về những kết quả lớn.
“Tôi cho rằng cuộc gặp cấp cao này có ít hoặc không có tác động đến việc đảo chiều xu hướng tiêu cực trong quan hệ Mỹ – Trung”, Tiến sĩ Roy nói.
Việt Anh
Theo VNE
Người Mỹ dè dặt với ông Tập Cận Bình hơn so với 3 năm trước
Trung Quốc đang cố đánh bóng quan hệ kinh tế với Mỹ trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng ông Tập sẽ phải đối mặt với dư luận dè dặt hơn rất nhiều trong chuyến thăm Mỹ lần này so với chuyến thăm 3 năm trước, theo Wall Street Journal ngày 18.9.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp ông Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hồi tháng 2.2012 - Ảnh: AFP
Các quan chức Trung Quốc đang tìm cách nêu bật các lợi ích có được từ mối quan hệ kinh tế với Mỹ và đánh bóng hình ảnh ông Tập như một vị lãnh đạo của nhân dân trước chuyến công du chính thức của chủ tịch Trung Quốc đến nước Mỹ, bất chấp giữa Washington và Bắc Kinh còn tồn tại nhiều bất đồng.
Các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập đã bất ngờ xuất hiện tại một sự kiện ở Seattle (Mỹ) hồi giữa tuần này nhằm quảng bá các thỏa thuận hợp tác mới giữa doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc trước chuyến đi của chủ tịch Trung Quốc.
Tại sự kiện này, các cố vấn của ông Tập đã công bố thương vụ xây tuyến tàu điện cao tốc dài hơn 370 km nối liền nam California với Las Vegas, ký kết với tập đoàn XpressWest (Mỹ). Chi tiết về nguồn tài chính dành cho dự án "khủng" này hiện vẫn chưa được tiết lộ, theo Wall Street Journal. Dự án này đã được bàn bạc từ nhiều năm và từng thất bại vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như tác hại đến môi trường, chi phí giải phóng mặt bằng...
Ngoài ra, cố vấn của chủ tịch Trung Quốc cũng tiết lộ kế hoạch thiết lập một quỹ đầu tư trị giá 3 tỉ USD cho các dự án năng lượng tại Trung Quốc và một thỏa thuận thực hiện các dự án năng lượng sạch giữa tập đoàn General Electric (Mỹ) và Tổng công ty Máy móc công nghiệp quốc gia Trung Quốc (CNMIC).
Wall Street Journal cho biết Bắc Kinh cũng sẽ cố tái tạo lại những khoảnh khắc tốt đẹp từ chuyến đi Mỹ hồi năm 2012 của ông Tập, khi đó còn là phó chủ tịch nước.
"Ông Tập sẽ đối mặt với một dư luận Mỹ e dè hơn rất nhiều so với 3 năm trước... Kinh tế tăng trưởng chậm cùng với cách giải quyết tỉ giá đồng nội tệ và đà sụt giảm trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã khiến quan chức Mỹ và các nhà đầu tư nghi ngờ năng lực quản lý kinh tế của chủ tịch Trung Quốc", tờ báo Mỹ bình luận.
Các chủ doanh nghiệp, cũng như giới chính trị gia Mỹ đã trở nên thiếu thiện cảm với Trung Quốc sau khi các công ty Mỹ liên tục bị tin tặc được cho là của Bắc Kinh tấn công, và nhiều công ty nước ngoài ngày càng lo ngại rằng chính sách an ninh quốc gia mới dưới thời ông Tập sẽ hạn chế hoạt động làm ăn của họ, theo Wall Street Journal.
Và việc Bắc Kinh vẫn cố bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp tại Biển Đông bất chấp sự phản đối từ phía Mỹ và các nước láng giềng cũng đang tạo áp lực về chính trị lên chính quyền Obama, buộc Nhà Trắng phải có hành động để trấn an các đồng minh trong khu vực, tờ báo Mỹ nhận định.
Chiến thuật &'lấy lòng' của Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi năm 2012 khi còn là phó chủ tịch Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích nhận xét chiến thuật Trung Quốc dùng để chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ của ông Tập chính là ra sức hướng sự chú ý của dư luận vào mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước và quảng bá hình ảnh tích cực của chủ tịch Trung Quốc khi ông có mặt ở Seattle, Tacoma và New York.
Theo lịch trình, ông Tập sẽ có buổi gặp gỡ giới chủ doanh nghiệp, nhiều người trong số này làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tại Seattle. Ông cũng sẽ có dịp tái ngộ những người dân mà ông đã tiếp xúc tại thành phố cảng Tacoma thuộc bang Washington hồi năm 1993.
Còn tại New York, Chủ tịch Trung Quốc sẽ tham dự các hội nghị của Liên Hiệp Quốc, gồm một hội thảo về nữ quyền do Trung Quốc đồng chủ trì.
"Mọi hoạt động của ông Tập Cận Bình sẽ diễn ra hoặc ở Seattle hoặc New York, chứ không phải ở thủ đô Washington. Bạn có thể thấy điều đó qua cách Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến đi", Wall Street Journal dẫn lời Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích CIA và hiện làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS).
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chiến thuật này có thể bị "phá sản", nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ ra cứng rắn khi bàn về các bất đồng giữa 2 nước trong cuộc gặp với ông Tập vào ngày 25.9 tại Nhà Trắng.
Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng bực bội với Bắc Kinh, và điều này được thể hiện qua việc Phòng thương mại Mỹ và châu Âu tại Trung Quốc trong tuần này đã than phiền rằng Bắc Kinh đi ngược lại những cam kết về mở cửa thị trường nội địa, đồng thời quá chậm chạp trong việc giảm số lượng ngành công nghiệp hạn chế đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư quốc tế cũng tỏ ra lo ngại cách Trung Quốc điều hành nền kinh tế. Lloyd Blankfein, giám đốc điều hành tập đoàn tài chính Goldman, đánh giá các biện pháp giải quyết khủng hoảng thị trường chứng khoán mới đây của Bắc Kinh là "cẩu thả", đồng thời cho hay sẽ không đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này trong thời điểm hiện tại.
Bất chấp những "lùm xùm" kể trên, ông Tập nhiều khả năng vẫn sẽ cố tái tạo bầu không khí lạc quan tại Tacoma mà ông từng gầy dựng lúc thăm Mỹ vào năm 2012, tại thời điểm chỉ còn vài tháng là ông lên nắm chức tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, theo Wall Street Journal.
"Ông ấy muốn tạo ra hình ảnh gần gũi với người dân, bao gồm việc tiếp xúc với những thường dân Mỹ. Ông uốn chiếm được cảm tình của công chúng tại Mỹ", ông Chương Lập Phàm, một nhà sử học kiêm bình luận viên chính trị tại Bắc Kinh, nhận xét.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
'Cú đáp êm ái' ở Mỹ của ông Tập Cận Bình có thể hóa ê ẩm Seattle xưa nay luôn là lựa chọn số một "đầu xuôi, đuôi lọt" của các lãnh đạo Trung Quốc khi đến Mỹ. Lần này, ông Tập Cận Bình cũng chọn Seattle nhưng ông sẽ phải nếm chút ê ẩm. Cái bắt tay giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Trung lần này sẽ chứa đựng lắm gai góc - Ảnh: AFP Từ bao năm nay,...