Trúng mẻ cá lớn, ngư dân Lý Sơn “rủng rỉnh” đón Tết
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn hối hả cập bờ với đầy ắp tôm, cá. Phiên biển cuối năm “trúng” lớn giúp ngư dân Lý Sơn có thu nhập khá đón Tết.
Thời điểm này, vũng neo trú tàu thuyền Lý Sơn luôn nhộn nhịp. Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn tấp nập về bến sau nhiều ngày bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Sau 1 tháng lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa, tàu QNg 96517TS của ngư dân Võ Văn Nam trở về bến vào những ngày cuối tháng Chạp.
Theo ngư dân Nam, tuy thời tiết tại ngư trường không mấy thuận lợi nhưng mọi người rất nỗ lực. Tàu của ông đã khai thác được 12 tấn cá, phần lớn là cá đỏ củ.
Được biết, cá đỏ củ đang được mua với giá 70 nghìn đồng/kg. Bán tất cả số cá đánh bắt được, trừ hết chi phí ra khơi, tàu ông Nam còn lãi khoảng 600 triệu đồng.
“Thời tiết không thuận lợi nhưng ai cũng cố gắng làm việc để có thu nhập chi tiêu trong mấy ngày Tết. Chuyến biển này tính ra mỗi lao động trên tàu cũng kiếm được trên 20 triệu đồng”, ngư dân Nam cho biết.
Những con tàu đầy ắp cá trong khoang đã về bến đón Tết
Vừa cho con tàu QNg 96096TS công suất 650 CV thuê của nghiệp đoàn nghề cá An Hải cập bờ, thuyền trưởng Bùi Văn Phải vui mừng thông báo tàu đánh bắt được 10 tấn cá. Ngoài cá đỏ củ, tàu của ngư dân Phải còn “trúng” mẻ cá ngừ vây vàng hơn 1 tấn.
“Tàu chưa cập bờ người ta đã liên hệ trước để mua hết cá trong khoang. Cá củ đỏ 70 nghìn đồng/ kg, cá ngừ vây vàng 110 nghìn đồng/ kg. Phiên biển cuối năm này tàu thắng lớn, anh em ai cũng vui vì có tiền lo tết cho gia đình”, thuyền trưởng Bùi Văn Phải chia sẻ.
Phiên biển cuối năm “trúng” lớn giúp ngư dân thu nhập khá đón Tết cùng gia đình
Theo ông Nguyễn Quốc Chinh – Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Hải, đến chiều 30 Tết, toàn bộ số tàu đánh bắt xa bờ của nghiệp đoàn sẽ cập bờ đón Tết. Hầu hết đội tàu của nghiệp đoàn đều “trúng” trong phiên biển cuối năm. Tàu ít cũng thu nhập vài trăm triệu đồng, có tàu thu nhập được cả tỷ đồng.
“Trúng phiên biển cuối năm nên ngư dân rất phấn khởi. Mọi người sẽ cùng đón cái Tết ấm áp cũng gia đình. Hết mấy ngày Tết là anh em ngư dân lại lên tàu vươn ra khơi xa bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Chinh cho biết.
Vựa cá cơm khô trên 'thành phố đảo' Phú Quốc
Những ngày cuối năm âm lịch, người dân TP Phú Quốc tất bật với những mẻ cá cơm khi những chuyến tàu đánh bắt ngoài khơi về bờ.
Sau chuyến đánh bắt xa bờ, tàu cá về neo đậu và chủ các xưởng cá cơm khô dùng thuyền nhỏ trung chuyển về bờ rồi thuê thợ đưa đến xưởng chế biến.
Quanh đảo Phú Quốc có hàng chục hộ làm nghề khô cá cơm phân bố ở các xã Dương Đông, Gành Giàu, An Thới ...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền (góc phải) 46 tuổi, chủ xưởng cá ở khu Đất Đỏ, An Thới cho biết dịp này cá cơm đánh bắt về nhiều vì biển lặng gió. "Có ngày xưởng tôi chế biến gần 20 tấn cá tươi, phải huy động 50-60 người làm liên tục, nhiều hôm tăng ca cả đêm", bà Hiền nói.
Theo bà Hiền, các chủ xưởng thường đầu tư một phần cho các chủ thuyền mua ghe, thuyền đi biển. Sau mỗi chuyến cá về, ngư dân sẽ ưu tiên bán cá cơm cho chủ xưởng, các loại cá khác mang ra chợ bán cho lái buôn. Đây là nguồn cung cấp cá cố định để các xưởng cá khô có sản phẩm bán quanh năm.
Cá cơm được ướp đá lạnh để dưới hầm tàu. Tàu cá thường đi đánh bắt từ một tuần tới cả tháng. Hiện các tàu đều trang bị máy quét để biết luồng cá nên hầu hết ra khơi là có thành quả khi trở về.
Các nữ công nhân trải đều cá trên sàng lưới để luộc. Thu nhập trung bình của mỗi người thợ khoảng 300.000 đồng mỗi ngày, nếu làm ca đêm, thu nhập tăng gấp đôi.
Hệ thống lò luộc cá sử dụng băng chuyền và ròng rọc để đẩy nhanh tốc độ. Thời gian luộc cá thường vào đêm hoặc sáng sớm. Cá cơm luộc với nước muối, mỗi bếp luộc từ 10 khay cá. Cá đun trong nước sau khi sủi bọt trắng sẽ hớt váng và đưa ra ngoài phơi nắng.
Phú Quốc đang mùa gió và nắng nên người dân tận dụng phơi cá từ sớm. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công.
Phú Quốc có hai mùa, mùa khô từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau, còn lại là mùa mưa. Cá cơm khô được làm quanh năm, vào mùa mưa cá đưa vào lò sấy để nhanh khô.
Cá cơm được chế biến theo hai cách, luộc qua nước muối rồi phơi khô hoặc cá cơm sống phơi khô ăn liền.
Cá được phơi hơn 6 tiếng là thu hoạch được. Theo các chủ xưởng, cứ 10 kg cá tươi, được 4 kg cá khô thành phẩm.
"Tôi từ An Giang đến đây phơi cá cơm khô để kiếm tiền về quê ăn Tết. Nghề này không đòi hỏi phải có kỹ năng gì, cứ khi nào khỏe thì đi làm. Nếu làm chăm chỉ, hai vợ chồng cũng bỏ túi được 500.000 đồng mỗi ngày", bà Năn Thu, 50 tuổi, nói.
Người thợ chuyển các mẻ cá cơm khô thành phẩm vào kho.
Cá cơm khô xuất bán được tập kết trên xe tải. Theo các chủ lò cá, đầu ra của sản phẩm chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Mỗi ngày một xưởng xuất đi từ 5 tấn cá, với giá khoảng 45.000 đồng/kg.
Phơi cá cơm tươi. Video: Ngọc Thành
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sáng 10/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tới dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại nhà 67, trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn...