Trung Dũng: ‘Tôi chỉ nói hớ một lần trong đời’
“Người làm xiếc sẽ bị một lần phải té, kẻ múa lửa một lần bị lửa đốt thì diễn viên cũng phải một lần bị scandal này nọ. Tôi đã bị một lần nói “hớ” và đó cũng là lần cuối”, diễn viên “ Dưới cờ đại nghĩa” chia sẻ.
Không chỉ được biết đến là một nghệ sĩ đa tài khi vừa có thể đóng phim, làm MC, ca hát, kinh doanh và là một đầu bếp cừ khôi, Trung Dũng còn nổi tiếng là một trong số hiếm diễn viên luôn biết sống vì cái tôi riêng. Bấy nhiêu đã đủ tạo nên những lát cắt đa diện về chàng diễn viên có vẻ ngoài góc cạnh – Trung Dũng.
- Để giữ được “cái tôi” quá lớn cho riêng mình, anh có phải đánh đổi nhiều thứ?
- Rất nhiều, nhiều lắm luôn. Đánh đổi tình bạn thì chắc chắn không vì tôi ít bạn thân. Tôi thích những người bạn không nhu nhược, không thụ động. Bạn tôi phải là người có cá tính năng động và biết quan tâm đến người khác. Họ có thể xả thân vì mình khi mình gặp nạn. Tôi đã mất nhiều cơ hội, nhiều chén cơm, vai diễn, mối quan hệ vì cái tôi đó. Thậm chí có người từng trách tôi: “Bạn khờ quá, người ta không đụng tới bạn thì bạn đụng họ làm gì? Lẽ ra họ mời bạn show đó nhưng giờ thì bạn mất show!”. Mất thì mất chứ tôi đâu có sợ. Có một đồng, tôi ăn một, có hai tôi ăn hai. Tôi sống giản dị nên cũng không cần gì ghê gớm lắm.
- Liệu anh có dễ dàng chấp nhận từ bỏ cái tôi cá nhân để làm đẹp lòng một ai đó?
- Đúng như người ta nói, khi yêu ai thì mình cũng nên thay đổi để phù hợp với người đó nhưng riêng tôi thì không vì nó liên quan đến vấn đề tự tôn, tự trọng nữa. Có người chửi tôi khùng vì tôi chỉ biết giữ mối quan hệ làm ăn với một người trong số 10 người bên cạnh. Đó là quan niệm của người ta, riêng tôi chỉ cần một người biết chia sẻ khi mình cần là đủ.
- Làm thế chẳng khác nào anh rất tính toán trong việc gìn giữ mối quan hệ xung quanh mình?
- Không phải tính toán mà đó là sự chọn lọc trong tình bạn. Trong tình yêu, khi không còn cảm giác với người này, tôi có thể tìm và yêu người khác nhưng trong tình bạn, tôi phải tìm người sẵn sàng sống chết vì mình.
- Trò chuyện, tôi thấy anh rất mạnh miệng. Vậy anh nghĩ sao khi có người nói Trung Dũng không biết tận dụng khả năng ăn nói mạnh miệng để có nhiều phát ngôn gây sốc chú ý?
- Tôi là thằng khờ nhất trong đám bạn. Tôi khờ không biết nói sốc, vì nói gây sốc không phải là bản tính của tôi. “Sinh nghề, tử nghiệp”, cái gì cũng có tai nạn nghề nghiệp thì mới trưởng thành. Cũng như người làm xiếc sẽ bị một lần phải té, kẻ múa lửa một lần bị lửa đốt thì diễn viên cũng phải một lần bị scandal này nọ. Tôi đã bị một lần nói “hớ” và đó cũng là lần cuối trong đời nên tôi sẽ không nhắc lại nữa.
- Từ khi nào anh biết mình là người sống thẳng?
- Từ nhỏ tôi đã biết mình là người hay nói thẳng. Đến ba mẹ cũng không hiểu tại sao tôi làm được và sống với nghề tới bây giờ vì tính tôi không nhẹ nhàng, không dễ vui vẻ và không biết lấy lòng người khác. Tôi là vậy, nhưng bù lại tôi nỗ lực hết khả năng và biết cố gắng dù khó đến mức nào.
- Người sống thẳng thường nói thật, nhưng anh được khen là người khôn khéo nên người ta vẫn có thể hoài nghi anh sẽ nói dối trong một lúc nào đó. Anh nghĩ sao?
- Ai nói tôi khôn khéo là họ chưa hiểu tôi. Nếu biết coi tướng, họ sẽ không nghĩ tôi xảo trá đâu. Chưa có người lớn tuổi nào nhìn mặt bảo tôi xạo. Có thể nhìn mặt tôi dữ nhưng tôi cười hiền, cương trực nên chơi với tôi yên tâm. Tôi chưa bao giờ phát ngôn hay làm gì xạo với ai. Tôi có bao giờ lên báo nói đi làm từ thiện đâu. Điều quan trọng vẫn là từ thiện trong ngôi nhà riêng, làm tốt với ba mẹ. Còn tuyên bố gây sốc, hình ảnh của tôi được công chúng biết đên bao năm qua đã là quá rồi, còn gì gây sốc nữa.
- Thế anh nghĩ mình đã nổi tiếng ở mức nào rồi?
- Sự nổi tiếng không có giới hạn. Nổi tiếng là khi nào cả thế giới đều biết. Hiện tại mình đang sống ở đất nước không lớn, sự nổi tiếng liệu có mấy người biết.
- Nhiều người đo mức độ nổi tiếng bằng số lần tên mình xuất hiện trên google. Anh thì sao?
- Các fans của tôi chủ yếu là người lớn tuổi nên họ sẽ không thường xuyên lên mạng đâu. Họ tuyệt vời và tôi rất trân trọng họ. Bản thân tôi dở về Internet lắm. Tôi không có trang mạng xã hội, không có trang web cá nhân. Tôi chỉ lên mạng để trả lời e-mail, đọc vài bài báo hay rồi thôi.
- Hiện tại anh đang tham gia phim nào?
- Hạnh phúc mong chờ. Đây là bộ phim truyền hình dựa theo tác phẩm văn học cùng tên được mua bản quyền bên Trung Quốc. Cái hay của Hạnh phúc mong chờ là phản ánh mối quan hệ đời sống gia đình y chang Việt Nam. Tôi tin phim sẽ lấy nước mắt khán giả về tình mẫu tử. Có lẽ đây là phim làm tôi tốn nước mắt nhiều nhất. Tôi dễ khóc trên phim nhưng ngoài đời thì không, kể cả tình yêu.
- Phim dựa theo tác phẩm văn học Trung Quốc nhưng phim hơi mang mùi ướt át rất Hàn Quốc. Vậy mà trước đây anh bảo mình rất ghét dòng phim thần tượng Hàn Quốc?
- Không phải ghét mà là tôi không thích xem. Không xem vì tôi không thích cách diễn của họ chứ bản thân họ diễn rất tốt.
- Việc anh không sở hữu ngoại hình không Hàn Quốc có phải là một lý do?
Video đang HOT
- Vậy là anh lầm to. Tôi biết mình không đẹp nhưng tôi tự tin vào ngoại hình của mình. Tôi nghĩ mình có nét đẹp mà người khác không có. Đó là nụ cười duyên, khuôn mặt chữ điền và đôi lông mày rậm. Tôi tự tin rằng đến 45 tuổi mình vẫn có thể đóng vai “kép” ngon lành.
- Và anh luôn tự tin để không cần một lần nghĩ tới hai từ “dao kéo”?
- Về diễn viên Hàn Quốc, tôi không phủ nhận chuyện họ đẹp nhưng những nét đẹp đó hơi giả. Riêng tôi, cha mẹ sinh sao tôi để vậy.
- Trông anh rất nam tính, vậy anh có chút nào lãng mạn?
- Con người tôi lạ lùng lắm, nhìn bặm trợn, thô kệch thế này nhưng bên trong mềm mỏng. Trong tình yêu, tôi thích có cuộc tình có nhiều sóng gió hơn. Tôi biết cách chinh phục người mình yêu bằng những món ăn do chính tay mình nấu. Nhìn tôi vậy nên chẳng mấy ai tin tôi rất sành trong chuyện bếp núc. Tôi nghĩ mình nấu ăn ngon như chính khả năng diễn xuất riêng vậy. Nói chung, sở trường vẫn là nấu ăn.
- Giỏi chuyện bếp núc nên chẳng mấy khi anh bị bỏ đói?
- Tôi ít khi ăn cơm đoàn phim. Vì sức khỏe, không tin tưởng thực phẩm, và đoàn phim hay bị trúng độc nên tôi ít khi ăn cơm của đoàn.
Thời sinh viên tôi cũng từng ăn cơm bụi, nhưng kể từ khi mua nhà vào năm 2000 và có bếp nấu ăn, tôi đã từ giã luôn. Tôi không kén ăn, cái gì tôi ăn cũng được nhưng phải sạch. Riêng cá biển, gà công nghiệp thì tôi không ăn. Tôi chỉ ăn cá đồng thôi. Tôi chỉ ăn cá biển với điều kiện tôi phải ra tận biển và thấy nó còn sống trước khi bị làm thịt. Tôi kỹ tính lắm, có thể tôi sẽ chết nhưng tôi không muốn chết vì đồ ăn không đảm bảo. Tôi quý cơ bụng, quý cái bụng. Nó không có tội tình gì.
- Anh có dễ ăn những món ăn do người khác nấu?
- Cũng tùy khẩu vị. Có lần ra quán kêu món ăn nhưng tôi trả tiền ngay khi họ mang thức ăn ra vì tôi không ăn nổi. Nếu ăn một món quá tệ, thà về ăn mỳ gói sẽ tốt hơn. Không phải là tôi đang sỉ nhục họ mà do tôi không thể cho làm tổn hại sức khỏe mình. Để có cơ bụng, giữ dáng người ở tuổi này không dễ. Tiền, đồng ý tôi cũng tiếc nhưng thà về nhà ăn cho lành.
- Nhiều người bảo đàn ông giỏi chuyện bếp núc thường ít nam tính!
- Hoàn toàn sai bét, vậy đàn ông phương Tây không nam tính à? Sự nam tính không thể hiện chỗ mạnh bạo bên ngoài. Nam tính là biết chịu trách nhiệm và đương đầu với tất cả, chịu phần lỗi về mình chứ không phải phủi bỏ sai lầm. Ai nói mình nam tính hay nữ tính tôi không quan tâm. Tôi chỉ quan tâm họ có tốt hay không thôi. Sự nam tính thể hiện bên trong trái tim, nhiều người nhìn yếu đuối nhưng họ thực sự mạnh mẽ lúc gặp sóng gió. Có người nhìn rất đàn ông nhưng lại ích kỷ, nhỏ nhen thì có nên gọi là đàn ông không?
- Chắc do lúc nhỏ anh bị ép nấu cơm sớm nên mới giỏi chuyện bếp núc?
- Không phải ép mà vì thích nấu cơm, thích nuôi trâu bò, heo gà. Năm 7 tuổi tôi đã biết đỡ đẻ cho heo. Do con heo mẹ đã không tự đẻ được trong khi mẹ tôi lại vắng nhà nên tôi và bố phải lo cho heo sinh đẻ. Hôm đó do tay của ba lớn quá nên tôi phải trực tiếp đưa tay mình vào bụng heo mẹ để móc con heo ra. Tôi đã tự tay cắt rốn, bồng bế cho nó bú sữa nữa. Chúng như những người bạn thân thiết với tôi lúc bé.
- Anh vượt qua phiền muộn trong cuộc sống bằng cách nào?
- Chả có gì cần phải vượt qua vì những thứ xảy ra trong một ngày với tôi rất nhẹ nhàng. Trừ bản tính nóng tính, đôi khi không kiềm chế được sự nóng tính của mình, còn lại tôi luôn biết cách kiềm chế trong công việc. Nếu mệt mỏi, tôi xả stress bằng cách tập thể hình, tập yoga hoặc ngủ miệt mài chẳng hạn.
- Thế còn nhậu thì sao, nhậu cũng là thú vui của anh chứ?
- Tôi nhậu rất giỏi. Hiện tại tôi chưa có đối thủ trong nghề về khả năng nhậu.
- Anh có hay ngồi một mình tự nhậu?
- Có chứ, tôi tự nhậu ở nhà. Đôi khi tôi ngồi nhậu một mình và uống hết một chai rượu vang.
- Đó có phải là một trong những cách anh đang hưởng thụ cuộc sống?
- Đó là cách đơn giản nhất của tôi. Tôi hưởng thụ cuộc sống theo cách an phận nhất. Tôi cũng thích xe hơi, thích biệt thự, nhưng sức tôi tới đó nên tôi biết chấp nhận để sống thảnh thơi. Nói chung tôi cảm ơn cuộc sống này.
- Anh mắc nợ cuộc sống nhiều nhất về vấn đề gì?
- Nợ tình thì có nhưng nợ tiền thì không. Hiện tại tôi vẫn còn nợ tình một người mà chưa có câu xin lỗi.
- Nếu cuộc đời anh là một bộ phim, anh muốn bộ phim này kết thúc bằng một cảnh bi kịch ý nghĩa đầy cảm động và khán giả sẽ phải khóc hay chỉ là một màn hài kịch ý nghĩa nhưng không kém sự vui nhộn?
- Tôi muốn một kết thúc cũng không phải vui vẻ, cũng không phải buồn. Tôi muốn cảnh cuối cùng đó là lúc đó mình ở phim trường và tôi được khóc vì vai diễn mà tôi đang đóng vai chính. Nói chung, cảnh bi cũng có cái hay vì người xem khóc rồi họ lại cười. Tôi thích sự sâu lắng, nhẹ lòng và tâm hồn tỉnh táo. Nói chung đó là cảnh giọt lệ rơi ra nhẹ nhàng nhưng thoải mái.
Theo Vietnamnet
Trung Dũng: 'Khi yêu, tôi sẵn sàng làm tất cả'
Nam diễn viên "Huyền sử thiên đô" khẳng định anh không đòi vợ mình phải biết tề gia nội trợ, nhưng phải thông minh và hiền.
Hàng chục năm theo nghề diễn, có trên dưới 50 vai các loại trên màn ảnh, Trung Dũng vẫn chưa khiến người xem nhớ nhiều cho tới khi xuất hiện với vai trò MC trên truyền hình. Sau 5 năm gắn bó với nghề MC, vừa chia tay, anh bỗng dưng "sáng" hơn trong mắt người xem với vai Thái tử Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh trong bộ phim truyền hình Huyền sử thiên đô (70 tập, kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Tất Bình - Phạm Thanh Phong). Đồng thời, anh đã nhận được vô số lời mời từ các dự án phim.
Với đạo diễn giỏi, giá nào tôi cũng nhận lời
- Hình như Trung Dũng đang rất "hối hả" với những lời mời sau khi kết thúc hợp đồng làm MC truyền hình?
- Sau 5 năm bận rộn khi phải có mặt ở trường quay mỗi ngày, tôi định nghỉ xả hơi một thời gian. Nhưng tôi không thể từ chối những lời mời thân tình. Đây cũng là thời điểm tôi phải tính toán cho những đề án kinh doanh riêng. Hiện tôi đang quay những đoạn cuối để bộ phim Nỗi đau hạnh phúc (30 tập) kịp lên sóng vào tháng 9.
Nhân vật tôi đảm nhận là một bác sĩ tim mạch bị rơi vào vòng xoáy của tình yêu tay ba. Anh ta cùng lúc được hai nữ đồng nghiệp yêu. Một cô là con vị giám đốc bệnh viện, người anh ta hàm ơn vì giúp anh đi du học. Còn cô kia là "tiếng sét" thực sự. Trái ngang ở chỗ, hai cô lại là bạn thân. Vai này hơi "nhẹ đô" so với sức diễn của tôi, nhưng tôi nhận lời vì là một vai lạ.
Ở ngoài đời cũng như trong phim, tôi chưa từng trải qua trường hợp mối tình tay ba. Vai diễn tôi thực sự đang chờ là vai một nhà sản xuất phim trong bộ phim mới của đạo diễn Võ Tấn Bình, sẽ bấm máy trong nay mai.
- Anh từng cộng tác với nhiều đạo diễn từ Nam ra Bắc, nhưng đạo diễn nào đặt dấu ấn riêng trong sự nghiệp của anh?
- Đó là Quang Đại, Nguyễn Tường Phương - Lê Phương Nam và Võ Tấn Bình. Tôi "lăn lộn" ở trường quay với vai quần chúng và các vai "hụ hợ" trong nhiều năm. Nhưng khi được làm việc với đạo diễn Quang Đại trong phim Đất trắng (hãng TFS năm 2000), tôi mới có cảm giác thật sự bước vào nghiệp diễn.
Lúc đó, tôi như một tờ giấy trắng và anh Quang Đại là người "khai bút". Trong Đất trắng, không những lần đầu tiên tôi được giao vai chính - vai đại đội trưởng du kích Năm Lợi - mà còn được vinh dự đóng cặp với một đàn chị đã thành danh là diễn viên Ngọc Hiệp.
Khi đóng vai David Paul, cận vệ của Bảo Đại (phim Ngọn nến hoàn cung), đạo diễn Quốc Hưng là người phát hiện thế mạnh của tôi nằm ở đôi mắt. Trong bữa ăn trưa ở trường quay, anh nói rằng tôi có cặp mắt rất có thần, tại sao không phát huy. Nghiệm ra, tôi thấy có phần đúng, có lẽ vì ánh mắt ấy mà những vai tôi được mời toàn những vai có số phận, đặc biệt là Mười Trí trong phim Dưới cờ đại nghĩa.
Trong hai năm hóa thân vào vai Mười Trí, tôi học được ở đại diễn Tường Phương và Phương Nam bản lĩnh làm chủ tâm lý nhân vật và kỹ năng học thoại. Ở phim này, thoại rất "dữ", nếu tôi không biết cách, khó "nuốt" trôi. Nhờ kinh nghiệm có được từ Dưới cờ đại nghĩa, tôi đã vượt qua vai Lê Long Đĩnh trong Huyền sử thiên đô tương đối nhẹ nhàng.
Còn đạo diễn Võ Bình là người thường giao cho tôi vai khó, một phần do anh hiểu sức diễn của tôi, phần khác, anh cũng muốn tạo điều kiện và muốn thấy tôi ngày càng tiến bộ.
- Anh nói nhờ đạo diễn Quốc Hưng, anh đã phát hiện sức mạnh trong đôi mắt. Theo anh, sức mạnh ấy anh đã thể hiện hiệu quả nhất trong vai nào?
- Khi diễn vai Mười Trí, tôi đã vận dụng lợi thế ở đôi mắt, nhưng ông là nhân vật nghĩa khí, không gian tà, xảo quyệt nên ánh mắt chỉ thể hiện một chiều, đó là tính cương nghị. Và đến vai Lê Long Đĩnh, tôi mới có cơ hội phát huy, bởi đây là nhân vật đa tính cách. Qua những lời bình luận trên mạng, tôi hiểu mình đã vận dụng đôi mắt thành công.
- Có đạo diễn nào khiến anh "thử một lần thấy... không được"?
- Lúc trước, tôi thường đóng phim cho TFS, ở đây đa phần là những người có nghề, làm việc kỹ lưỡng. Bây giờ, ai cũng sản xuất phim được nên vàng thau lẫn lộn. Vài người trẻ có tâm huyết nhưng lại bị chi phối bởi nhà sản xuất. Không ít đạo diễn khi nhận phim, bấm máy cho có, chạy cho nhanh để làm phim khác.
Đôi khi tôi cũng phải nhận những vai không thích lắm, nhưng là cách để dành tiền làm phim mình thích vì phim tôi thích thường là vất vả, lại thu nhập thấp. Nhiều đạo diễn tôi không dám cộng tác, vì sợ phim mình đóng sẽ là "thảm họa phim Việt". Nhưng tôi tin, cái gì bùng phát nhanh sẽ tàn nhanh. Chỉ những tài năng thực sự mới trụ được.
- Có lẽ bây giờ anh đã có danh nên anh mới mạnh miệng như vậy. Hẳn anh từng từ chối nhiều lời mời?
- Tôi thường từ chối khi phim không hay, cát-xê thấp. Khi cát-xê cao mà vai không hay, có thể tôi sẽ suy nghĩ thêm. Còn với một đạo diễn giỏi, giá nào tôi cũng làm. Chẳng hạn như vai Lê Long Đĩnh trong Huyền sử thiên đô, tôi phải bỏ hết các show ở TP.HCM để ra Hà Nội đóng phim ròng rã trong 9 tháng. Ngày trước, tôi chạy một lúc 3-5 phim đề vừa kiếm tiền, vừa học nghề. Bây giờ, tôi ưu tiên chọn phim nào thỏa mãn được ước mơ.
Tôi tự tin chứ không ngạo mạn
- Xuất thân từ một gia đình kinh tế khá giả ở Vĩnh Long, sẵn có điều kiện để kiếm tiền dễ dàng hơn. Vì sao anh lại di theo nghề diễn?
- Mục đích lên TP.HCM của tôi là theo học ngành du lịch để về phát triển công việc kinh doanh của gia đình. Nhưng sau vài lần tình cờ theo bạn tham gia một vài vai quần chúng, tôi đâm ra mê phim nên vào trường Sân khấu Điện ảnh.
Thời điểm tôi ra trường, điện ảnh nhìn chung đang đi xuống. Chỉ những nghệ sĩ đã thành danh mới mong có vai diễn, còn lớp trẻ như tôi trước mắt là con đường mù tịt. Vì không có việc, hầu hết bạn bè cùng lớp tôi đều bỏ nghề. Trong bối cảnh đó, tôi làm sao có thể nghĩ tới chuyện đóng phim để có tiền bạc hay danh lợi?
Khi ấy, tôi như người bị mộng du, cứ chờ đợi. Dù trời nắng rát hay mưa bão, tôi vẫn đứng ngoài nhìn người ta diễn mà thèm muốn, ước ao. Tôi có niềm tin "sắt đá" là một người được học qua trường lớp, đam mê như tôi chắc chắc sẽ có ngày được đứng trước máy quay. Tôi đi từ vai quần chúng không tên, rồi có tên một cách nhọc nhằn, vừa đi vừa hồi hộp tự hỏi, không biết mình đóng vai này, vai kia đã được, tốt chưa. Đến khi hoàn thành vai Mười Trí trong phim Dưới cờ đại nghĩa, tôi mới tạm yên tâm.
- Mười Trí là vai diễn nổi trội nhất của anh so với những vai trước. Nhưng về mặt tiếng tăm, nhất là qua dư luận, báo chí, anh vẫn chưa thể sánh ngang với một vài bạn diễn khác trong phim?
- Tôi đến với vai Mười Trí bằng ký ức và tình thương dành cho ba tôi, một sĩ quan chỉ huy cấp quân đoàn, một đồng đội cùng thời với nhân vật Mười Trí. Khi xem nhân vật trên phim, ba tôi đã khóc. Những buổi giao lưu của đoàn phim ở miền Tây, tôi đã có cảm giác ấm áp trong sự chào đón và khen ngợi của bà con, bộ đội. Còn gia đình bác sĩ Trong, con gái của bác Mười Trí ngoài đời, sau khi xem phim xong cũng bày tỏ sự xúc động và dành cho tôi một tình cảm sâu đậm. Nếu ai đó muốn làm một sự so sánh với các vai diễn trong Dưới cờ đại nghĩa, tôi không dám bàn bởi sự phán xét, tốt hay xấu lại hoàn toàn tùy thuộc vào lăng kính từng người. Với tôi, được diễn vai Mười Trí là hạnh phúc.
- Khán giả sân khấu từng gặp anh lần đầu tiên với vai công an trong vở "Chuyện của Diễm" (2005), bây giờ là Hà Văn Tân trong "Người điên trong ngôi nhà cổ" trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Nhưng xem ra, trên sân khấu, cái tên Trung Dũng đến với khán giả cũng nhọc nhằn không kém màn ảnh?
- Tôi tự biết những nhược điểm riêng. Khi lần đầu đến với sân khấu, tôi chẳng khác gì như con chim non, diễn ngu ngơ, cứng ngắc, tay chân thừa thải... Nhưng tôi vẫn cố gắng bám sân khấu để được rèn nghề. Sự kiên trì, hiếu học của tôi phần nào được đến bù khi người xem chấp nhận trong những vở kịch sau. Tôi đã cảm thấy tự tin, làm chủ được cảm xúc như vai Dũng trong Người đàn ông của trời, Hà Văn Tân trong Người điên trong ngôi nhà cổ... Mỗi lần diễn xong vai Hà Văn Tân, tôi bần thần, cứ nghĩ tới là chảy nước mắt, rất lâu mới lấy lại trạng thái bình thường. Tôi nghĩ, nếu mình tha thiết với nhân vật thì người xem cũng cảm nhận được.
- Không ít người cho rằng anh kiêu căng, ngạo mạn. Nghĩ vậy có oan cho anh không?
- Tôi đã nghe rất nhiều, có lẽ một phần do tính tôi nóng nảy, phần khác, tôi đòi hỏi cao trong công việc. Tôi coi nghề diễn là "đạo", say đắm, hết mình với nó nên không chịu được thái độ đến với phim chỉ để mưu cầu danh lợi, đi trễ, làm việc tắc trách, không thuộc lời thoại... Tôi thà ở nhà chứ không chấp nhận một phim trường nhếch nhác.
Mặc khác, tôi là người rất tự tin vào bản thân. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bộ đội, từ nhỏ, tôi đã được ba má rèn luyện cách sống tự lập, kỷ luật. Tôi nghĩ, trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng sống được. Nếu "thế giới điên đảo", không có công việc phù hợp, cùng đường phải đi ở đợ cho người ta, làm những công việc như nấu nướng, giữ em bé, chăm sóc chó mèo, cây cảnh... tôi đều làm được.
- Anh nghĩ từ đâu một diễn viên như anh lại có đam mê "khác lạ" như vậy?
- Gia đình tôi có truyền thống đàn ông làm bếp, từ ba tôi cho đến các anh. Tết năm nào cũng vậy, má và các anh chị lo phần đi chợ, còn việc chế biến các món ăn là do tôi và phe nam trong nhà phụ trách.
Trước đây, tôi đã thi đậu vào trường Du lịch, định bỏ tiền sang Ý học nghề bếp chuyên nghiệp. Nhưng cùng lúc, tôi thi đậu vào trường Sân khấu Điện ảnh nên không đi nữa. Trong thời gian học diễn viên, tôi đi làm thêm công việc bồi bàn, tiện thể tôi trang bị luôn nghề bartender. Tôi thích môn ẩm thực và thường để tâm nghiên cứu. Khi đi làm phim Huyền sử thiên đô ở Hà Nội, lần đầu tiên được ăn món bún sấu nấu sườn nhưng thấy chưa vừa miệng, tôi về nhà nấu lại theo cách riêng, mời bạn bè tới thưởng thức, ai cũng khen ngon.
- Quá rành chuyện bếp núc, chắc một trong những tiêu chuẩn người phụ nữ anh chọn phải là tề gia nội trợ?
- Nhiều người nói tôi khó tính, sao có cô nào dám yêu. Họ đã lầm. Tôi có một nguyên tắc, đã yêu thì sẵn sàng làm cho tất cả. Nhưng nếu vợ thật sự yêu mình, trước sau gì họ cũng học để nấu cho chồng. Không biết thì tôi sẽ dạy. Tôi không quá quan trọng chuyện tề gia nội trợ, nhưng vợ tôi cũng phải có điểm mạnh nào đó, chẳng hạn như giỏi công việc xã hội và nhất là phải biết cách ứng xử khi gia nhập vào đại gia đình của tôi. Tôi không quan tâm tới nhan sắc, nhưng dứt khoát phải thông minh và hiền. Biết chồng thuộc mạng "hỏa" thì đừng có cãi tay đôi. Tôi giống như ngựa chứng, ai cầm cương được sẽ sử dụng hết công suất của tôi.
- Anh đi hát cũng hơn 10 năm, phát hành một album là "Ngày em đi", gần đây, phòng trà Tiếng xưa đã dành cho anh một chương trình mini liveshow. Với nghề hát, anh cũng có tham vọng?
- Người ta nói tôi có chất giọng ấm, phù hợp với loại nhạc pop balad. Tôi từng vào đến vòng bán kết cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 1996, được cô giáo dạy thanh nhạc giới thiệu nhiều chỗ cho hát, vừa được trả tiền, vừa thỏa mãn sự yêu thích.
Khi làm MC, tôi có điều kiện thực hiện một album, thể hiện những bản nhạc yêu thích và có tham vọng khuếch trương tên tuổi, nếu được, tôi sẵn đà làm ca sĩ luôn. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi ngộ ra rằng, mỗi người chỉ có thể thành công ở một lĩnh vực. Một ca sĩ muốn nổi tiếng, sau lưng họ là cả một lực lượng hỗ trợ, một mình không làm được.
Tôi nhận thấy công việc đóng phim phù hợp với mình nhất. Tuy không giàu có bằng nghề hát, nhưng cũng không thiếu thốn mà cuộc sống lại thoải mái, không cần đầu tư lớn, giành giật, bon chen. Tôi bây giờ không hát ở quan bar, phòng trà như trước, chỉ hát trong các sự kiện được mời làm MC. Đó là cách để giao lưu với khán giả.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Khi nghệ sĩ đá bóng Cùng xem những gương mặt quen thuộc của giới showbiz trổ tài đá banh trong một giải đấu cực kì ý nghĩa nhé! Tạm gác những dự án nghệ thuật trên sân khấu và khoác lên mình những bộ trang phục thể thao Nike, một số sao nam nổi tiếng như Quí Bình, Chí Bảo, Quyền Linh... sẽ tung hoành trên sân cỏ...