Trứng gia cầm tăng giá bất thường: “Đá bóng” trách nhiệm
Báo An ninh Thủ đô đã có bài viết phản ánh về tình trạng trứng gia cầm ào ào tăng giá, nghi án do một số công ty cổ phần chăn nuôi lớn làm giá. Liên quan đến vấn đề này, hôm qua 15-1, một số siêu thị bán lẻ trên địa bàn TP cho biết, đã tạm ngừng nhập trứng của một số nhà cung cấp tăng giá nhiều. Song, sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì chưa thấy đâu.
Giá trứng gia cầm đã tăng nhiều lần trong thời gian qua
Video đang HOT
Trứng bình ổn cũng xin tăng giá
Thời gian qua một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng giá trứng gia cầm tăng bất thường ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh, chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng đến 2.000 – 3.000 đồng/quả. Ngay sau đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (CP).
Tại buổi họp, CP cho rằng, việc tăng giá trứng thời gian qua là bất hợp lý và sẽ sửa sai trong thời gian tới. Theo đại diện CP, chính sách điều chỉnh giá của CP là theo cung cầu thị trường, trong khi đó, thời gian qua nhu cầu tiêu thụ các loại trứng gia cầm trên thị trường tăng mạnh nhân dịp lễ, tết. Do đó, CP đã nhiều lần tăng giá bán. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh kết luận, việc tăng giá của CP là bất hợp lý và yêu cầu điều chỉnh. Ngoài ra, Sở này cũng cam kết với người tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá bán trứng trên thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2013 sẽ ổn định ở mức 2.350 đồng/quả, đồng thời, lượng trứng cung cấp cho người tiêu dùng cũng sẽ được đảm bảo. Nếu thực sự thiếu nguồn cung, Sở này sẽ đề nghị cấp trên cho nhập khẩu để đảm bảo đủ lượng cung cấp cho người tiêu dùng.
Còn tại Hà Nội, giá trứng gia cầm cũng đang tăng mạnh. Chiều 15-1, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc siêu thị Co-opmart Hà Nội cho biết, đơn vị này đã có buổi làm việc với Sở Công Thương và Sở Tài chính Hà Nội về việc tăng giá trứng gia cầm dồn dập của CP với số lượng 4 lần/4 tuần. “Co-opmart Hà Nội đã tạm dừng nhập trứng của CP kể từ ngày 15-1 để đàm phán về giá cũng như sự cho phép tăng giá bán trứng tại Co-opmart Hà Nội. Để đảm bảo trứng cung cấp cho khách hàng, Co-opmart Hà Nội đã ký hợp đồng cung cấp với một số nhà sản xuất khác”, ông Dũng nói. Theo đó, do phía CP tăng giá dồn dập, nên giá bình ổn theo cam kết của Co-opmart đang bị lỗ. Bởi vậy, Co-opmart Hà Nội đã có công văn xin tăng giá bán trứng gia cầm công nghiệp từ 2.200 đồng (giá bình ổn trong siêu thị) lên mức 2.900 đồng/quả. Ông Dũng lý giải, hiện, giá nhập từ phía CP đã ở mức 2.760 đồng/quả, giá ngoài thị trường là 3.100 đồng/quả. Tương tự, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Giám đốc BigC Thăng Long cũng cho biết, BigC Thăng Long cũng chưa phân phối trứng của CP vì đang trong quá trình thương thảo về giá, phía CP thông báo tăng giá nhưng BigC Thăng Long chưa đồng ý, nên hai bên chưa có sự thống nhất.
Án binh bất động
Trong khi các nhà bán lẻ, nhà phân phối đang lúng túng vì CP hiện là nhà cung cấp trứng gia cầm lớn trên cả nước, đặc biệt tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì các cơ quan chức năng tại Hà Nội vẫn chưa có hướng xử lý. Ngành này “đá bóng” sang ngành kia, còn người tiêu dùng vẫn nai lưng gánh chịu sự tăng giá vô lý của nhà sản xuất.
Trao đổi với PV An ninh Thủ đô chiều 15-1, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, việc tăng giá của một số nhà sản xuất trứng gia cầm như CP là tăng từ trong nhà máy chứ không phải tăng “bất thường” trên thị trường, nên việc này phải do phía Sở Tài chính quản lý. Chỉ khi nào họ tăng giá bán bất thường trên thị trường thì lực lượng QLTT mới vào cuộc được. “Nếu Sở Tài chính vào cuộc thanh, kiểm tra thì Sở Công Thương sẽ phối hợp”, ông Đồng cho biết.
Song, trao đổi với Phó Giám đốc Sở Tài chính, bà Lê Thị Loan lại cho rằng, do phía nhà cung cấp CP không tham gia vào bình ổn giá, nên việc quản lý tăng giá trứng trên thị trường Hà Nội là khó. “Đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thì khi họ tăng giá bất kỳ mặt hàng nào thuộc diện bình ổn thì phải báo cáo và được sự cho phép. Còn với doanh nghiệp không tham gia bình ổn như CP hiện nay thì chúng tôi sẽ làm việc với Sở Công Thương để có hướng xử lý khi họ tăng giá bất hợp lý”, bà Loan cho ý kiến. Đề cập đến việc tăng giá trứng bất bình thường của CP, gây nhiễu loạn thị trường hiện nay, bà Loan cho biết, sẽ phối hợp với lực lượng QLTT để kiểm tra, xử lý, cũng không thể bắt doanh nghiệp không tham gia bình ổn giá phải báo cáo Sở, ngành được.
Cùng một sự việc tăng giá trứng bất thường trên hai thị trường lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng hai cách xử lý, vào cuộc của các Sở, ngành lại trái ngược nhau, khó tránh khỏi sự bức xúc trong dư luận. Khi mà, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cam kết người tiêu dùng trên địa bàn TP này sẽ được mua trứng với giá 2.350 đồng/quả từ nay đến Tết Nguyên đán, thì người tiêu dùng Hà Nội phải tự thương lấy mình khi mà giá trứng gà công nghiệp tại các chợ đã lên tới mức 3.000-3.100 đồng/quả.
Theo ANTD
Ráo riết chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết
Mặc dù khá thận trọng trong việc chuẩn bị lượng hàng đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 nhưng thời điểm này, các siêu thị lớn, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng đã có chương trình cụ thể phục vụ khách hàng.
Sẵn sàng đón khách sắm Tết
Bà Nguyễn Thanh Huyền - đại diện truyền thông siêu thị BigC miền Bắc và Trung cho biết, xác định dịp nghỉ Tết Dương lịch kéo dài 4 ngày đồng thời là dịp mua sắm cao điểm nên hệ thống siêu thị này đã chuẩn bị lượng hàng tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dịch vụ như thu ngân, giao hàng miễn phí, dịch vụ ăn uống, trông giữ xe, vệ sinh, an ninh... cũng được tăng cường. Đặc biệt, tại những nơi có dịch vụ xe buýt BigC miễn phí, siêu thị đã bố trí phương án dự phòng để sẵn sàng tăng chuyến, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Siêu thị này cũng áp dụng 4 chương trình khuyến mãi với mức giảm giá từ 5-50% cho hơn 1.300 mặt hàng, tập trung vào nhóm hàng bánh, kẹo, mứt, nước uống, rượu... nhóm thực phẩm khô: lạp xường, chả, nem, xúc xích... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho các gia đình trong ngày nghỉ lễ.
Tại nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, không khí mua sắm, giao nhận hàng chuẩn bị Tết đã bắt đầu nhộn nhịp. Siêu thị của Hapro trên phố Nguyễn Khuyến đã trưng bày nhiều loại giỏ quà tặng dịp Tết khá lịch sự. Tuy nhiên, lượng khách hàng đến mua sắm Tết chưa nhiều. Không khí Tết cũng bao trùm lên hệ thống siêu thị Fivimart, Intimex bởi sắc màu sặc sỡ của hàng Tết. Các loại bánh Tết, trà, cà phê bao gói cầu kỳ kèm theo quà tặng đã được bày lên kệ. Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho biết: "Hầu hết các loại hàng khô phục vụ Tết đã được chuyển về bán tại các siêu thị. Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống, các siêu thị đã ký hợp đồng với nhà cung cấp, gần Tết mới bày bán. Năm nay, các siêu thị chuẩn bị hàng Tết với tâm lý rất thận trọng". Lượng hàng hóa dự trữ Tết Quý Tỵ tăng khoảng 15% so với Tết Nhâm Thìn 2011.
Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, các trung tâm thương mại, siêu thị: Metro, BigC, Co.op mart, Fivimart, Intimex... dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền hàng khoảng 2.300 tỷ đồng. Riêng Tổng công ty Thương mại Hà Nội dự trữ và bán ra thị trường các nhóm hàng phục vụ nhu cầu Tết với tổng giá trị tiền hàng đạt trên 996 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc dự trữ tại các kho trên 3.000 tấn gạo các loại trị giá 560 tỷ đồng Công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm, Công ty TNHH CNTP Vinh Anh, TNHH Minh Hiền, TNHH chăn nuôi Việt Hưng đưa ra thị trường khoảng 1.000 tấn thịt lợn sạch.
Các doanh nghiệp sản xuất, chủ yếu phục vụ trong ngành chế biến thực phẩm và đồ uống cũng chủ động chuẩn bị nguồn hàng. Theo đó, khoảng 10 triệu chai rượu các loại và hơn 50 triệu lít bia Hà Nội sẽ được Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội tung ra thị trường. Tham gia cung ứng trong ngành hàng này còn có Công ty cổ phần vang Thăng Long Liên doanh nhà máy bia Đông Nam Á... Hàng nghìn tấn bánh mứt kẹo sẽ được Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà, Tràng An, Hữu Nghị, Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội phân phối. Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng thiết yếu bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng khác về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trong dịp Tết.
Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, hiện nay, tại các làng nghề, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đã sẵn sàng. Dự kiến, có khoảng 120.000 sản phẩm quần áo hơn 2.000 tấn bánh kẹo trên 100 tấn giò chả 600 tấn miến đỗ xanh 150 tấn và chè khô trên 300 tấn sẽ được các làng nghề truyền thống cung ứng dịp Tết. Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết ước tính trên 140 tỷ đồng. Công tác chuẩn bị gần như đã hoàn tất. UBND thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ dịp Tết của các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo cung ứng hàng đầy đủ, liên tục.
Theo ANTD
Người thu nhập thấp sẽ có Tết đầy đủ Hàng trăm chuyến hàng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2013, bao gồm nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ được các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đưa về vùng nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đem lại một cái Tết đầy đủ, ấm no cho người dân. Các chuyến hàng lưu động góp phần bình ổn thị...